Trình Phổ tức lắm, vác giáo xông vào đánh Từ. Hai ngựa giao đấu được hơn ba mươi hiệp, bỗng thấy Lưu Do khua chiêng thu quân.
Từ hỏi Lưu Do:
– Tôi đã sắp bắt được tướng giặc sao lại thu quân về?
Do nói:
– Có người báo rằng: Chu Du đã đem quân đánh úp lấy Khúc A, vì có người ở Lư Giang, tên là Trần Vũ tiếp ứng cho nó vào thành. Cơ nghiệp nhà ta đã mất, không nên ở mãi đây; phải kíp sang Mạt Lăng, hội cả quân mã của Tiết Lễ, Trích Dung lại để tiếp ứng.
Thái Sử Từ theo Lưu Do lui quân. Tôn Sách không đuổi cũng thu quân về. Trưởng sử Trương Chiêu nói:
– Bên nó bị Chu Du lừa lấy Khúc A, không dám ham đánh, đêm nay ta nhân thế nên đến cướp trại.
Sách ưng ý, đang đêm chia quân làm năm đường, kéo đến lấy trại Lưu Do. Quân Do thua to, chạy tán loạn cả. Thái Sử Từ một mình chống không nổi, dẫn hơn mười quân kị mã ngay đêm hôm ấy chạy sang Kinh Huyện.
Tôn Sách lại vừa được thêm một tay phụ tá nữa là Trần Vũ, biểu tự Tử Liệt. Vũ mình cao bảy thước, mặt vàng, con ngươi đỏ, hình dung cổ quái. Sách yêu lắm cho làm hiệu úy; sai đi tiên phong đánh Tiết Lễ. Vũ dẫn hơn mười kị mã, xông vào trong trận chém hơn năm mươi đầu giặc. Tiết Lễ thấy vậy đóng chặt cửa thành không dám ra nữa.
Sách đang đánh phá thành, có người báo rằng:
– Lưu Do hội với Trích Dung sang lấy Ngưu Chử.
Sách giận lắm, tự để đại quân kéo về Ngưu Chử. Lưu Do, Trích Dung, hai người cùng cưỡi ngựa ra đón đánh. Tôn Sách nói:
– Ta nay đã đến đây sao chúng bay không hàng ngay đi?
Ở sau Lưu Do bỗng có một người vác giáo cưỡi ngựa ra, đó là bộ tướng tên là Vu Mi, cùng Sách đánh nhau chưa được ba hiệp, bị Sách bắt sống rồi quay ngựa trở về trận. Tướng Lưu Do là Phàn Năng, thấy Vu Mi bị bắt liền vác giáo đuổi theo, ngọn giáo đâm gần chạm đến lưng Tôn Sách, quân Sách thấy vậy mới kêu to lên rằng:
– Sau lưng có người đâm trộm!
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
Sách quay đầu lại, thấy Phàn Năng đã đến gần, quát to một tiếng như tiếng sét. Phàn Năng khiếp đảm, ngã quay xuống vỡ đầu ra chết. Sách về đến cửa cờ, đem Vu Mi bỏ xuống đất, thì ra Vu Mi bị cắp ở nách đã chết kẹp tự bao giờ.
Cùng một lúc, cắp chết một tướng, quát chết một tướng, từ đấy ai cũng gọi Tôn Sách là Tiểu Bá Vương (Hạng Võ ngay xưa gọi là Bá Vương).
Lưu Do thua to. Quân sĩ hàng Sách quá nửa. Sách lại chém được hơn một vạn thủ cấp.
Do và Trích Dung chạy sang Dự Chương, đi theo Lưu Biểu.
Tôn Sách đem quân về lại đánh Mạt Lăng. Đến cạnh bờ hào, Sách đứng chiêu dụ Tiết Lễ hàng, chợt có một mũi tên ở trên thành bắn xuống trúng ngay vào đùi trái Tôn Sách. Tôn Sách ngã ngựa. Các tướng vội vàng đến cứu, đời Sách dậy đem về trại nhổ tên ra, lấy thuốc dấu rịt vào.
Sách nhân thể cho quân đi nói phao lên rằng bị tên bắn chết. Cả cánh quân làm lễ cử ai, nhổ trại kéo về.
Tiết Lễ tưởng Tôn Sách chết thật, đêm hôm ấy liền khởi cả quân trong thành cùng với kiêu tướng là Trương Anh, Trần Hoàng, kéo ra thành đuổi đánh. Bỗng đâu quân phục bốn mặt trổ ra, Tôn Sách đứng đầu đi trước gọi to lên rằng:
– Tôn lang ở đây mà!
Quân giặc trông thấy mất vía vứt cả gươm giáo, phục xuống đất lạy. Sách truyền lệnh không được giết một người nào.
Trương Anh quay ngựa chạy về bị Trần Vũ đâm chết ở trong đám loạn quân.
Sách vào Mạt Lăng, phủ dụ cho dân yên nghiệp rồi đem quân sang Kinh Huyện để bắt Thái Sử Từ.
Thái Sử Từ chiêu được hai nghìn quân tinh tráng và quân cũ của mình, toan lại báo thù cho Lưu Do.
Tôn Sách với Chu Du bàn nhau kế bắt sống Thái Sử Từ.
Chu Du ra lệnh bao vây ba mặt, để chừa một mặt cửa đông huyện cho Từ chạy. Cách huyện hai mươi lăm dặm phục binh ba nơi. Từ ra khỏi thành chạy được đến đấy, người mệt, ngựa mỏi, tất nhiên bị bắt.
Nguyên những quân của Thái Sử Từ dụ được quá nửa là người ở rừng núi, chưa biết kỉ luật nhà binh. Vả thành Kinh Huyện lại không được cao. Đêm hôm ấy Tôn Sách sai Trần Vũ mặc áo ngắn cầm dao, trèo lên mặt thành trước đốt lửa. Từ thấy trên thành lửa cháy, lên ngựa chạy ra cửa đông. Tôn Sách đem quân lại đuổi, đuổi đến ba mươi dặm thì thôi. Từ chạy được năm mươi dặm, người ngựa đều đã mỏi mệt, giữa lúc ấy trong đám cỏ lau bên đường có tiếng reo nổi lên. Từ vội chạy, hai bên đường chằng chịt những dây, ngựa vướng cẳng ngã gục xuống. Thái Sử Từ bị bắt sống, giải về trại Tôn Sách.
Lúc quân lính sắp giải Từ đến nơi. Sách biết trước ra tận cửa dinh, quát đuổi quân lính, tự ra cởi trói rồi đem áo cẩm bào mặc cho Từ, mời vào trong trại nói rằng:
– Ta biết Tử Nghĩa là một đấng trượng phu. Bởi Lưu Do ngu xuẩn, không biết dùng Tử Nghĩa làm đại tướng cho nên đến nỗi thua trận này.
Từ thấy Sách đối đãi mình tử tế, xin xuống hàng, Sách cầm lấy tay Từ nói rằng:
– Khi đánh nhau ở Thần Đình, giá thử ông bắt được tôi, thì có hại nhau không?
Từ cũng cười đáp rằng:
– Cũng chưa biết chừng!
Sách cười ầm lên, mời vào trướng, mời lên ngồi trên sai mở tiệc yến khoản đãi, Từ đứng dậy nói rằng:
– Lưu quan mới thua, lòng quân tan rã, tôi xin về để thu nhặt tàn quân để giúp minh công. Không biết minh công có tin không?
Sách đứng dậy tạ mà nói rằng:
– Bụng tôi vẫn ước như thế. Nay xin hẹn với ông, trưa mai tôi xin đợi ông trở lại.
Từ vâng lời rồi đi.
Các tướng ngạc nhiên nói rằng:
– Thái Sử Từ đi chuyến này tất không trở lại đâu!
Sách nói:
– Từ là người chính nghĩa không trái ước với ta.
Các tướng chẳng ai tin. Hôm sau cắm một cây nêu để đo đóng mặt trời ở trước cửa trại, rồi các tướng cùng xúm cả chung quanh để đợi giờ Ngọ. Cây nêu vừa đứng bóng, thấy Thái Sử Từ dẫn hơn một nghìn quân đến.
Các tướng đều chịu Tôn Sách là biết người.
Tôn Sách tụ được vài vạn quân, bình trị được Giang Đông, vỗ yên dân chúng, người kéo về theo vô số. Dân Giang Đông ai cũng gọi Sách là Tôn Lang.
Nghe tin quân Tôn Sách đến, dân chúng đều sợ hãi bỏ chạy cả, nhưng khi Sách đến nơi, không cho phép người nào cướp bóc của dân, cho đến gà chó cũng không kinh động. Nhân dân thấy thế ai cũng mừng, đem trâu rượu đến trại để mừng. Sách lại đem vàng, đem lụa ra thưởng lại. Tiếng vui mừng, hân hoan vang khắp đồng nội. Phàm những quân cũ của Lưu Do, ai muốn theo thì cho theo, ai không muốn theo thì cấp thưởng cho về làm ruộng.
Dân Giang Nam ai cũng khen Tôn Sách là người nhân đức. Bởi vậy quân thế mỗi ngày một thịnh.
Bấy giờ Sách mới rước mẹ, chú và các em cùng về Khúc A; sai em là Tôn Quyền cùng với Chu Thái giữ Tuyên Thành. Sách thì lĩnh binh sang Nam để lấy Ngô Quận.
Bấy giờ Nghiêm Bạch Hổ, tự xưng là Đông Ngô Đức vương, giữ ở Ngô Quận. Bạch Hổ sai bộ tướng giữ Ô Trình và Gia Hưng. Bấy giờ nghe tin quân Tôn Sách đến, Bạch Hổ sai em là Nghiêm Dư đem quân ra.
Hai bên gặp nhau ở Phong Kiều. Dư vác dao cưỡi ngựa đứng trên cầu. Sách muốn ra đánh, Trương Hoành can rằng:
– Chủ tướng là vận mệnh của ba quân, ai cũng trông cậy cả vào, không nên khinh thường quân tiểu khấu. Xin tướng quân tự cẩn thận.
Sách tạ nói rằng:
– Lời tiên sinh nói như vàng đá. Nhưng nếu tôi không chịu xông vào mũi tên hòn đạn thì tướng sĩ ai chịu dùng sức!
Bèn sai Hàn Đương cưỡi ngựa ra.
Khi Hàn Đương đi lên đến cầu, đã thấy Tưởng Khâm, Trần Vũ bơi thuyền nhỏ theo bờ sông, lượn sang được bên kia cầu, bắn tên tua tủa lên quân đứng trên bờ, hai người nhảy lên đánh giết, quân Nghiêm Dư phải lùi chạy. Hàn Đương kéo quân thẳng đến cửa thành. Giặc chạy cả vào trong thành. Sách chia quân, đường thủy đường lục cùng tiến, vây bọc cả lấy Ngô Thành. Vây luôn ba ngày không ai dám ra đánh.
Sách dẫn quân đến dưới cửa thành để chiêu dụ. Trên thành, một viên tì tướng, tay trái cầm chắc thanh ván giơ lên, tay phải trỏ xuống chửi mắng.
Thái Sử Từ ngồi trên ngựa giương cung đặt tên xong rồi ngoảnh lại bảo chư tướng rằng:
– Xem ta bắn trúng vào tay trái thằng kia nhé!
Nói chưa dứt lời, dây cung tách một tiếng, quả nhiên trúng giữa bàn tay trái tên tướng trên thành, lại xuyên qua tay cắm chắc vào tấm ván.
Người trên thành dưới thành ai cũng reo ồ lên.
Họ vội vàng cứu tướng ấy đem xuống thành. Bạch Hổ trông thấy thất kinh nói rằng:
– Quân nó có người tài như thế, ta địch sao được?
Bàn nhau muốn cầu hòa.
Hôm sau Bạch Hổ sai Nghiêm Dư ra thành vào ra mắt Tôn Sách. Sách mời Dư vào trướng uống rượu. Rượu đã say, Sách hỏi Dư:
– Ý lệnh huynh muốn thế nào?
Dư nói:
– Muốn cùng tướng quân chia đôi Giang Đông.
Sách nổi giận mắng rằng:
– Đàn chuột nhắt lại đòi ngang hàng với ta à!
Mắng rồi thét đem Nghiêm Dư ra chém.
Dư rút gươm đứng dậy, Sách phóng gươm trúng người Nghiêm Dư gục xuống, cắt ngay lấy đầu, sai người đưa vào thành.
Bạch Hổ biết chừng không địch nổi, bỏ thành chạy, Sách kéo quân đuổi theo.
Hoàng Cái đánh lấy được Gia Hưng; Thái Sử Từ đánh lấy được Ô Trình, mấy châu đều bình định cả. Bạch Hổ chạy về Dư Hàng, cướp bóc ở dọc đường, lại bị người thổ dân ở đấy tên là Lăng Tháo đem người làng ra đánh, Bạch Hổ phải tìm quân về Cối Kê.
Hai bố con Lăng Tháo lại đi đón Tôn Sách. Sách cho làm Tông trinh Thiệu úy, cũng dẫn quân sang qua sông. Bạch Hổ tụ quân, dân khắp ở bến sông phía tây. Trình Phổ đánh một trận lại thắng đuổi mãi đến thành Cối Kê.
Thái thú Cối Kê tên là Vương Lãng, muốn đem quân ra cứu Bạch Hổ, có người can rằng:
– Không nên cứu, Tôn Sách dùng quân nhân nghĩa. Bạch Hổ là một tướng bạo ngược. Nên bắt Bạch Hổ đem dâng Tôn Sách.
Lăng nhìn xem ai bàn kế ấy; thì là Ngu Phiên, tự là Trọng Tường, người ở Cối Kê, hiện đương làm quận lại. Lãng giận mắng Phiên. Phiên thở dài trở ra.
Lãng đem binh hội với Bạch Hổ, dàn quân ở cánh đồng Sơn Âm; hai bên đối trận. Tôn Sách cưỡi ngựa ra bảo Vương Lãng rằng:
– Ta cất quân nhân nghĩa đi dẹp Triết Giang, sao mày dám hùa với giặc?
Lãng mắng rằng:
– Bụng mày tham không có chừng đã được Ngô Quận rồi lại còn muốn chiếm nốt bờ cõi ta. Nay ta quyết báo thù cho họ Nghiêm!
Tôn Sách giận lắm, sắp ra đánh nhau thì Thái Sử Từ ra lúc nào rồi. Vương Lãng múa đao tế ngựa, đánh nhau với Từ chưa được vài hiệp, tướng Lãng là Chu Hân nhảy ra đánh đỡ. Bên này Hoàng Cái cũng tế ngựa ra tiếp ứng, đánh với Chu Hân.
Hai bên trống đánh vang lừng đánh nhau quyết liệt. Tự nhiên thấy đằng sau trận Vương Lãng bối rối. Một toán quân đâu từ sau lưng đánh lại. Lãng thất kinh kịp quay ngựa trở lại đón đánh.
Quân đánh tập hậu ấy là Chu Du và Trình Phổ, trong khi hai bên đánh nhau, đi tắt lẻn mặt sau.
Đằng trước đằng sau đánh dập lại. Quân Lãng ít không chống xuể, cùng với Bạch Hổ, Chu Hân cố đánh để mở lấy một đường máu chạy vào thành, cất cầu lên, đóng vững cửa thành lại.
Đại quân Tôn Sách thừa kế, sấn đến mãi dưới thành, chia quân ra bốn cửa. Vương Lãng ở trong thành thấy Sách đánh kíp lắm, lại muốn kéo quân ra quyết đánh một trận sống chết cũng đánh. Bạch Hổ can rằng:
– Thế quân Tôn Sách to lắm, túc hạ chỉ nên thành cao hào sâu cho vững. Không đầy một tháng, quân kia hết lương tất phải chạy. Bấy giờ ta thừa thế ra đuổi, có thể chẳng phải đánh cũng phá tan được.
Lãng nghe kế ấy, cứ giữ vững thành không ra.
Tôn Sách đánh luôn mấy hôm không phá được thành bèn cùng chư tướng bày mưu kế. Tôn Tỉnh nói:
– Vương Lãng cậy hiểm giữ thành, khó phá ngay được. Tiền lương đất Cối Kê quá nửa chứa ở Tra Độc. Ở đây cách đấy chỉ vài mươi dặm, không bằng ta hãy đem binh giữ lấy Tra Độc trước. Trong binh pháp có nói rằng: “Đánh chỗ không phòng bị, ra nơi không ngờ” là thế đó.
Sách mừng nói:
– Mẹo hay của chú đủ phá được giặc.
Liền hạ lệnh sai các cửa thành đốt lửa giả cắm cờ hiệu để làm nghi binh, rồi đêm hôm ấy bỏ bao vây, kéo quân sang mặt nam.
Chu Du hiến một kế rằng:
– Chúa công kéo cả quận, Vương Lãng tất ra thành đuổi theo. Nếu nó ra ta nên dựng kì binh mà đánh.
Sách nói:
– Ta đã sắp sẵn cả rồi. Lấy thành chỉ nội đêm nay.
Bèn hạ lệnh cho quân mã đi.
Vương Lãng nghe tin báo Tôn Sách rút quân mã đi, liền dẫn quân lên chòi canh trông xem, thấy dưới thành khói lửa vẫn ngùn ngụt, tinh li kì đâu vẫn đấy, trong bụng còn nghi hoặc, Chu Hân nói:
– Tôn Sách chạy rồi, bày ra mẹo này để đánh lừa ta thế thôi, nên đem quân ra đuổi đánh.
Nghiêm Bạch Hổ nói:
– Tôn Sách chuyến này đi, chắc là đến Tra Độc. Tôi xin đem bộ binh cùng Chu tướng quân đuổi theo.
Lãng nói:
– Tra Độc là chỗ ta chứa lương, cần phải đề phòng cẩn thận. Ngươi đi trước, ta theo sau để tiếp ứng.
Bạch Hổ cùng Chu Hân dẫn năm nghìn quân ra thành đuổi theo.
Bấy giờ mới canh một. Đi khỏi thành được hơn hai mươi dặm, bỗng đâu trong rừng rậm, có một tiếng trống nổi, rồi lửa đuốc sáng rực cả lên. Bạch Hổ thất kinh, liền quay ngựa trở lại, thì có một tướng chắn ngang đường.
Chính là Tôn Sách.
Chu Hân múa đao lại đánh, bị Sách đâm một mũi giáo chết. Quân thấy thế xuống hàng cả. Bạch Hổ cố chết mở một đường, rồi chạy về Dư Hàng.
Vương Lãng nghe tiền quân đã thua, không dám vào thành, dẫn bộ binh chạy ra góc biển đi trốn.
Tôn Sách thu quân trở lại, thừa thế lấy ngay thành trì, vỗ yên nhân dân.
Được mấy hôm có người mang đầu Bạch Hổ đến dâng. Tôn Sách nhìn người ấy, mình cao tám thước, mặt vuông, mồm rộng; hỏi tên họ là gì, thì người ấy xưng tên là Đổng Tập, tự là Nguyên Đại, người ở Cối Kê.
Sách mừng lắm cho làm biệt bộ tư mã.
Từ đó xứ đông bình định được cả. Sách sai chú là Tôn Tinh giữ ở đấy; sai Chu Trị làm thái thú Ngô quận còn mình thì thu quân về Giang Đông.
Em Sách là Tôn Quyền cùng với Chu Thái giữ ở Tuyên Thành. Chợt có giặc núi bốn mặt kéo đến. Bấy giờ đêm đã khuya, không kịp kháng cự. Thái ôm Quyền lên ngựa để chạy. Giặc vác dao xông vào chém. Thái cởi trần ra, xuống ngựa đi bộ, cầm dao đánh nhau với giặc, tế ngựa vác giáo nhảy xổ vào để giết Chu Thái, Thái nắm ngay được giáo, đẩy giặc ngã xuống, cướp được ngựa giặc, đánh riết mở được đường ra, cứu được Tôn Quyền.
Giặc thấy vậy chạy cả, Thái bị cả thảy mười hai vết thương nặng, sưng lên, gần chết. Sách nghe tin lo lắm, Đổng Tập nói:
– Tôi đã nhiều phen đánh nhau với giặc bể, bị thương may có một người quận lại ở Cối Kê, tên là Ngu Phiên tiến cửa một thầy thuốc, chữa cho chỉ nửa tháng là khỏi.
Sách hỏi:
– Ngu Phiên có phải là Ngu Trọng Tương không?
Tập thưa:
– Phải.
Sách nói:
– Người ấy là hiền sĩ, ta nên dùng.
Liền sai Trương Chiêu, Đổng Tập đến mời Ngu Phiên. Phiên đến, Sách thết đãi cực hậu, cho làm công tào. Nhân nói chuyện thầy thuốc, Phiên nói rằng:
– Người ấy là người Tiêu Quận, nước Bái, tên là Hoa Đà, tự là Nguyên Hóa, thực là thần y, bấy giờ tôi xin đưa đến để yết kiến.
Được mấy bữa Phiên đem Hoa Đà đến.
Sách thấy người mặt còn trẻ, mà tóc bạc phơ phơ tựa như một ông tiên, tiếp đãi làm một thượng khách rồi mời xem bệnh cho Chu Thái. Hoa Đà xem rồi nói:
– Bệnh này chữa thực dễ.
Cho thuốc rịt một tháng Chu Thái khỏi hẳn.
Sách mừng lắm, hậu tạ Hoa Đà rồi tiến binh tiểu trừ giặc núi. Giang Nam bình định cả. Sách chia cho các tướng giữ các cửa ải, một mặt viết biểu tâu về triều đình, một mặt kết giao với Tào Tháo, một mặt đưa thư cho Viên Thuật để đòi lại ngọc tỉ.
Viên Thuật từ khi nắm được ngọc tỉ, có ý muốn giữ lấy để xưng hoàng đế, khi tiếp được thư Tôn Sách, liền đưa thư đáp lại tìm cớ thoái thác không trả, rồi kíp triệu trưởng sử là Dương Đại Tướng; đô đốc là Trương Huân, Kỷ Linh, Kiều Di; thượng tướng là Lôi Bạc, Trần Lan, cả thảy hơn ba mươi người, bàn với nhau rằng:
– Tôn Sách mượn quân mã của ta để khởi sự, nay đã lấy hết được đất Giang Đông, đã quên ơn ta, lại dám đòi lại ngọc tỉ, thực là xấc láo, có phương kế gì trị nó đi chăng?
Dương đại tướng nói:
– Tôn Sách giữ chỗ hiểm sông Trường Giang, binh giỏi, lương nhiều, cũng chưa dễ trị được. Nay ta nên hãy đánh Lưu Bị trước để báo thù xưa vô cớ sang đánh ta đã. Rồi sau ta hãy sửa Tôn Sách cũng không muộn. Nay tôi xin dâng một kế làm cho Lưu Bị phải bị bắt ngay lập tức.
Thế là:
Chẳng tới Giang Đông tìm hổ báo!
Lại sang Từ Quận bắt giao long!
Chưa biết kế của Dương đại tướng hiến ra làm sao, xem tới hồi sau sẽ hiểu.