Có một câu tục ngữ là “Cách tốt nhất để đuổi ăn mày đi là bố thí rộng rãi”. Nhưng con người ta có một nhược điểm rất nhẫn tâm “lạc tinh hạ thạch”, coi khinh thậm chí ngang ngược chế diễu, thương hại người gặp khó khăn. Song cái hành vi thiếu đạo đức ấy lại rất có khả năng chịu sự phản kích liều mạng của “ăn mày” và còn dẫn tới sự công phẫn, tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn. Có thể nói đó là cách làm thiếu sáng suốt. Để học được cái mưa trí thì cần phải nhận thức được rằng trong hoàn cảnh luôn biến đổi vận động không ngừng thì ăn mày có thể trở thành tỉ phú, quyền quý cũng có lúc gặp khó khăn. Mà người gặp khó khăn hôm nay có thể chính là vị cứu tinh duy nhất cứu chúng ta khỏi nguy nan ngày mai. Do đó, đối xử một cách rộng lượng, đại độ với người khác nhất là “khảng khái bố thí cho người gặp nạn” là một trong những mưu trí thường dùng hàng ngày.
Thời kỳ đầu mới lên ngôi, Đường Huyền Tông đã lần lượt dùng mấy Tể tướng tài giỏi, nhờ đó mà trên cơ sở của sự phát triển kinh tế thời kỳ đầu đã làm cho nhà Đường đạt đến giai đoạn toàn thịnh. Từ năm 713 đến năm 741 sau Công nguyên được coi là giai đoạn “thái bình khai nguyên” phồn vinh.
Lúc đầu Đường Huyền Tông có hai vị Tể tướng là Diêu Sùng và Trương Thuyết. Cả hai đều là người tài giỏi nhưng đều mắc phải căn bệnh hẹp hòi. Nhất là Trương Thuyết, tài trí thì có thừa nhưng lại không có sự độ lượng. Ở đây muốn nói tới chuyện một lần hiếm hoi Trương Thuyết dùng kế khảng khái cứu tính mạng của chính mình.
Diêu Sùng, Trương Thuyết tuy đều là Tể tướng nhưng lại không hợp nhau, nên luôn gạt bỏ nhau. Có lần Diêu Sùng bắt được thóp nên đã tố cáo Trương Thuyết. Đường Huyền Tông kinh ngạc thất sắc ra lệnh bí mật điều tra xử lý hành vi phạm tội của Trương Thuyết.
Trương Thuyết không biết gì nên vẫn ở trong nhà nhởn nhơ tự đắc. Bỗng nhiên lính gác cổng đưa vào một tấm danh thiếp nói có một người tên Cổ Toàn Hư muốn cầu kiến. Trương Thuyết không nén được tức giận hét lên: “Hắn đến gặp ta làm gì? Lính gác lại bảo rằng: “Cổ Toàn Hư nói có việc khẩn cấp liên quan đến toàn gia tướng công nên vội đến cấp báo”. Trương Thuyết cố nén giận cho Cổ Toàn Hư vào. Hai người đã gặp mặt mà Trương Thuyết vẫn chưa hết tức giận.
Thì ra Trương Thuyết có một người thiếp tên Ninh Hoài Đường, dung mạo như tiên, tinh thông thi văn, rất được Trương Thuyết sủng ái, giao cho quản lý trông coi công văn giấy tờ mật. Tương truyền rằng mẹ của Ninh Hoài Đường nằm mơ gặp tiên đưa ột cành hải đường rồi mang thai. Mới 5, 6 tuổi nhưng Hoài Đường đã có dung mạo đẹp đẽ thanh tú, nhỏ nhắn. Người nhà vẫn thường trêu là “hải đường thụy túc”, còn mẹ nàng thì dựa vào nguyên cớ “danh hoa thích tỉnh không thích thụy” đặt cho tên chữ là Tỉnh Hoa.
Tỉnh Hoa được gả cho Trương Thuyết, quả là trai anh hùng gặp gái thuyền quyên, Tỉnh Hoa rất hài lòng mà Trương Thuyết thì vẫn thường cảm ơn thượng đế đã ban cho ông ta số đào hoa đến vậy nên rất coi trọng Tỉnh Hoa, xem như tính mạng của mình vậy.
Đúng lúc đó thì lại xuất hiện Cổ Toàn Hư. Cổ Toàn Hư là con trai một người bạn của Trương Thuyết, tuổi nhỏ tài cao nên được Trương Thuyết giữ lại làm ký thất. Cổ Toàn Hư ở trong nhà Trương Thuyết đã lâu nên cũng không bị hiềm nghi nữa, thường xuyên có cơ hội gặp Tỉnh Hoa. Tỉnh Hoa mới nhìn thấy Cổ Toàn Hư đã yêu ngay, thường xuyên nhớ nhung, nên đã viết ra những bài thơ tình. Cổ Toàn Hư vốn là một thiếu niên phong lưu, đương nhiên là không tránh khỏi việc tơ tưởng đến mỹ nhân, lại thấy những vần thơ ý tứ rõ ràng như vậy thì sao còn có thể giả câm giả điếc được? Thế là Tỉnh Hoa và Cổ Toàn Hư như đôi uyên ương ríu rít với nhau, nhanh chóng gắn bó với nhau. Lại đúng lúc Trương Thuyết phải vào cung thế là Tỉnh Hoa vì tình yêu quên hết cả tiết hạnh, lặng lẽ trốn ra sân nhà gặp gỡ với đức lang quân như ý. Cổ Toàn Hư lúc đó đang trong trai phòng bỗng thấy như tiên giáng trần nên bất giác vừa vui mừng vừa kinh ngạc ra tận nơi chào đón. Sau một hồi vui mừng vì gặp gỡ hai bên bàn tính chuyện làm thế nào để được bên nhau suốt đời và quyết định chọn “tẩu” làm thượng sách. Hai người bàn xong vội vàng thu dọn hành trang, nhân lúc trời chưa sáng nhanh chóng chạy trốn.
Nhưng cửa nhà Tể tướng dễ dàng ra vào vậy sao? Ngay sau hôm đó không bao lâu, đôi tình nhân đã bị bắt trói lại, giải đến trước mặt Trương Thuyết.
Cổ Toàn Hư thừa biết mình chỉ có đường chết nên mạnh mồm: “Tham sắc tham tài là bệnh thường gặp ở mỗi người, nam tử hán chết đi thì có gì đáng tiếc? Nhưng minh công sao nỡ vì một người con gái mà giết bỏ một người tài, lẽ nào bậc hiển quý như minh công lại không có lúc gặp nạn phải cầu cứu người khác sao? Trước đây Sở Trang Vương, Dương Tố độ lượng hơn người, xưa nay đều được khen ngợi thì sao lòng dạ minh công lại hẹp hòi đến vậy?…”
Không ngờ Trương Thuyết nghe xong bất giác nghĩ rằng Cổ Toàn Hư tuy là kẻ gặp nạn nhưng vẫn có tiếng là người tài; người đẹp tuy đáng yêu thật đấy nhưng đã một lòng dứt khoát đi theo người khác thì luyến tiếc để làm gì. Chi bằng một lần khẳng khái bố thí mỹ nhân cho người gặp nạn đó, có thể ban ơn để sau này được báo đền. Vì thế Trương Thuyết nguôi giận nói với Cổ Toàn Hư rằng: “Ngươi lẽ ra không nên cướp đi ái thiếp của ta, nhưng nay ván đã đóng thuyền, ta chỉ có thể trách mình đã không đề phòng, thôi thì coi như thưởng cô ta cho ngươi vậy”.
Trương Thuyết nói xong lập tức lệnh cho Tỉnh Hoa theo Cổ Toàn Hư đồng thời còn tặng đồ cưới rất hậu hĩ. Cổ Toàn Hư cũng không khước từ, ung dung bước ra khỏi cửa, ở lại trong thành mấy hôm anh ta lại tìm được cách là vào chỗ quan trọng trong triều làm chân đưa bản tấu, chiếu thư. Những bản tấu gạt bỏ Trương Thuyết của Diêu Sùng, những bản phê chuẩn của Đường Huyền Tông, Cổ Toàn Hư đương nhiên là biết trước người khác. Thế nên Cổ Toàn Hư đã cấp báo cho Trương Thuyết, thuật lại tỉ mỉ bản tấu của Diêu Sùng và sắc chỉ mật của Đường Huyền Tông. Trương Thuyết nghe xong quên cả chuyện tức giận kẻ đã cướp ái thiếp của mình, lo lắng đến nỗi không biết làm thế nào. Cổ Toàn Hư lại hiến một kế: “Cổ Toàn Hư ghi nhớ ân sâu của minh công nay đến báo đền. Xin người đừng tiếc báu vật, hãy giao cho tôi để lo lót. Tuy không tránh khỏi việc bị điều tra nhưng không đến nỗi gặp phải điều ngoài ý muốn”.
Trương Thuyết nghe theo quả nhiên tội nặng thành nhẹ, việc “điều tra xử lý” chỉ làm qua loa, Trương Thuyết chỉ bị mất chức, giáng xuống làm tướng Châu trường sử nhưng sau đó vẫn được phục chức Tể tướng.
Cách “khảng khái bố thí cho người gặp nạn” của Trương Thuyết đã tránh cho ông ta một cái họa lớn. Trong kinh doanh cũng có lúc gặp phải “người gặp nạn”. Nếu cứ chọn cách cương quyết đuổi đi thì sẽ không thu được kết quả tốt, thậm chí còn dẫn đến mâu thuẫn, chỉ có hại mà không có lợi. Còn nếu “khảng khái bố thí” như Trương Thuyết thì sao?
Vào ngày lễ Giáng sinh năm 1992, ở Paris thủ đô của nước Pháp có một sự sắp đặt để yêu cầu cung cấp nhiều chỗ ở hơn nữa cho người nghèo, có khoảng hơn 200 người vô gia cư đã xông vào đại sảnh của một khách sạn hạng sang, nếu không sớm đuổi được số người đó đi thì sẽ là một trở ngại lớn cho việc kinh doanh trong ngày lễ một năm chi có một lần này.
Nhân viên khách sạn đã dùng mọi cách khuyên họ ra khỏi khách sạn nhưng chỉ làm họ hung hăng hơn trước, có ý chiếm cứ lâu dài. Vì thế giám đốc khách sạn vốn là một người rất giỏi việc giao tế phải ra mặt. Ông ta không hề tỏ thái độ cố ý mà hỏi thăm mọi người về ngày lễ với một thái độ rất thân thiện đồng thời còn lập tức phát cho họ sô cô la, lại tặng cả quà cho các con của họ. Làm như vậy không chỉ xóa đi cảm giác thù địch của họ mà việc tạo ra cái không khí gia đình ngày lễ bằng cách khẳng khái tặng quà đã lôi kéo được tình cảm giữa khách sạn với những người vô gia cư đó; và khi đám người đó nhận được món quà mà các con họ yêu thích thì họ cũng muốn nhanh chóng chuyển giao để con cái mình có cái lễ Giáng sinh vui vẻ. Thế là đám khách không mời mà đến đó đã bị đuổi đi. Giới báo chí coi đây là một tin tức và việc đó khác nào làm quảng cáo miễn phí cho khách sạn. Nhiều năm sau đó, những người phát tài trong số đám người đó trở thành bạn hợp tác hoặc khách lâu dài của khách sạn.