Hôm sau Kiều Kinh Ngọc thức giấc vì buồn tè.
Lúc tỉnh dậy bên tai có tiếng gió vù vù, cậu híp mắt nhìn, trông thấy một chiếc quạt điện nhỏ trên bàn học cạnh giường đang quay hùng hục, thổi gió vào người cậu.
Kiều Kinh Ngọc nằm ì trên giường một lúc mới vác cái đầu tổ quạ ngồi ở mép giường xỏ giày. Cậu nhìn giày bối rối mất mấy giây, hôm qua lạc đường, đế giày giẫm lên đường đất cực kỳ bẩn mà sao hôm nay lại sạch sẽ thế này?
Nhưng cậu cũng không nghĩ nhiều.
Lạc Hải không ở nhà, Kiều Kinh Ngọc lén lút vén màn cửa phòng phía Đông thấy giường Lạc Hải trống không, một cụ ông đang nằm ngủ trên một chiếc giường khác cạnh giường của hắn.
Cậu không dám tạo tiếng động, vội vàng rửa mặt đánh răng, định sang trường tiểu học thôn giải quyết vấn đề sinh lý.
Hôm qua trải qua một buổi tối khó chịu, chân bị thương không dám nhúc nhích, cậu chỉ có thể giữ nguyên tư thế nằm ngửa đến tận khi trời sáng, sáng sớm nay hai đầu gối sưng vù còn khiếp hơn hôm qua, vả lại cũng đau hơn nhiều.
Kiều Kinh Ngọc sợ mặc quần dài cọ vào vết thương ở đầu gối nên đành mặc quần sooc thể thao, còn xắn lên một khúc để gấu quần nằm trên đầu gối.
Cậu đi tập tễnh đến nhà trưởng thôn tìm Trần Gia, vừa nãy hai người họ đã nhắn tin trong nhóm hẹn nhau đi vệ sinh.
Trần Gia thấy đầu gối cậu thì giật mình: “Em thế này đi được không? Vết thương có rách ra không?”
Đúng là Kiều Kinh Ngọc đi đến đây cũng cảm thấy đầu gối bị rách, nhưng đã đến rồi thì đương nhiên không thể lại quay về, cậu cắn răng nói: “Không sao, em chịu được.”
Trần Gia: “Hay anh cõng em nhé?”
Kiều Kinh Ngọc nhìn cơ thể gầy yếu của Trần Gia, mặc dù anh cao hơn mình một chút nhưng kém xa Lạc Hải: “Thôi đi anh.”
Thôn không rộng, đường đến trường tiểu học cũng chỉ mất mười phút, tuy nhiên Kiều Kinh Ngọc bị đau đi đứng rất cực, vất vả lết đến trường mà cảm giác hai đầu gối sắp tàn tật tới nơi.
Kiều Kinh Ngọc chưa tới ngôi trường này bao giờ, cảm thấy hẳn là cũ lắm vì dẫu sao thị trấn với thôn cũng như thế, nhưng tình trạng thực tế còn tệ hơn cậu nghĩ.
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
Trường không có toà nhà dạy học.
Nơi đây được quây bằng một bức tường vây thấp tè và hai cánh cổng sắt gỉ sét loang lổ, đẩy cổng đi vào là một cột cờ trơ trụi, đi vào tiếp có hai dãy nhà trệt nằm hai bên, mỗi dãy gồm khoảng ba phòng, trên tường phun dòng chữ “học hành chăm chỉ, ngày ngày tiến lên” màu đỏ.
Giữa hai dãy nhà trệt là lối đi bằng xi măng, cuối đường có hai phòng vệ sinh chia ra nam và nữ.
Trần Gia nói: “Toà nhà dạy học mới sắp khánh thành rồi, chắc bao giờ mình đi là có thể đưa vào sử dụng.”
“Thế thì tốt.” Kiều Kinh Ngọc đáp.
Hai anh em đi đến nhà vệ sinh, vừa vào đã gặp Trần Văn Xuyên.
“Ấy giáo sư Trần, giáo sư cũng đích thân đến đi vệ sinh ạ!” Trần Gia giở giọng châm chọc: “Hôm qua ai dạy con là đến hố xí cũng không chịu dùng, già mồm ghê ta ơi. Thảo nào sáng sớm đã không thấy bóng, hoá ra là lén chạy tới đây giải quyết nỗi buồn.”
“Tiên sư anh!” Trần Văn Xuyên định đánh anh: “Chỉ giỏi trêu bố anh!”
Trần Văn Xuyên bị con mình làm bẽ mặt thì hơi nhục, đúng là thầy cũng hơi không chịu nổi hố xí, những cái khác đều ổn nhưng chỉ có hố xí là thật sự không thể quen, tính ra thầy còn là con nhà nông mà bây giờ cũng không chịu được, hèn chi Kiều Kinh Ngọc chạy mất dép vì cái này.
Trần Gia toe toét lao vào nhà vệ sinh, Kiều Kinh Ngọc cũng vào theo.
Nhà vệ sinh thô sơ không có gì che chắn, chỉ là mấy hàng bồn cầu tuy có thể giội nước nhưng cũng không phải ấn giội thoải mái, cách một lúc két nước mới đồng loạt bơm nước một lần xả sạch bồn cầu.
Trần Gia vọt đến hàng đầu tiên gần cửa vào.
Kiều Kinh Ngọc cảm thấy gần cửa không an toàn bèn đi sâu vào trong, tức thì ngửi thấy mùi thuốc lá.
Cậu rất ghét mùi thuốc lá, ngày trước học ở trường cũng có con trai trốn trong nhà vệ sinh hút thuốc, song chỉ cần bị thầy giám thị bắt được là sẽ có thông báo phê bình trên loa phát thanh ở khắp ngóc ngách trong trường.
Kiều Kinh Ngọc đi đến góc trong cùng, quả nhiên nhìn thấy mấy đầu lọc thuốc lá vứt trên đất.
Và còn một người dựa tường đứng ở góc trong cùng.
Trùng hợp quá nhỉ.
Nhà vệ sinh ở đây tưng bừng thật, mang lại hạnh phúc cho biết bao con người. Chẳng trách sáng ngày ra thức dậy đã không thấy tăm hơi, hoá ra hắn chạy tới đây.
Kiều Kinh Ngọc nhìn Lạc Hải chốc lát, phân vân có cần đổi chỗ hay không, nhớ đến việc hôm qua lại càng cảm thấy đứng cùng Lạc Hải có hơi lúng túng, nhưng bây giờ đi chỗ khác cũng khó xử thôi.
Cậu bất chấp chào hỏi Lạc Hải: “Ấy, cậu cũng đích thân đến đi vệ sinh à.” Chậc, sao câu này nghe quen vậy ta?
Lạc Hải quan sát cậu bằng ánh mắt nhìn đứa ngốc, cuối cùng liếc chân cậu: “Cậu tàn nhưng không phế nhỉ.”
Hai đứa đứng song song im lặng không lên tiếng nữa, thế nhưng động tác lại rất đồng bộ, cùng nhìn nhau rồi đứa nào đứa nấy quay mặt đi.
Kiều Kinh Ngọc ngẫm nghĩ lẽ nào kích thước tỉ lệ thuận với chiều cao? Ừm… Mình nghĩ gì vậy? Cậu cảm thấy xấu hổ vì lòng sân si trỗi dậy trong giờ phút này.
Kéo quần xong, Kiều Kinh Ngọc nhìn thấy Lạc Hải nhặt đầu lọc thuốc lá dưới đất ném vào bồn cầu.
“Cậu hút thuốc hả?”
“Làm sao? Tôi đâu phải vị thành niên”
Lạc Hải rửa tay rồi xỏ tay vào túi. Oắt con còn thích lo chuyện bao đồng phết.
Kiều Kinh Ngọc rửa tay xong vội đi theo hắn: “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe.”
“Liên quan gì đến cậu? Cũng đâu hại sức khoẻ cậu “
Kiều Kinh Ngọc có lý chẳng sợ: “Tớ ngửi cậu hút là hút thuốc lá thụ động! Mẹ tớ nói hút thuốc lá thụ động còn hại hơn tự hút!”
Lạc Hải ngó lơ cậu.
Cậu tiếp tục tụng kinh: “Cậu hút thuốc ở trường, trẻ con trông thấy sẽ bắt chước.”
Hai đứa cùng ra khỏi nhà vệ sinh, Trần Văn Xuyên tới sớm hơn vẫn chưa đi, có lẽ đang chờ Trần Gia và Kiều Kinh Ngọc.
Trần Gia đang lải nhải bố mình: “Bố lại hút thuốc, người toàn mùi thuốc lá thôi, cái tật hút thuốc lúc đi vệ sinh của bố có thể sửa đi không? Không ở nhà, mẹ con không nhìn thấy là không ai quản được bố đúng không?”
Lạc Hải đi lướt qua Kiều Kinh Ngọc.
Kiều Kinh Ngọc ngờ vực nhìn hắn, lẽ nào không phải cậu ấy hút?
Vậy mà cậu ấy còn đấu võ mồm với mình bao lâu?
Lạc Hải đi xe đạp đến đây, con xe Phượng Hoàng nam [1] cực kỳ xưa cũ lập tức thu hút ánh nhìn của Trần Văn Xuyên, đây là chiếc xe mà thời trung học của bọn thầy ai cũng có.
[1] Xe Phượng Hoàng nam:
Trần Văn Xuyên nói: “Xe cũ à?”
Lạc Hải đáp: “Vâng, lấy lúc thu phế liệu.”
Nơi xóm núi đổi mới không nhanh như thành phố, hiện tại vẫn còn một số nhà dùng đài radio và tivi màu. Chiếc xe đạp này người ta không cần nữa, trừ dây xích bị gỉ thì các bộ phận khác đều không hỏng nên hắn sửa lại dùng tiếp.
Kiều Kinh Ngọc mới thấy kiểu xe đạp này trên phim chứ chưa gặp ngoài đời, cũng chạy lên trước ngắm nghía, bất cẩn sải chân hơi rộng kéo căng vết thương ở đầu gối.
“Shhh…” Kiều Kinh Ngọc nhăn nhó, còn chưa kịp nói gì cơ mà.
Trần Gia hét lên: “Chảy máu rồi!”
Cậu cúi đầu thấy đầu gối bên trái chảy máu, chắc do bị kéo căng, mới qua một đêm vết thương vẫn chưa lành được.
Trần Văn Xuyên cuống quýt lại gần xem, phát hiện đầu gối Kiều Kinh Ngọc có vẻ còn nghiêm trọng hơn hôm qua: “Sao thế này? Không phải hôm qua bôi thuốc rồi sao?”
Kiều Kinh Ngọc nói: “Không sao ạ, hôm nay đi lại động đến nó thôi, đầu gối cứ di chuyển là kéo chỗ đau ra mà, không nhúc nhích là không sao, mấy hôm nữa vết thương liền lại là ổn.”
“Rồi bây giờ phải làm sao? Em đi về kiểu gì?” Trần Gia ngó Lạc Hải: “Hay là cậu đạp xe chở nó về nhé? Dù sao hai đứa cũng cùng đường.”
Dù gì Kiều Kinh Ngọc cũng được trưởng thôn toàn quyền ủy thác cho Lạc Hải, ăn ở đều tại nhà Lạc Hải.
Lạc Hải nhìn đuôi xe đạp, chỗ ngồi đằng sau đã bị tháo ra không ngồi được nữa: “Thế chỉ ngồi đằng trước được thôi.”
Không đợi Kiều Kinh Ngọc từ chối Trần Gia đã lên tiếng trước: “Được đó, Kiều Kiều gầy, ngồi trước vừa xinh.”
Chân Kiều Kinh Ngọc đau dữ dội thật sự không thể đi bộ về, cứ thế bị nhét vào lòng Lạc Hải. Gióng xe đạp cấn mông cậu, hơn nữa Lạc Hải và cậu, hai thằng con trai đạp một cái xe, ngực Lạc Hải dán sát vào lưng cậu rồi.
Trên đường hai đứa đạp xe về nhà đã gặp mấy tốp người, đều là các ông các bà tìm Lạc Hải sửa đồ.
Nào là radio, bếp ga, xe đạp, đồng hồ cũ, còn có cả máy đọc BBK của trẻ em. [2]
[2] Máy đọc BBK:
Bếp ga treo trên ghi đông xe đạp, Kiều Kinh Ngọc giúp Lạc Hải cầm máy đọc, những cái khác không khuân nổi thì để mọi người mang đến nhà.
Kiều Kinh Ngọc hỏi: “Cậu sửa miễn phí cho mọi người hết hả?” Cậu nhìn bếp ga trên ghi đông: “Cái này cũng sửa được á?”
Lạc Hải: “Không, chắc là sửa được thôi, về xem thử.”
Thật ra nói miễn phí cũng không hẳn, mấy món đồ vặt vãnh này hắn sửa cái vèo, nếu không sửa được thì mọi người cũng vứt lại chỗ hắn, hắn sẽ đem đi bán đồng nát, nếu sửa được thì người trong thôn cũng không ăn chùa của hắn, thường cho hắn ít đồ như mấy quả trứng gà, hộp bánh ngọt hay rau dưa tự trồng gì đó.
Hai đứa lại gặp một nhóm người ở ngã rẽ gần nhà, Kiều Kinh Ngọc cảm thấy dân trong thôn rất quý Lạc Hải, ai nhìn thấy hắn cũng hỏi han, chẳng biết có phải phong tục ở đây hay không.
Nhóm người xúm lại đánh bài dưới gốc cây chỗ ngã rẽ, trông thấy họ đến, không biết ai hét to một câu: “Ấy, cô vợ nhỏ Lạc Hải cõng về đây mà!”
Các bác xung quanh bàn đánh bài cùng phá lên cười.
Kiều Kinh Ngọc mắc cỡ đỏ bừng mặt, nghi ngờ mọi người lại nhận nhầm cậu thành con gái, hoặc có lẽ các bác chỉ giỡn chơi chứ không quan trọng cậu là nam hay nữ.
Bây giờ cậu cũng khá nổi tiếng rồi, dân trong thôn đều biết “nhóc tóc xoăn” dù chưa gặp cậu lần nào, dẫu sao trưởng thôn cũng huy động người cả thôn đi tìm cậu, mà đặc điểm nhận dạng lại là “tóc xoăn”.
Về đến nhà, chưa vào cổng Kiều Kinh Ngọc đã nghe thấy tiếng kể chuyện trong sân, đang đến đoạn Quan Vũ một mình cưỡi ngựa vượt nghìn dặm trong “Tam quốc diễn nghĩa”.
Ông nội của Lạc Hải ngồi dưới gốc cây lựu trong sân.
Kiều Kinh Ngọc đẩy cổng đi vào thì trông thấy ông, đang định tiến lên chào, không ngờ ông cụ lại điều khiển xe lăn đi về phía cậu.
Hay ghê, chiếc xe lăn này còn chạy bằng điện, có điều tốc độ hơi nhanh cứ lao vùn vụt, sắp đụng vào chân Kiều Kinh Ngọc thì Lạc Hải duỗi tay ép nó dừng lại.
“Dặn ông đừng bật mức nhanh nhất rồi mà, nhanh quá ông ngã thì sao?”
Ông cụ ấm ức: “Không được bật nhanh nhất thì cháu thiết kế mức nhanh nhất làm gì? Rảnh à?”
Lạc Hải không tranh cãi với ông, chỉ Kiều Kinh Ngọc: “Người của đoàn dạy học tình nguyện, tạm thời ở nhờ nhà mình.” Nói rồi hắn rửa tay đi làm đồ ăn sáng.
Bấy giờ Kiều Kinh Ngọc mới quan sát xe lăn ông cụ ngồi ở khoảng cách gần, xe lăn tương đối thô sơ, chỉ có thể nói là “rất giống” xe lăn điện cậu nhìn thấy ở thành phố.
Đừng bảo Lạc Hải tự lắp ráp nó nhé?
Ông cụ thấy cậu nhìn chằm chằm xe lăn của mình bèn cười hỏi: “Cu con tóc xoăn, chưa thấy bao giờ đúng không? Đây là phát minh độc quyền của nhà khoa học nhà ông đấy.”
Ông cụ vỗ bánh xe: “Bánh xe dỡ từ xe đạp.” Sau đó ông cụ cụ lại chỉ sau lưng: “Đằng sau có bình ắc quy dỡ ở xe điện.”
“Í, thế thì cậu ấy là nhà dỡ học rồi.” Kiều Kinh Ngọc vòng ra sau xe lăn điện, trông thấy ở đó thật sự có một bình ắc quy, cất giọng khen: “Xe lăn của ông chạy nhanh quá, cháu tưởng phía sau lắp động cơ ấy chứ.”
Chà, thằng nhóc này mồm mép gớm.
Ông cụ Lạc nhìn cậu: “Cháu lớp mấy rồi?”
Kiều Kinh Ngọc hoang mang, lớp mấy là sao? Ông hỏi thế chẳng lẽ tưởng cậu là học sinh tiểu học. Cậu trả lời: “Năm nay lớp 12 ạ, vừa thi đại học xong.”
“Vậy thì khai giảng là thành sinh viên đại học.” Ông Lạc sáng bừng mắt, đầy vẻ ngưỡng mộ phần tử trí thức: “Cháu bao nhiêu tuổi, ông thấy cháu không khác gì học sinh cấp một.”
“Ông ơi ông làm quá đó.” Trước kia Kiều Kinh Ngọc cũng từng gặp người không đoán được tuổi của cậu, cùng lắm chỉ nghĩ cậu là học sinh cấp hai: “Cháu mười bảy rồi.”
“Thế cháu xêm xêm tuổi Lạc Hải nhà ông à, nó hơn cháu một tuổi.”
Lạc Hải bê bát từ trong bếp đi ra, đúng lúc nghe thấy câu này. Không ngờ Kiều Kinh Ngọc mười bảy tuổi, hắn thật sự không nhận ra, thấy cũng chỉ mười bốn mười lăm là cùng, cái mặt non choẹt này đánh lừa quá.
Nếu đã là đồng trang lứa thì chẳng ai cần chiều ai nữa, hắn sai Kiều Kinh Ngọc: “Vào bếp bê cháo của cậu ra.”
Sau đó hắn lại nghi ngờ nhìn cậu: “Bê nổi không?”
Cậu bạn này nhìn đã biết thuộc kiểu chai dầu đổ cũng không biết dựng.
Kiều Kinh Ngọc nghĩ thầm không phải chỉ bê bát thôi sao? Có gì mà không được? Cậu vào bếp bưng ngay cái bát lên nhưng không ngờ nóng quá xém đánh rơi, vội vàng chạy chậm ra quên cả vết thương trên chân, để bát xuống bàn đá rồi nhảy tưng tưng sờ tai mình cho bớt nóng.
Lạc Hải cười chế giễu, hắn tự hỏi ngay cả bát cũng không biết bê, không biết cậu ta lớn đến chừng này tuổi kiểu gì?
Ba ông cháu ngồi quanh bàn đá ăn sáng.
Lạc Hải nấu ăn ngon làm Kiều Kinh Ngọc rất bất ngờ, cảm thấy không thể trông mặt mà bắt hình dong, bởi vì nhìn Lạc Hải không hề liên quan đến chữ “đảm đang”.
Nhưng ông cụ Lạc bắt bẻ đồ Lạc Hải nấu từng chút một, nào là rau trong cháo thái quá nhỏ, nào là gạo đun lâu quá nhừ, nào là củ cải muối không bỏ ớt chẳng ra vị gì…
Sau cùng ông cụ chốt hạ bằng một câu: “Bao giờ cháu đi học?”
Tay gắp thức ăn của Kiều Kinh Ngọc khựng lại, thật ra cậu đã thắc mắc về nghề nghiệp của Lạc Hải từ lâu, vừa thu phế liệu vừa sửa đồ, ban nãy trên đường về nhà còn có người hỏi hắn đi làm công không? 50 tệ nửa ngày, giống như người thất nghiệp, nhưng đống sách trong phòng lại khiến hắn trông giống một học sinh.
Lạc Hải đáp: “Chờ ông khỏe đã.”
Ông cụ Lạc đặt bát lên bàn: “Ông không chết được!”
Lạc Hải thấy ông ăn hết rồi bèn hỏi: “Ăn nữa nhé?”
“Không ăn!” Ông cụ tức no cả bụng đây này.
Lạc Hải dọn bát của ông cụ, thấy cũng no rồi, hắn còn tiện tay định dọn của bát của Kiều Kinh Ngọc mà cháo vẫn còn nửa bát.
Hắn chưa kịp nói gì, ông cụ đã trêu chọc Kiều Kinh Ngọc: “Cháu ăn chậm thật đấy, y như mèo, người khác ăn từng miếng một còn cháu ăn từng hạt một. Nếu đẻ vào thời khó khăn, nhà lại đông anh chị em, ai cũng tranh ăn thì cháu chết đói à?”
“Bây giờ không phải thời đại hòa bình phồn vinh hạnh phúc, vừa khéo thực hiện kế hoạch hóa gia đình sinh một con là đủ sao ạ?” Kiều Kinh Ngọc cũng ngại bắt Lạc Hải chờ mình, bèn nói: “Cậu kệ tớ, để tớ rửa bát cho.”
Lạc Hải cũng không từ chối, muốn rửa thì cho rửa, hắn bỏ bát xuống rồi đi vào phòng chứa đồ.
Ông cụ Lạc nói hắn: “Suốt ngày chỉ biết hí hoáy cái đống sắt vụn ấy thôi!”