Một hôm, có một con rùa bị một con cáo bắt. Con rùa cố thu đầu và 4 chân vào trong cái mai rùa vừa cứng vừa chắc nên cáo không làm thế nào để giết được rùa. Cáo không ăn được thịt rùa thì rất sốt ruột, nói một cách hung ác với rùa rằng: “Tao phải thiêu mày trong lửa mới được”. Rùa đáp rằng: “Cám ơn, vừa may ta đang lạnh ngươi có thể giúp ta sưởi ấm thì tốt quá”. Con cáo lập tức nhả con rùa đang ngậm trong mồm xuống đất rồi nói: “Tao phải ném mày xuống nước!”. Rùa “hoảng sợ” cầu xin: “Anh cáo ơi xin hãy tha chết cho tôi! Nếu anh ném tôi xuống nước thì tôi sẽ chết đuối mất!”. Cáo lập tức đắc ý, tha rùa đến bên hồ, ném xuống nước, rùa từ từ nhô đầu và chân ra, nhởn nhơ bơi ra chỗ sâu.
Lý Thế Dân đương nhiên không phải là rùa nhưng ông rất giỏi trong việc dùng mưu kế của rùa.
Lúc đó Đột Quyết thường dựa vào lực lượng kỵ binh hùng mạnh của mình thường xuyên xuất hiện ở đất của nhà Đường. Đường Cao Tổ Lý Uyên nghĩ đến việc trong nước chưa yên nên không tiến đánh lại, thường xuyên viết thư tặng quà kết giao hòa hiếu với họ nhưng Đột Quyết vẫn có ý phản phúc, lòng tham không đáy vẫn lúc ẩn lúc hiện bất thường như cũ. Lý Uyên bất lực, thậm chí còn muốn thiêu hủy kinh thành Trường An để tránh khỏi sự xâm nhiễu của Đột Quyết. Nhưng trước khi thực thi cái kế bất đắc dĩ đó thì ông vẫn muốn để Lý Thế Dân, Lý Nguyên Cát… đi nghênh chiến một trận.
Năm Đường Võ thứ 7 (năm 642 sau Công nguyên) Đột Quyết tổ chức đánh lớn, cánh quân tiên phong đã áp sát Mân Châu (Huyện Bân, Thiểm Tây ngày nay). Lý Thế Dân, Lý Nguyên Cát tiến lên phía trước để nghênh chiến.
Quân Đường sắp đến Mân Châu thì có tin báo quân Đột Quyết đã dựng trại suốt hơn trăm dặm, thanh thế rất lẫy lừng. Lý Nguyên Cát đã có ý sợ hãi, Lý Thế Dân thì lại rất bình tĩnh sai thám quân đi điều tra kỹ hơn tình hình quân địch. Thám quân về báo lại rằng: “Hai Khả hãn của Đột Quyết là Hiệt Lợi và Đột Lợi đã dốc hết toàn lực, số binh sĩ không dưới hàng chục vạn”. Lý Thế Dân ung dung nói: “Cả hai tướng lĩnh đều cùng đến thì dễ tìm ra cách phá địch thôi”.
Quân Đường tiếp tục tiến lên phía trước, thẳng đến Mân Châu, đóng quân sát thành. Lúc này ở Quan Trung trời mưa liên tục, việc chuyển lương không đều, binh sĩ đã đi bộ suốt một chặng đường dài mệt mỏi đến không thể chịu đựng được nữa. Ở trong thành Trường An cũng rất lo cho quân đội xuất chinh. Lý Thế Dân thì chẳng tỏ thái độ gì, thản nhiên như thường, sắp đặt đâu ra đấy.
Hôm sau, Hiệt Lợi Khả hãn dẫn theo hơn 1 vạn kỵ binh tinh nhuệ, xông vào phía tây thành, bày binh bố trận ở sườn núi Ngũ Lũng, ngẩng cao đầu chờ đánh. Lý Thế Dân nói với em trai: “Khí thế quân Đột Quyết mạnh nên chúng ta không thể tỏ ra yếu đuối được. Nếu em sợ đánh thì chúng sẽ lập tức tiến công, nếu em không sợ đánh thì chúng lại phải lui binh. Vì thế chúng ta phải ra trận, tỏ ra là chắc chắn sẽ đánh, thế em có đi cùng không?”.
Lý Nguyên Cát vô cùng sợ hãi nói: “Quân địch mạnh như vậy thì không thể tỏ ra khinh thường mà chống lại chúng…”. Lý Thế Dân lại nói: “Hai Khả hãn Hiệt Lợi và Đột Lợi tuy là chỗ chú cháu với nhau nhưng thực tế thì vẫn luôn ngờ vực nhau. Cái ngôi vị Khả hãn của Hiệt Lợi vốn là của cháu ông ta Đột Lợi. Hiệt Lợi sợ Đột Lợi sẽ gây chuyện nên mới lệnh cho Đột Lợi trấn thủ ở phía đông và trao cho cái hư danh Khả hãn. Nay hai bọn họ liên binh đến thì ta có thể khơi gợi cái mối hiềm nghi lớn như vậy giữa họ. Người khác sợ chứ ta thì không sợ”.
Lý Thế Dân nói xong lập tức dẫn đầu hơn một trăm kỵ binh xông thẳng đến trước trận địa của Hiệt Lợi lớn tiếng nói: “Triều đình ta vốn kết giao hòa hiếu với Khả hãn nay sao lại quay lưng với hòa ước đó, xâm nhập vào lãnh thổ của ta? Ta là Tấn Vương Lý Thế Dân, nếu Khả hãn có khả năng ra trận thì hãy mau xuất chiến, quân của ngươi đông còn của ta ít nhưng ta không hề sợ, thuộc hạ của ta chi có 100 kỵ binh nhưng cũng có thể chém cả vạn quân của ngươi”. Hiệt Lợi nghe thấy những lời đó chỉ cho rằng Lý Thế Dân đang dùng kế dụ địch, quân Đường đã chuẩn bị xong cho việc tất thắng, nên chỉ cười mà không đáp lại.
Thấy tình cảnh đó, Khả hãn Đột Lợi nghi ngờ rằng Lý Thế Dân có ý gian, càng nghi rằng Hiệt Lợi Khả hãn có dụng tâm gì khác. Lý Thế Dân thấy Đột Lợi có một đội quân riêng đứng cách Hiệt Lợi một cái mương nên cố ý phái một kỵ tướng đến chỗ Đột Lợi lớn tiếng hét rằng: “Trước đây người là đồng minh của ta, đã hẹn ước rằng sẽ cứu trợ nhau, nay sao lại dẫn quân đến đánh?”
Đột Lợi cho rằng Hiệt Lợi đã có mật ước gì với nhà Đường định mưu sát mình và tên kỵ binh đó đã nhầm mình với Hiệt Lợi Khả hãn vì thế mới nói ra bí mật trước mặt mọi người. Xem ra Lý Thế Dân chỉ đem theo trăm quân đến có thể là để giúp Hiệt Lợi đối phó với mình. Đột Lợi vẫn còn nghi ngờ như vậy nên cũng im lặng không đáp lại câu nào.
Mà dưới con mắt của Hiệt Lợi Khả hãn, Đột Lợi chẳng nói năng gì thì hiển nhiên là đã thừa nhận trước đó quả là có mật ước với nhà Đường. Vì thế đối thủ của mình không chỉ là trăm quân của Lý Thế Dân ở trước mặt mà còn cả một đại quân giấu mặt là quân của Đột Lợi. Đương nhiên là để đánh bại được mình thì nhà Đường đã sắp đặt tất cả từ lâu.
Lý Thế Dân thấy hai Khả hãn không dám tùy tiện tiến binh nên đã cố tình vung roi thúc ngựa định tấn công sang bên đó Hiệt Lợi Khả hãn vô cùng hoang mang phái người sang đó cầu xin nghị hòa. Đúng lúc đó thì trời mưa to thế là cả hai bên thu binh quay về .
Lý Thế Dân lại nói với các tướng sĩ: “Thực lực của Đột Quyết là ở việc dùng cung tên mà nay trời lại mưa liên tục như vậy thì tên cũng chẳng ích gì, quân Đột Quyết mất tên như chim đang bay mà gãy cánh nên càng không dám tiến công. Chúng ta nên nhân cơ hội này lại đi đòi đánh thì quân Đột Quyết tất sẽ phải bỏ chạy thật xa”. Thế là lệnh cho các quân sĩ ăn một bữa thật no, đội mưa đi tấn công. Đồng thời cũng phái một người giỏi về ăn nói đến tìm Khả hãn Đột Lợi để nói rõ cái lợi và cái hại, Đột Lợi vui vẻ đồng ý hòa hảo với nhà Đường. Hiệt Lợi không rõ đầu đuôi ra sao thấy quân Đường đến một cách bất ngờ thì vội cho gọi Đột Lợi đến thương lượng. Đột Lợi nói “Xét từ mọi góc độ thì quân Đường đã quyết một trận tử chiến với chúng ta. Tấn Vương đã đem quân đến một cách có kế hoạch và chưa từng bại trận. Chúng ta chưa thể thắng được ông ta trong thời tiết như thế này thì giảng hòa với ông ta là thượng sách”.
Thế là Khả hãn Hiệt Lợi lại đến cầu hòa tiếp. Đội Lợi Khả hãn lại còn kết nghĩa “anh em” với Lý Thế Dân. Thế là cả đại quân của Đột Quyết đi để kết thành đồng minh, đồng thời phái đại thần đến triều kiến Cao Tổ.
Nếu quân Đường vì sợ hãi mà lui quân thì quân Đột Quyết chắc chắn sẽ thừa thế truy sát. Lý Thế Dân giả vờ tỏ ra như là đã chuẩn bị sẵn sàng để quyết một trận tử chiến thì quân Đột Quyết lại không dám tiến công nữa. Đây chẳng phải là kế mà rùa đã giỡn cáo sao? Đương nhiên là Lý Thế Dân inh hơn con rùa đó, khi vận dụng kế này cũng đã cố gắng dùng cả cách làm phân hóa, tan rã. Trên thương trường cũng có những “con rùa” inh như vậy, ví dụ như giám đốc công ty DG – Sơn Bản Thôn.
Có một lần công ty của ông đứng trước nguy cơ phá sản, cần phải nhanh chóng bán hết toàn bộ số hàng của công ty. Ông đành phải bay sang Mỹ để nhanh chóng đàm phán với một công ty nào đó về số sản phẩm của công ty mình. Không ngờ phía Mỹ đã thăm dò được nội tình của công ty DG nên ra sức ép giá. Ông chỉ có hai cách để lựa chọn: không bán để mặc cho công ty rơi vào tình cảnh không có lối thoát vì không quay vòng vốn được, hoặc là bán với giá thấp, chịu nỗi khổ của việc nguyên khí bị trọng thương thậm chí đến mức không gượng dậy được.
Trong lòng rất đau khổ nhưng bề ngoài ông vẫn chuyện trò vui vẻ. Dường như ông không cần phải suy nghĩ gì nhiều đối với các yêu cầu của đại diện phía Mỹ mà cứ nói với thư ký hết lần này đến lần khác: “Cô đi xem vé máy bay đi Nam Triều Tiên đã chuẩn bị xong chưa. Nếu đã có vé thì ngày mai chúng ta đi, việc làm ăn ở bên đó không thể hoãn lại thêm một phút nào nữa”.
Đại diện phía Mỹ rất tin tưởng vào phán đoán của mình: Sơn Bản Thôn không hứng thú lắm với vụ làm ăn này, thành hay không đối với ông ta không quan trọng. Rất có khả năng ông ta sẽ đột ngột rời Mỹ bay sang Nam Triều Tiên.
Đại diện phía Mỹ vội vàng nói dây điện thoại trực tiếp báo cáo với giám đốc xem nên làm thế nào. Giám đốc lập tức hạ lệnh: “Nhanh chóng làm xong vụ này theo giá thông thường” .
Sơn Bản Thôn không đến Nam Triều Tiên mà được “cáo” là đại diện của Mỹ “cắp” miễn phí về Nhật, công ty của ông lập tức chấn hưng trở lại từ bờ vực của sự phá sản.