Mưu Trí Thời Tần Hán

Quyển 3 - Chương 38: Mượn đề phát huy tiện tay gán ghép

Bấm vào đây để nghe audio
Quyển 3 - Chương 38: Mượn đề phát huy tiện tay gán ghép

Năm 643, thái tử Lý Thừa Càn âm mưu tạo phản, Đường Thái Tông phế Thừa Càn làm thứ dân, lập Tấn Vương Lý Trị làm hoàng thái tử. Đường Thái Tông Lý Thế Dân cho rằng Lý Trị yếu đuối, thiếu quyết đoán, khó trị vì được, do vậy lúc đầu ông định lập Nguy Vương Lý Thái. Nhưng vì Trưởng Tôn Vô Kỵ phản đối ông lại muốn truyền cho Ngô Vương Lý Khắc, không ngờ lại vấp phải sự can ngăn của Trưởng Tôn Vô Kỵ.
Trưởng Tôn Vô Kỵ là anh em vợ của Lý Thế Dân, đứng đầu trong 24 công thần khai quốc của nhà Đường, Lý Thế Dân vô cùng tín nhiệm ông ta. Dưới sự cầu xin kiên quyết của Trưởng Tôn Vô Kỵ, cuối cùng Đường Thái Tông quyết tâm lập Tấn Vương Lý Trị. Năm 649, Đường Thái Tông Lý Thế Dân băng hà, Đường Cao Tông Lý Trị nối ngôi cha.
Ngụy Vương Lý Thái vì Trưởng Tôn Vô Kỵ chê bai nên bị Lý Thế Dân chuyển đi Trường An, về sau mới được tấn phong làm Bộc Vương. Đường Cao Tông hạ lệnh cho anh ta có thể được khai phủ, lập quan nhưng không lâu sau anh ta mất. Duy chỉ có Ngô Vương Lý Khắc, văn võ song toàn, yêu nước thương dân, Cao Tông liền phong cho anh ta làm Tư Không kiêm Đô đốc Lương Châu. Điều này làm cho Trưởng Tôn Vô Kỵ buồn lòng. Ông sợ Lý Khắc một ngày nào đó phát huy thanh thế sẽ đem lòng ghen ghét vì anh ta không được làm thái tử. Trưởng Tôn Vô Kỵ không muốn để cho Lý Khắc có chức to, nhưng vì Lý Khắc không có động tĩnh gì mà Đường Cao Tông lại là người rộng lòng nhân từ nên ông cũng không dám nói chuyện này lên Đường Cao Tông, ông đành âm thầm chờ đợi cơ hội.
Lúc này, con trai danh tướng Phòng Huyền Linh là Phòng Di ái âm mưu tạo phản bị bại lộ. Vốn là trước đây Lý Thế Dân thấy Phòng Huyền Linh trung thành và có nhiều công lao to lớn nên đem công chúa Cao Dương mà mình sủng ái nhất gả cho Phòng Di ái. Không ngờ công chúa Cao Dương cậy được vua cha yêu quý nên rất kiêu ngạo, chơi bời hoang dâm vô độ. Trước hết là quan hệ lằng nhằng với Phòng Di ái và các anh em của anh ta, tiếp đó liều mình chơi Phật, kết thành vợ chồng với hòa thượng, bà ta bị Đường Thái Tông mắng ột trận nên hai vợ chồng cũng bị chia cắt. Cao Dương công chúa oán Thái Tông vô cùng vì ông xen vào chuyện riêng của bà ta. Thái Tông băng hà thì bà ta càng trở nên ngang ngược, ngày đêm truy hoan hết hòa thượng rồi đến trai tráng trẻ khỏe. Lúc này bà ta sợ mọi chuyện sẽ gây họa nên khuyên Phòng Di ái cấu kết với Liên Khâm Tiết Vạn Triệt (chồng của Đan Dương công chúa), Sài Lệnh Vũ (chồng của Ba Lăng công chúa) và hoàng thúc Lý Nguyên Cảnh, cùng âm mưu tạo phản. Không ngờ sự việc chỉ mới bắt đầu thì anh của Phòng Di ái là Phòng Di Trực âm thầm mật báo cho Trưởng Tôn Vô Kỵ và Đường Cao Tông. Đường Cao Tông lập tức hạ lệnh bắt giữ Phòng Di ái và sai Trưởng Tôn Vô Kỵ điều tra thực hư.
Trưởng Tôn Vô Kỵ tiếp nhận vụ án này trong lòng vui mừng vô hạn. Không phải vì dựa vào tài trí của ông ta kiểm tra vụ án nhỏ này, không tốn chút sức lực mà do các nhân vật tạo phản lần này đều là hoàng thân quốc thích.

Phòng Di ái không lắm mưu nhiều kế như Phòng Huyền Linh. Vừa mới chịu cực hình là hắn phun hết tên tuổi đồng bọn. Nhưng Trương Tôn Vô Kỵ cười lạnh lùng nói:
– Ta nghĩ đồng bọn của ngươi không chỉ có mấy người đó đâu.
– Tôi nghĩ kỹ rồi, thật không sót ai cả.
– Lý Nguyên Cảnh không thân với Cao Tông mà còn muốn làm hoàng đế, lẽ nào Ngô Vương Lý Khắc trọng tình thân đến thế lại không muốn? Ta khuyên ngươi hãy thật thà khai ra thì còn được giảm nhẹ tội, việc gì phải khổ vì người khác?
Phòng Di ái nghe thấy vậy, nghĩ rằng nếu mình giúp ông ta, khai ra Ngô Vương Lý Khắc thì sẽ thoát khỏi tội chết. Thế là hắn thừa nhận Ngô Vương Lý Khắc đã sai hắn làm.
Trưởng Tôn Vô Kỵ ghi chép khẩu cung rồi báo lên Đường Cao Tông là bọn Phòng Di ái, Tiết Vạn Triệt, Sài Lệnh Vũ, Lý Nguyên Cảnh, Lý Khắc và mấy công chúa đều đáng tội chết.
Đường Cao Tông thấy vụ án này nhiều người có liên quan đều là anh em thân thích với mình thì trong lòng rất buồn. ông liền hỏi các quần thần:
– Phòng Di ái thì đáng tội chết rồi nhưng liệu Nguyên Cảnh và Lý Khắc có thể miễn được tội chết không?

Trưởng Tôn Vô Kỵ vội thưa:
– Tuy bệ hạ có lòng nhân từ, nhưng không vì thế mà bẻ cong pháp luật được. Nếu không diệt trừ bọn mưu phản thì làm thế nào trừng phạt được ai đây?
Đường Cao Tông thở dài, hạ chiếu y án. Ngô Vương Lý Khắc cũng vô duyên vô cớ bị ban tội chết, mọi người đều bị Trưởng Tôn Vô Kỵ che mắt, nhưng Lý Khắc hiểu được tại sao. Trước khi chết, anh ta hô to:
– Trưởng Tôn Vô Kỵ, cậy có quyền lực mưu hại trung thần, ta chết rồi cũng không tha cho ngươi đâu!
Bất chấp Ngô Vương Lý Khắc chửi thế nào, Trưởng Tôn Vô Kỵ lờ đi như không nghe thấy, gộp hết bọn người thân tín với Ngô Vương như Giang Hạ Vương Đạo Tông, Chấp Thất Tư Lực, Vũ Văn Tiết… gán vào vụ án của Phòng Di ái. Từ đó, Trưởng Tôn Vô Kỵ càng củng cố được địa vị của mình.
Làm được chuyện này cần có thời gian, địa điểm và cơ hội. Tuy nhiên trên đời này làm gì có chuyện may mắn như vậy. Nhưng giỏi cách tưởng tượng, giỏi mượn thời gian, địa điểm, cơ hội để phát huy thêm, tiện tay gán ghép các việc có liên quan thì cho dù giờ nào, địa điểm nào, hoặc thời cơ gì cũng có thể làm xong chuyện.
Tháng 6 năm 1986, công ty điện thoại Thái Bình Dương của Mỹ cho đăng một mẩu tin quảng cáo trên tờ “Nhật Báo phố Wall” như sau:
“Hình tượng chủ đề là Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc, trên hình tượng tuyên truyền công trạng của Đặng Tiểu Bình: Đặng Tiểu Bình là một nhà cải cách thành công, kinh nghiệm chủ yếu của ông là khuyến khích phân quyền, tiến hành nhiều loại hình kinh doanh, làm đấu thầu ở nông thôn, nới lỏng chủ quyền trong thành phố…”

Tờ quảng cáo còn phong Đặng Tiểu Bình là chủ tịch quản trị “tổng công ty kinh doanh phân tán hóa” của Trung Quốc. Đến dòng cuối cùng mới có một câu: Công ty điện thoại Thái Bình Dương của Mỹ là công ty mới tách ra từ công ty điện thoại, điện báo của Mỹ. Mong mọi người tín nhiệm và hợp tác.
Lúc đó công ty này khai trương chưa lâu, các cổ đông và khách hàng rất ít, một số khách hàng quen biết cũng rút ra. Một trong những nguyên nhân đó là ở các nước phương Tây như Mỹ, một công ty nào đó khi kinh doanh không có hiệu quả lại tách ra thành một số công ty con và gọi đó là công ty độc lập để giảm bớt việc bồi thường cho các chủ nợ. Công ty này dĩ nhiên cũng có kiểu bịp này gây nghi ngờ ọi người.
Công ty điện thoại Thái Bình Dương tách ra làm độc lập cũng chẳng phải là trò bịp bợm gì. Nhưng tuyên truyền cho viễn cảnh huy hoàng của công ty cũng chẳng được, làm không tốt sẽ càng gây nghi ngờ lớn cho khách hàng. Làm gì đây. Đợi chờ cơ hội ư? Cũng không được. Cứ chờ đợi như vậy sẽ bị sập tiệm mà thôi.
Mục quảng cáo như nói ở trên của công ty Thái Bình Dương đã vận dụng mưu kế “mượn đề phát huy, tiện tay liên kết lại”, vô hình trung nó lại là cách làm thông minh nhất. Hồi đó, công cuộc mở cửa cải cách của Trung Quốc đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn khiến cả thế giới đều biết. Đặng Tiểu Bình cũng trở thành nhân vật nổi tiếng, ông từng được tờ tạp chí “tuần san Thời Đại” có số lượng phát hành lớn nhất ở Mỹ gọi là “Nhân vật kiệt xuất của thế giới”. Vậy thì Đặng Tiểu Bình có liên quan gì đến công ty Thái Bình Dương không? Đây chính là mưu “dựa vào phát huy, liên kết lại” của họ. Mục quảng cáo đã ngầm bày tỏ rằng:
“Việc thành lập và tôn chỉ kinh doanh của công ty Thái Bình Dương cũng giống như phương châm cải cách khuyến khích phân quyền đã đạt được nhiều thành tựu vĩ đại của Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình nổi tiếng toàn thế giới và nước Trung Hoa phồn thịnh ngày hôm qua, hôm nay cũng chính là viễn cảnh xán lạn của công ty Thái Bình Dương ngày nay và mai sau”.
Gán ghép khiên cưỡng liệu có thể trở thành uyên ương được không vậy? Có thể được. Rốt cuộc công ty Thái Bình Dương nổi lên như cồn, thu hút được khách hàng, trở thành một trong những công ty lớn của Mỹ.

Mẹo: Bạn có thể sử dụng trái, phải, A và D bàn phím để duyệt giữa các chương.
Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!
Hãy ủng hộ TruyenHayHo bằng cách đánh giá truyện và chia sẻ link nhé!