Ngày mười một tháng năm, có thái giám đến báo, Đoan Khang Thái phi vừa qua đời lúc hừng đông. Truyền lệnh công chúa, hoàng tử, phi tần ở các cung mặc đồ tang, thị vệ, tá lĩnh, tôn nữ, mệnh phụ cấp ba trở lên, đàn ông bỏ tua mũ, phụ nữ bỏ khuyên tai, hoàng tử cắt bím tóc. Trong cung không được chơi nhạc trong hai mươi bảy ngày.
Lệnh Khâm thiên giám chọn ngày hoàng đạo, sau mười ngày khâm liệm thì dời đến lăng tẩm. Trong mười ngày này, các phi tần phải mặc đồ trắng, dự lễ khóc tang.
Ta mới vào cung tròn hai năm, không biết vị Đoan Khang thái phi này là ai. Chỉ thấy ngạc nhiên không hiểu sao một Thái phi lại được tổ chức tang nghi long trọng đến vậy.
Nhận chỉ xong, Cẩn phi liền sai các thái giám đến phủ Nội vụ nhận mấy món đồ tang, hương nến, các cung nữ thì đi rửa mặt, tháo trang sức.
Cẩn phi thấy ta có vẻ thắc mắc bèn kể cho ta hay. Năm Hoàng thượng tám tuổi, Hoàng thái hậu vừa sinh con thứ hai, sức khỏe suy yếu, bệ hạ được gửi tới chỗ Đoan Khang thái phi. Đoan Khang thái phi dưới gối không con nên yêu thương chăm sóc bệ hạ như con ruột.
Năm Hoàng thượng mười hai tuổi ngã bệnh nặng, Thái phi sớm khuya chăm sóc quên cả nghỉ ngơi, đích thân bón từng thìa thuốc. Mỗi ngày bà ấy đều tụng kinh niệm phật, nguyện ăn chay cả đời, giảm hai mươi năm tuổi thọ mong Hoàng thượng được bình an. Sau đó Hoàng thượng dần khỏe lại, Thái phi quả nhiên chuyển sang ăn chay, mỗi ngày đều đến Phật đường tụng kinh cầu phúc đến cuối đời.
Ta nghe xong xúc động vô cùng, lần này hẳn Hoàng thượng đau lòng lắm.
Quả nhiên, ngày đầu gặp bệ hạ ở điện Trường Xuân đã thấy người mất đi dáng vẻ phong độ ngày thường, hai mắt đỏ chót, trên mặt lún phún râu, có vẻ rất mệt mỏi ủ rũ.
Lúc đi ngang qua bên cạnh ta có kín đáo liếc nhìn bệ hạ, đôi mắt sâu thẳm như đêm đông của người tràn đầy đau xót. Lần đầu ta không né tránh ánh mắt của người, ta không thể nói chuyện với bệ hạ nhưng vẫn muốn an ủi người.
Sau đó mấy ngày chỉ khóc tang, đến ngày thứ tư thì Gia tần gặp chuyện.
Hôm ấy vừa qua buổi trưa, mọi người vẫn đang quỳ lạy theo lệ, không biết do mặt trời quá nóng hay không được nghỉ ngơi tử tế mà Gia tần đang quỳ bỗng nhiên ngất đi.
Lát sau, Gia tần được các cung nhân khiêng đến thiên điện của điện Trường Xuân, Triệu, Tề thái y cũng vội vã đến.
Ta lo sốt vó nhưng cũng không thể đi hỏi, chờ nghi thức xong xuôi vội chạy vọt đến thiên điện.
Lúc ta đến, Gia tần đang ngồi trên ghế, mặt mũi hơi tái nhưng có vẻ vẫn ổn, ta mới yên tâm hỏi thăm hai vị thái y.
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
Bọn họ chỉ liên tục nói chúc mừng.
Bụng dạ ta sốt ruột hỏi hai người chúc mừng gì đó, ta nhìn về phía Gia tần, thấy cô ấy cũng đang nhìn ta cười khanh khách:
– Ba tháng rồi.
Ta ngơ ngẩn rồi toét miệng cười:
– Chẳng trách mấy hôm nay tỷ cứ mệt, còn ăn mất nửa đĩa điểm tâm của muội.
Ta mừng lắm, nên dù đang trong lúc chịu tang cũng làm hai cái yếm nhỏ. Từ hồi Tứ hoàng tử sinh ra đến giờ ta chưa làm lại, có hơi ngượng tay nhưng thành quả vẫn coi như thuận mắt.
Hoàng thượng miễn việc tham gia nghi lễ cho cô ấy, nhưng Gia tần lại khéo léo từ chối, nói lẽ ra phải tận hiếu với Thái phi.
Ta vừa nói “lúc này còn định thể hiện cái gì, sức khỏe quan trọng nhất”, vừa bảo nhà bếp đổi chuẩn bị cho cô ấy mấy món thanh đạm bổ dưỡng.
Sau mười ngày là đến lễ Di quan, chúng ta không cần đến điện Trường Xuân mỗi ngày nữa, ta bèn đến điện Y Lan để cùng Lương quý nhân chăm sóc Gia tần.
Hoàng thượng vẫn vùi đầu ở điện Cần Chính. Ta không biết thật sự do chính vụ chồng chất hay người muốn mượn công việc để không nghĩ đến chuyện Đoan Khang thái phi qua đời.
Mỗi ngày ta đến điện Y Lan đều đi vòng qua điện Cần Chính, đứng từ xa ngóng vào cửa lớn. Có lúc ta thấy Hoàng hậu nhẹ nhàng bước vào, cũng có lúc thấy Thục phi bước ra. Chúng ta chỉ cách nhau hai cánh cửa dày, hơn một trăm bước chân, ba mươi bảy bậc thang, ta nhớ bệ hạ lắm nhưng không phải phi tử người sủng ái, nên không thể vượt qua khoảng cách này để hỏi người có khỏe không.
Ta biết ta không nhìn thấy bệ hạ, bệ hạ cũng không thể nhìn thấy ta, nhưng ngóng nhìn từ xa thế này làm ta yên tâm hơn.
Đến tháng sáu, cơ thể Gia tần dần nặng nề, ta vẫn đến điện Y Lan mỗi ngày.
Ngày mười ba tháng sáu, đi được nửa đường thì trời mưa, nghĩ bây giờ vòng về lấy ô vẫn dính mưa thôi nên ta vẫn đi thẳng đến điện Y Lan. Đi qua điện Cần Chính, ta nhìn vào theo thói quen lại đột nhiên nghe thấy giọng nói của bệ hạ vang lên sau lưng.
– Nàng đến thăm trẫm à?
Ta quay lại, bệ hạ chỉ có một mình, không dẫn theo công công nào. Hoàng thượng tiến lên nửa bước, nghiêng ô về phía ta, che chở ta dưới tán ô.
– Trẫm nghe Tiểu Trịnh Tử nói, mỗi ngày hắn đứng ở cửa điện Cần Chính đều gặp nàng, – Bệ hạ cúi đầu nhìn vào mắt ta, – Sao nàng không vào?
Bên ngoài rả rích tiếng mưa, dưới tán ô lại yên tĩnh, yên tĩnh đến nỗi ta nghe rõ từng nhịp thở của bệ hạ và tiếng tim ta đập rộn ràng.
– Thần thiếp không dám. Thần thiếp chỉ là một Thường tại nhỏ, không được Hoàng thượng triệu kiến thì không được tự ý đến. Đứng ngoài nhìn vào đã vượt quy củ rồi.
– Thường tại… Trẫm mãi không nhớ được nàng là một Thường tại hay gì, nhưng trong cung này nàng là người không giống một phi tần nhất. Trẫm cũng nhớ tên nàng, là Từ Ý Tùy.
Mặt bệ hạ tái nhợt, nụ cười cũng nhạt, không giống trước đây chút nào.
– Nàng định đi đâu? Nếu không vội thì ở cạnh trẫm một lát.
Ta đi theo bệ hạ, từ điện Cần Chính đến Ngự hoa viên, qua nhà thủy tạ đến cung An Khánh. Dọc đường đi trong đầu ta có thật nhiều lời muốn nói, cuối cùng lại không nói ra được.
Mắt thấy sắp quay lại cửa điện Cần Chính, ta đứng lại, suy nghĩ một lát rồi gọi:
– Hoàng thượng.
Bệ hạ cũng dừng lại, quay lại nhìn ta.
– Thần thiếp biết người đau buồn vì chuyện của Thái phi.
Nét mặt của bệ hạ trầm xuống.
– Thần thiếp không hiểu được đạo lý gì lớn, thần thiếp chỉ muốn nói rằng, bệ hạ khác trước nhiều quá. Hồi trước bệ hạ rất dữ, thần thiếp chẳng mấy khi gặp được người, nhưng người toàn chê thần thiếp vô phép.
– Hôm nay người cư xử nhẹ nhàng với thần thiếp, thần thiếp rất vui. Nhưng thần thiếp không mong vì người đau lòng mới trở nên như vậy.
– Muốn cười thì cười, muốn khóc thì khóc, bệ hạ không cần kìm nén cảm xúc đến vậy.
– Lúc nãy người cười với thần thiếp, thần thiếp thấy khó chịu lắm.
Đây là lần đầu tiên ta nói nhiều với bệ hạ đến vậy, nói xong lại thấy mình nói chuyện không đầu không đuôi, lại lo người không hiểu ý ta, nóng ruột đến muốn phát khóc bèn cúi thấp đầu xuống. Chẳng hiểu sao, bệ hạ luôn làm ta thấy luống cuống, trước đây vì sợ, giờ không sợ nữa nhưng cứ gặp người ta lại cứ bối rối vô cùng.
Đột nhiên một bàn tay chạm vào má và tóc của ta, ta ngẩng đầu, vành mắt bệ hạ đỏ lên, mỉm cười:
– Xem nàng này, đứng lại cũng không nói một tiếng, tóc ướt hết rồi.
Ta nhìn bệ hạ, căng thẳng đến nỗi nín thở.
– Trẫm phải về phê tấu chương, để Tiểu Trịnh Tử che ô đưa nàng về. Về cung nhớ tắm rửa thay quần áo, bảo nhà bếp nấu canh gừng, đừng để bị lạnh.
Sắc trời đã muộn, lòng ta bối rối, bèn trở về cung Đường Lê.
Ăn xong bữa tối, trán hơi nóng lên, bên ngoài mưa ngày một nặng hạt.
Đột nhiên tiểu thái giám thông báo Hoàng thượng giá lâm.
Ta nhanh chân ra đón, đôi mắt Hoàng thượng vẫn hơi đỏ, vẻ mặt tràn đầy mệt mỏi.
Ta hỏi bệ hạ đã dùng cơm chưa, đang định bảo Mịch Nhi gọi phòng bếp dọn đồ ăn lên lại bị bệ hạ ngăn lại.
– Ý Tùy, – Bệ hạ tiến lại gần, tim ta lạc nhịp. – Trẫm không đến để ăn cơm đâu.
Bệ hạ nhẹ nhàng ôm lấy ta, râu cọ lên gáy ta ngưa ngứa, cổ họng bệ hạ nghẹn ngào, hơi thở quẩn quanh bên tai ta, thật gần thật gần.
– Trẫm muốn nàng.