Lại một cơn gió giật, đám trẻ bay đi đâu mất, một bà lão tóc bạc phơ, bước liêu xiêu trên con đường lầy lội, đi tới. Bà khoác chiếc chăn rách, một chân không giầy, người và mặt bùn lấm bê bết.
Anh gọi to: “Mẹ…Mẹ ơi!Con tưởng mẹ chết từ lâu, té ra mẹ vẫn chết!”
Anh lao về phía mẹ, cảm thấy mình nhẹ tênh, mỏng manh như đám trẻ con. Gió giằng kéo anh, lôi người anh dài ra gấp mấy lần.
Ghì chặt lan can, anh mới dừng lại được trước mặt mẹ.
Mẹ chớt chớt cặp mắt đầy bùn, nhìn anh đăm đăm.
Anh phấn khởi hỏi mẹ: “Mẹ, những năm qua mẹ đi đâu? Con cứ tưởng mẹ đã chết rồi!”
Mẹ khẽ lắc đầu.
“Mẹ không biết, cách đây tám năm, các phần tử địa chủ, phú nông, phản động, bất hảo, phái hữu đã được bỏ “mũ”, ruộng đất giao đến từng hộ. Con đã lấy vợ, cô ấy có khuyết tật ở cánh tay, nhưng bụng dạ thì tốt, cô ấy đã sinh cho mẹ một cháu gái, lại đã sinh cho mẹ một cháu trai, vậy là nhà ta không tuyệt tự. Nhà ta có lương thực dự trữ, năm nay nếu như ngồng tỏi không bị thối thì cũng không thiếu tiền.”
Mặt mẹ bỗng biến đổi. Hai con bọ gậy đuôi dài từ trong hốc mắt mẹ chui ra. Anh hốt hoảng chộp hai con bọ gậy, nhưng tay anh vừa chạm vào da mặt mẹ, một làn khí lạnh xuyên qua từ đầu ngón tay vào thẳng tim anh, đồng thời, người mẹ chảy nước vàng, da thịt lần lượt bay theo gió, chỉ còn lại bộ xương đứng trước mặt anh. Anh kinh hoàng rú lên một tiếng.
Tiếng gọi dường như ở rất xa vọng lại: “Dương… Dương…, tỉnh lại đi! Mày bị ma ám phải không?”
Anh nhìn thấy sáu con mắt xanh lét ngó anh chằm chằm, một cánh tay đầy lông chậm rãi thò về phía anh. Anh sợ rún người lại. Bàn tay lạnh ngắt ấy sờ trán anh lập tức rụt lại như chạm phải lò than.
Toàn bộ bàn tay xanh lại đặt trên trán anh, anh vừa sợ vừa thích thú.
– Chú em, chú ốm rồi! – Phạm đứng tuổi nói to – Trán như lò than, bỏng cả tay!
Phạm đứng tuổi đắp chăn cho anh, nói: “Chú em, ta đoán chú bị cảm, chùm khăn cho mồ hôi là khỏi.”
Anh cảm thấy trong bụng nôn nao, chân tay rung rẩy không cách nào cưỡng lại. Vì sao người ta run nhỉ? Anh cố tìm hiểu. Vì sao người ta lại run? Ba phạm cùng buồng đem hết chăn lại đắp cho anh. Anh vẫn run, cảm thấy bốn chiếc chăn cũng run, một chiếc chùm kín đầu, mắt anh không nhìn thấy gì, mùi hôi của khăn khiến anh nghẹt thở, mồ hôi túa ra, những con rận bò trong mồ hôi. Anh cảm thấy mình sắp chết, không chết vì bệnh thì chết vì bốn cái chăn như da trâu thối đè lên người. Anh dốc toàn lực hất bỏ cái chăn trên đầu. Giờ anh có cảm giác như ló đầu khỏi đầm lầy, la to: “Bà con ơi, cứu tui mấy!”
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
Anh cố bám lấy cái ý thức vô hình, mà nếu để mất thì lại rơi vào hôn mê, y như chết đuối vớ vào cọc. Trước mắt anh là sự đan xen giữa ánh sáng và bóng tối. Khi là bóng tối, lũ ma quỉ nhảy múa, bà mẹ đã chết nhảy nhót cười đùa cùng lũ trẻ, rồng rắn vây quanh anh, đứa cù nách, đứa kéo tai, đứa ngoạm mông anh. Bố chống cây gậy bằng gỗ liễu đi loanh quanh trên đường rải đầy mảnh thủy tinh, chốc chốc lại vô cớ ngã dúi một cái, có lúc lại như cố tình, có lúc như bị một người khổng lồ đẩy ngã, mỗi lần ngã xuống, lại thêm vài mảnh thủy tinh cắm trên mặt. Mặt bố lấp lánh ánh sáng màu.
Khi anh giơ tay chụp những tinh linh bé nhỏ kia, bóng tối biến mất, tiếng cười của chúng từ trên trần dội xuống. Trời sáng, bên ngoài cửa sổ đã là ban ngày, bên trong buồng giam vẫn còn mờ tối, nhưng đã nhìn rõ hình dáng đồ đạc. Phạm đứng tuổi giơ nắm đấm hộ pháp đấm thình thình vào cửa buồng giam. Phạm già và phạm trẻ vươn cổ phát ra tiếng hú như chó sói.
Tiếng chạy ngoài hành lang thình thịch: Lính gác xách súng xuất hiện chỗ cửa sổ: “Các người định làm loạn hả?”
– Không làm loạn, thưa Chính phủ! Số 9 ốm sắp chết!
– Chỉ mỗi buồng này là lắm chuyện. Đợi phòng trực ban có người sẽ báo.
– Sắp chết rồi!
Lính gác rọi đèn pin vào mặt Cao Dương. Cao Dương nhắm mắt tránh ánh đèn.
– Mặt hồng hào thế kia thì ốm gì?
– Đó là sốt cao!
– Cảm sốt như cơm bữa, có gì lạ!- Nói xong, lính gác bỏ đi.
Anh lại rơi vào cảm giác khi tối khi sáng. Bố mẹ dẫn bọn trẻ đến quấy rầy anh. Anh cảm nhận được cả mùi của chúng. Nhưng chỉ cần giơ tay, là bóng tối với những bóng ma biến mất, và anh lại nhìn thấy những gương mặt thảng thốt của các phạm cùng phòng.
Cơm sáng đưa qua lỗ cửa sắt, anh nghe các phạm nói nhỏ với nhau điều gì đó.
– Chú em ăn cơm! – Phạm đứng tuổi nắm vai anh hỏi.
Anh không còn hơi sức để lắc đầu.
Sau đó, anh nghe có tiếng cửa sắt mở, làn không khí tươi mát ùa vào buồng. Đầu óc anh thoắt cái tỉnh táo hẳn lên. Anh cảm thấy lớp chăn được gỡ ra như lột bỏ từng lớp da trên người anh.
– Anh thấy thế nào? – Một giọng nữ dịu dàng hỏi.
Giọng nói sao mà thân thiết và ấm cúm. Trong cơn ngỡ ngàng, anh lại thấy khuôn mặt một thời rất hiền từ của mẹ. Anh mở mắt, qua lớp sương mù anh nhìn thấy một khuôn mặt vừa to vừa trắng, nhìn thấy chiếc áo khoát vừa trắng vừa dài, anh ngử i thấy mùi i ốt trên áo và hơi của một người phụ nữ cao cấp.
Đây là một phụ nữ cao cấp béo tốt.Cô ta bắt mạch trên cổ tay anh, ngón tay cô mát lạnh. Những ngón tay mát lạnh chuyển lên sờ trán anh, mùi i ốt càng đậm, anh hít lấy hít để, cảm thấy đỡ tức ngực, nhất là cái mùi đàn bà cao cấp khiến anh cảm thấy ấm lòng, sung sướng như lên tiên. Mũi cay xè, anh muốn khóc.
– Cặp lấy!- Anh trong thấy người đàn bà vẩy vẩy cái que thủy tinh lấp loá ánh sáng bạc, nhét vào nách anh, bảo- kẹp chặt!
Đứng sau phụ nữ cao cấp là một cảnh sát vừa gầy vừa đen. Anh ta thập thò phía sau như đứa trẻ sợ gặp người lạ, nét mặt phân vân, thấp thỏm không yên.
– Anh mặc quần áo vào! – Cô ta nói.
Anh định nói nhưng không biết nói sao.
– Khi bị các ông bắt vào đây, anh ta chỉ mặc có vậy, trên không áo dưới không giầy – Phạm đứng tuổi nói.
– Anh đội trưởng, hay là thông báo về gia đình, bảo đem cho anh ta vài chiếc quần áo.
Đội trưởng gật đầu, anh ta đứng hơi khuất phía sau người phụ nữ.
Anh nghe đội trưởng hỏi: “Các anh ở đây thấy như thế nào?”
– Thấy thích ạ – Phạm trẻ trả lời – vừa mát vừ dễ chịu, y như thiên đường! Mẹ kiếp, chỉ mỗi lắm rận.
– Có rận hả?
– Bọn rận không biết kêu đâu ạ!
– Đề nghị Chính phủ chủ nghĩa nhân đạo cách mạng, phòng Y vụ cho xin ít thuốc diệt rận.
– Có thể xem xét đề nghị của các anh – Đội trưởng nói – Y sĩ Tống, phòng y vụ của đồng chí pha chế ít thuốc diệt rận.
– Chúng tôi chỉ có ba người, làm gì có thì giờ pha chế, bao nhiêu là buồng giam! Y sĩ Tống vừa nói vừa lấy cái đo nhiệt độ, đưa ra chỗ sáng xem, anh nghe thấy cô ta hít hà một tiếng.
Cô y sĩ xách cái tráp lại. Cô mở tráp, lấy ra một dụng cụ ngoắc lên cổ, không, ngoắc vào hai lỗ tai, dụng cụ này nối với cục sắt sáng loáng ở tay bằng hai ống nhựa luôn đung đưa. Cô cúi xuống, khuôn mặt to và trắng trẻo của cô kề sát mặt anh. Anh ngửi thấy cái mùi ngây ngất trên mặt cô. Cục sắt sáng loáng ấn mạnh trên ngực, anh thấy tức thở nhưng dễ chịu. Anh biết suốt đời anh không thể quên giờ phút này.
Dù có chết ngay trong buồng giam này cũng hòa vốn rồi! Một phụ nữ cao cấp sờ trán mình, khuôn mặt cô ta kề sát mặt mình, mình ngửi thấy mùi thơm trên người cô, khi cô cúi xuống, mình nhìn thấy làn da trắng như mâm bột phía dưới cổ. Sống ở trên đời con người ta chỉ sung sướng đến thế là cùng!
Cô vỗ vỗ, giọng thân mật: “Lật sấp lại!”
Anh trông thấy cô cầm một ống thủy tinh có vẽ những vạch ngang màu nâu, trong ống đựng một chút nước màu vàng kim, đầu ống cắm một kim dài. Anh vâng lời, lật sấp người lại. Ngón tay của cô những ngón tay dịu dàng mềm mại, những ngón tay mát rượi, thật tuyệt! Những ngón tay ấy cầm cạp quần anh kéo mạnh xuống dưới, anh cảm thấy mông hở ra, một làn khí lạnh chạy thẳng vào hậu môn, anh cứng người lại. Một làn khí lạnh hơn đang lan ra bên mông trái: Cô đang lau bằng một cục bông.
– Thả lỏng ra! – Cô nghiêm giọng nói. – Thả lỏng cơ bắp ra! Đừng sợ! Chưa tiêm bao giờ à?
Cô vỗ mông anh “bốp” một cái, nói: “Anh cứng người lại như thế thì tiêm sao được?”
Hòa vốn rồi! Đúng là mình hòa vốn rối! Một phụ nữ cao cấp như cô ta không chê mình bẩn, vỗ mông mình bằng bàn tay sạch sẽ đến vậy! Có chết trong tù cũng không oan uổng gì nữa!
Cô dùng hai ngón tay day day mông anh, hỏi: “Chân anh làm sao sưng lên ghê thế?”
Tâm tư anh trở về với cái chân, nhưng anh đang nghẹn ngào vì sung sướng, không còn hơi sức trả lời.
Cô lại vỗ một phát. Mông anh nhói một cái như bị ong châm. Cô đẩy kim vào anh nghe tiếng thở của cô, cảm thấy ngón tay cô đang gãi gãi trên mông anh. Anh chưa bao giờ được hưởng sự dịu dàng từ trên trời rơi xuống như thế này, con tim như mê đi, lịm đi. Anh nức nở khóc.
Anh mong công việc trên đừng bao giờ kết thúc, nhưng cô y sĩ nhà giam đã rút kim ra.
Cô thu nhặt các thứ vào tráp, hỏi: “Sao anh khóc? Chẳng lẽ tiêm đau đến thế?”
Anh không nói gì, nghĩ bụng: Tiêm xong, cô ta sắp đi rồi!
Phạm trẻ nói: “Thưa bác sĩ, tui không ỉa được, bác sĩ khám cho tôi một tí được không?”
Cô y sĩ nhà giam nói: “Không đi ngoài được thì cứ để trong bụng!”
– Bác sĩ nói thế mà nghe được!
– Làm sao nói phải quấy với cái đồ lưu manh như anh?
– Bác sĩ đừng nói tui lưu manh. Tui học cùng lớp với con gái bác sĩ, bọn tui đã từng yêu đương.
– Số 7 xằng bậy hết sức! – Đội trưởng giám thị nói.
Cao Dương rất không vui khi nghe lời qua tiếng lại giữa cô y sĩ nhà giam với phạm trẻ. Anh mong cô nói với anh đôi câu, nhưng cô đã xách tráp đi cùng đội trưởng nhà giám thị.
Nửa tiếng sau, đội trưởng giám thị dán mặt vào cửa sổ, gọi vào trong: “Số 9, cho anh một suất người bệnh, ăn đi!”
Một chiếc bô màu xám được đẩy từ ngoài vào, mùi thơm lập tức tỏa khắp buồng giam. Đám phạm mắt lóe sáng. Phạm đứng tuổi đích thân ra bê cái bô miến. Anh ngó thấy hai cái trứng gà trong bô miến cùng với những cọng hành xanh biếc và váng mỡ.
– Thưa đội trưởng, thưa Chính phủ, tui cũng ốm rồi… tui đau bụng!… Phạm trẻ kêu toáng lên.
– Đồng chí Lý – Đội trưởng gọi người lính gác đang đi lại trên hành lang – Canh chừng, đừng để bọn chúng cướp suất ăn của người bệnh!
Phạm đứng tuổi sững người, thuận tay quăng cái bô lên giường Cao Dương, miệng khẽ chửi, về giường nằm.
Mùi trứng và miến khiến anh thèm ăn. Anh cầm đũa run run khuấy miến trong bô, những sợi miến trắng như bánh phở, anh chưa từng ăn loại miến nào trắng như thế. Anh bê cái bôâ bằng cả hai tay, húp một ngụm nóng bỏng, sướng rợn người. Nước mắt lưng tròng, anh nói với người lính ngoài cửa sổ: “Cảm ơn Chính phủ!”
Cao Dương, anh ăn miến, vừa ăn vừa gọi tên mình, Cao Dương, mày hên rồi, mày được một phụ nữ cao cấp xưa kia chỉ đứng xa mà ngó, sờ trán. Mày tọng vào dạ dày loại miến cao cấp mà xưa kia mày chưa từng trông thấy, thế là mãn nguyện lắm rồi, mày phải biết thế nào là đủ.
Anh ăn hết cả bô miến, húp sạch nước, lão phạm già và tay phạm trẻ trố mắt nhìn cái bô trong tay anh. Anh hơi ngượng. Nhưng bụng anh vẫn đói.
Lính gác đứng ngoài cửa sổ, nói: “Đấy là ốm, không ốm thì xơi cả thùng!”
– Chính phủ, tui cũng ốm… Tui đau bụng… ối mẹ ơi… đau chết mất! – Phạm trẻ gào to.
Giờ đi dạo đã tới. Một hồi còi vang lên chói tay, hai giám thị cầm xâu chìa khoá, mở từng buồng giam. Phạm đứng tuổi và lão phạm già ra khỏi buồng, phạm trẻ mở cánh cửa nhỏ phía dưới cửa sổ lôi thùng đựng phân ra. Hắn chợt đổi ý, chuyển công việc này cho Cao Dương: “Này, anh kia, anh vừa ăn một bát miến to tổ bố, giờ đến lượt anh đổ thùng!”ê
Phạm trẻ chỉ một bước đã vọt ra ngoài hành lang.
Cao Dương vừa được ăn miến, vừa được phụ nữ cấp cao tiêm cho, anh ngượng vì được ưu ái hơn các bạn tù cùng buồng. Anh ngồi dậy, chân trần vừa chạm nền xi măng ẩm ướt, đầu anh đã choáng. Anh đứng xuống, bên chân đau tê buốt, đi trên nền nhà mà loạng choạng như đi trên đệm bông. Anh xách cái thùng lên, thùng không nặng lắm nhưng mùi thối thì kinh khủng. Anh cố sức đưa cái thùng ra xa một chút, nhưng nó cứ đập vào đùi anh, phân và nước tiểu bắn cả vào chân trần của anh.
Nắng gắt, mắt anh đau nhức ghê ngớm, nước mắt cứ trào ra. Lát sau, mắt không nhức nữa, nhưng chân tay thì run lẩy bẩy. Anh đặt thùng phân xuống, bám vào chiếc cột hành lang để dễ thở, lập tức một lính gác tận cuối hành lang quát: “Số 9, không được để thùng phân xuống hành lang!”
Anh vội xách thùng lên, đi theo các phạm xách thùng khác. Rời hành lang đi về phía tây nam, có một căn lều dựng bằng tôn nát và ván gỗ, trên một mảnh ván có viết chữ “nam” bằng sơn dầu màu đỏ. Mấy chục phạm xếp hàng hình chữ nhất chỗ cữa nhà xí, đợi đổ thùng, cứ ra một người lại vào một người.
Đến lượt anh. Chân trần lội bì bõm trong nước phân, anh lợm giọng suýt ngất. Chính giữa nhà xí là hố phân đen ngòm to tướng. Anh choáng đến nỗi suýt nữa không trút được phân vào hố. Những phạm đã đổ phân, lần lượt đến bên vòi nước han rỉ, đợi rửa chân. Nước ít, chảy tí tách như trẻ con đái. Các phạm lấy chiếc chổi cùn cọ quèn quẹt chiếc thùng y như cọ vào ruột gan anh. Anh buồn nôn quá. Anh trông thấy những sợi miến nhỏ như sợi mì nhào lộn, hai lòng đỏ trứng vàng hơm nhào lộn theo thì vội ngậm chặt miệng, nuốt chúng trở lại bụng. Không được nôn, kiên quyết không nôn, miến cao cấp mà nôn ra thì tiếc quá.
Trước khi rửa thùng anh hứng cái chân đau dưới vòi nước. Chân anh dính những thứ anh không dám nhìn.
Phạm xếp hàng phía sau lưng lấy thùng đập vào đít anh, chửi: “Nghiên cứu gì thế? Đây đâu phải chỗ rửa chân?”
Anh ngoảng nhìn, người đập vào mông là một phạm đứng tuổi không có râu. Người này mắt to, con ngươi vàng, mặt đầy vết nhăn chân chim, y như đậu vàng ngâm rồi đem phơi. Cao Dương hơi sợ, xử nhũn: “Thưa anh, tui lính mới, chưa rõ luật… tui bị đau chân…”
Phạm mắt vàng nói: “Mau lên, hết mẹ nó giờ rồi!”
Anh vội rửa chân – chỗ đau, da mủn ra khi gặp nước, rửa vội cái thùng.
Để cái thùng vào chỗ cũ, anh kiệt sức. Anh không ngờ sáng hôm qua còn là một đàn ông khỏe mạnh, mà sáng hôm nay đã trở thành tàn phế, việc bằng cái móng tay mà đã thở hồng hộc. Từ bên ngoài bước vào mới thấy không khí trong buồng ô nhiễm nặng. Anh nghe thấy tiếng òng ọc trong ngực bỗng nghĩ đến cái chết. Mình không thể chết! Anh nhổm dậy bước ra chỗ có nắng. Đứng ở hành lang, anh nhìn rõ bố trí của nhà giam.
Trước tiên, anh trông thấy cái hành lang chật hẹp, dài hun hút, có hai bốt gác chặn hai đầu, mỗi bốt có một lính bồng súng, lưng thắt bao đạn, đứng gác. Phía nam hành lang có bức tường cao mở hai cửa nhỏ.
Hiện giờ hành lang vắng tanh, không biết các phạm đi đâu. Lính gác ở bốt tây quát: “Số 9, chui cửa sổ mà ra!”
Anh làm theo. Bên ngoài phong cảnh tuyệt đẹp. Nhà giam là một cái lồng sắt kiểu ban công, hành lang dài bằng chiều dài của lồng, rộng mười mét, cao khoảng bốn mét, sàn bê tông. Nguyên liệu làm lồng là sắt thép, lớn bằng cái liềm, nhỏ bằng ngón tay, sắt lớn gỉ đỏ, thép nhỏ không gỉ, ánh lên màu xanh xỉn. Bên ngoài lồng sắt là một khoảng đất rộng trồng rau và hoa màu, có khoai tây, dưa chuột, cà chua, vài Chính phủ nữ hái dưa chuột. Bên ngoài nữa là bức tường cao màu xám, trên tường căn dây thép gai. Anh nhớ hồi nhỏ nghe người ta nói, trên tường nhà giam có điện, nói gì người, ngay cả chim cũng không lọt.
Đa số phạm bám tấm đan thép nhìn ra ngoài. Mắt tấm đan chỉ to bằng miệng bát, đầu người bé đến mấy cũng không chui lọt. Cũng có người dựa chân tường phơi nắng, có người chạy dọc mép lồng như Hoa Tử Lương trong kịch cổ của Khấu mù. Lồng sắt chia làm hai, nửa phía tây phạm nam, nửa phía đông phạm nữ.
Cao Dương thoáng cái đã nhìn thấy thím Tư đang bám tấm đan. Một ngày không gặp, trông thím như biến thành người khác. Anh trông thấy mặt bên phải của thím. Anh không dám chào.
Các Chính phủ nữ xách chiếc sọt tre ra ruộng cà chua. Các phạm bám lồng sắt nhìn theo, không ai nói một câu.
Các Chính phủ nữ cười rút rít, trong đó có một cô đầy tàn nhang, người nhỏ thó, tuổi chưa quá hai mươi, cười to hơn cả.
Cao Dương nghe tiếng cười phạm trẻ cùng phòng với anh: “Chính phủ làm phúc cho xin một quả cà chua!”
Các Chính phủ nữ không cười nữa, ngó đăm đăm về phía lồng sắt.
– Chính phủ làm phúc cho tui một quả cà chua! – Phạm trẻ nói.
Cô Chính phủ mặt tàn nhang nói: “Gọi tôi là Dì, tôi cho!”
– Dì ơi! – Phạm trẻ không do dự, gọi rất to.
Chính phủ mặt tàn nhang ngớ ra, tiếp đó, cười rũ.
Mấy cô Chính phủ trêu: “Kìa Lưu, ném cho cháu mày một quả cà chua!”
Chính phủ mặt tàn nhang cúi nhặt trong sọt một quả cà chua rất to dở chín dở xanh, nhằm phạm trẻ ném mạnh. Quả cà chua mắc dây thép bật trở lại, rơi ngoài lồng.
– Vụng quá đấy, Lưu ơi!- Một Chính phủ nữ gầy như que củi nói.
Chính phủ mặt tàn nhang lại nhặt một quả cà chua chín đỏ, nhằm phạm trẻ mà ném. Quả cà chua bay vào trong lồng, rơi trên sàn bê tông. Đám phạm ùa tới như một bầy ong. Cao Dương không rõ quả cà chua vào tay ai, chỉ nghe thấy tiếng la hét ầm ĩ.
Phạm trẻ chửi: “Mẹ kiếp, đây là dì tui cho tui. Tiên sư nhà nó, cốc mò cò xơi!”
Cũng không rõ quả cà chua rơi vào bụng ai. Các phạm lại bám lưới thép ngó ra ngoài.
– Dì ơi, cho cháu xin một quả – Phạm trẻ nài nỉ.
Các phạm đồng loạt gào lên, có người gọi “Dì”, có người gọi “Chị Hai”. Cao Dương nghe thấy phạm đứng tuổi chửi: “Đ. Dì mày!”
Các Chính phủ nữ ném liên tiếp cà chua về phía phạm. Như các con chó điên, các phạm hò hét chửi bới, giành giựt nhau, lúc dồn đống ở chỗ này, khi vón cục ở chỗ kia.
Lính gác xách súng từ hai đầu hành lang chạy tới, mấy giám thị cũng chạy từ phòng làm việc ra. Lính gác lên đạn rôm rốt, các giám thị đi giầy vải, đá lia lịa vào đám mông và đùi dưới đất.
Tiếng còi gay gắt cất lên.
Giám thị quát: “Cút về buồng! Cút hết về buồng!”
Các phạm nói đuôi nhau chui qua cửa sắt nhỏ. Cao Dương là người chui vào cuối cùng. Anh vừa chui vào, giám thị sập cửa, khóa lại. Hết giờ đi dạo.
Lồng sắt, vườn rau, tường cao, dây thép gai không thấy nữa. Từ nơi rộng rãi trở về, mới thấy hành lang quá chật hẹp.
Anh nghe thấy có tiếng đàn ông cãi nhau với các Chính phủ nữ ở bên ngoài bức tường, Chính phủ mặt tàn nhang giọng the thé, át cả giọng khác, rất dễ nhận ra.
Vào buồng giam như chui vào hang. Bóng tối không chỉ che mắt, bóng tối bịt cả tay, duy mỗi mũi là không, mũi rất nhạy cảm. Cao Dương cảm thấy mùi thối rửa và ẩm mốc không chịu nổi.
Phạm đứng tuổi dằn giọng nói: “Thằng mới đến kia, đứng dậy!”
Anh hốt hoảng đứng lên: “Đại ca… anh cần gì ở tui?”
Phạm đứng tuổi cười nham hiểm: “Miến ngon không?”
Anh ngượng: “Ngon tuyệt!”
– Bọn bay nghe rõ cả chưa? Nó bảo ngon tuyệt! – Phạm đứng tuổi nói.
– Ngon thì khó tiêu! – Phạm trẻ nói.
– Mi ăn một mình! – Lão phạm già túm tóc anh, nói.
Phạm đứng tuổi lôi phạm già sang một bên, bức Cao Dương thoái lui từng bước, kịch chân tường, anh hốt hoảng nhìn lên cửa sổ.
– Mày mà kêu, tao bót chết tươi! – Phạm đứng tuổi nói – Mày là con chó liếm đít!
– Đại ca… tha cho tui!…
– Miến mà mày ăn là từ loại bột nào?
Anh lắc đầu.
– Từ mì ống, tức mì rỗng ruột! Ăn mì rỗng ruột thì phải đấm cho rỗng ruột ra! – Phạm đứng tuổi vẫy tay, nói: “Lại đây! mỗi người thụi ba quả nôn ra thì thôi!”
Phạm trẻ vung nắm đấm, nhằm mỏ ác Cao Dương thụi một quả nhanh như chớp.
Cao Dương đau quá hực lên một tiếng, ộc miến ra, nôn xong, anh nằm vật ra nền nhà.
Phạm đứng tuổi nói: “Thằng trộm vật kia, mi gọi Dì một hồi mà vẫn chưa được ăn cà chua. Ta muốn thưởng cho mi…”
– Bác ơi, cháu không muốn…
– Đừng có gào lên! Mi ăn hết chỗ miến thằng kia nôn ra!…
Phạm trẻ quì xuống, khẽ năn nỉ: “Bác ơi, Bác kính mến, bác yêu quí… từ sau cháu không dám thế nữa!…”
Có tiếng mở cửa, các phạm chạy luôn về giường mình, nằm xuống.
Cửa phòng giam mở ra, ánh sáng tràn vào, có mấy Chính phủ đứng ngoài cửa, lính gác cầm mảnh giấy, gọi: “Số 9 ra!”
Anh bò rất nhanh ra cửa, khóc khóc mếu mếu: “Chính phủ cứu tui mấy!”
Một Chính phủ nam hỏi: “Có chuyện gì thế, số 9?”
Phạm đứng tuổi nói: “Nó ốm, sốt cao, nói năng lảm nhảm, ăn bát miến
bồi dưỡng cũng nôn ra hết!”
– Có lấy đi không? – Một Chính phủ hỏi một Chính phủ khác.
– Cứ trích xuất, sau hẵng hay! – Người kia trả lời.
– Đứng dậy! – Lính gác hô.
Anh đứng dậy, một cảnh sát nam còng ngay tay anh lại bằng chiếc còng vàng chóe.