HỒI 38
Long Trung quyết kế thiên hạ chia ba;
Tôn thị báo thù, Trường Giang đại chiến.
Lại nói, Huyền Đức hai lần đi không được gặp Khổng Minh lại định đi lần nữa.
Quan Công nói:
– Huynh trưởng đã hai lần thân đến nhà bái yết, lễ nghi như vậy là quá hậu rồi. Có lẽ Gia Cát Lượng cũng chỉ có hư danh, không có thực tài nên mới tránh mặt không cho gặp đấy thôi. Sao huynh trưởng quá sùng bái người ấy làm vậy?
Huyền Đức nói:
– Không phải thế đâu. Ngày xưa Tề Hoàn Công muốn đi cầu một người quê mùa ở Đông Quách, năm lần đi mới được gặp, huống chi ta muốn cầu một bậc đại hiền?
Trương Phi nói:
– Đại huynh nhầm đó, gã nhà quê đó sao gọi là đại hiền nữa? Thôi, chuyến này không cần đại huynh đi nữa. Nếu hắn không đến, em sẽ lấy thừng trói điệu về đây là ổn chuyện.
Huyền Đức mắng:
– Chú không nhớ việc Văn Vương ngày xưa đi cầu Khương Tử Nha, Văn Vương còn kính người hiền như thế nào à! Chú sao vô lễ quá vậy? Lần này chú đừng đi nữa, để ta đi cùng Vân Trường thôi.
Phi nói:
– Hai anh đều đi cả, tiểu đệ ở nhà làm gì?
Huyền Đức nói:
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
– Nếu muốn đi thì không được thất lễ!
Phi vâng theo.
Nói rồi, ba người cưỡi ngựa cùng bọn tuỳ tùng đến Long Trung. Còn cách lều tranh độ nửa dặm, Huyền Đức xuống ngựa đi bộ. Gặp Gia Cát Quân, Huyền Đức vội vàng thi lễ, hỏi:
– Lệnh huynh hôm nay có nhà không?
Quân đáp:
– Anh tôi mới về chiều qua, tướng quân đến hôm nay thì gặp.
Nói rồi, ung dung đi ra.
Huyền Đức nói:
– Phen này may được gặp tiên sinh đây!
Trương Phi nói:
– Người này mới vô lễ chứ! Dẫn luôn bọn ta vào nhà thì đã mất gì, sao cứ cắm đầu đi thẳng?
Huyền Đức nói:
– Ai có việc người nấy, bắt buộc người ta sao được?
Ba người lại đi, đến trước nhà gõ cửa; tiểu đồng ra mở cửa, nói:
– Tiên sinh hôm nay có nhà, nhưng đương ngủ.
Huyền Đức nói:
– Đã vậy, xin đừng báo tin vội.
Rồi dặn Quan, Trương hãy đứng chực ngoài ngõ, Huyền Đức rón rén đi vào, thấy Khổng Minh đương nằm ngủ trên ghế. Huyền Đức bèn chắp tay đứng chực dưới thềm. Được một lúc lâu, Khổng Minh vẫn chưa dậy.
Quan, Trương đứng đợi ngoài ngõ mãi, chẳng thấy động tĩnh gì, mới lẻn vào xem, thì thấy Huyền Đức vẫn chắp tay đứng hầu.
Trương Phi giận lắm, bảo Vân Trường rằng:
– Lão tiên sinh này sao kiêu kì lắm thế? Thấy anh ta đứng thế kia, nó càng giả vờ ngủ khì không dậy! Để em ra sau nhà cho một mồi lửa, xem nó có phải dậy không?
Vân Trường can mãi Trương Phi mới thôi. Huyền Đức bắt hai người phải ra ngoài đứng đợi, rồi trông vào trong nhà, thấy Khổng Minh giở mình, nhưng rồi lại quay mặt vào vách tường ngủ yên.
Tiểu đồng toan lại đánh thức, Huyền Đức bảo:
– Chớ nên đánh thức vội!
Rồi lại đứng đợi một lúc nữa, Khổng Minh mới tỉnh giấc, miệng ngâm bài thơ rằng:
Mơ màng ai tỉnh trước
Bình sinh ta biết ta!
Thềm tranh giấc xuân đẫy
Ngoài song bóng ác tà…
Ngâm xong, Khổng Minh mới quay ra hỏi tiểu đồng rằng:
– Có tục khách nào đến đây không?
Tiểu đồng thưa:
– Có Lưu hoàng thúc đứng đợi đây đã lâu lắm.
Khổng Minh liền vùng dậy nói:
– Sao không báo tin ngay! Để ta dậy thay áo đã!
Rồi đi vào nhà trong, một lúc mới mặc áo đội khăn chỉnh tề ra tiếp.
Huyền Đức thấy Khổng Minh mình cao tám thước, mặt đẹp như ngọc, đầu đội khăn lượt, mình mặc áo cánh hạc, hình dáng thanh thoát như tiên.
Huyền Đức lạy thụp xuống đất nói rằng:
– Tôi là kẻ ngu hèn, dòng dõi nhà Hán, quê ở quận Trác, lâu nay được nghe tiếng lớn tiên sinh, như sấm bên tai; đã hai lần đến hầu, đều chưa được gặp. Tôi có viết bức thư nhờ đệ tới, không biết đã được tiên sinh xem đến chưa?
Khổng Minh nói:
– Tôi là một người quê mùa ở Nam Dương, tính quen lười biếng, mấy lần đội ơn tướng quân có lòng hạ cố, tự nghĩ thấy hổ thẹn vô cùng.
Hai người chào lễ nhau xong, bèn phân ngôi chủ khách ngồi chơi. Tiểu đồng bưng trà lên. Uống xong, Khổng Minh nói:
– Tôi xem bức thư tướng quân, biết là lòng tướng quân đêm ngày lo việc dân việc nước. Nhưng vì Lượng này tuổi còn trẻ, tài còn kém, chưa đáp được lòng mong mỏi của ngài.
Huyền Đức nói:
– Không có lẽ những lời của Tư Mã Đức Tháo và Từ Nguyên Trực đều lầm cả hay sao? Mong tiên sinh đừng chê kẻ ngu hèn này mà dạy bảo cho.
Khổng Minh nói:
– Đức Tháo, Nguyên Trực thực là cao sĩ trong đời. Lượng này là một kẻ đi cày, dám đâu bàn việc thiên hạ. Hai ông ấy tiến cử lầm người rồi, xin tướng quân chớ vứt ngọc quý mà tìm đá vôi.
Huyền Đức nói:
– Những bậc trượng phu mang tài kinh bang tế thế, há chịu chết già trong chốn lâm tuyền hay sao? Xin tiên sinh hãy trông đến đời sống của muôn dân, dạy bảo cho điều hay lẽ phải để đầu óc mờ tối của tôi được sáng tỏ ra.
Khổng Minh cười nói:
– Xin cho biết chi của tướng quân?
Huyền Đức bảo người nhà lui ra rồi nói:
– Nhà Hán nghiêng đổ, kẻ gian thần cướp quyền. Bị này không lượng sức mình, muốn đem sức lớn mà bỏ ra với thiên hạ, nhưng tài nông trí cạn, chẳng làm nên trò trống gì. Xin tiên sinh hãy mở mắt giúp cho và cứu Bị đang cơn vận khốn, thì thật là may mắn!
Khổng Minh nói:
– Từ khi Đổng Trác phản nghịch đến nay, hào kiệt bốn phương trỗi dậy. Như Tào Tháo thế kém Viên Thiệu mà đánh được Thiệu; đó không phải chỉ có thiên thời mà cũng có mưu người nữa. Nay Tháo đã cầm được quân trăm vạn, mượn tiếng Thiên tử để khống chế chư hầu, xem đó thật không thể tranh giành với hắn được. Tôn Quyền giữ đất Giang Đông đã được ba đời, đất đai hiểm trở mà lòng dân lại quy phục, xem thế Giang Đông cũng chỉ dùng để giúp ta, chớ không thôn tính được. Duy chỉ còn Kinh Châu, phía bắc có sông Hán, sông Miện, kéo dài đến tận Nam Hải; phía đông nối liền với Ngô Hội, phía tây thông vào Ba Thục, chỗ ấy là đất dụng võ, phải có chúa giỏi mới giữ nổi, trời để dành riêng cho tướng quân đó. Tướng quân nghĩ sao? Lại còn Ích Châu, hình thế hiểm trở, ruộng đất phì nhiêu nghìn dặm, thực là một vựa thóc của trời. Cao Tổ ngày xưa cũng do nơi đó mà dựng thành nghiệp đế. Nay Ngưu Chương ngu si hèn yếu, dân nhiều, nước giàu mà không biết trông coi, những người hiền tài đều chỉ mong được vua sáng mà thờ. Tướng quân đã là dòng dõi nhà vua, tín nghĩa tỏa ra bốn bể, thu nạp anh hùng, mong người hiền như khát nước, nếu tướng quân gộp được châu Kinh, châu Ích, giữ vững nơi hiểm trở, mặt tây hòa với các tộc, mặt nam phủ dụ các nước Di, Việt; ngoài thì liên kết với Tôn Quyền, trong thì sửa sang việc chính trị, đợi lúc thiên hạ có biến, sai một thượng tướng đem quân Kinh Châu tiến sang Uyển Lạc, còn tướng quân thì đem quân Ích Châu tiến xa Tần Xuyên, nhất định trăm họ phải đem giỏ cơm bầu nước đến đón tướng quân. Nếu được như thế, nghiệp lớn mới thành, nhà Hán mới phục hưng được. Đó là việc mà Lượng bày tỏ với tướng quân, tướng quân thử xét xem.
Nói xong, sai tiểu đồng đem bản đồ treo giữa nhà, rồi trỏ bảo Huyền Đức rằng:
– Đây là địa đồ năm mươi bốn châu ở Tây Xuyên. Tướng quân muốn thành nghiệp bá, thì phải nhường thiên thời cho Tào Tháo ở phía bắc, nhường địa lợi cho Tôn Quyền ở phía nam, còn tướng quân thì nắm vững lấy nhân hòa. Trước hãy chiếm Kinh Châu làm nơi căn bản, sau lấy đến Tây Xuyên để dựng cơ đồ, hình thành cái thế chân vạc, rồi sau mới tính đến Trung Nguyên được.
Huyền Đức nghe nói, chắp tay tạ rằng:
– Lời nói của tiên sinh, mở sáng chỗ tối tăm cho Bị, làm cho Bị này như gạt đám mây đen trông thấu đến trời xanh. Nhưng Lưu Biểu ở Kinh Châu, Lưu Chương ở Ích Châu đều là tôn thân nhà Hán, Bị sao nỡ cướp lấy?
Khổng Minh nói:
– Ban đêm, Lượng đã xem thiên văn, biết Lưu Biểu cũng không thọ được mấy nỗi nữa. Còn Lưu Chương không phải người chủ lập được cơ nghiệp, sau này Kinh, Xuyên cũng phải về tay tướng quân cả.
Huyền Đức nghe nói, cúi đầu lạy tạ.
Chỉ qua cuộc đàm luận này cũng đủ thấy Khổng Minh chưa ra khỏi lều tranh mà đã biết tình thế thiên hạ chia ba rồi. Thật ngàn xưa không ai sánh kịp!
Người sau có thơ khen rằng:
Dự Châu đang oán bước đường cùng
Nay tới Nam Dương gặp Ngọa Long,
Muốn biết sau này chia thế vạc,
Địa đồ cười trỏ, đứng mà trông!
Huyền Đức vái mời Khổng Minh và nói:
– Bị tuy danh hèn đức kém, cũng xin tiên sinh chớ bỏ rơi kẻ ngu hèn này, xuống núi giúp đỡ, Bị xin chắp tay cúi đầu nghe lời dạy bảo.
Khổng Minh nói:
– Lượng này lâu nay quen tay cày tay cuốc, chểnh mảng việc đời, không thể vâng mệnh được.
Huyền Đức khóc nói:
– Tiên sinh không xuống núi giúp cho thì trăm họ sẽ ra sao?
Nói xong hai hàng nước mắt lã chã rơi thấm ướt cả vạt áo.
Khổng Minh thấy Lưu Bị quả là thành thật, liền nói rằng:
– Tướng quân đã không ruồng bỏ. Lượng này xin đem hết tài khuyển mã ra phò tá.
Huyền Đức mừng lắm, lập tức gọi Quan, Trương vào lạy dâng lễ vật, vàng, lụa, Khổng Minh từ chối không lấy.
Huyền Đức nói:
– Đó không phải là lễ vật đi cầu bậc đại hiền, mà chỉ là để biểu lộ tấm lòng của Bị này đó thôi!
Khổng Minh mới chịu nhận.
Đêm hôm ấy cả anh em Lưu, Quan, Trương cùng ngủ lại trong trại.
Hôm sau, Gia Cát Quân về Khổng Minh dặn rằng:
– Ta chịu ân Lưu hoàng thúc ba lần hạ cố, không thể từ chối được. Em ở nhà, chăm việc cày bừa ruộng nương không được bỏ hoang, đợi bao giờ thành công anh sẽ về đây ẩn dật.
Đời sau có bài thơ than rằng:
Chưa bước chân ra vội nghĩ lui
Công thành thân thoái chớ quên lời.
Chỉ vì tiên chúa đinh ninh dặn,
Ngũ trượng cao xa luống ngậm ngùi!
Lại có một bài cổ phong như sau:
Kiếm cao hoàng vung ba thước ngắn,
Núi Mang Đằng máu rắn chứa chan.
Giết Tần phá Sở gian nan,
Hàm Dương truyền Kế hai trăm năm trời.
Vua Quang Vũ nối ngôi Đông Lạc,
Đến Hoàn, Linh cơ nghiệp nghiêng xó.
Hứa Xương vua Hiến dời đô,
Anh hùng bốn bể ồ ồ nổi lên.
Tào Tháo đã chuyên quyền được thể,
Tôn Quyền dựng nghiệp Giang Đông.
Dự Châu một phận long đong,
Nương mình Tân Dã cô cùng một nơi.
Ngọa Long vốn là người đại chí,
Quân trong tay chia vị chính kì,
Nhận lời Từ Thứ khi đi,
Lều tranh ba lượt nằn nì thăm coi.
Tuổi tiên sinh mới hai mươi bảy,
Xếp cầm thư ra khỏi điền viên,
Lấy Kinh rồi lại lấy Xuyên,
Ra tay kinh tế, cán tuyền càn khôn.
Lời đầu lưỡi khua cơn sấm gió,
Mẹo trong lòng sáng tỏ trăng cao.
Rồng bay hổ dữ khác nào.
Xưa nay có một, tiếng cao muôn đời!
Ba anh em Huyền Đức từ biệt Gia Cát Quân, rồi cùng Khổng Minh về Tân Giã. Huyền Đức đã tôn Khổng Minh vào bậc thầy: ăn cùng một bàn, ngủ cùng một chiếu, hàng ngày chỉ bàn việc thiên hạ. Khổng Minh nói:
– Tào Tháo ở Kinh Châu đào ao Huyên Vũ để tập thủy quân, tất có ý muốn xâm chiếm Giang Nam. Ta nên sai người qua sông, dò xem tình hình ra sao.
Huyền Đức nghe lời, sai người sang Giang Đông.
Lại nói từ khi Tôn Sách mất, Tôn Quyền trấn giữ Giang Đông, nối lại cơ nghiệp của phụ hoàng dùng nhiều hiền sĩ, mở một nhà tiếp khách ở Ngô Hội; sai Cố Ung, Trương Hoành ra đó chiêu đãi tân khách bốn phương. Suốt mấy năm liền, họ lần lượt tiến cử nhau rất nhiều. Như: Hám Thạch, tự là Đức Nhuận ở Cối Kê; Nghiêm Tuấn, tự là Man Tài ở Bành Thành; Tiết Tôn tự là Kính Văn ở huyện Bái; Trình Bỉnh tự là Đức Khu ở Nhũ Dương; Chu Hoàn tự là Hưu Mục và Lục Tích tự là Công Kỷ ở Ngô Quận; Trương Ôn tự là Huệ Thứ ở nước Ngô; Lạc Thống tự là Công Tục ở Ô Thương; Ngô Sán tự là Khổng Hưu ở Ô Trình; tất cả đều tấp nập kéo đến Giang Đông.
Tôn Quyền kính trọng, tiếp đãi rất hậu, lại được mấy tướng giỏi nữa, như: Lã Mông tự là Tử Minh ở Nhữ Dương; Lục Tốn tự là Bá Ngôn ở Ngô Quận; Từ Thịnh tự là Văn Hướng ở Lương Gia; Phan Chương tự là Đông Khê ở Đông Quận; Đinh Phụng tự là Thừa Uyên ở Lư Giang. Văn võ bấy nhiêu người đồng tâm giúp đỡ, cho nên Giang Đông nổi tiếng là thu nạp được nhiều người tài giỏi.
Năm Kiến An thứ bảy, Tào Tháo phá được Viên Thiệu rồi, sai sứ sang Giang Đông bảo Tôn Quyền cho con sang chầu vua. Tôn Quyền còn do dự chưa định. Ngô Thái phu nhân mời gọi bọn Chu Du, Trương Chiêu đến bàn bạc. Trương Chiêu nói:
– Tào Tháo dụ ta cho thế tử vào chầu tức là dùng thế kiềm chế chư hầu đó. Nếu không đi, Tháo kéo đại quân sang đánh Giang Đông, tình hình sẽ nguy ngập.
Chu Du nói:
– Tướng quân thừa kế cơ nghịêp của cha anh, thâu gồm được cả nhân dân sáu quận, binh mạnh lương nhiều, tướng sĩ hết lòng, có việc gì bức bách mà phải đặt con tin với người ta. Đưa con tin đến rồi tất phải phục tùng họ Tào; khi hắn có lệnh, đòi ta không đi không được; như thế chẳng hóa ra cúi đầu chịu cho người ta kiềm chế hay sao? Cứ ý tôi thì không nên cho thế tử vào chầu, đợi sự biến xảy ra, lúc ấy ta sẽ có kế hay đối phó.
Ngô Thái phu nhân nói:
– Công Cẩn nói phải đó!
Tôn Quyền nghe theo, khước từ sứ giả, không cho con vào chầu.
Từ đó Tào Tháo có ý muốn đánh Giang Nam. Chỉ vì việc phương Bắc chưa yên, nên chưa rảnh tay cất quân nam chinh được.
Đến tháng mười một năm Kiến An thư tám, Tôn Quyền dẫn quân đánh Hoàng Tổ, hai bên đánh nhau trên sông Đại Giang, quân Tổ thua chạy.
Bộ tướng Tôn Quyền là Lăng Tháo, bơi một chiếc thuyền nhỏ vào Hạ Khẩu, bị tướng địch là Cam Ninh bắn chết. Con Lăng Tháo là Lăng Thống mới mười lăm tuổi, ráng sức cướp lại thây cha đem về.
Quyền thấy chiều gió không lợi, thu quân về Đông Ngô. Lại nói, em Tôn Quyền là Tôn Dực làm thái thú ở Đan Dương, tính nóng lại hay rượu, khi say thường hay đánh đập quân lính. Đốc tướng ở Đan Dương là Vỉ Lãm và quân thừa là Đái Viên vẫn có ý muốn giết Dực. Hai người liền kết bạn tâm phúc với tên tùy tùng của Tôn Dực là Biên Hồng cùng nhau bàn âm mưu giết Dực.
Hồi ấy các huyện lệnh và tướng tá đều họp nhau ở Đan Dương. Dực mở tiệc khoản đãi, vợ Dực là Từ thị xinh đẹp, lại thông minh, có tài bói dịch. Hôm ấy, Từ thị bói một quẻ rất xấu, khuyên chồng đừng ra tiếp khách. Dực không nghe.
Đến chiều, tiệc tan, Biên Hồng theo Dực ra ngoài cửa sổ, và rút dao chém chết Dực. Vỉ Lãm, Đái Viên đổ tội cho Biên Hồng, bắt Hồng đem chém ở chợ.
Dực chết rồi, hai người thừa thế cướp đoạt của cải, tì thiếp của Dực. Vỉ Lãm thấy Từ thị có nhan sắc, mới bảo rằng:
– Ta đã báo thù cho chồng nàng, nàng nên theo ta, nếu không sẽ chết.
Từ thị thưa:
– Chồng thiếp chết chưa được mấy ngày, thiếp đâu nỡ thế. Xin hãy gắng đợi đến ngày 30 sửa lễ trừ phục, rồi sẽ xin theo cũng chưa muộn.
Lãm đồng ý.
Từ thị lập tức sai người mật báo hai tướng tâm phúc cũ của chồng là Tôn Cao, và Phó Anh đến, khóc bảo rằng:
– Khi chồng thiếp còn sống, vẫn thường bảo hai ông là người trung nghĩa. Nay hai thằng giặc Vỉ, Đái giết chồng thiếp, rồi vu cho Biên Hồng; cướp cả của cải cho chí kẻ hầu người ở, đem chia nhau. Vỉ Lãm lại muốn chiếm cả thân thiếp nữa. Thiếp đã phải giả cách vâng lời cho yên lòng nó. Hai tướng quân nên sai người sớm khuya báo tin với Ngô Hầu; một mặt lập kế để trừ hai thằng giặc ấy để rửa thù này, thì kẻ sống người thác ai cũng hàm ân.
Từ thị nói xong bèn sụp xuống lạy.
Tôn Cao, Phó Anh cùng khóc nói:
– Hai chúng tôi ngày xưa đều được đội ơn phu quân. Nay chúng tôi còn cố sống lại, cũng là để tìm kế báo thù cho chủ. Phu nhân đã sai khiến, dám đâu không hết sức!
Bèn mật sai người tâm phúc đi báo Tôn Quyền.
Đến tối ba mươi, Từ thị gọi Tôn, Phó đến trước, mai phục ở sau màn trong phòng ngủ, rồi bày đồ tế lễ. Tế xong, nàng bỏ áo tang ra, tắm gội xông hương, trang điểm lịch sự, cười nói tự nhiên. Vỉ Lãm thấy vậy mừng lắm.
Đến đêm, Từ thị sai Hoàn ra mời Lãm vào phủ, mở tiệc uống rượu. Rượu say rồi, Từ thị mời Lãm vào phòng ngủ, Lãm mừng quýnh, lảo đảo bước vào. Từ thị bèn hô rằng:
– Hai tướng quân Tôn, Phó đâu rồi?
Hai tướng từ trong màn, vác đao nhảy ra. Vỉ Lãm chưa kịp trở tay, đã bị Phó Anh chém một nhát ngã vật xuống đất. Tôn Cao lại bồi thêm một nhát nữa, Lãm chết ngay.
Từ thị lại cho mời cả Đái Viên đến. Viên vừa đến cửa, cũng bị Tôn, Phó giết nốt. Hai người sai bắt giết sạch họ hàng, bè đảng của họ Vỉ và họ Đái. Từ thị lại mặc đồ tang phục, và mang đầu Vỉ Lãm, Đái Viên tế trước linh vị chồng.
Được mấy ngày, Tôn Quyền dẫn quân mã đến Đan Dương, thấy Từ thị đã trừ được hai tên giặc Vỉ, Đái rồi, liền phong cho Tôn Cao, Phó Anh làm nha môn tướng, sai giữ Đan Dương; rồi đem Từ thị về dưỡng lão.
Người Giang Đông ai cũng khen đức họ Từ. Đời sau có thơ rằng:
Lập mẹo trừ gian báo nghĩa chồng
Khôn ngoan tỏ mặt nữ anh hùng,
Tục thần theo giặc, trung thần chết
Mở mắt nhìn xem khách má hồng!
Lại nói, Đông Ngô hồi ấy đã bình định được bọn giặc cướp ở các vùng rừng núi. Trên sông Đại Giang, chiến thuyền có hơn bảy nghìn chiếc.
Tôn Quyền cử Chu Du làm đại đô đốc, tổng chỉ huy cả thủy lục quân mã.
Đến tháng mười năm Kiến An thứ mười hai, mẹ Tôn quyền là Ngô Thái phu nhân bị bệnh nguy cấp lắm đòi Chu Du, Trương Chiêu đến trước màn bảo rằng:
– Ta vốn là người nước Ngô, thuở nhỏ cha mẹ mất sớm, cùng với em ta là Ngô Cảnh dời sang Việt Trung, sau ta lấy họ Tôn, sinh được bốn con. Con trưởng là Sách, lúc nó ra đời, ta nằm chiêm bao thấy nuốt mặt trăng vào bụng; con thứ hai là Quyền lúc đẻ ta nằm chiêm bao thấy nuốt mặt trời. Thầy bói nói rằng: Mơ thấy nặt trời, mặt trăng chui vào bụng tất sinh quý tử. Chẳng may Sách mất sớm, nay trao cả cơ nghiệp Giang Đông giao phó cho Quyền. Mong các ngươi hết lòng giúp đỡ, ta có chết cũng được yên tâm.
Lại dặn Tôn Quyền:
– Con phải thờ Tử Bố và Công Cẩn như bậc thầy. Em gái ta cũng lấy cha con, tức là mẹ của con đấy, một mai ta nằm xuống, con phải thờ phụng như mẹ vậy. Còn em gái con cũng phải nuôi dưỡng chu đáo và kén một người chồng giỏi cho nó.
Nói xong thì mất, Tôn Quyền thương khóc, rồi làm lễ tống táng.
Đến mùa xuân năm sau, Tôn Quyền bàn muốn sang đánh Hoàng Tổ. Trương Chiêu can:
– Có tang chưa đầy năm không nên cất quân vội.
Chu Du nói:
– Việc báo thù rửa hận, cần gì phải đợi hết tang?
Quyền còn do dự chưa quyết, thì Bắc bình đô úy Lã Mông vào thưa rằng:
– Tôi giữ cửa sông bỗng có Cam Ninh là bộ tướng của Hoàng Tổ đến hàng. Tôi hỏi kĩ mới biết rằng Ninh tự là Hưng Bá, quê ở Lâm Giang, thuộc Ba Quận. Hắn làu thông kinh sử, sức khỏe mạnh. Tính hào hiệp, thường vẫn tụ họp những kẻ lánh nạn, tung hoành khắp chốn giang hồ. Hắn đeo một cái chuông đồng, lắc chuông lên ai nghe cũng phải xa lánh. Lại thường dùng gấm Tây Xuyên làm buồm thuyền, người bấy giờ gọi là “Giặc buồm gấm”. Về sau, Cam Ninh hối lại, đổi nét dữ, làm điều thiện, đem quân đến hàng Lưu Biểu, nhưng thấy Biểu hèn kém, muốn sang theo Đông Ngô, lại bị Hoàng Tổ giữ lại ở Hạ Khẩu. Mới rồi, Đông Ngô đến đánh. Tổ cũng nhờ có sức Cam Ninh, mới lấy lại được Hạ Khẩu. Nhưng Tổ bạc đãi Cam Ninh lắm. Đô đốc là Tô Phi nhiều lần tiến cử với Tổ, nhưng Tổ bảo: “Ninh là bọn thủy tặc, trọng dụng làm gì!” Do đó Ninh oán giận. Tô Phi biết ý, liền đặt tiệc mời Cam Ninh đến nhà, bảo rằng: “Tôi đã nhiều lần tiến cử ông, nhưng chúa công nhất định không dùng; ngày tháng thoi đưa, đời người thấm thoát, ông nên lo xa. Tôi đã xin cho ông làm huyện trưởng huyện Ngạc, để ông dễ đường ra đi hay ở lại.” Nhờ đó Ninh qua được Hạ Khẩu, muốn đến Giang Đông, lại e Giang Đông oán việc giúp Hoàng Tổ giết Lăng Tháo ngày trước. Tôi nói: “Chúa công mong người hiền như lúc khát cầu nước, không nhớ oán cũ đâu. Vả lúc đó ai cũng thờ chủ người nấy, việc gì mà oán giận.” Ninh mừng rỡ liền dẫn quân sang sông định ra mắt chúa công, xin chúa công định đoạt.
Tôn Quyền mừng lắm, nói:
– Ta được Hưng Bá, chắc phá được Hoàng Tổ.
Rồi sai Lã Mông dẫn Cam Ninh vào.
Ninh chào lạy xong, Quyền nói:
– Hưng Bá về đây, ta thật hả lòng, lẽ nào còn nhắc đến oán hờn? Xin chớ nghi ngờ, hãy cứ bảo ta kế phá Hoàng Tổ.
Ninh nói:
– Nay vận nhà Hán mỗi ngày một suy, Tào Tháo thế tất cướp lấy ngôi vua và cướp lấy Nam Kinh. Lưu Biểu không có chí lớn, con lại ngu hèn, không thể giữ nổi cơ nghiệp. Minh công nên tính sớm, nếu để chậm thì Tào Tháo nhấc tay trên mất. Giờ đây, nên đánh Hoàng Tổ trước, Tổ già lẫn lại tham lam xâm phạm của dân, ai cũng oán ghét; khí giới bỏ gỉ, quân không có kỉ luật gì. Nếu minh công sang đánh tất phá được Tổ. Phá được Hoàng Tổ rồi, khua trống vào phía tây, giữ cửa Sở đánh lấy Ba, Thục. Như thế nhất định nghiệp bá phải thành.
Tôn Quyền mừng rỡ nói:
– Đó thật là những lời vàng ngọc.
Liền cử Chu Du làm đại đô đốc, tổng chỉ huy thủy lục quân, Lã Mông làm tiền bộ tiên phong, Đổng Tập, Cam Ninh làm phó tướng, Quyền tự dẫn mười vạn đại quân đi đánh Hoàng Tổ.
Quân do thám được tin vội về báo Giang Hạ.
Hoàng Tổ vội họp phó tướng lại bàn bạc; sai Tô Phi làm đại tướng; Trần Tựu, Đặng Long làm tiên phong đem hết quân Giang Hạ ra đón đánh.
Trần Tựu, Đặng Long mỗi người dẫn một đội chiến thuyền, chẹn ngang Miện Khẩu. Trên mỗi chiến thuyền đều gài hơn nghìn cung nỏ cứng, lại lấy dây xích buộc dằng các thuyền vào với nhau.
Trống trên thuyền vang dậy, cung nỏ bắn ra tua tủa, quân Đông Ngô kéo đến, nhưng không sao tiến lên được, phải lùi xa vài dặm. Cam Ninh bảo Đông Tập rằng:
– Việc đã thế này, không tiến cũng không xong.
Lập tức lựa hơn trăm chiếc xuồng, mỗi chiếc dùng năm mươi tên quân tinh tráng trong đó hai mươi người bơi xuồng, còn ba mươi người đều mặc áo giáp, tay cầm phạng, xông thẳng đến cạnh chiến thuyền bên địch, bất chấp tên đạn, lăn xả vào chặt đứt dây xích, các thuyền đều quay ngang cả. Cam Ninh nhảy vọt lên thuyền, chém chết Đặng Long, Trần Tựu bỏ thuyền chạy. Lã Mông trông thấy, nhảy ngay xuống xuồng, cầm bơi chèo bơi thẳng vào đội thuyền bên địch, châm lửa đốt. Trần Tựu sắp chạy được lên bờ. Lã Mông cố chèo đuổi theo, sấn đến tận trước mặt, chém một nhát, Trần Tựu chết lăn nhào ra đó. Đến khi Tô Phi dẫn quân tới bờ sông để tiếp ứng, thì các tướng Đông Ngô đã kéo ồ cả lên bờ. Thế không đương nổi, quân Tổ đại bại. Tô Phi đang cắm đầu chạy, gặp ngay đại tướng Đông Ngô là Phan Chương. Hai ngựa kề nhau, chỉ được vài hiệp, Tô Phi bị Chương bắt sống, đem đến nộp Tôn Quyền.
Tôn Quyền sai tả hữu hãy bỏ vào xe tù, đợi bắt được Hoàng Tổ, sẽ giết luôn thể; rồi thúc ba quân đêm ngày đánh phá Hạ Khẩu.
Thế là:
Chỉ vì không dùng giặc buồm gấm,
Đến nỗi ra tro đội chiến thuyền.
Chưa biết Hoàng Tổ được thua thế nào, xem hồi sau sẽ rõ.