Năm Trinh Quán thứ nhất (năm 627 sau Công nguyên) có người dâng sớ đòi loại bỏ những kẻ nịnh thần trong triều đình. Đường Thái Tông sau khi xem rất coi trọng nên cho gọi người đã dâng sớ đến để tự mình hỏi cách trừ bỏ những kẻ nịnh thần.
Đường Thái Tông hỏi. “Xin hỏi kẻ nào là nịnh thần?”.
Người đó trả lời “Tôi chỉ sống trong dân gian, không hiểu các quan thì làm sao biết được ai là nịnh thần”.
Đường Thái Tông lại hỏi: “Nếu ngươi không biết kẻ nào là nịnh thần thì ta sao có thể trừ bỏ được?”.
Người đó nói một cách tự tin và thần bí “Bệ hạ có thể giả vờ bàn bạc chuyện đại sự với các quần thần, sau đó tùy tình thế mà giả vờ nổi cáu để xem phản ứng của các quan. Những người kiên trì chân lý, không chịu khuất phục bệ hạ thì đó chính là những trung thần; ngược lại, những kẻ sợ ngài cáu giận, tùy theo ý của bệ hạ để nói mà không cần biết đúng sai thì chính là những kẻ gian thần. Một khi đã biết kẻ nào là nịnh thần thì việc bệ hạ muốn trừ bỏ chẳng còn khó khăn gì”.
Đường Thái Tông nghe xong rất tức giận, nhưng vì nể mặt người đó nên cố nói với một thái độ ôn tồn: “Cái cách mà nhà ngươi nói tuy rất hay, nhưng đó là cách giả dối. Người làm vua như nguồn, kẻ bề tôi như dòng chảy. Nơi đầu nguồn mà đục thì sao có thể đòi hỏi nhánh của nó trong được. Vua mà dùng gian kế thì không thể yêu cầu bề tôi thành tâm chính trực được. Cái mà trẫm muốn là lấy sự chân thành để đối đãi với bề tôi, trị thiên hạ. Trẫm cảm thấy rất hổ thẹn với việc dùng kế sách gian dối để đối đãi với bề tôi của các bậc đế vương triều đại trước. Vì vậy kế sách mà ngươi hiến cho trẫm tuy là có hiệu quả thật nhưng cũng không thể sử dụng được”.
“Dĩ thành tương đãi” chính là sự đối xử chân thành, không dùng những cách thức gian dối, kết hợp giữa sự nhiệt tình, nghĩa khí hay cùng chí hướng với nhau. Vì vậy mới nói Lý Thế Dân là người mưu trí, không phải là ông không tìm ra những kế sách gian dối, bởi vì trong giai đoạn bắt đầu xây dựng nhà Đường, tiễu trừ những kẻ phản loạn ông cũng đã dùng không ít những kế sách hư hư thực thực, thật thật giả giả, nhưng từ khi lên ngôi thống trị thiên hạ đặc biệt là với các tướng lĩnh, đại thần được yêu quý thì ông luôn đối xử một cách chân thành, quang minh chính đáng. Mà trong xã hội loài người thì quan hệ giữa vua với bề tôi dựa trên cơ sở kết hợp giữa sự tương đồng về chí hướng với sự hợp nhau về tâm tư, tình cảm cũng chính là mối quan hệ lành mạnh, lâu dài nhất.
Chính vì Đường Thái Tông có thể “dĩ thành tương đãi”, đối xử một cách chân thành cởi mở, dựa vào lễ để đối xử với họ nên rất nhiều quần thần thời Trinh Quán đã vận dụng hết tài năng của mình, tận tâm tận lực phò vua giúp nước. Phòng Huyền Linh từng nói: “Tất cả các quan lớn bé không ai là không dốc lòng dốc sức, tận tâm tận lực không quản ngày đêm phụng sự nhà vua”. Thậm chí lúc hấp hối vẫn còn viết thư khuyên Đường Thái Tông không nên viễn chinh rồi sau đó mới chết, thật đúng là bề tôi trung thành. Sầm Văn Bản sau khi được phong làm trung thư lệnh cũng “ngày đêm cần mẫn tự mình làm lấy mọi việc” cho đến khi sức cùng lực kiệt mà chết Những người khác như Mã Chu, Ngụy Trưng, không ai là không tận tâm tận lực, dốc hết tài năng của mình.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng sự nổi tiếng của chế độ Trinh Quán ngoài lý do đã khôi phục một cách nhanh chóng nền kinh tế và việc có được nhiều bề tôi tài giỏi ra thì không thể không nói đến việc Đường Thái Tông biết dựa vào lễ, đối xử một cách chân thành cởi mở với các quân thần. Một đặc điểm nổi bật của chế độ Trinh Quán là mối quan hệ giữa người với người rất trong sáng, thuần phát, tư tưởng của dân chúng thoải mái, lời nói trung thực và lời khuyên thẳng thắn không bị ngăn cấm.
Mưu kế cũng có hai loại: mưu kế ngấm ngầm và ngược lại là mưu kế công khai. Tiền đề của việc thực hiện mưu kế ngấm ngầm là dùng mưu gian đối với đối thủ, trước khi thực hiện không để cho đối thủ biết được dụng ý thật. Loại âm mưu này thường chỉ dùng trong đấu tranh với địch, đặc biệt là trong các trường hợp kẻ yếu chống lại kẻ mạnh hoặc muốn giành thắng lợi một cách bất ngờ. Đặc điểm của mưu kế công khai thì lại là quang minh chính đại, không cần bảo mật, loại mưu kế này tương tự như các chính sách, phương châm, kế hoạch công bố với dân chúng. Loại kế này cũng rất thích hợp để giải quyết những mâu thuẫn không phải mâu thuẫn địch ta, không cần đổ máu. “Dĩ thành tương đãi” thuộc loại mưu kế công khai, sau khi giành được thiên hạ, lên ngôi hoàng đế, Lý Thế Dân dùng kế này để giải quyết mối quan hệ quân thần, quả thực là rất phù hợp.
Trong lĩnh vực kinh doanh thương mại cũng vậy, không thể lẩn tránh quan hệ với khách hàng. Tuy nó không phải là quan hệ địch ta nhưng cũng không hoàn toàn là mối quan hệ “đồng chí” nên cả mưu kế công khai và mưu kế ngấm ngầm đều có đất để dụng võ. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng nếu lạm dụng mưu kế ngấm ngầm thì sẽ không tránh khỏi việc bị coi là “gian thương” còn dùng mưu kế công khai giống như “dĩ thành tương đãi”, không che giấu cái hạn chế của mình, thẳng thắn giới thiệu đặc điểm sản phẩm của mình, không gian dối, tuy bình thường mà lại diệu kỳ, tưởng ngu mà thực ra lại thông minh và cuối cùng hấp dẫn được khách hàng một cách lâu dài.
Ông Henry tổng giám đốc công ty chế biến thực phẩm của Mỹ qua báo cáo giám định hóa nghiệm phát hiện ra rằng hóa chất dùng để bảo quản thực phẩm do công ty mình sản xuất có độc, tuy không lớn nhưng nếu dùng lâu dài thì có hại cho sức khỏe. Nếu không dùng chất đó để bảo quản thì lại ảnh hưởng đến độ tươi của thực phẩm.
Ông Henry cho rằng cần phải thành thật với khách hàng nên đã quyết định nói rõ sự tình cho khách hàng, tuy biết rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ. Và ngay lập tức tuyên bố trước mọi người rằng: chất chống thối rữa có độc và có hại cho sức khỏe.
Sự việc vừa được nói ra thì lượng hàng tiêu thụ giảm rõ rệt, tất cả các ông chủ ngành chế biến thực phẩm liên kết với nhau, dùng mọi thủ đoạn để phản kích lại ông, chỉ trích ông có mưu đồ riêng nên đã đả kích người khác để đề ình, cùng nhau ngăn chặn sản phẩm của công ty Henry.
Công ty Henry bỗng chốc lâm vào tình trạng khó khăn. Sau bốn năm ở trong tình cảnh lao đao, Henry đã khuynh gia bại sản, nhưng danh tiếng của nó thì vẫn được mọi người biết đến. Chính phủ đã đứng ra ủng hộ công ty của ông, sản phẩm của công ty ngay lập tức lại trở thành mặt hàng hấp dẫn mà mọi người cảm thấy rất yên tâm và hài lòng.
Chỉ trong một thời gian ngắn công ty Henry đã khôi phục lại được nguyên khí và thậm chí còn mở rộng quy mô lớn hơn gấp hai lần. Henry bỗng dưng trở thành người đứng đầu trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Ở hải ngoại có một loại mứt cà chua gọi là Hans mùi vị của nó đậm đặc hơn nhiều so với của các hãng khác. Tuy nhiên trong những năm 60, vì lưu tốc của nó chậm nên người tiêu dùng không hài lòng, mọi người đều cho rằng để đổ mứt cà chua của hãng này mất nhiều thời gian mà các loại khác không bị nên việc tiêu thụ Hans của gặp trở ngại.
Đứng trước tình hình đó, công ty đã suy nghĩ rất kỹ. Thay đổi chất phối hợp với mứt cà chua, giảm bớt nồng độ của mứt cà chua? Hay thay đổi bao bì để rót cho dễ? Nhưng dù là dùng cách nào đi chẳng nữa thì cũng sẽ làm mất đi cái đặc sắc vốn có của nó. Giám đốc công ty đã quyết định vẫn kiên trì một nguyên tắc là giữ nguyên đặc sắc của mình. Nếu chỉ vì tốc độ mà thay đổi đặc điểm đó và vẫn dùng mác Hans thì là không thành thật với khách hàng. Trong quảng cáo vẫn khẳng định “mứt cà chua có lưu tốc chậm nhất”. Đồng thời cũng nói rõ sở dĩ lưu tốc của mứt cà chua Hans chậm là do nồng độ mứt cà chua cao hơn so với các loại khác. Và cuối cùng khuyên người tiêu dùng: để duy trì nồng độ cao và cái đặc sắc vốn có của mứt cà chua Hans thì hãng không cho phép dùng các biện pháp khác pha loãng ra để tăng lưu tốc của nó, hy vọng người tiêu dùng hiểu rõ rằng để có vị ngon thì nồng độ mứt cà chua phải cao.
Việc công ty Hans dùng kế “dĩ thành tương đãi” đã đạt được hiệu quả thần kỳ. Người tiêu dùng trước đây chê “lưu tốc chậm” thì hiện nay không cho rằng đó là hạn chế mà ngược lại là ưu điểm riêng của sản phẩm mứt cà chua Hans so với các loại khác. Thị phần của công ty Hans tăng từ 19% trước đây lên đến 50% hiện nay.