Ôsin Nhà Bộ Trưởng

Chương 9: Bí mật dưới gầm giường

Bấm vào đây để nghe audio
Chương 9: Bí mật dưới gầm giường

Ba ngày sau, công ty
bảo lãnh chuẩn bị được thành lập theo đúng như kế hoạch tỉ mỉ mà Vương
Hãn Đông đã lập ra. Công ty lớn đương nhiên là phải có khí thế, Vương
Hãn Đông quyết định đặt trụ sở công ty tại khách sạn năm sao Giả Nhật.
Khi làm thủ tục thuê phòng ở khách sạn Giả Nhật, Châu Lệ ra mặt với danh nghĩa cá nhân, kí một hợp đồng thuê phòng dài hạn với khách sạn, một
căn phòng ở tầng 9 và một căn phòng ở tầng 10. Căn phòng ở tầng 9 khá
rộng, bên ngoài có thể dùng làm phòng làm việc. Sau khi công ty đã làm
xong thủ tục đăng kí, công ty và khách sạn Giả Nhật lại làm thêm một hợp đồng thuê phòng chính thức. Những chi phí trước đó của công ty đều do
Vương Hãn Đông lấy ra 5 vạn tệ ở Ngân hàng Viêm Hoàng để tạm thời đối
phó. Công ty do Thường Di Nhân làm chủ tịch hội đồng quản trị. Châu Lệ
là tổng giám đốc. Vì Thường Di Nhân và Châu Lệ chỉ hiểu chuyện liếc mắt
đưa tình chứ không biết gì về tài chính, nhưng công ty bảo lãnh buộc
phải có người chuyên môn trong lĩnh vực tài chính và kế toán thì công
việc mới có thể tiến hành thuận lợi, bởi vậy Vương Hãn Đông tuyển hai
chàng trai đã tốt nghiệp chuyên ngành tài chính ở trường đại học về làm
việc. Nguyên nhân mà Vương Hãn Đông chọn con trai là vì công ty muốn
phát triển về nghiệp vụ thì âm dương phải cân bằng, nam nữ bình đẳng,
làm việc mới không mệt mỏi. Ông cũng tuyển một nữ thư kí phụ trách các
công việc khác.

Khi làm thủ tục đăng kí cho công ty bảo lãnh,
Vương Hãn Đông đã mất rất nhiều thời gian vào việc nghĩ cho công ty một
cái tên hay. Vương Hãn Đông nhớ lại hồi nhỏ ăn tết ở quê, từng thấy có
một gia đình buôn bán dán đôi câu đối trên cánh cửa, vế trên là: “Sinh ý hưng long thông tứ hải”; vế dưới là: “Tài nguyên thuận sướng đạt tam
giang”. Ông thấy nội dung câu đối này rất hay và có ý nghĩa, phù hợp với phương hướng phát triển hiện nay của công ty, bởi vậy đặt tên cho công
ty mới là Công ty hữu hạn bảo lãnh đầu tư Tam Giang.

Vương Hãn
Đông gọi điện thoại bảo Châu Lệ tới phòng giám đốc, nói cho cô biết về
tên công ty mà mình vừa nghĩ ra, bảo cô đi làm thủ tục đăng kí tên. Châu Lệ với vốn kiến thức địa lí thời trung học ít ỏi nhưng ấn tượng về các
nhân vật trong những bộ phim trên ti vi, bèn hỏi Vương Hãn Đông:

– Giám đốc, tại sao lại gọi là công ty “Tam Giang”? Nước mình có bốn con
sông lớn là Trường Giang, Hoàng Hà, Chu Giang, Hắc Long Giang, trên ti
vi cũng chỉ nghe nói tới Tổng đốc Lưỡng giang chứ chưa bao giờ nghe nói
tới Tổng đốc Tam giang?

Những lúc chỉ có hai người, với Vương Hãn Đông, Châu Lệ có thể xưng hô thoải mái, nhưng trong các trường hợp
khác, cô buộc phải gọi ông là giám đốc, đây là quy định mà Vương Hãn
Đông đặt ra cho cô, cũng là một cách để Vương Hãn Đông bảo vệ địa vị cao quý của mình.

Vương Hãn Đông không thấy bất ngờ trước sự ngu dốt của Châu Lệ:

– “Tam Giang” ở đây không phải là ba con sông lớn. Trong tiếng Hán cổ,
“tam” là nhiều. Khổng Tử nói “Tam nhân hành tất hữu ngã sư”. Giả sử tôi
đưa cô và Thường Di Nhân đi dạo phố, có phải là “Tam nhân hành” không?
Trong hai người chắc chắn có một người là thầy giáo của tôi? Cô nói xem, trong hai cô, ai có thể làm thầy giáo của tôi được? Bởi vậy ý của Khổng Tử khi nói “Tam nhân hành tất hữu ngã sư” nghĩa là trong nhiều người
cùng đi với tôi, chắc chắn có một người có thể là thầy giáo của tôi. Cô
nói xem chữ “Tam Giang” của chúng ta tổng cộng có bao nhiêu con sông?
Nhiều tới mức không đếm được.

Lời giảng giải tỉ mỉ của Vương Hãn Đông giúp cho Châu Lệ hiểu rõ hàm nghĩa của “Tam Giang”. Cô quay về làm việc theo lệnh.

Sau khi cùng Chương Kiến Quốc quyết định đầu tư vào công ty bảo lãnh, chỉ
trong vòng nửa tháng, Công ty hữu hạn bảo lãnh đầu tư Tam Giang chính
thức đi vào hoạt động.

Châu Lệ và Thường Di Nhân làm thủ tục xin nghỉ việc ở cơ quan cũ và lập tức nhận nhiệm vụ mới.

Việc đầu tiên mà hai người phải làm khi nhậm chức chính là kí hợp đồng thuê
phòng với khách sạn Giả Nhật. Hợp đồng thuê cả dãy phòng 3 năm, làm
phòng tiếp khách, nên khách sạn Giả Nhật giảm giá phòng xuống còn 60%,
một năm là 48 vạn tệ. Vương Hãn Đông nghe Châu Lệ thông báo tình hình,
luôn miệng nói:

– Không đắt, không đắt.

Vương Hãn Đông đã
có những tính toán cụ thể về việc sử dụng các căn phòng. Căn phòng ở
tầng 9 dành cho Châu Lệ sử dụng. Phòng ngoài là văn phòng công ty Tam
Giang, phòng trong là phòng ngủ của Châu Lệ. Căn phòng trên tầng 10 là
phòng của chủ tịch hội đồng quản trị, để cho Thường Di Nhân và Chương
Kiến Quốc cùng sử dụng. Từ đó về sau, Chương Kiến Quốc thường xuyên tới
đây hẹn hò với Thường Di Nhân, đây là chuyện riêng giữa hai người nên
cũng không cần phải nói rõ ràng. Ở đây chỉ có một việc cần nói là,
Thường Di Nhân sau khi từ chức ở Cục Giao thông, đưa ra một điều kiện
với Chương Kiến Quốc: Người làm thư kí cho Chương Kiến Quốc phải là nam, không được sử dụng nữ thư kí nữa. Chương Kiến Quốc lúc đó cũng nhát
gan, vì ông và Thường Di Nhân có mối quan hệ không rõ ràng, nên vô cùng
thận trọng, cứ như thể mình đang làm công tác tuyệt mật. Ông sợ ngộ nhỡ
vợ ông biết mình bên ngoài có tình nhân sẽ làm loạn lên, gây ra nhiều
phiền phức không cần thiết. Khác với Vương Hãn Đông, từ sau khi có
Thường Di Nhân, Chương Kiến Quốc cảm thấy cô ta là người biết điều, ông
hiểu sống trên đời phải biết thỏa mãn nên cũng không còn khát khao gì
nữa. Ông lập tức đồng ý với yêu cầu của Thường Di Nhân, sau này Chương
Kiến Quốc chỉ dùng thư kí nam.

Vụ làm ăn đầu tiên của Công ty hữu hạn bảo lãnh đầu tư Tam Giang đương nhiên là việc Ngân hàng Viêm Hoàng
cho Tổng công ty công trình giao thông thành phố vay tiền. Khoản nợ trị
giá 350 triệu này được kí kết chỉ trong vòng ba ngày. Vương Hãn Đông lấy danh nghĩa của Công ty hữu hạn bảo lãnh đầu tư Tam Giang ra bảo lãnh,
bổ sung thêm một số tài liệu cần thiết vào hồ sơ vay vốn của Tổng công
ty Công trình giao thông rồi gửi lên tổng ngân hàng. Chỉ nửa tháng sau,
tổng ngân hàng đã phê chuẩn khoản vay này. Số tiền 350 triệu nhân dân tệ được gửi vào tài khoản của Tổng công ty Công trình giao thông, sau đó
Tổng công ty Công trình giao thông lại chuyển 35 triệu nhân dân tệ vào
tài khoản của Công ty hữu hạn bảo lãnh đầu tư Tam Giang. Cả hai công ty
này đều có tài khoản ở Ngân hàng Viêm Hoàng, bởi vậy thủ tục chuyển
khoản được thực hiện nhanh chóng trong vòng có vài phút. Khoản tiền 35
triệu nhân dân tệ này đạt được quá nhanh và dễ dàng, khiến người khác
phải giật mình, thủ đoạn phạm tội bây giờ quả là sáng tạo.

Đây chính là lí do khiến Chương Kiến Quốc và Vương Hãn Đông có mối quan hệ thân thiết và gắn bó với nhau như vậy.

Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com

***

Sau khi có một khoản tiền lớn, cuộc sống của mọi người trong Công ty Tam
Giang đều trở nên sôi động hơn. Ba sinh viên mới tuyển vào công ty được
khen ngợi sau khi hoàn thành vụ làm ăn này, ai cũng tỏ ra dương dương tự đắc, cười nói vui vẻ. Họ không hiểu rõ tính chất và nội tình của công
ty, cũng không hiểu được trong cái âm mưu “tay không bắt sói” này, lợi
nhuận mà họ nhận được chỉ là con số 0. Vương Hãn Đông nhân lúc cả ba
thanh niên này còn đang hưng phấn, yêu cầu họ làm một vài dự án mới, nếu có doanh nghiệp khác muốn vay vốn ở Ngân hàng Viêm Hoàng thì Công ty
bảo lãnh Tam Giang nhất định không thể bỏ qua.

Từ sau khi có Công ty hữu hạn bảo lãnh đầu tư Tam Giang, Vương Hãn Đông và Chương Kiến
Quốc đều được tăng thêm thu nhập, không chỉ đơn giản là hai chữ kiếm
tiền mà còn tiến bộ thêm về trình độ kiếm tiền bất hợp pháp một cách hợp pháp. Hai trăm vạn tệ mà Chương Kiến Quốc tặng cho Từ Thẩm Bình cũng
được lấy từ Công ty Tam Giang. Khi đó Chương Kiến Quốc nói với Vương Hãn Đông rằng, khoản tiền này ghi vào sổ của ông, khi hai người chia lợi
nhuận, ông sẽ trừ bớt đi hai trăm vạn tệ. Bây giờ hai người nghĩ lại lúc bất hòa khi trước, cả hai đều cảm thấy ngượng ngùng.

Vương Hãn
Đông là linh hồn của công ty Tam Giang. Tới đây không thể không “long
trọng” giới thiệu về Vương Hãn Đông. Nếu đánh giá tổng thể về tố chất cá nhân của Vương Hãn Đông, tất cả những gã lưu manh muốn làm tham quan và tất cả những gã tham quan muốn làm lưu manh đều nên tôn Vương Hãn Đông
làm sư phụ, để được tham gia khóa học “Học vị tiến sĩ tham quan lưu
manh”.

Vương Hãn Đông rất coi trọng việc ăn mặc, giỏi giao tiếp,
thông tường nghệ thuật, nói năng nho nhã, chi tiền rộng lượng, cho dù là làm việc tốt hay việc xấu đều rất bạo dạn, có mưu kế. Triết lí sống của ông ta thứ nhất là phải có quyền để đáp ứng dục vọng về quyền lực của
riêng ông ta; thứ hai là phải có tiền để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ.
Quyền càng cao càng tốt, tiền càng nhiều càng tốt, hai thứ này cùng bổ
trợ cho nhau, thúc đẩy nhau để tạo ra hào quang cho cuộc đời của ông ta.

Để thực hiện ước mơ của mình, ông đã dày công lên kế hoạch cho mỗi bước
hành động của mình, giống như khi nước Mỹ phóng phi thuyền lên vũ trụ,
mỗi một trình tự đều phải tính toán tỉ mỉ. Ông tặng không Nhan Lệ cho Từ Thẩm Bình, đưa Quỳnh Hoa vào nhà Từ Văn Tuấn, tất cả đều là những tính
toán tỉ mỉ như một cái lưới, họ đều là quân cờ trong tay Vương Hãn Đông. Vương Hãn Đông đã dùng tiền để khống chế Nhan Lệ, vào thời cơ thích
hợp, ông lại mua chuộc Quỳnh Hoa, tới lúc quan trọng, họ sẽ phát huy vai trò vô cùng to lớn. Những chi phí mà Vương Hãn Đông bỏ ra cho Nhan Lệ
và Quỳnh Hoa đều được lấy từ tiền của công ty Tam Giang. Số tiền nhỏ này so với ông chẳng bõ dính răng.

Vương Hãn Đông xúi giục Từ Thẩm
Bình mở phòng tranh là một kế hoạch khác của ông. Vai trò thứ nhất của
việc này là cung cấp một tấm bình phong cho Từ Văn Tuấn nhận hối lộ, đây chính là kinh nghiệm từ việc thành lập công ty Tam Giang. Thứ hai là
thông qua Nhan Lệ để thu thập các chứng cứ nhận hối lộ của Từ Văn Tuấn
và Từ Thẩm Bình. Nếu đã có chứng cứ phạm tội của hai cha con nhà họ Từ,
ông có thể ung dung uy hiếp họ để hưởng lợi. Trong việc mua chức quan
thì đôi khi uy hiếp còn có tác dụng hơn cả hối lộ. Một khi đã khống chế
được bộ trưởng Bộ Tổ chức thì ông không phải tới một thành phố nơi biên
thùy làm giám đốc ngân hàng nữa mà có thể đường hoàng có một chức quan
trong cái thành phố phồn hoa này.

Kế hoạch này của Vương Hãn Đông được gợi mở nhờ một tin tức mà cách đó không lâu, các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải rầm rộ. Tin tức này nói rằng, có một gã vô lại ở một thành phố nào đó, cả ngày không có việc gì làm, chỉ chuyên đi theo
dõi các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố, khi hắn thu thập được
một lượng lớn chứng cứ việc các vị lãnh đạo này nhận hối lộ, đi chơi
gái, hắn bắt đầu tới gõ cửa từng nhà. Bằng sự uy hiếp đó, hắn trở thành
một vị quan chủ chốt của thành phố, thậm chí còn khống chế gần như toàn
bộ các cán bộ lớn nhỏ trong thành phố này, giẫm lên đầu họ để tiến về
phía trước. Kết cục cuối cùng của tấn trò hề này là gã vô lại phải vào
tù. Vương Hãn Đông đã tổng kết được kinh nghiệm và bài học từ hắn, là
kinh nghiệm thì phải học tập, là bài học thì phải ghi nhớ. Ông cho rằng
điểm thất bại của gã vô lại đó là: Hắn quá đắc ý, quên mất mình là ai.
Từ đó ông cư xử với người khác luôn nhất mực hòa nhã và khôn khéo, điều
này chứng tỏ từ gã vô lại đó, không những ông học được không ít thứ mà
còn tỏ ra thông minh hơn hắn ta rất nhiều.

Vương Hãn Đông xuất
thân từ giới tài chính, vẻ ngoài thì đường hoàng, đạo mạo, nhưng bên
trong che giấu những tính toán tinh vi với đồng tiền. Đây có vẻ như hai
cực đối lập nhau nhưng khi thống nhất trong một lá cờ tham ô thì theo
cách nói của ông sẽ là: “Không nên tiết kiệm đồng nào để hưởng thụ cuộc
sống; không nên tiêu phí một đồng vào những việc không nhất thiết phải
tiêu”. Mục đích ông giúp Từ Thẩm Bình mở phòng tranh chính là muốn lấy
ra hóa đơn chi hai trăm vạn tệ mà Chương Kiến Quốc cho Từ Thẩm Bình, có
hóa đơn thì số tiền này sẽ ghi vào chi thu của công ty Tam Giang. Cuối
năm kết toán, công ty sẽ giảm được khoản thuế 66 vạn tệ. Một lần có thể
tiết kiệm được 66 vạn tệ, đâu phải là một con số nhỏ. Chi phí thuê phòng ở khách sạn năm sao của công ty Tam Giang, ông cũng đã có cách tính
toán khác. Số tiền thuê thực tế mà khách sạn Giả Nhật cho công ty thuê
đã trừ đi 40%, thêm vào đó là số tiền thuế được bớt của công ty, như vậy số tiền thuê nhà thực tế được giảm 44%, tổng cộng tính ra tiền thuê nhà thực sự không cao mà ngược lại, nó còn có lợi cho hình ảnh của công ty
Tam Giang. Những tham quan có đầu óc kinh tế như Vương Hãn Đông quả thực không nhiều, ông chính là một “tấm gương sáng” cho những tham quan khác cùng học tập.

***

Sau khi Chương Kiến Quốc thông báo cho
Vương Hãn Đông về việc mình được thăng chức, Vương Hãn Đông cho rằng đã
đến lúc bàn tới việc làm “quan” của mình rồi. Ông lợi dụng tấm ván nhảy
là Chương Kiến Quốc nên mới tiếp xúc được với Từ Thẩm Bình. Bây giờ chân đã đặt lên ván rồi, ông phải nhảy thật cao mới được.

Ông gọi
điện thoại hẹn Chương Kiến Quốc dành thời gian hai người gặp nhau.
Chương Kiến Quốc thoái thác, nói rằng vừa mới nhậm chức, còn nhiều việc
chưa làm xong nên hiện tại vẫn không có cách nào đi được, chờ mấy ngày
sau. Ông ta còn nói thêm một lí do khiến Vương Hãn Đông động lòng: Để
phát triển nhanh đường cao tốc, thành phố đang nghĩ tới việc nâng cao
khoản đầu tư vào việc kiến thiết giao thông đường bộ, Cục Giao thông
thành phố đang phác thảo phương án để thành lập công ty xây dựng đường
cao tốc. Nếu công ty này được thành lập thì sẽ có nhu cầu vay vốn, có
nhu cầu vay vốn thì sẽ có nhu cầu bảo lãnh, có nhu cầu bảo lãnh thì mọi
người đều có cơ hội kiếm thêm tiền. Trong sợi xích logíc đơn giản này,
lợi ích của Vương Hãn Đông và Chương Kiến Quốc thu được đều như nhau,
bởi vậy Vương Hãn Đông cũng không còn lí do gì để phản đối.

Vương Hãn Đông lại muốn tìm Từ Thẩm Bình tâm sự về suy nghĩ muốn làm quan của mình, nhờ Từ Thẩm Bình về nhà thăm dò thái độ của Từ Văn Tuấn. Nhưng Từ Thẩm Bình nói anh còn bận hơn cả Chương Kiến Quốc, trước mắt không có
thời gian, bảo Vương Hãn Đông chờ vài ngày rồi tính sau. Tục ngữ nói
“một triều vua, một triều thần”, một đơn vị chỉ cần thay người đứng đầu
là các cán bộ bên dưới lập tức đối mặt với nguy cơ bị thay đổi lần nữa.
Các cán bộ vì muốn bảo vệ bát cơm của mình, người nào cũng bận hết việc
này tới việc khác. Từ Thẩm Bình là phó chủ nhiệm Phòng Giao thông của
cục, trong khoảng thời gian thay đổi cán bộ này, bản thân nằm ở vị trí
trung tâm quyền lực của Cục Giao thông, nên đương nhiên phải bận hơn cả
Chương Kiến Quốc.

Trong điện thoại, Vương Hãn Đông nhân tiện nhắc tới chuyện hóa đơn hai trăm vạn tệ, Từ Thẩm Bình nói sẽ lập tức dặn
Nhan Lệ gửi cho ông, đồng thời cũng đưa cho ông hai bức tranh đã hoàn
thành. Vương Hãn Đông thấy Chương Kiến Quốc và Từ Thẩm Bình mấy ngày hôm nay chắc không có hi vọng gặp mặt nên chỉ biết kiên nhẫn chờ đợi.

Ngày thứ hai sau khi Từ Thẩm Bình đồng ý mang hóa đơn sang cho Vương Hãn
Đông, Nhan Lệ mang hóa đơn và tranh tới phòng làm việc của ông ta ở Ngân hàng Viêm Hoàng. Hai ngày chờ đợi quả là sự giày vò đối với ông ta.
Đúng vào lúc ông đang sốt ruột thì Nhan Lệ tìm tới ngân hàng, Vương Hãn
Đông có thể giải tỏa bớt căng thẳng.

Nhan Lệ bước vào phòng giám đốc, thấy Vương Hãn Đông rít thuốc liên tục:

– Giám đốc Vương, hôm nay sao ông rảnh thế?

Vương Hãn Đông vừa nhìn thấy Nhan Lệ đã lấy lại tinh thần:

– Tôi đâu có rảnh. Đã là đàn ông thì không ai rảnh cả. Em là đàn bà, bởi
vậy không hiểu chuyện này đâu. Ngày nay làm đàn ông đã khó, làm một nam
lãnh đạo còn khó hơn, thân này là của nhà nước, đầu này là của nhân dân, miệng này là của cấp trên, bụng này là của nhà hàng, nhà này là nhà của vợ, giường là của tình nhân, thành tích của tập thể, sai lầm của bản
thân, ngoài sai lầm ra thì chẳng có cái gì là của tôi cả! Làm gì còn
thời gian mà rảnh rỗi.

– Gớm, nghe ông nói thấy thương quá. Ông
không muốn làm đàn ông cũng dễ thôi, bây giờ có phẫu thuật chuyển đổi
giới tính, ông có thể biến thành đàn bà lúc nào ông muốn. Nhưng ông đừng có tưởng làm đàn bà là dễ nhé. Nếu ông thực sự biến thành đàn bà, mỗi
tháng “đèn đỏ” xuất hiện, ông sẽ không chịu được đâu. Em thấy, bảo ông
đừng làm đàn ông đã khó, bảo ông đừng làm quan có khi còn khó hơn.

Vương Hãn Đông nghe Nhan Lệ nói vậy, bật cười lớn:

– Người chuyển giới chỉ giống đàn bà về đại thể thôi, làm gì có “đèn đỏ”. Kiến thức sinh lí của em vẫn còn hơi kém.

Nhan Lệ không tranh luận nữa:

– Sao hôm nay định phạt em đứng hả, không mời ngồi sao?

– Chúng ta là ai với ai mà còn phải khách sáo như thế. Em muốn ngồi đâu thì ngồi đó. Mang hóa đơn và tranh đến rồi hả?

– Đương nhiên là mang đến rồi, nếu không em tới đây làm gì.

– Không gặp mặt nhau mấy ngày mà phải xem xét lại em rồi. Em bây giờ làm
bà chủ phòng tranh, cách nói chuyện cũng khác hẳn. Bây giờ cứng cáp rồi
phải không?

Nhan Lệ bản tính khó dời, lại dở giọng đong đưa:

– Em có cứng cáp hay không không quan trọng, ông có cứng hay không mới là chuyện lớn.

Vương Hãn Đông cười:

– Tôi có cứng hay không? Trong một quảng cáo của Triệu Bản Sơn nói thế
nào nhỉ? Người nào dùng sẽ biết. Thôi đừng đấu khẩu nữa, đưa hóa đơn cho tôi, đưa cả tranh nữa, để tôi xem tay nghề của Giả Tác Nhân như thế
nào.

Nhan Lệ đưa hóa đơn cho Vương Hãn Đông trước, rồi sau đó lấy hai bức tranh ra trải lên bàn làm việc của Vương Hãn Đông. Vương Hãn
Đông tập trung nhìn tranh, trên đó là một bức “Phong cảnh Thiểm Bắc” của Phó Bão Thạch vẽ năm 1960. Kích cỡ của nguyên tác là 49cm x 56,8cm.
Vương Hãn Đông nhìn kĩ bức tranh, quả thật nó giống y với nguyên tác,
ông nghĩ Giả Tác Nhân cũng là người có chút thực lực. Vương Hãn Đông lại xem kĩ hơn, bức tranh này rõ ràng to hơn bức tranh gốc, chứng tỏ Giả
Tác Nhân vì muốn kiếm thêm tiền nên đã phóng to bức tranh lên, chiêu này vô cùng hữu dụng đối với người ngoại đạo. Vương Hãn Đông cười nói:

– Giả Tác Nhân đúng là chó, đi đâu cũng thích liếm phân. Nhan Lệ không nghe rõ:

– Ông nói cái gì?

Vương Hãn Đông không thể nói rõ sự thật trước mặt Nhan Lệ, sợ cô biết quá
nhiều sẽ làm hỏng việc lớn, cho dù sau này cần phải nói rõ với cô nội
tình, nhưng cũng phải từ từ:

– Cũng không có gì. Nếu em đã làm bà chủ phòng tranh thì hôm nay tôi dạy em một vài kiến thức về hội họa
được không? Hơn nữa còn dạy miễn phí.

Vương Hãn Đông đứng lên ra
khóa cửa phòng làm việc lại, kéo Nhan Lệ ngồi xuống đùi mình, hai tay
Nhan Lệ vòng qua cổ ông ta. Hai người đã sắp xếp xong tư thế học bài,
Vương Hãn Đông bèn giảng giải:

– Tôi với em quen nhau đã lâu mà
em không hiểu gì về kiến thức nghệ thuật của tôi. Hôm nay tôi không dạy
em vài điều thì em không biết được cái tài của tôi. – Vương Hãn Đông chỉ vào bức tranh, thao thao bất tuyệt. – Em nhìn nhé, đây là bức tranh
“Phong cảnh Thiểm Bắc” của Phó Bão Thạch. “Suân pháp”(1) trong tranh của Phó Bão Thạch khác với người khác nên giới hội họa gọi ông ta là “Bão
Thạch suân”. Nét bút khoáng đạt, rõ ràng và bay bổng. Về hình thức, đây
là sự kết hợp của nhiều nét vẽ truyền thống trong tranh sơn thủy như
chấm phá, sử dụng nhiều suân pháp. Sau khi nét bút đã phóng ra, có thể
nói là vô cùng uy phong, từng nét mực như thiên biến vạn hóa, kì diệu
khôn lường…

Vương Hãn Đông hùng hồn thể hiện sự hiểu biết của
mình về lĩnh vực hội họa, nhưng ông chỉ như đàn gảy tai trâu. Nhan Lệ
chỉ hiểu về XO, nước hoa, làm thế nào để lấy lòng đàn ông, có tìm trên
cả khắp người cô cũng không ra được một nửa tế bào nghệ thuật. Hai người có sự khác biệt rất lớn về trình độ nghệ thuật, bởi vậy không thể nào
hòa hợp được trên lĩnh vực này.

Vương Hãn Đông thấy khuôn mặt
ngây ngô như hiểu như không của Nhan Lệ, tưởng rằng Nhan Lệ đang say mê
với bài giảng của mình. Vương Hãn Đông hào hứng tiếp tục nhưng Nhan Lệ
đứng lên khỏi đùi ông, kiếm cớ từ chối:

– Giám đốc Vương, em
không biết ông lại nghiên cứu sâu về hội họa như vậy, hôm nay giảng đến
đây thôi nhé, sau này mong ông dạy bảo thêm nhiều.

Vương Hãn Đông thấy Nhan Lệ định đi về, những nhiệt tình nghệ thuật ban nãy đều bay biến hết:

– Em không có chút hứng thú nào với hội họa sao? Vừa nãy tôi đúng là gảy
đàn tai trâu, nói với em cũng chẳng có tác dụng gì! Nói chuyện nghiêm
túc đi, gần đây phòng tranh có ai tới thăm không?

– Dạo này ngay cả Từ Thẩm Bình cũng ít tới, lấy đâu ra khách.

– Có khách hay không có khách cũng chẳng ảnh hưởng gì tới tiền hằng tháng của em. Em chú ý cho tôi, có khách tới phòng tranh, nhớ phải ghi lại
cho kĩ.

– Chuyện này chẳng phải lần trước ông đã nói rồi sao? Nói nhiều thế, không thấy bực mình à?

– Lời của tôi em nhớ được là tốt. Em muốn về thì tôi không giữ em nữa. Nếu em không làm theo lời tôi thì hậu quả tự chịu đấy.

Vương Hãn Đông còn chưa nói xong, Nhan Lệ đã biến nhanh ra khỏi phòng như một cơn gió.

Sau hai tuần “bài binh bố trận”, chức vụ của các cán bộ trong Cục Giao
thông thành phố cũng được xác định. Để ổn định cơ quan, Chương Kiến Quốc không thay đổi nhiều về nhân sự, chỉ cách chức của mấy người là trưởng
phòng, phó trưởng phòng từng có khúc mắc với ông, điều họ tới những vị
trí không mấy quan trọng trong cục. Còn các chức vụ quan trọng khác thay vào toàn là tay chân của ông.

Từ sự điều chỉnh cán bộ trong Cục
Giao thông thành phố lần này có thể thấy Chương Kiến Quốc thích dùng “nô tài” chứ không dùng nhân tài. Cách làm này cũng không có gì là khó
hiểu. Nếu nhà bạn có hai đứa con, một đứa ngoan ngoãn nghe lời, một đứa
luôn có suy nghĩ riêng, thường xuyên tranh luận với bạn thì đa số các vị phụ huynh đều thích đứa con ngoan ngoãn. Đây là một điểm yếu trong tính cách của con người. Dù sao thì quan trường cũng khác với gia đình, nếu
trong nguyên tắc dùng người của người đứng đầu cơ quan còn bị ảnh hưởng
bởi nhiều nhân tố khác như quyền lực, quan hệ cá nhân, tiền bạc, vậy thì yếu điểm trong tính cách sẽ được coi là một thông lệ trong chốn quan
trường. Chương Kiến Quốc lăn lộn trong chốn quan trường nhiều năm, đương nhiên không thể ngoại lệ. Trong việc sử dụng người, ông chịu ảnh hưởng
của cả quyền lực và tiền bạc cũng là điều dễ hiểu. Trong Cục Giao thông
có rất nhiều người có tài nhưng cũng chỉ trở thành vô dụng trước quyền
lực của ông. Nhân tài chỉ trong các trường hợp đơn vị cần sử dụng gấp
mới có một lúc nào đó cho bạn một sân khấu tạm thời. Sân khấu này lớn
như thế nào? Chỉ có trời mới biết! Khi thời gian diễn xuất tạm thời kết
thúc, sân khấu mới dựng lên cũng không còn tồn tại nữa.

Sau khi
điều chỉnh lại các cán bộ, Chương Kiến Quốc bắt đầu bắt tay vào công tác chuẩn bị cho hạng mục công trình đường cao tốc của thành phố. Phó
trưởng phòng Bành của Phòng Kế hoạch tổng hợp vốn dĩ làm việc trong
Phòng Giao thông, trong lần điều chỉnh cán bộ lần này đã được thăng lên
chức trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp. Chương Kiến Quốc gọi trưởng phòng
Bành tới, giao nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng đường cao tốc cho ông ta,
yêu cầu phải nhanh chóng nộp phác thảo dự án cho ông.

Chương Kiến Quốc là một người biết báo ơn. Từ Văn Tuấn lần này giúp ông một việc
lớn, làm thế nào để báo đáp Từ Văn Tuấn là vấn đề mà ông luôn trăn trở.
Nếu lại biếu tiền thì tỏ ra khách sáo quá, nói không chừng Thẩm Thái
Hồng còn nghĩ rằng: Muốn biếu sao lần trước không biếu một thể đi? Ông
tưởng mua chức quan giống mua rau à? Biếu tiền mà biếu nhỏ giọt như vậy
đúng là chẳng ra gì. Nhưng ông nghĩ nếu như cứ giả câm giả điếc, lại sợ
Từ Văn Tuấn, nhất là Thẩm Thái Hồng nói ông là người vô ơn, nếu cuộc
giao dịch lần trước trở thành bữa tối cuối cùng, sau này làm sao ông mở
miệng ra nhờ vả lần nữa được. Chương Kiến Quốc đang khó xử đôi đường!
Trong văn hóa tặng quà của người Trung Quốc, người nào kém hiểu biết
hoặc hiểu biết quá nhiều đều không biết phải tặng quà như thế nào.

Chương Kiến Quốc gặp phải một khó khăn mà nhất thời không giải quyết được, bèn nghĩ tới Vương Hãn Đông. Chương Kiến Quốc gọi điện thoại cho Vương Hãn
Đông, hẹn ông tối nay ra ngoài gặp mặt. Vương Hãn Đông nhận được điện
thoại của Chương Kiến Quốc, lập tức trở nên hưng phấn hơn. Dạo gần đây
mấy lần ông gọi điện thoại cho Chương Kiến Quốc nhưng ông ta đều nói quá bận, lần nào cũng bảo để mấy ngày nữa sẽ gặp nhau. Mấy lần “mấy ngày
nữa” cộng lại đã thành hơn nửa tháng trời. Vương Hãn Đông giận tới mức
không biết đã chửi thầm Chương Kiến Quốc bao nhiêu lần, nói Chương Kiến
Quốc là người vong ơn phụ nghĩa, lòng lang dạ sói, không xứng là bạn… Vì mối quan hệ hợp tác của hai người ở công ty Tam Giang nên hiện nay cho
dù Vương Hãn Đông có giận như thế nào cũng chỉ có thể nuốt vào trong
bụng, trong lòng ông hiểu rõ, bây giờ không phải là lúc trở mặt với
Chương Kiến Quốc, một khi mối quan hệ của hai người trở nên căng thẳng
thì chẳng có lợi cho ai cả. Vương Hãn Đông nghĩ Chương Kiến Quốc chủ
động gọi điện thoại tới, chắc chắn là vì có chỗ nào khó xử, nếu không
phải muốn nhờ ông đưa ra kế sách gì thì cũng muốn ông ủng hộ ông ta việc gì đó. Họ hẹn nhau sáu giờ tối cùng dùng bữa tối tại nhà hàng trên tầng hai khách sạn Giả Nhật. Ngay sau đó Vương Hãn Đông gọi điện thoại thông báo cho Châu Lệ, bảo cô tới nhà hàng đặt chỗ, bữa tối bốn người, mỗi
người dưới hai trăm tệ, trà rượu tính riêng.

6 giờ kém 10 phút,
Vương Hãn Đông đã cùng Châu Lệ có mặt ở đại sảnh của khách sạn Giả Nhật
để chờ Chương Kiến Quốc. 6 giờ kém 5 phút, xe của Chương Kiến Quốc tới
nơi. Châu Lệ dẫn hai người lên tầng hai. Ba người bước vào nhà hàng,
thấy Thường Di Nhân đã tới trước, đang ngồi cạnh bàn ăn. Cô thấy mọi
người đều đã tới, bèn lập tức đứng lên, lần lượt chào từng người.

Bốn người ngồi vào bàn ăn, Vương Hãn Đông lập tức bày tỏ sự bất mãn đã tích tụ trong lòng mình suốt nửa tháng nay:

– Cục trưởng Chương, hôm nay tôi gọi anh là cục trưởng Chương hay là bí thư Chương thì đúng hơn nhỉ?

Chương Kiến Quốc nghe giọng chua loét của Vương Hãn Đông, biết mấy lần trước
ông ta gọi điện thoại mà mình tỏ ra thờ ơ nên hôm nay Vương Hãn Đông
nhân cơ hội này để xả giận. Chương Kiến Quốc là người làm quan to, quan
to đương nhiên phải rộng lượng, bởi vậy không chấp Vương Hãn Đông:

– Giám đốc Vương thích gọi ra sao thì gọi. Thời gian trước quả thực là
tôi quá bận, hôm nay có chút thời gian rảnh, lập tức hẹn anh ra gặp mặt, ôn lại tình cảm với nhau. Giám đốc Vương và tôi tình bạn tri giao, bạn
bè cho dù lâu ngày không gặp nhưng tình cảm thì vẫn sâu đậm như xưa. Tôi đoán chắc Giám đốc Vương cũng hiểu được chỗ khó của tôi.

Mỗi lời nói ra Chương Kiến Quốc đều gọi “giám đốc Vương”, Vương Hãn Đông nhận
ra trong đó có hàm ý hối lỗi nên cơn giận dữ cũng vơi đi một nửa. Vương
Hãn Đông nghĩ tới việc sau này còn hợp tác lâu dài với Chương Kiến Quốc, cho dù trong lòng còn giận nhưng cũng không thể giận mãi:

– Nếu trong lòng Cục trưởng Chương vẫn còn coi tôi là anh em thì hôm nay chúng ta phải cạn vài ly.

Vương Hãn Đông dặn Châu Lệ gọi nhân viên phục vụ mang rượu và đồ ăn lên.
Vương Hãn Đông và Chương Kiến Quốc cạn hết ly này tới ly khác, thi
thoảng kể vài câu chuyện cười trong chốn quan trường. Hai cô gái chỉ
biết vùi đầu vào ăn.

Chưa đầy hai mươi phút sau, Vương Hãn Đông
và Chương Kiến Quốc đã uống hết một chai Ngũ Nương. Châu Lệ sợ hai người uống nhiều, nhất là Chương Kiến Quốc uống nhiều lại làm lỡ việc lớn của Vương Hãn Đông nên vội vàng nói chen vào:

– Hai vị lãnh đạo uống cũng không ít rồi. Bây giờ tôi kể cho hai vị nghe một câu chuyện cười
có liên quan tới rượu. Có một người uống rượu quá nhiều bèn vào nhà vệ
sinh đi tiểu tiện, người đó đi không lâu sau đã quay về. Anh ta nói với
người bạn cùng bàn là: “Việc buôn bán của quán rượu này tốt thật, ngay
cả trong nhà vệ sinh cũng có hai bàn!”. Mọi người không để ý anh ta nói
gì, tưởng rằng anh ta uống nhiều nên nói say, lại tiếp tục uống. Nhưng
chỉ một lúc sau, có hai người lao vào phòng, giữ chặt người vừa đi vệ
sinh rồi đánh. Mọi người vội vàng lao vào can ngăn, hỏi người kia: “Sao
các anh lại tùy tiện đánh người?”. Người kia nói rằng: “Thằng nhóc này
đáng đánh, hắn dám vào phòng bọn tôi tiểu tiện lung tung”.

Châu
Lệ kể xong truyện cười, những người khác còn chưa cười, cô ta đã bật
cười lăn lộn, sau đó Thường Di Nhân cũng cười hưởng ứng. Vương Hãn Đông
chỉ khẽ nhếch miệng lên, nhưng Chương Kiến Quốc thì không có phản ứng
gì. Tửu lượng của Vương Hãn Đông đã được rèn luyện trong nhiều năm nay,
đã sắp đạt tới mức của “tiên rượu”. Mặc dù hôm nay ông ta uống rất nhiều rượu trắng, nhưng đầu óc vẫn vô cùng tỉnh táo, thấy tinh thần của
Chương Kiến Quốc không tốt, nhất thời hiểu ra dụng ý câu chuyện cười của Châu Lệ. Ông ta nhớ ra bữa cơm hôm nay chỉ là một cái cớ, kịch chính
còn chưa mở màn, không thể để Chương Kiến Quốc uống say được, bèn nói:

– Rượu ngon phải có bạn hiền. Hôm nay tôi và cục trưởng Chương đều uống
rượu cho vui thôi, uống nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Cô Thường
nói có phải không?

Trước khi đến đây Chương Kiến Quốc đã gọi điện thoại thông báo cho Thường Di Nhân rằng hôm nay ông ta tới khách sạn
Giả Nhật dùng cơm tối, ăn cơm xong sẽ ở lại, không về nữa. Thường Di
Nhân sợ Chương Kiến Quốc uống say, nếu nửa đêm gây chuyện trên giường,
cô ta sẽ không lo được, bởi vậy cũng khuyên ông vài câu:

– Cục
trưởng Chương, tôi và cô Châu đều ăn no rồi, tôi thấy hai người uống
rượu cũng nhiều. Trong phòng tôi có loại trà mới của năm nay, chúng ta
lên đó uống trà, nói chuyện được không?

Vương Hãn Đông lập tức
tán thành đề nghị của Thường Di Nhân. Châu Lệ gọi nhân viên tới thanh
toán. Lúc này đầu óc của Chương Kiến Quốc có vẻ không làm chủ được nữa,
phải nhờ mọi người dìu lên lầu.

Vương Hãn Đông vì hôm nay có
chuyện cần bàn với Chương Kiến Quốc nên sau khi đưa Chương Kiến Quốc vào căn phòng ở tầng 9 của Châu Lệ, bảo Thường Di Nhân lên tầng 10 lấy trà
xuống.

Vương Hãn Đông và Chương Kiến Quốc ngồi xuống căn phòng
bên ngoài, châm điếu thuốc Trung Hoa rồi hút. Hai cô gái vội vàng pha
trà cho ông chủ. Thường Di Nhân vừa pha trà vừa nói:

– Trà này là hàng cao cấp, trà Tử Duẩn sản xuất ở Nghi Hưng. Trà Tử Duẩn, ấm Tử Sa
và suối Kim Sa được ca ngợi là “Tam bảo Nghi Hưng”.

Vương Hãn Đông rượu vào lời ra, ông tiếp lời của Thường Di Nhân:

– Trà Tử Duẩn đúng là hàng tốt. Thi nhân đời Đường, Lô Đồng từng nói:
“Thiên tử thưởng trà ngon Dương Mộ. Trăm hoa không dám lộ sắc hương”. Tô Đông Pha cũng nói: “Hoa tuyết thay tôi cầu Dương Mộ, nước trong người
tới núi Huệ Sơn”. Dương Mộ là tên cũ của Nghi Hưng, Giang Tô. Hôm nay
chúng ta được uống trà Từ Duẩn cũng là đã được thưởng thức thú vui của
bậc vua chúa ngày xưa.

Vương Hãn Đông vô cùng đắc ý với cách
trích dẫn của mình. Chương Kiến Quốc và Châu Lệ không hiểu thơ văn, chỉ
biết nhìn nhau cười, duy có Thường Di Nhân là hiểu biết đôi chút, gật
đầu như bổ củi. Sau khi trà nước đã chuẩn bị xong, Vương Hãn Đông bảo
Châu Lệ và Thường Di Nhân về căn phòng ở tầng trên, bởi vì ông và cục
trưởng Chương phải bàn chuyện “quốc gia đại sự”.

Châu Lệ và Thường Di Nhân vừa đi khỏi, Vương Hãn Đông bèn đóng cửa phòng lại:

– Cục trưởng Chương, hôm nay anh hẹn tôi đi ăn cơm không phải chỉ để nối
lại tình cảm đấy chứ? Có phải có chuyện gì quan trọng cần bàn bạc không?

Chương Kiến Quốc nói:

– Chuyện tình cảm là có thật, có chuyện quan trọng cần bàn cũng là nói
thật. Anh để tôi uống ngụm trà cho tỉnh rượu đã, lát nữa tôi sẽ nói
tường tận với anh.

Vương Hãn Đông biết uống trà không thể tỉnh
rượu, nhưng ít nhất cũng giúp đỡ khô họng, bèn để mặc Chương Kiến Quốc
ngồi uống trà, còn mình thì yên lặng hút thuốc chờ đợi. Chương Kiến Quốc hôm nay uống hơi nhiều rượu, nhưng cũng chưa tới mức say mèm. Ông nhấc
tách trà đưa lên mũi ngửi rồi uống hết tách này tới tách khác. Vương Hãn Đông lại vội vã châm thêm nước sôi vào ấm. Chương Kiến Quốc lại uống
nửa ấm nữa, dường như muốn dùng nước trà để ép cảm giác cay nồng của
rượu xuống dưới dạ dày:

– Trong khoảng thời gian nửa tháng này,
tôi luôn bận rộn với việc điều chỉnh cán bộ ở cục, bây giờ cho dù là
chuyện gì, chỉ cần liên quan tới chuyện nhân sự, vấn đề đều trở nên phức tạp hơn, khó nhằn hơn. Những phiền phức tương tự như vậy chắc chắn anh
cũng đã từng trải qua, tôi nghĩ anh cũng hiểu được cho tôi. Bây giờ tình hình trong cục coi như đã ổn định, tôi mới có thời gian và sức lực nghĩ tới các vấn đề khác. Việc đầu tiên cần phải nghĩ là quy hoạch kiến
thiết đường cao tốc của thành phố. Nhiệm vụ này đã giao cho Phòng Kế
hoạch tổng hợp của cục, để họ đưa ra phương án ban đầu rồi tính sau. Hai chúng ta bước tiếp theo nên làm thế nào phải chờ quy hoạch đường cao
tốc có rồi mới tùy cơ hành sự. Vấn đề thứ hai mà tôi đang phải suy nghĩ
là Từ Văn Tuấn từng vì Từ Thẩm Bình mà kết giao với tôi, bây giờ Từ Văn
Tuấn lại giúp tôi ngồi vào cái ghế này thì chức vụ của Từ Thẩm Bình nên
sắp xếp thế nào đây? Vấn đề thứ ba là vấn đề điều động anh nên làm như
thế nào?

Vương Hãn Đông thấy vấn đề của mình trong thứ tự suy
nghĩ của Chương Kiến Quốc lại đứng sau Từ Thẩm Bình thì trong lòng không vui lắm, nhưng giờ không phải là lúc tính toán, chỉ đành nuốt giận vào
lòng rồi hỏi:

– Ý kiến sơ bộ của anh như thế nào?

– Lần
này trong vấn đề của tôi, đúng là Từ Văn Tuấn đã giúp tôi rất nhiều. Tri ân bất báo phi quân tử. Tôi vốn dĩ muốn mượn danh nghĩa là giúp Từ Thẩm Bình trang trí nhà, biếu cho ông ta chút tiền nữa, nhưng lại sợ biếu
tiền trực tiếp như vậy thì không hay lắm. Nghĩ trước nghĩ sau không nghĩ ra cách nào hay hơn. Nếu sự việc của Từ Thẩm Bình xử lí hợp lí để Từ
Văn Tuấn và Thẩm Thái Hồng hài lòng thì bước tiếp theo điều động công
tác cho anh sẽ thuận lợi hơn.

Vương Hãn Đông nghe Chương Kiến
Quốc nói vậy, hình như cũng không phải là không có lí, Chương Kiến Quốc
không hề quên chuyện của ông mà cân nhắc rất kĩ sách lược và nghệ thuật, xem ra ông tỏ ra bất mãn với Chương Kiến Quốc đúng là oan uổng cho
người ta. Ông nghĩ ra mấy ngày trước, ngày nào mình cũng mắng người ta
sau lưng, cảm thấy hơi hối hận:

– Bây giờ anh lại biếu tiền cho
Từ Văn Tuấn sợ rằng không thích hợp lắm. Có điều khi Từ Văn Tuấn đưa Từ
Thẩm Bình tới Cục Giao thông chẳng phải là vì muốn anh giúp cho cậu ta
có một tiền đồ tốt sao? Bây giờ anh là người nắm giữ quyền lực trong
cục. Cả chính trị và kinh tế đều nằm trong tay anh, là một cơ hội tốt để giúp đỡ Từ Thẩm Bình. Ngoài ra, anh muốn phát triển được cục cũng cần
phải có đội quân cho riêng mình. Nếu anh đề bạt Từ Thẩm Bình vào một
chức vụ quan trọng nào đó, ví dụ như tặng không cho cậu ta một chức quan đại loại như thành viên của Đảng ủy cục thì Từ Thẩm Bình lại chẳng
ngoan ngoãn nghe theo lời anh sao? Chức tước của anh là do dùng tiền mua lại, chức ủy viên Đảng ủy cũng không phải không đáng tiền! Tặng chức
chính là tặng tiền. Như vậy anh vừa giúp được Từ Văn Tuấn, Từ Thẩm Bình
mà còn giúp cho chính mình, chẳng phải là nhất cử lưỡng tiện? Giả sử tôi có cơ hội được điều tới Cục Giao thông, vậy thì Cục Giao thông đã trở
thành thiên hạ của chúng ta rồi.

Ý kiến của Vương Hãn Đông luôn
luôn rất thông minh. Chương Kiến Quốc thấy lạ là sao mình không nghĩ ra
được một cách làm tưởng chừng vô cùng đơn giản như vậy? Nhưng ông lại
phải đề phòng con người này. Vương Hãn Đông là người đa mưu túc kế, nếu
không đề phòng cẩn thận, sớm muộn cũng có một ngày cõng rắn cắn gà nhà:

– Ý mà anh nói không tệ đâu. Từ Văn Tuấn đã từng dặn tôi phải quan tâm
nhiều hơn tới Từ Thẩm Bình, bây giờ tôi có điều kiện khách quan để quan
tâm tới cậu ta, nếu không quan tâm cẩn thận, trong lòng Từ Văn Tuấn sẽ
thấy không hài lòng. Để Từ Thẩm Bình làm ủy viên Đảng ủy có thỏa đáng
hay không, tôi sẽ suy nghĩ thận trọng. Còn ý anh muốn được điều tới Cục
Giao thông, anh thực sự muốn như vậy hả? Cấp bậc của anh bây giờ là phó
cục, tới đây anh vẫn chỉ là phó cục trưởng. Vấn đề này anh phải suy nghĩ cho kĩ rồi hãy nói. Cục trưởng Cục Giao thông cũng giống như công nhân
làm việc trong mỏ than, độ nguy hiểm ngang nhau. Giám đốc Sở giao thông ở tỉnh Hà Nam đã bị bắt, mấy giám đốc sở giao thông khác của cả nước cũng bị cách chức. Bây giờ trong xã hội có nhiều con mắt dính chặt vào chúng ta. Mức độ bảo hiểm ở Cục Giao thông thấp hơn ở ngân hàng các anh
nhiều.

Vương Hãn Đông nghe Chương Kiến Quốc nói vậy, đoán là ông
ta đang đề phòng mình, phải nhanh chóng nghĩ cách giải tỏa lo lắng trong lòng ông:

– Lời của cục trưởng Chương không phải là không có lí. Tôi cũng từng nghe một câu như thế này: “Nếu anh thích một người thì
đưa anh ta vào cục giao thông; nếu anh hận một người, cũng đưa anh ta
vào cục giao thông”. Quản lí việc xây dựng đường bộ có thể giúp người ta “phất lên” với tốc độ nhanh nhất, cũng có thể khiến người ta “ngã” với
tốc độ nhanh nhất. Vấn đề an toàn của cục giao thông với mỏ than cũng
tương tự như nhau. Mỏ than liên tục xảy ra sự cố là vì các lãnh đạo mỏ
không coi trọng tới công tác an toàn, bởi vậy mới thường xuyên xảy ra
các tai nạn như sập hầm, nổ hố ga… Cục trưởng cục giao thông xảy ra
chuyện cũng là vì số của họ không may, không làm tốt công tác phòng vệ
an toàn cho bản thân. Anh cũng là cục trưởng Cục Giao thông, tại sao anh không xảy ra chuyện? Nếu anh thực sự xảy ra chuyện gì thì đã xảy ra từ
lâu rồi. Những gì anh nghĩ chỉ là lo xa, ít nhất thì chúng ta cũng không phải lo lắng tới. Chúng ta có thể an nhiên tự tại, chủ yếu là vì hai
nguyên nhân, thứ nhất là cách làm việc của chúng ta thông minh hơn đám
quan ngu dốt kia, thứ hai là vì chúng ta có người che chắn cho từ bên
trên. Nếu khui ra những chuyện mà chúng ta từng làm, cho dù là theo luật pháp của nước nào cũng là phạm pháp. Phạm pháp chỉ có hiện tại, không
có tương lai. Tục ngữ nói “Hôm nay có rượu hôm nay say”. Bây giờ anh
nghĩ nhiều như thế, chẳng phải là tự chuốc khổ vào mình hay sao?

Chương Kiến Quốc giật mình trước những câu nói của Vương Hãn Đông:

– Không nghĩ làm sao được? Bây giờ mà không nghĩ, tới lúc đó mới nghĩ thì muộn quá rồi!

– Tôi thấy chuyện của chúng ta không nghiêm trọng như vậy. Những gì anh
nói lúc nãy chỉ là trường hợp xấu nhất có thể xảy ra thôi, nhưng chúng
ta phải cố gắng theo hướng tích cực nhất. Anh quay về tranh thủ thời
gian giải quyết chuyện của Từ Thẩm Bình, có Từ Thẩm Bình thì sẽ có Từ
Văn Tuấn, có Từ Văn Tuấn thì sẽ có chúng ta. Chuyện của tôi có thể cứ từ từ cũng được, chờ chúng ta giải quyết xong chuyện của Từ Thẩm Bình rồi
tính sau.

Chương Kiến Quốc nghe Vương Hãn Đông nói một hồi, mất
hẳn hứng thú nói chuyện. Chương Kiến Quốc đi lên tầng 10, Châu Lệ xuống
tầng 9. Hai đôi đưa nhau về phòng nghỉ ngơi, không nói gì nữa.

***

Chiều ngày chủ nhật, dưới sự giám sát của Thẩm Thái Hồng, Quỳnh Hoa vào lau
phòng ngủ của vợ chồng bà. Bỗng dưng điện thoại trong phòng ngủ vang
lên. Thẩm Thái Hồng nhanh chóng nghe điện thoại, gật đầu nói mấy câu rồi liếc về phía Quỳnh Hoa, có lẽ vì nội dung trong điện thoại cần phải giữ bí mật, không được để cho Quỳnh Hoa nghe thấy nên Thẩm Thái Hồng gác
điện thoại trong phòng ngủ lại rồi xuống phòng khách nghe. Quỳnh Hoa
không hề để ý thấy Thẩm Thái Hồng đã đi ra, vẫn tiếp tục lau sàn nhà.

Lúc lùa cây chổi vào trong gầm giường, Quỳnh Hoa thấy một góc cái hộp giấy
dưới gầm giường lộ ra, khiến cô khó lau sạch vào bên trong. Quỳnh Hoa
bèn đẩy hộp giấy vào trong. Vốn dĩ cô tưởng cái hộp giấy cũng không nặng lắm nên chỉ đẩy nhẹ, ai ngờ cái hộp nặng quá, vẫn nằm yên trên mặt đất, không động đậy. Quỳnh Hoa thấy tò mò, muốn biết rốt cuộc trong hộp giấy đựng cái gì. Cô quay đầu lại nhìn, không biết Thẩm Thái Hồng ra khỏi
phòng từ lúc nào, cô bèn bạo gan kéo cái hộp ra. Cô mở cái hộp giấy
không đóng kĩ, thấy trong đó có từng cái túi giấy lớn xếp vuông vắn,
trên mỗi cái túi đều có viết các con số và tên người khác nhau. Quỳnh
Hoa mở một túi ra, không nhìn thì không sao, vừa nhìn đã giật nảy mình,
trong đó là từng xấp một trăm tệ xếp ngay ngắn. Cả cái hộp giấy đựng bao nhiêu tiền, nhất thời cô không tính ra được. Lúc này cô nghe thấy ở cầu thang có tiếng động, chắc là có người đi lên, bèn vội vàng đẩy cái hộp
giấy vào gầm giường, giả vờ như không có chuyện gì xảy ra, tiếp tục lau
sàn nhà. Quỳnh Hoa vì sợ Thẩm Thái Hồng phát hiện ra nên vô cùng căng
thẳng, trống ngực đánh thình thịch.

Thẩm Thái Hồng vào phòng ngủ, đặt ngay ngắn cái điện thoại rồi lại nhìn xung quanh, không phát hiện
ra có gì khác thường, bèn tiếp tục đứng một bên giám sát Quỳnh Hoa lau
nhà. Quỳnh Hoa vì đã lén nhìn thấy thứ mà mình không nên nhìn, trong
lòng thấy hơi hối hận, thậm chí là mặc cảm tội lỗi. Cô vội vã lau sàn
nhà thật sạch, không dám nhìn Thẩm Thái Hồng lần nào rồi lật đật đi
xuống phòng bếp.

Quỳnh Hoa ở trong bếp làm bữa tối nhưng trong
đầu vẫn không ngừng suy nghĩ. Số tiền trong hộp giấy mà cô vừa nhìn thấy là số tiền lớn nhất trong cuộc đời cô từng thấy, cho dù là quỹ tín dụng ở quê cô chưa chắc đã có được nhiều tiền như thế. Nhà chủ không những
có chức có quyền mà tiền cũng nhiều. Cô không hiểu người thành phố làm
quan sao có nhiều tiền thế? Thậm chí cô còn có một loạt các hoang tưởng: Nếu mình có được một phần mười số tiền này, không, cho dù là một phần
một trăm thôi cũng được, vậy thì thầy mình có thể sống sướng hơn, mình
cũng không cần đi làm thuê, mình có thể ở cùng với thầy cả ngày, thầy sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa. Nhưng giấc mơ đẹp này có thể biến thành
sự thực không? Cả đời này mình có thể có được nhiều tiền như thế
không?… Hừm, làm ôsin có cơm ăn là tốt lắm rồi, đừng có nằm mơ giữa
ban ngày!

Sau bữa tối, Quỳnh Hoa thu dọn bàn ăn và nhà bếp sạch
sẽ rồi trở về với khoảng trời riêng của mình. Cô tính toán, ngày mai là
cuối tháng, cô lại được tới trung tâm lĩnh lương rồi. Theo như quy định
của trung tâm thì mỗi tháng cô được nghỉ một ngày. Tháng trước cô chỉ
xin nghỉ có nửa ngày, cộng ngày nghỉ của hai tháng lại thì tháng này cô
có thể nghỉ một ngày rưỡi rồi. Quỳnh Hoa ngày trước khi còn ở thôn Hạo
Sơn, hầu như ngày nào cũng là ngày nghỉ, từ sau khi đi làm ôsin, cô mới
cảm nhận được sự quý giá của nửa ngày nghỉ.

Trong một tháng này,
Từ Thẩm Bình vì chuyện thay đổi nhân sự ở Cục Giao thông và việc sửa
chữa căn nhà mới mua bên Mỹ Lô nên rất ít khi có mặt ở nhà, thi thoảng
đụng phải Quỳnh Hoa cũng chỉ vội vội vàng vàng. Nhưng Quỳnh Hoa luôn cảm thấy trong mắt anh ta có một cái gì đó rất khó hiểu đang chuyển động.
Mỗi lần gặp Từ Thẩm Bình, cô luôn cảm thấy bất an một cách kì lạ. Từ Văn Tuấn nếu không đi công tác thì cũng phải đi họp, cho dù có ở nhà thì
ông cũng chỉ ăn cơm xong là chui luôn vào thư phòng, sự giao tiếp với
Quỳnh Hoa cùng lắm chỉ dừng lại một cái gật đầu. Thẩm Thái Hồng sau khi
về nhà thường xuyên đứng sai Quỳnh Hoa làm cái này cái kia. Quỳnh Hoa
luôn khiếp sợ trước uy quyền của bà, ngoài phục tùng, cô không còn biết
làm gì khác hơn. Trong hai tháng sống ở nhà họ Từ, mặc dù cuộc sống rất
ổn định nhưng trong lòng cô ngoài cảm giác cô độc, chỉ còn lại sự sợ
hãi, không an tâm, luôn cảm thấy có gì đó đang đè chặt trong lòng mình,
những ngày tháng tự do tự tại ở thôn Hạo Sơn dường như đã bỏ cô đi rất
xa, rất xa rồi.

Khát vọng của người giàu đối với đồng tiền chính
là để thỏa mãn sự tham lam của mình, còn khát vọng của người nghèo đối
với đồng tiền chính là vì sinh kế. Phát hiện vô tình của Quỳnh Hoa hôm
nay cứ lởn vởn mãi trong đầu óc cô, không cách nào xua đi được. Cô nghĩ
nhà họ Từ đã tới mức muốn gì được nấy, nhưng vì sao họ vẫn còn cần nhiều tiền như vậy? Họ có tiền sao không dùng mà phải giấu dưới gầm giường?
Cô trăn trở suy nghĩ nhưng nghĩ mãi không ra một câu trả lời chính xác.

Sáng sớm hôm sau, trong lúc phục vụ bữa sáng cho Thẩm Thái Hồng, Quỳnh Hoa
nói với bà là chiều nay cô phải tới trung tâm nhận lương, ngày mai cô
định đi mua ít đồ và làm chút việc riêng. Vì đây là ngày nghỉ theo quy
định mà hai bên đã giao ước với nhau, vả lại cũng chỉ bằng có một phần
tám ngày nghỉ theo quy định của nhà nước nên Thẩm Thái Hồng không có lí
do gì để không đồng ý. Bà rộng lượng nói, trưa nay cả nhà bà đều không
về nhà ăn cơm nên Quỳnh Hoa chỉ cần quét dọn nhà cửa sạch sẽ, muốn ra
ngoài sớm cũng được.

Lời nói của Thẩm Thái Hồng giống như một sắc lệnh dành cho Quỳnh Hoa. Cô nhanh nhẹn quét dọn nhà cửa sạch sẽ, ngăn
nắp, sau đó ăn một bữa trưa đơn giản, khóa cửa nhà cẩn thận rồi đi ra
ngoài. Cô định đi thăm Đại Xuân và Quế Hương trước.

Quỳnh Hoa lên xe buýt tới khu biệt thự phía đông. Lúc cô bước chân vào căn phòng nhỏ
của Đại Xuân, Đại Xuân và Quế Hương vừa mới cầm bát lên ăn cơm. Bữa trưa của họ là cơm với rau và một bát canh cà chua nấu trứng. Đại Xuân thấy
Quỳnh Hoa tới, vội vàng bỏ bát đũa xuống:

– Quỳnh Hoa tới rồi hả! Tới sớm không bằng tới khéo, bọn anh đang chuẩn bị ăn cơm, ngồi xuống cùng ăn nào.

Quỳnh Hoa nói:

– Em ăn cơm rồi mới tới đây, anh chị cứ ăn đi. Quế Hương nói:

– Nếu em đã ăn rồi thì anh chị cũng không khách sáo nữa. Chị rót cho em
cốc trà, em uống nhé. Bọn chị ăn cơm nhanh lắm, ăn xong rồi sẽ nói
chuyện với em.

Quỳnh Hoa nói:

– Không cần phải lo cho em, trà em tự rót cũng được. Đang ăn cơm mà phải dừng lại thì khó chịu lắm.

Hai vợ chồng Đại Xuân tiếp tục ăn cơm. Quỳnh Hoa rót trà cho mình rồi ngồi bên cạnh chờ.

Đại Xuân ăn cơm như hổ, chớp mắt đã ăn hết mấy bát, sau đó còn húp soàm
soạp hết nửa bát canh, dùng tay lau qua miệng, vậy là xong bữa trưa.

Đại Xuân nhấc một chiếc ghế nhỏ ra ngồi đối diện với Quỳnh Hoa:

– Sao trưa nay em lại có thời gian tới đây?

Quỳnh Hoa nói chiều nay cô tới trung tâm nhận lương. Bởi vì các cơ quan đều
nghỉ vào buổi trưa, giờ mà đi thì còn sớm quá, bởi vậy tranh thủ khoảng
thời gian này tới thăm họ. Cô lại nói tiếp:

– Hừm, anh Đại Xuân,
hôm nay em kể cho anh nghe một việc rất kì lạ. Chiều chủ nhật, em lau
nhà trong phòng bà chủ, lúc bà chủ xuống dưới lầu nghe điện thoại, em
phát hiện ra dưới gầm giường của bà ấy có một cái hộp giấy rất to, trong đó đựng bao nhiêu là tiền.

– Có bao nhiêu tiền?

– Em cũng không biết. Có bảy cái túi giấy nhỏ, trong đó đựng tới mấy vạn. Sau đó
bà chủ đi lên lầu nên em không kịp nhìn kĩ, phải đặt trở lại.

Quế Hương cũng đã ăn trưa xong, ngồi bên cạnh rửa bát, nghe Quỳnh Hoa nói tới một khoản tiền lớn như thế, bất giác mắt đỏ lên:

– Em không nhân cơ hội đó để rút mấy đồng hả?

Đại Xuân nghe vậy tỏ ra không vui:

– Sao em lại nói như thế. Chúng ta phải biết làm người. Tiền nhà người ta có nhiều đến đâu cũng là của người ta, chúng ta có nghèo cũng phải có
đạo đức, không thể làm cái trò trộm gà trộm chó thế được. Quỳnh Hoa, em
đừng bao giờ nghe theo lời chị dâu em.

Quỳnh Hoa giải thích:

– Em lúc đó chỉ xem vì tò mò thôi, không ngờ trong thùng lại có nhiều tiền thế. Em tuyệt đối không có ý lấy tiền của người ta.

Đại Xuân nói:

– Em làm như thế là đúng rồi. Chúng ta làm người cũng phải có đạo đức làm người. Hồi nhỏ anh nghe thầy anh kể chuyện “Không ăn Chu túc”, kể rằng
thế kỉ XI trước Công nguyên, Chu Vũ Vương tiêu diệt nước Thương, hai
người con trai của Hồ Trúc Quân của nước Thương là Bá Di và Thúc Tề thề
rằng từ nay không bao giờ ăn một hạt gạo nhỏ của triều đình nhà Chu. Họ
ẩn cư trên núi Thủ Dương, ăn quả rừng chống đói, cuối cùng chết đói ở
trong núi.

Quế Hương lập tức phản bác sau khi nghe câu chuyện của Đại Xuân:

– Chuyện mà anh kể toàn là ở trong xã hội phong kiến, bây giờ là thời đại nào mà anh còn lôi ra kể. Nếu câu chuyện này xảy ra vào thời hiện đại
thì những người đó có chết đói cũng chẳng có ai thương. Đói đầu gối phải bò. Giờ chẳng ai để ý nhiều như thế được nữa?

– Quế Hương, em
nói như thế là không đúng. Chúng ta nghèo nhưng ý chí không nghèo. Em
nói tiền quan trọng hay làm người quan trọng?

Quế Hương vẫn không chịu thua:

– Làm người đúng là quan trọng, nhưng tiền cũng rất quan trọng. Làm người dù tốt đến đâu nhưng nếu không có tiền, cuối cùng vẫn bị chết đói.
Người chết đói thì cùng lắm cũng chỉ là một người tốt đã chết. Làm như
vậy có đáng không?

– Bây giờ chúng ta có nhà nước, có chính phủ
thì sẽ không chết đói nữa, bởi vậy mọi người đều có điều kiện làm người
tốt. Có điều kiện làm người tốt mà không chịu làm, vậy sẽ là người xấu.
Đạo lí này em phải hiểu mới đúng! Cho dù là thời đại nào thì trên thế
giới này, người tốt cũng vẫn nhiều hơn người xấu.

Quế Hương thấy Đại Xuân nghiêm túc quá thì không tranh cãi nữa:

– Cho dù bây giờ người tốt nhiều thì người xấu cũng chẳng ít.

Quỳnh Hoa thấy hai vợ chồng Đại Xuân vì cô mà cãi nhau, cảm thấy lo lắng:

– Anh Đại Xuân, chuyện này mình đừng nói nữa. Em chỉ muốn kể cho anh chị
một chuyện mới thôi. Em không động tới tiền nhà bà chủ, cũng không ý
định động tới nó, chẳng có gì là đúng hay sai cả.

Đại Xuân nói:

– Ý anh muốn nói là cho dù là chuyện này hay sau này gặp phải chuyện gì
thì chúng ta cũng phải tôn trọng đạo đức cơ bản khi làm người, làm việc
gì cũng đừng vượt qua cái đạo đức đó.

Quỳnh Hoa nói lảng sang chuyện khác:

– Anh Đại Xuân, thầy anh độ này có gửi thư tới không?

– Thầy anh mỗi tháng đều gửi một bức thư. Sắp rồi, chắc mấy ngày nữa là thư sẽ tới đây.

– Bác mà gửi thư tới thì phải nói với em đấy nhé.

– Em cứ yên tâm đi, anh quên làm sao được?

Quỳnh Hoa thấy giờ đã đến lúc tới trung tâm rồi, bèn tạm biệt hai người, nói
là chiều nay lấy được lương xong, ngày mai cô với Quế Hương cùng đi chợ. Đại Xuân nói:

– Chỉ sợ ngày mai Quế Hương không đi được, để mai xem tình hình thế nào rồi tính sau.

Quỳnh Hoa đáp xe buýt tới Trung tâm Bồi dưỡng và Hướng nghiệp. Lấy tiền lương chỉ mất có vài phút. Tiểu Triệu đưa tiền cho Quỳnh Hoa xong rồi nói:

– Giám đốc Vương dặn là sau khi chị lấy lương xong thì tới chỗ ông ấy.
Chị chờ ở đây vài phút, tôi gọi điện hỏi giám đốc Vương xem sao, nếu
được thì tới thẳng đó tìm ông ấy.

Vì giám đốc Vương có chuyện tìm mình nên Quỳnh Hoa không thể nào từ chối, chỉ đành đứng một bên chờ
Tiểu Triệu gọi điện thoại. Một lát sau Tiểu Triệu quay lại nói:

– Giám đốc Vương nói bây giờ ông ấy không có thời gian gặp chị, hẹn chị
sáu giờ tới phòng ăn trên tầng ba của khách sạn Giả Nhật gặp ông ấy.

– Tôi không biết khách sạn Giả Nhật thì làm thế nào.

– Chuyện này cũng dễ thôi. Giờ chị cứ đi tạm cái chợ nào đó. Chờ tới 6
giờ kém 15 thì gọi một cái taxi, chỉ cần nói với tài xế là tới khách sạn Giả Nhật, tài xế sẽ đưa chị tới thẳng đó. Chị nhớ lấy hóa đơn taxi rồi
giám đốc Vương sẽ thanh toán cho chị.

Quỳnh Hoa hiểu ý Tiểu Triệu nói, nhưng trong lòng vẫn lo lắng, không hiểu giám đốc Vương tìm mình có chuyện gì?

Quỳnh Hoa nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường ở trung tâm, giờ mới hai rưỡi
chiều. Vẫn còn hơn ba tiếng đồng hồ nữa, cô biết đi đâu đây? Cô đứng
trên cửa sổ tầng tám của trung tâm bồi dưỡng nhìn ra ngoài, hình như
đang tìm một đáp án nào đó từ trong không trung. Bầu trời cao vời vợi,
nhưng bầu trời trong thành phố không xanh như ở thôn Hạo Sơn, mây ở đây
cũng không trắng như mây ở thôn Hạo Sơn, Quỳnh Hoa cảm thấy bầu trời
trong thành phố không đáng để cô nhìn lâu.

Quỳnh Hoa thu ánh mắt
của mình lại, nhìn sang tòa nhà phát hành sách ở phía bên kia đường, bất giác mắt sáng lên. Từ nhỏ cô đã ham đọc sách, nếu không phải nhà mình
nghèo thì có lẽ tốt nghiệp tiểu học xong, cô đã học tiếp lên cấp hai,
nhưng bây giờ tất cả mọi thứ đều đã biến thành bong bóng. Cô nghĩ bây
giờ vào hiệu sách là một ý kiến không tồi, hơn nữa trong hiệu sách chắc
chắn có đồng hồ, cũng dễ căn thời gian. Đã quyết định rồi, Quỳnh Hoa
quay sang chào Tiểu Triệu rồi đi thẳng sang hiệu sách.

Quỳnh Hoa
bước chân vào hiệu sách như bước vào một cái biển lớn. Nhìn biển hướng
dẫn treo ngay ngoài cửa ra vào thì thấy hiệu sách có năm tầng. Diện tích mỗi tầng có lẽ phải rộng bằng năm mẫu ruộng. Để tiện cho độc giả tìm
mua sách, bên trên mỗi cầu thang đều có treo một tấm biển hướng dẫn.
Quỳnh Hoa đi theo hướng chỉ của biển hướng dẫn, tìm được khu bán sách
đời sống. Sách ở đây nhiều thật, khiến cô hoa hết cả mắt. Có sách dạy
làm đẹp, rèn luyện sức khỏe, có sách hướng dẫn trồng hoa, nuôi cá, cả
sách dạy nuôi con, giáo dục con, nuôi chó, nuôi mèo, có sách hướng dẫn
cách trang trí nhà cửa, sách nấu ăn… Quỳnh Hoa thích nhất là các sách
dạy nấu ăn. Khi còn ở Trung tâm Bồi dưỡng và Hướng nghiệp, Quỳnh Hoa
từng được học qua một vài kĩ thuật nấu ăn, nhưng vì thời gian học ngắn
quá, cô lại là người phương Bắc, không hiểu lắm về khẩu vị của người
miền Nam, bởi vậy kĩ thuật nấu ăn của cô khó khiến cho người ta hài lòng được. Mặc dù nhà họ Từ chưa từng phàn nàn gì về việc này nhưng họ cũng
chưa bao giờ khen ngợi thức ăn cô nấu, điều này chứng tỏ tài nấu ăn của
cô chỉ ở mức bình thường. Cô nghĩ hôm nay nhân cơ hội này mua mấy quyển
sách dạy nấu ăn, về nhà nghiên cứu thật kĩ, nói không chừng tài bếp núc
của mình sẽ tiến bộ thêm.

Bìa sách bây giờ thật là đẹp. Nhà xuất
bản sợ những người học nấu ăn không nhận được nhiều mặt chữ nên đa số
các món ăn đều có hình minh họa, ít chữ và nhiều hình ảnh với màu sắc
sặc sỡ và bắt mắt giúp độc giả vừa nhìn đã hiểu. Khi đó, độc giả đọc
sách có thể tiết kiệm thời gian và sức lực, nhưng tiền bạc thì lại không tiết kiệm chút nào.

Quỳnh Hoa chọn được một quyển sách vừa ý.
Khi lật mặt sau lên xem giá, cô thở dài. Một quyển sách nặng chưa tới
năm lạng mà giá lên tới 25 tệ. Tiền mua một cân sách đủ để mua được ba
cân thịt lợn. Tri thức bây giờ quả là đáng tiền! Tri thức không chỉ là
sức mạnh mà tri thức còn là tiền bạc! Quỳnh Hoa cầm quyển sách trong
tay, do dự mãi không biết có nên mua hay không, cuối cùng cô quyết định
nghiến răng mua một quyển. Cô nghĩ mua sách là đầu tư cho kĩ thuật của
mình, chỉ cần học được những tri thức có trong sách, nấu ra các món ăn
khiến nhà chủ vừa ý, cho dù họ chỉ nói một câu khen ngợi thôi cũng là đã đáng giá lắm rồi.

Quỳnh Hoa ra quầy thanh toán. Trình tự thanh
toán rất phức tạp, phải trải qua năm bước: trả tiền, nhập hóa đơn, giải
từ cho sách, đóng dấu đã bán lên sách, cho sách vào túi chuyên dùng của
hiệu sách, tới lúc này, vụ mua bán mới được đánh dấu chấm hết.

Quỳnh Hoa mua sách xong rồi lại đi vào hiệu sách một lần nữa. Cô phát hiện
người trong hiệu sách rất nhiều, nhưng không phải ai cũng mua: Có người
tới đọc, có người tới chép, còn có người dùng điện thoại, máy ảnh để
chụp ảnh. Lúc này cô mới hiểu, sách bây giờ đắt quá nên chỗ nào cũng có
những người không thể mua nổi. Những người không mua được sách nhưng lại không chống lại sự cám dỗ của nó ngoài việc chép lại sách thì chỉ còn
cách lấy trộm. Để ngăn chặn kẻ trộm sách, hiệu sách không thể không áp
dụng một số trình tự bán sách vô cùng gắt gao. Thời mà Lỗ Tấn sống,
Khổng Ất Kỉ là một người đọc sách, ông ta nói rằng người đọc sách lấy
trộm sách không bị coi là trộm. Bây giờ là thế kỉ XXI rồi, người đọc
sách mà còn lấy trộm sách thì chắc chắn vẫn là trộm. Trộm sách mà không
thành công thì không thoát khỏi việc phải tới đồn công an.

Lúc
Quỳnh Hoa đi tới khu vực bán đĩa nhạc của hiệu sách, đúng lúc gặp một
cảnh tượng rất kịch tính khi hiệu sách đang xử lí một kẻ trộm.

Nhân viên trong hiệu sách bắt được một gã đang định lấy trộm đĩa CD, cảnh
sát 110 lập tức tới hiện trường. Cảnh sát hỏi tên trộm:

– Cậu lấy cái gì? Mau bỏ ra đây!

Tên trộm đáp:

– “Thiên hạ vô tặc”.

Cảnh sát thấy thật buồn cười:

– Thiên hạ vô tặc? Vậy cậu đã làm cái gì?

– Lấy trộm “Thiên hạ vô tặc”.

Cảnh sát khó hiểu:

– Cậu đã thừa nhận là lấy trộm rồi, sao lại còn là Thiên hạ vô tặc?

Tên trộm bèn lấy chiếc đĩa DVD giấu trong áo ra. Đây là bộ phim điện ảnh
“Thiên hạ vô tặc” do Phùng Tiểu Cương làm đạo diễn. Kẻ trộm lấy trộm
“Thiên hạ vô tặc”, đúng là một câu chuyện cười chảy ra nước mắt.

Chỉ tiếc là Quỳnh Hoa chưa từng được xem “Thiên hạ vô tặc” và cũng chưa bao giờ nghe nói tới bộ phim này.

Quỳnh Hoa nhìn cảnh sát đưa tên trộm đi xong rồi lại đi một vòng nữa lên các
tầng của hiệu sách. Cô đi mệt quá bèn ngồi phệt xuống cầu thang nghỉ,
thời gian cứ thế trôi qua. Cô chờ tới lúc chiếc đồng hồ treo tường của
hiệu sách chỉ 5 giờ 45 phút mới rời hiệu sách, vẫy một chiếc taxi rồi đi thẳng tới khách sạn Giả Nhật.

Mẹo: Bạn có thể sử dụng trái, phải, A và D bàn phím để duyệt giữa các chương.
Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!
Hãy ủng hộ TruyenHayHo bằng cách đánh giá truyện và chia sẻ link nhé!