Anne đã có mùa hè “dễ chịu” và toàn tâm tận hưởng nó. Con bé cùng Diana gần như chỉ sống ngoài trời, tận hưởng tất cả niềm vui mà đường Tình Nhân, Bong Bóng Của Nữ Thần Rừng, hồ Liễu và đảo Victoria đem lại. Bà Marilla không phản đối kiểu lêu lổng của Anne. Một chiều đầu hè, vị bác sĩ Spencervale, người đã tới vào đêm Minnie May bị bệnh đã gặp Anne tại nhà một bệnh nhân, quan sát con bé bằng ánh mắt sắc sảo, chép miệng, lắc đầu và nhờ người nhắn tin cho bà Marilla Cuthbert. Đó là: “Hãy giữ cô bé tóc đỏ của bà ở chỗ không khí trong lành cả mùa hè, đừng để nó đọc sách nữa cho đến khi mỗi bước chân đều tràn trề sinh lực.”
Mẩu tin này làm bà Marilla sợ chết khiếp. Bà như đọc được trong đó lời đảm bảo Anne sẽ chết vì viêm phối nếu bà không tuân theo chỉ dẫn từng ly từng tí. Kết quả là Anne đã có một mùa hè quý báu của cuộc đời, tự do và vui vẻ hết mức. Con bé đi dạo, chèo thuyền, hái quả, mơ mộng thỏa thích; và khi tháng Chín đến mắt con bé lại sáng lấp lánh, lanh lợi, với bước chân sẽ làm hài lòng bác sĩ Spencervale cùng một trái tim lại một lần nữa tràn đầy tham vọng và say mê.
“Con cảm thấy thích học với cả tinh thần và sức lực của mình,” con bé tuyên bố khi đem đống sách từ gác xép xuống. “Ôi, đám bạn cũ này, thật mừng khi lại thấy những gương mặt thân thuộc của tụi bay – à, cả mi nữa, hình học. Con đã có một mùa hè đẹp tuyệt, bác Marilla, và bây giò con vui mừng như một người mạnh khỏe tham gia chạy đua, như ông Allan đã nói hôm Chủ nhật tuần trước. Chẳng phải ông Allan thuyết giảng rất tuyệt vời sao? Bà Lynde nói ông ấy tiến bộ từng ngày và điều đầu tiên chúng ta biết là một nhà thờ nào đó trên thành phố sẽ nẫng mất ông ấy, rồi chúng ta sẽ bị bỏ lại, phải tìm kiếm và đụng trúng một ông giảng đạo nhạt nhẽo khác. Nhưng con không thấy lo lắng giữa chừng vậy thì có ích gì, phải không, bác Marilla? Con nghĩ tốt hơn hết cứ tận hưởng ông Allan khi chúng ta còn có ông ấy. Nếu là đàn ông chắc con sẽ làm mục sư. Họ có thể gây được ảnh hưởng tốt lên người khác, nếu thần học của họ vững vàng; và hẳn phải rất đáng rùng mình khi thuyết giảng rất hay và khuấy động trái tim người nghe. Tại sao phụ nữ không thể làm mục sư, bác Marilla? Con hỏi bà Lynde chuyện đó khiến bà ấy bị sốc và nói rằng như thế là phỉ báng. Bà ấy nói có thể ở Mỹ có nữ mục sư và bà tin là có thật, nhưng ơn trời ở Canada chúng ta chưa đi đến bước đó và bà ấy hy vọng là sẽ không bao giờ. Nhưng con không hiểu tại sao. Con nghĩ phụ nữ có thể thành những mục sư tuyệt vời. Mỗi khi có hội họp hay tiệc trà nhà thờ hay bất cứ hoạt động gì để quyên góp tiền, phụ nữ lại phải gánh vác. Con chắc chắn bà Lynde có thể cầu nguyện tốt y như Giám thị Bell và rõ ràng chỉ cần luyện tập một chút là bà ấy có thể thuyết giảng được.”
“Ừ, ta tin bà ấy có thể,” bà Marilla nói khô khan. “Bà ấy cũng thuyết giáo không chính thức nhiều rồi mà. Không ai ở Avonlea có cơ hội phạm sai lầm nếu được Rachel giám sát.”
“Bác Marilla,” Anne buột miệng tâm sự. “Con muốn kể cho bác nghe một chuyện và hỏi ý kiến bác. Nó làm con lo lắng khủng khiếp… vào các chiều Chủ nhật, nghĩa là lúc con đặc biệt suy nghĩ về những vấn đề như vậy. Con thật sự muốn trở nên ngoan ngoãn; khi ở bên bác, cô Allan hay cô Stacy con mong muốn điều đó hơn bao giờ hết và muốn được làm những điều khiến các bác vui lòng, làm những việc mà các bác tán thành. Nhưng cứ khi nào ở với bà Lynde là con lại cảm thấy mình hư đến mức vô phương cứu chữa và cứ như thể muốn đi làm chính những điều bà ấy bảo con không được làm. Con cảm thấy bị cám dỗ không cưỡng được phải làm chuyện đó. Vậy, bác nghĩ đâu là lý do khiến con có cảm giác đó ạ? Bác có nghĩ là vì con thật sự xấu và không cải tạo nổi không?”
Trong một thoáng trông bà Marilla có vẻ mơ hồ.Rồi bà bật cười.
“Nếu con mà là người như thế thì ta cũng chẳng khác gì, Anne ạ, vì Rachel cũng thường có ảnh hưởng tương tự đối với ta. Đôi khi ta nghĩ bà ấy sẽ có ảnh hưởng tốt hơn, theo cách nói của con đó, nếu bà ấy không luôn miệng cằn nhằn người ta phải cư xử cho đúng. Lẽ ra phải có một lời răn đặc biệt chống lại chuyện cằn nhằn. Nhưng thôi, ta không nên nói vậy. Rachel là một con chiên ngoan đạo và bà ấy chỉ có ý tốt thôi. Ở Avonlea chẳng có ai tử tế hơn đâu mà bà ấy cũng chưa từng né tránh phần việc của mình.”
“Con rất mừng vì bác cũng có cảm giác tương tự,” Anne nói vẻ kiên quyết. “Nó khích lệ con rất nhiều. Sau này con sẽ không lo lắng thái quá về chuyện đó nữa. Nhưng con dám chắc sẽ có những thứ khác làm con lo lắng. Chúng lúc nào cũng giữ được sự mới mẻ – những thứ làm bác rối trí, bác biết đó. Bác giải quyết xong một câu hỏi và ngay sau đó lại nảy ra một câu hỏi khác. Có quá nhiều thứ để suy ngẫm, để quyết định khi ta bắt đầu trưởng thành. Lúc nào con cũng phải bù đầu suy đi nghĩ lại và quyết định điều gì là đúng. Trưởng thành chẳng phải vấn đề quan trọng sao, bác Marilla? Nhưng khi có những người bạn tốt như bác, bác Matthew, cô Allan và cô Stacy thì con phải trưởng thành một cách hiệu quả, và con chắc chắn sẽ chỉ là lỗi của con nếu con không được như vậy. Con cảm thấy đó là trách nhiệm to lớn vì con chỉ có duy nhất một cơ hội. Nếu không trưởng thành một cách đúng đắn, con sẽ không thể quay về làm lại từ đầu. Hè này con cao thêm hai phân rồi, bác Marilla. Ông Gillis đã đo cho con ở bữa tiệc của Ruby. Con rất mừng vì bác may váy mới của con dài hơn. Cái màu xanh đậm đẹp vô cùng và bác thật dễ thương khi may thêm đường viền ren. Dĩ nhiên con biết nó không thật sự cần thiết nhưng thu này viền ren đang rất mốt và chiếc váy nào của Josie Pye cũng có viền ren. Con biết con có thể học tốt hơn nhờ cái váy của mình. Con sẽ ghi sâu cảm giác dễ chịu về đường viền ren đó trong tâm trí.”
“Được vậy thì nó cũng đáng,” bà Marilla thừa nhận.
Cô Stacy trở lại trường Avonlea và thấy tất cả học trò của mình lại đều háo hức học tập. Đặc biệt cả lớp Queen đều sẵn sàng lao vào cuộc chiến mà dù tận cuối năm học tới mới diễn ra nhưng giờ đã lờ mờ ngả bóng lên con đường của chúng rồi dần hiện lên thành vấn đề quyết định mang tên “thi tuyển”, để rồi mỗi lần nghĩ về nó, từng cá nhân và tất cả mọi người đều cảm thấy tim mình chùng xuống. Lỡ mình không đậu! Suy nghĩ đó ám ảnh Anne suốt mùa đông, kể cả những chiều Chủ nhật, gần như ám ảnh đến cả những vấn đề tinh thần và tâm linh. Khi gặp ác mộng, Anne thấy mình đau khổ nhìn chằm chằm danh sách thí sinh thi đỗ, nơi tên của Gilbert Blythe được tuyên dương trên đầu còn tên nó không hề xuất hiện.
Nhưng đó là một mùa đông vui vẻ, bận rộn, qua mau.Việc học hành vẫn thú vị và cuộc ganh đua trong lớp vẫn thu hút như ngày xưa.Những thế giới mới của suy nghĩ, cảm xúc, tham vọng và những miền kiến thức mới mẻ hấp dẫn chưa được khai phá dường như đang mở ra trước đôi mắt háo hức của Anne.
Đồi trải sau đồi và núi mọc sau núi.
Hầu hết những điều này có được là nhờ sự hướng dẫn khéo léo, cẩn thận và khoáng đạt của cô Stacy. Cô dẫn dắt cả lớp tự tư duy, tự tìm tòi khám phá và khuyến khích chúng tách khỏi những lối mòn cũ rích với một mức độ khiến bà Lynde và các ủy viên nhà trường, vốn quen nhìn mọi sự đối mới những phương pháp quy chuẩn bằng con mắt nghi ngờ, phải choáng váng.
Ngoài việc học, Anne mở rộng các mối quan hệ xã hội, vì bà Marilla, canh cánh lời quả quyết của bác sĩ Spencerville, không còn ngăn cấm các buổi vui chơi đặc biệt nữa. Câu lạc bộ hùng biện hoạt động sôi nổi và tổ chức vài buổi hòa nhạc; có một hai bữa tiệc gần như chỉ đề cập đến những vấn đề trong giai đoạn trưởng thành, có rất nhiều buổi đi xe trượt và trượt băng vui nhộn.
Trong lúc đó Anne ngày một lớn hơn, nhanh đến nỗi một hôm, khi hai bác cháu đứng cạnh nhau, bà Marilla sửng sốt nhận ra con bé đã cao hơn bà.
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
“Ôi, Anne, con đã lớn thế này rồi!,” bà nói với giọng gần như không tin nổi. Theo sau câu nói là một tiếng thở dài. Bà Marilla cảm thấy một sự nuối tiếc kỳ lạ về chiều cao của Anne. Đứa trẻ mà bà học cách yêu thương đã tan biến theo cách nào đó và giờ đây ở vị trí của nó là một cô gái mười lăm tuổi cao ráo, với đôi mắt kiên nghị, đôi lông mày trầm ngâm và cái đầu luôn ngẩng lên kiêu hãnh. Bà Marilla yêu thương cô thiếu nữ cũng nhiều như bà yêu thương đứa trẻ, nhưng bà ý thức được một cảm giác mất mát u sầu kỳ lạ.Tối đó, khi Anne dự lễ cầu nguyện với Diana, bà Marilla ngồi một mình trong ánh chạng vạng mùa đông và cho phép mình yếu đuối đến bật khóc. Ông Matthew, đang xách đèn bước vào nhà, bắt gặp cảnh tuợng đó và chằm chằm nhìn bà với vẻ kinh hoàng đến nỗi bà Marilla phải bật cưòi trong nước mắt.
“Em đang nghĩ đến Anne,” bà giải thích. “Nó đã trở thành một cô gái lớn vậy rồi… và mùa đông tới có lẽ nó sẽ xa chúng ta. Em sẽ nhớ nó khủng khiếp.”
“Con bé có thể về nhà thường xuyên mà.” Ông Matthew an ủi, đối với ông Anne vẫn và sẽ mãi luôn là cô bé háo hức, bé bỏng mà ông đã đem từ Bright River về nhà vào buổi tối tháng Sáu bốn năm về trước. “Đến lúc đó một nhánh đường sắt sẽ được xây tới Carmody.”
“Làm sao giống với việc lúc nào cũng có nó ở nhà,” bà Marilla thở dài não nề, kiên quyết tận hưỏng nỗi buồn khó chịu đang tràn ngập này. “Thế đấy, đàn ông hiểu sao được những chuyện như thế này chứ!”
Trong Anne, có những thay đổi khác không kém phần thực tế hơn những thay đổi về thể chất. Một trong số đó là con bé trở nên lặng lẽ hơn. Có lẽ nó vẫn suy nghĩ và mơ mộng nhiều như từ trước đén nay, nhưng rõ ràng ít nói hơn. Bà Marilla đã để ý và cũng bình luận về điều này.
“Con không ba hoa bằng một nửa trước đây, Anne, cũng không dùng từ đao to búa lớn bằng một nửa hồi xưa. Chuyện gì xảy ra với con vậy?”
Anne đỏ mặt và khẽ cười thành tiếng trong lúc đặt cuốn sách xuống rồi mơ màng nhìn qua cửa sổ, nơi những nụ kim ngân mập mạp đỏ thắm đang bung cánh đáp lại sự cám dỗ của ánh nắng mùa xuân.
“Con không biết… con không muốn nói nhiều,” con bé nói, ngón tay trỏ tì lên cằm vẻ nghĩ ngợi. “Sẽ tuyệt hơn nhiều nếu nghĩ đến những điều đẹp đẽ thân yêu và giữ chúng trong tim như báu vật. Con không thích người khác cười nhạo hay băn khoăn kinh ngạc về chúng. Và không hiểu sao con cũng không thích dùng từ đao to búa lớn nữa.Cũng thật đáng tiếc, phải không ạ, vì giờ con đã lớn đủ để nói những điều đó nếu con muốn. Xét ở mặt này mặt khác, thật vui khi sắp trưởng thành, nhưng nó không phải niềm vui con mong đợi, bác Marilla.Có quá nhiều thứ để học, để làm và suy nghĩ đến nỗi không còn thời gian cho những từ đao to búa lớn. Hơn nữa, cô Stacy nói rằng ngôn ngữ ngắn gọn sẽ mạnh mẽ và hay hơn. Cô dạy chúng con viết tất cả bài luận của mình một cách đơn giản hết mức. Lúc đầu khó lắm. Con vẫn thường nhồi nhét vào bài luận tất cả những từ đao to búa lớn mà con có thể nghĩ ra – mà con nghĩ nhiều từ như vậy lắm. Nhưng bây giờ con quen rồi và con thấy nó tốt hơn nhiều.”
“Câu lạc bộ kể chuyện của con ra sao rồi? Đã lâu ta không nghe con nói về nó?”
“Câu lạc bộ kể chuyện không còn tồn tại nữa. Chúng con không có thời gian cho nó, và dù sao con nghĩ tụi con cũng mệt mỏi với nó rồi. Thật ngốc nghếch khi cứ viết về tình yêu, giết người, về chuyện trốn nhà theo trai và các bí ẩn. Thỉnh thoảng cô Stacy bảo chúng con viết một cầu chuyện để luyện kỹ năng sáng tác, nhưng cô ấy không để chúng con viết gì ngoài những chuyện có thể xảy ra ở Avonlea trong chính cuộc sống của tụi con, cô ấy phê bình bài viết rất khắt khe và cũng cho tụi con tự phê bình nữa. Con chưa bao giờ nghĩ sáng tác của mình lại có nhiều lỗi đến vậy cho đến khi con bắt đầu tự mình tìm chúng. Con thấy xấu hố đến nỗi muốn từ bỏ tất cả, nhưng cô Stacy nói con có thể học được cách viết cho hay, chỉ cần con rèn luyện để trở thành người phê bình nghiêm khắc nhất đối với chính bản thân mình. Và con đang cố gắng được như vậy.”
“Con chỉ còn hơn hai tháng nữa là thi rồi,” bà Marilla nói. “Con có nghĩ mình sẽ qua được không?”
Anne rùng mình.
“Con không biết nữa. Đôi khi con nghĩ mình sẽ ổn thôi… và rồi con lại cảm thấy sợ hãi khủng khiếp. Chúng con đã học hành chăm chỉ và cô Stacy đã chỉ bảo tụi con rất tận tình, nhưng có thể tụi con vẫn không qua được. Mỗi đứa đều có một hòn đá ngáng chân. Với con dĩ nhiên là môn hình học, Jane là môn Latin, Ruby và Charlie là Đại số, còn Josie là số học. Moody Spurgeon nói nó cảm thấy chắc chắn nó sẽ rớt môn lịch sử Anh. Tháng Sáu này cô Stacy sẽ cho chúng con thi thử với đề khó tương đương kỳ thi tuyển và chấm điểm gắt như vậy, để tụi con hình dung được chút nào đó. Con ước gì tất cả qua rồi, bác Marilla. Nó cứ ám ảnh con. Đôi khi con thức dậy giữa đêm và tự hỏi mình sẽ làm gì nếu không trúng tuyển.”
“Sao nào, thì năm sau lại tới trường thử lần nữa,” bà Marilla nói không cần suy nghĩ.
“Ôi, con không tin mình có lòng dạ nào làm vậy. Thật nhục nhã nếu bị rớt, đặc biệt nếu Gil… nếu những người khác trúng tuyển. Mà con sẽ lo lắng trong khi thi đến nỗi có lẽ sẽ làm rối tung mọi thứ lên. Con ước gì mình có thần kinh như Jane Andrews. Không gì lay chuyển được bạn ấy.”
Anne thở dài, bứt cái nhìn ra khỏi sự quyến rũ của thế giới mùa xuân, của một ngày xanh trong trẻo đang vẫy gọi và của tất cả những tạo vật xanh mơn mởn đang nảy nở trong vườn để cương quyết vùi đầu vào sách vở. Sẽ có những mùa xuân khác, nhưng nếu không qua được kỳ thi tuyển, Anne cảm thấy chắc chắn mình sẽ chẳng bao giờ hồi phục trọn vẹn để tận hưởng chúng nữa.