Tôi chơi cờ trên khoảng đất trống trước nhà.
Cờ sáu quân, rất đơn giản. Bẻ một cành cây, vẽ ô bất kỳ trên mặt đất, nhặt sáu viên đá là có thể đánh. Luật chơi cũng đơn giản, rõ ràng.Trên một lối đi,nếu ai để có hai quân, đối phương chỉ có một, coi như ăn của đối phương một quân. Bên nào bị ăn hết cả sáu quân coi như thua. Đơn giản như hai con kiến có thể ăn thịt một con, hai người có thể giết một người, nhưng đấy lại là chân lý rất cổ xưa. Cũng giống cuộc chiến giữa các Thổ ti, chúng tôi hỏi họ đến bao nhiêu người, nếu đến ít, người của chúng tôi sẽ xông lên, đánh luôn. Nếu đến đông, tạm tránh, gọi thêm người, thêm lực lượng, lại xông lên thắng luôn đối phương. Nhưng đến khi tôi đánh cờ thì quy tắc này không còn. Giai đoạn hai của cuộc chiến hoa anh túc, nhà Thổ ti Mạch Kỳ dùng rất ít binh lực, dựa vào vũ khí tối tân, đạn quét như gió suýt nữa thì xuyên sang tận bên kia biên giới Thổ ti Uông Ba. Chỗ anh túc mà nhà Uông Ba ăn cắp hạt giống về gieo cũng tan nát, bay lên trời.
Lại một mùa xuân nữa.
Hượm đã, để tôi nghĩ, có thể không phải là một mùa xuân, mà là nhiều mùa xuân. Nhưng có liên quan gì? Trên đất này nếu có gì nhiều hơn bạc trắng nhà Thổ ti, ấy là thời gian. Nhiều khi thời gian trôi quá lâu. Buổi sáng dậy, chờ cho trời tối, mùa xuân vừa gieo hạt lại ngồi chờ thu hoạch. Vì lãnh địa của chúng tôi rất rộng, nên thời gian cũng như vô cùng vô tận.
Đúng vậy, không gian rộng lớn cũng tạo cho con người có cảm giác về tiếng cũng vô tận.
Đúng vậy, không gian và thời gian ấy kết hợp lại, tạo cảm giác cơ nghiệp nhà Mạch Kỳ tồn tại muôn đời, không thể lay chuyển.
Đúng vậy, tất cả những điều ấy đều không chân thực, trông cứ như cảnh sắc trong mơ.
Hãy nói về mùa xuân này. Buổi sáng nay mặt trời đã lên được một lúc, không khí trời mùi nước. Xa kia là dãy núi tuyết. Rừng cây và hoa màu trên đồng ruộng đẫm sương đêm đang lấp lánh dưới nắng mai, đầy sức sống tươi mới.
Suốt một thời gian dài tôi cứ mê mẩn vì những ván cờ tiêu quân.
Tôi dậy rất sớm, ăn sáng xong là bùng ngay ra cửa, ngồi dưới cây hạnh đào trong nắng mai. Ngày nào cũng vậy, tôi nhìn mặt trời lên, sau đấy nhặt cành cây, vạch trên đất ướt sáu cái ô vuông.Tôi ngồi nghĩ những tình huống bị Thổ ti Uông Ba tấn công, nghì đến những ngày chiến tranh hoa anh túc. Đám tôi tớ bận với công việc, họ cứ đi đi lại lại trước mặt tôi, không ai đến nói “Thưa cậu, chúng ta đánh một ván”. Họ toàn là những người tri thiên mệnh. Cứ nhìn ánh mắt rụt rè lén lút của họ cũng đủ biết. Bình thường, tôi vẫn đánh cờ với hai thằng kia.Trạch Lang rất thích có việc làm về đêm, như vậy buổi sáng nó có thể dậy muộn. Có thấy mặt trời lên hay không đối với nó không cần thiết. Nó không bao giờ rửa mặt, trên người nồng nặc mùi giường chiếu của kẻ tôi tớ.Thằng Nhi Y, người đao phủ tương lai thì không thể thế. Nó dậy rất sớm ăn sáng xong là ngồi ở ngôi nhà trên đồi kia, nhìn mặt trời lên, thấy tôi ở khoảng đất trống vẽ những ô vuông, lúc ấy nói mới từ trên đồi đi xuống.
Hôm nay không như mọi hôm.
Tôi vẽ xong bàn cờ mà không thấy hai thằng kia đến. Lúc này anh thợ bạc, chồng của Trác Mã đi ngang qua. Anh ta đã đi qua nhưng rồi quay lại nói “Thưa cậu, tôi chơi với cậu một ván”.
Tôi lấy quân cờ từ trong túi ra, nói “Anh đi quân trắng, quân mà bạc trắng, vì anh là thợ bạc”.
Tôi để anh ta đi trước.
Anh ta đi, nhưng không chiếm được vị trí trung gian, tôi tấn công, bên trái mở bên phải khép kín, rất nhanh chóng chiến thắng. Ván thứ hai, anh ta đột nhiên nói với tôi “Vợ tôi rất nhớ cậu”.
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
Tôi không nói gì.Tôi là chủ, Trác Mã nhớ đến tôi là phải. Nhưng tôi không nói gì không chỉ vì chuyện ấy.
Anh ta nói “Trác Mã không nói với tôi, nhưng tôi biết cô ấy rất nhớ cậu, nằm mê vẫn nhắc đến tên cậu”.
Tôi không có thái độ, chỉ bảo anh vì cô ta được chủ dạy dỗ, anh phải đối xử tốt với cô ấy, đừng làm xấu mặt chủ. “Tôi cứ tưởng hai người có con rồi đấy”.
Mặt anh ta đỏ bừng, nói “Cô ấy bảo tôi nói với cậu về chuyện ấy, nói cho cậu biết chúng tôi sắp có con”.
Tại sao Trác Mà làm vậy, tôi không biết. Vì không thể là giống ngớ ngẩn của tôi.Tôi không nghĩ ra được điều gì, chỉ nói “Anh nói với cô ấy, tôi muốn cô ấy đẻ một lúc hai đứa con”.
Tôi nói với anh thợ bạc, nếu thật như vậy, tôi sẽ cho mỗi đứa trẻ năm lạng bạc, để cha chúng đánh vòng cho chúng, bảo Lạt ma Môn Ba đọc kinh, đeo vòng lên cổ chúng. Anh ta nói “Cậu đúng là một người tốt, chẳng trách gì cô ấy cứ nhớ cậu”.
Tôi nói “Anh đi đi”.
Lúc chúng tôi nói chuyện thì thằng Nhi Y đến, nó đứng sau lưng tôi. Anh thợ bạc đứng dậy thì đụng vào nó. Mặt anh ta tái nhợt. Ở trên lãnh địa chúng tôi, Thổ ti hạ lệnh, đao phủ chấp hành, vì thế có người mất một mắt, mất một tay hoặc mất mạng, nhưng không ai coi đấy là món nợ đối với Thổ ti, coi đấy là mối thù để trong lòng, cũng đồng thời sợ cả đao phủ. Anh thợ bạc sợ hãi mặt tái nhợt, hai mắt nhìn tôi, rõ ràng như đang hỏi, thưa cậu, tôi có gì sai trái đâu, cậu gọi đao phủ đến làm gì?
Tôi nhận ra tình huống này thật có ý nghĩa, liền nói với anh thợ bạc “Anh sợ à? Tại sao lại sợ, đừng sợ”.
Anh ta tỏ ra mạnh dạn “Thưa cậu, tôi không sợ, vì tôi không làm điều sai trái”.
Tôi nói “Anh không sai trái, nhưng vẫn sợ”.
Thằng Nhi Y không có biểu hiện gì trên khuôn mặt, nó nói rất bình thản “Thật ra anh không sợ tôi, anh chỉ sợ luật pháp của Thổ ti”.
Nghe thằng Nhi Y nói, mặt anh thợ bạc vẫn tái nhợt, nhưng anh ta cũng cười thành tiếng và nói “Cũng đúng vậy”.
Tôi nói “Thôi được, anh đi đi”.
Anh thợ bạc đi.
Tôi và thằng Nhi Y bắt đầu chơi cờ. Nó không nhường tôi bước nào, tôi thua liền mấy ván. Mặt trời lên cao. Mồ hôi đã ra đầy đầu.Tôi nói “Mẹ kiếp, Nhi Y, thằng nô tài này mày nhất quyết được tao à?”
Thằng Nhi Y quả là thông minh. Nó nhìn nét mặt rồi nhìn vào mắt tôi, xem có phải tôi nổi nóng thật không.Tâm trạng tôi hôm nay như thời tiết vậy. Nó nói “Cậu là ông chủ, thường ngày cháu vẫn nghe lời cậu. Đánh cờ thua, cậu cũng kêu à?”
Tôi lại bày quân cờ ra, nói với nó “Cho mày thắng nữa đây”.
Nó nói “Ngày mai lại hành hình”.
Nó nói làm tôi giật mình.Thông thường, trong lãnh địa xảy ra nước gì, có ai phạm tội, phải xử thế nào, tôi đều biết. Nhưng việc này tôi không biết.Tôi nói “Đánh cờ đi, trong lãnh địa đông người như thế, chúng mày có giết được hết không?”
Nó nói “Cháu biết cậu thích người ấy. Cậu không giống với người ấy thù hận cha cháu hành hình”.
Vậy là tôi biết đó là ai rồi.
Thằng Nhi Y nói “Cậu có muốn đi thăm ông ta không?”
Tôi không căm giận gì lời nói vô tư ấy của ông ta, con người có bộ mặt nhợt nhạt, nên biết rằng nhà Mạch Kỳ đã làm cho người ấy trở nên như thế.Tôi nói “Nhà giam không thể tuỳ tiện vào”.
Nó giơ ra một quân bai có hình đầu hổ. Hình đầu hổ đen được dùng một thanh sắt nung đỏ để vẽ lên một mảnh gỗ. Đó là cái thẻ thông hành để ra vào nhà tù. Đao phủ trước khi hành hình một ai đó đều phải nhà tù để xem thân hình người tử tù, xem bộ mặt tinh thần người tử tù, như vậy lúc hành hình có thể biết phải làm thế nào.Trừ phi Thổ ti bắt người bị hành hình phải chịu đau khổ, còn nữa đao phủ muốn làm cho thật nhanh chóng.
Chúng tôi vào phòng giam, đó là người muốn truyền bá Phật phái mới ở chỗ chúng tôi, ông ta đang ngồi đọc sách. Người gác mở cửa ra cho chúng tôi vào.Tôi nghĩ, ông ta vờ đọc sách không để ý đến chúng tôi. Bình thường, một số người có học vẫn thường làm như vậy.
Nhưng Ung Bô không như thế.Tôi vừa bước vào, ông ta bỏ sách xuống nói “Xem ai đến nào”. Vẻ mặt ông ta rất bình tĩnh, khoé miệng nở nụ cười châm biếm.
Tôi nói “Lạt ma đang đọc kinh à?”
Ông ta nói “Tôi đang học lịch sử”.Trước đây ít lâu, Phật sống Tế Ca cho ông ta một quyển sách cũ của một vị Lạt ma điên viết. Cuốn sách này rất có ý nghĩa. Ông ta nói “Phật sống Tế Ca của các người bảo tôi yên tâm mà chết, linh hồn sẽ được ông ta thu phục để làm hộ pháp trong chùa nhà Mạch Kỳ”.
Tôi không chú ý lắm đến lời ông ta nói, mà chỉ lắng nghe tiếng nước sông chảy rì rào vọng qua ô cửa sổ nhỏ trên cao kia.Tôi rất thích âm thanh ấy. Vị Lạt ma trẻ lặng lẽ nhìn tôi hồi lâu mới lên tiếng “Nhân lúc cái đầu còn trên cái cổ, tôi xin cám ơn cậu”.
Ông ta biết cuốn kinh là đo tôi bảo người đem trả cho ông ta, còn biết con lừa của ông ta cũng do tôi thả ra. Ông ta không nói gì nhiều, cũng không nói xấu ai. Ông ta đưa cho tôi cuốn sổ tay nhỏ. Chữ trên đó do ông ta viết bằng thứ bột vàng xin được. Ông ta viết rất rõ ràng, rành mạch, trên đó không có điều nào nói về nhà Mạch Kỳ không chịu tiếp nhận ông. Đó là cuốn sổ ghi lời của Đức Phật mà bất cứ giáo phái nào cũng phải theo.Tay tôi nâng cuốn kinh kia, cảm thấy trong lòng nồng ấm. Nghe nói đó là những cuốn sách trí tuệ, từ bi.Tôi hỏi con người sắp bị hành hình, trong sách có những chuyện như thế không.
Ông ta nói có, có.
Tôi hỏi, ngoài Phật phái của ông ra, người của Phật phái khác, ví dụ Phật phái của Phật sống Tế Ca có cần đọc sách này không. Ông ta trả lời chắc nịch, điều nghi ngờ trong lòng tôi càng sâu sắc hơn “Vậy tại sao các người lại thâm thù nhau?”
Tôi nghĩ mình hỏi vào vấn đề then chốt nhất. Ông ta im lặng hồi lâu, tôi lại nghe tiếng nước sông chảy rì rào nơi bờ đá phía dưới nhà tôi. Ung Bô thở dài nói “Ai cũng bảo cậu ngốc, nhưng tôi bảo cậu thông minh. Vì ngốc mới thông minh. Xin cậu tha thứ cho sự đường đột của người sắp chết”.
Tôi định nói tôi sẽ tha thứ, nhưng nghĩ lại, nói ra không ý nghĩa gì, nên thôi. Con người này sắp chết rồi.Tiếp theo, nước sông tràn vào đầu óc tôi.Tôi nhớ lời ông ta nói, ông ta đến truyền bá Phật phái mới không thành công, bởi vậy đã thôi thúc ông suy nghĩ nhiều chuyện suốt mùa đông. Lẽ ra, tăng lữ không phải suy nghĩ về những chuyện ấy, nhưng ông ta không thể không nghĩ. Nghĩ rồi, ông ta không còn thù hận nhiều các Phật phái khác. Nhưng ông ta vẫn phải đối mặt với sự thù hận của các tín đồ Phật phái khác. Cuối cùng ông ta hỏi “Tại sao tôn giáo không dạy chúng ta yêu thương mà chỉ dạy thù hận?”
Trở lại chỗ vừa rồi, tôi nói ở đây dễ chịu hơn ở trong nhà giam. Hành lang dài và cầu thang xoáy ốc tối om ẩm ướt thật khó chịu.
Thằng Nhi Y nói “Ngày mai cháu tự tay giết ông ấy”.
Tôi hỏi “Lần đầu tiên, mày có sợ không?”
Nó lắc đầu, mặt nó đỏ hồng lên như mặt con gái. Nó nói “Người hành hình thì không sợ, phải là người bị hành hình thì sợ”.
Câu nói đúng lắm, rất có triết lý, có thể trở thành câu nói nổi tiếng của người hành hình. Ngày hôm ấy tôi được nghe hai câu nói có ý nghĩa. Đầu tiên là câu nói trong nhà giam: tại sao tôn giáo không dạy chúng ta yêu thương mà chỉ dạy hận thù? Bây giờ thằng Nhi Y lại nói thêm một câu nữa.Tôi cảm thấy thật có ý nghĩa, rất đáng được ghi lại. Đáng tiếc, từ xưa đến nay có nhiều câu nói như thế nhưng bị tiêu tan thành mây khói.
Lúc ăn cơm tối, tôi mượn ánh nến, trước khi người hầu đưa thức ăn lên, tôi hỏi cha “Ngày mai có hành hình không?”
Chắc chắn cha tôi giật mình. Ông nấc một tiếng thật to. Cha thường nấc vào lúc ăn no hoặc có chuyện giật mình. Cha nói với tôi “Cha biết con thích người ấy nên mới nói với con trước khi người ấy bị giết. Cha cũng chuẩn bị giảm án nếu con xin cho ông ta”.
Vào bữa ăn, tôi không nói gì nữa.
Đầu tiên là món xúp khoai tây nấu bơ, sau đấy là đùi cừu, món chính là bánh bột kiều mạch có thêm mật ong.
Những món ăn ấy để thành đống cao như núi trước mặt mọi người.Tôi khoét rỗng một góc núi rồi chuyển cho Ta Na, Ta Na cũng chỉ lấy một ít. Buổi tối, tôi nói với Ta Na “Em phải ăn nhiều vào, nếu không cái đít sẽ không lớn lên được đâu”.
Ta Na khóc thút hít, bảo tôi chê cô ta.Tôi nói “Tôi chỉ nói cái mông của em thôi mà, nếu nói cả vú thì em khóc không biết như thế nào”. Cô ta khóc to, làm mẹ tôi phải chạy vào. Mẹ cho cô ta một cái tát thật kêu.Ta Na lập tức nín bặt. Mẹ tôi bảo tôi ngủ, bắt Ta Na quỳ bên giường. Nói chung, tôi ít chú ý đến những cô gái như thế. Các cô gái dù bực tức giận dỗi hoặc không, tôi cũng mặc kệ. Các cô chỉ khóc vài tiếng, cảm thấy không có ý nghĩa rồi thôi ngay. Nhưng mẹ tôi thuộc dân tộc rất chú ý đến con gái. Lúc bà dạy dỗ Ta Na thì tôi ngủ.Trong giấc mơ, mồ hôi tôi ra đầm đìa, vì nằm mơ thấy mình đang giơ dao trước mặt Ung Bô bị trói nơi cột hành hình.Tôi kêu lên một tiếng rồi tỉnh dậy.Thấy Ta Na đang quỳ trước giường, tôi hỏi Ta Na tại sao không lên giường đi ngủ. Cô ta nói, bà chủ dặn phải chờ cậu thức dậy, lúc ấy cô ta mới được tha và đi ngủ.Tôi tha cho Ta Na. Cô ta lên giường, toàn thân lạnh tóat. Cô gái này vốn trên người không có bao nhiêu hơi ấm, lúc này cô lạnh như viên sỏi dưới lòng sông.Tất nhiên, tôi sưởi ấm cho cô ta một cách nhanh chóng.
Buổi sáng tỉnh dậy, tôi nghĩ chúng tôi sẽ giết ông ta.Tôi hối hận đã không xin tha tội cho ông ta từ hôm qua. Lúc này mọi chuyện đã muộn.
Một hồi tù và rúc lên.
Người từ các bản dọc sông kéo đến. Cuộc sống của họ rất cực nhọc và bình thản, xem hành hình có thể là một trò vui. Đối với Thổ ti cũng rất cần có người biết tội người hành hình, phải có năng lực tiếp thu nhất định. Cho nên, hành hình cũng có thể là một cách giáo dục. Mọi người nhanh chóng kéo đến đứng chật khoảng đất trống trước nhà. Họ bàn tán và kích động, ho, khạc nhổ bừa bãi. Người thụ hình được dẫn đến, bị trói vào cột.
Ung Bô nói với Thổ ti “Tôi không cần Phật sống của ông cầu kinh”.
Thổ ti nói “Vậy thì ông tự cầu kinh lấy. Nhưng tôi không cần sinh mệnh của ông làm gì”.
Quản gia nói “Ai bảo ông dùng cái lưỡi của mình để công kích phỉ báng tôn giáo nhiều đời nay của chúng tôi?”
Anh tôi tuyên bố quyết định cuối cùng của Thổ ti “Đầu óc này có những ý nghĩ điên khùng, nhưng chúng tao chỉ cần cái lưỡi của mày đã nói ra những lời hồ đồ vô trách nhiệm”.
Người này đến chỗ chúng tôi để truyền bá giáo nghĩa vĩ đại, kết quả bị mất lưỡi. Người truyền giáo chuẩn bị đón nhận cái chết, nghe thấy quyết định này mồ hôi vã ra như tắm. Mồ hôi cũng đồng thời lấp lánh trên chóp mũi thằng Nhi Y lần đầu tiên được hành hình. Người xem im phăng phắc. Người đao phủ lấy từ thắt lưng ra những con dao chuyên dụng, lưỡi dao nhỏ và cong như cái lưỡi. Có người miệng to, có người miệng nhỏ, dao cũng có loại lớn loại nhỏ.Thằng Nhi Y lấy mấy con dao ướm thử trước miệng người thụ hình, xem con dao nào vừa.Trên sân lặng im, hầu như ai cũng nghe thấy Ung Bô nói “Hôm qua các người vào nhà giam làm gì, tại sao không ướm thử trước đi?”
Tôi nghĩ thằng Nhi Y sợ, vì đây là lần đầu tiên đối với hắn. Hôm nay mặt nó đỏ hơn mọi ngày. Nhưng nó không sợ. Nó nói “Tôi nhìn rồi, nhưng lúc ấy tôi nhìn cái cổ ông, bây giờ lão gia nhân từ, chỉ cần cái lưỡi của ông thôi”.
Ung Bô nói “Tốt nhất tay cậu để xa miệng tôi ra, ngộ nhỡ tôi cắn vào tay cậu”.
Thằng Nhi Y nói “Ông có căm giận tôi cũng chẳng là gì”.
Ung Bô thở dài “Phải rồi, lòng tôi không nên hận thù như thế”.
Lúc ấy cha thằng Nhi Y đến phía sau người thụ hình, dùng cái đai ghì chặt cổ người kia lại. Ung Bô đứng thẳng, mặt trợn tròn, lưỡi thè ra khỏi miệng.Thằng Nhi Y hành động rất nhanh, không kém gì cha kiêm sư phụ của nó. Lưỡi dao loáng một cái, cái lưỡi như con chuột kinh hoàng từ miệng người thụ hình nhảy ra khỏi bàn tay đao phủ, nó muốn nhảy lên trời, nhưng chỉ bật lên cao không quá đầu, thế rồi rơi xuống. Xem ra, những gì là máu thịt đều không thể baycao như linh hồn. Cái lưỡi rơi xuống, mọi người mới nghe thấy tiếng kêu của Ung Bô. Cái lưỡi rơi xuống đất, dính đầy bụi bẩn, mất đi cái sống động và màu sắc tươi rói của nó.Tiếng kêu không có lưỡi nghe không có ý nghĩa gì. Có người nói, dân Tạng đầu đen bị hồn ma bà La Sát ám nên mới sinh ra chủng tộc, có thể tiếng kêu thét đầu tiên của tổ tiên và hồn ma là mơ hồ như thế này chăng. Hơn nữa, vì cái thế giới hỗn loạn, không trật tự trước mắt mà cảm thấy căm tức, phẫn nộ.
Thằng Nhi Y bỏ dao xuống, lấy ra nửa gói thuốc đưa cho Ung Bô đang bị trói trên cột.Thuốc rất có công hiệu, lập tức cầm ngay máu của người bị thụ hình. Lão Nhi Y cởi dây trói, người bị thụ hình quỵ xuống, nhổ ra mấy cục máu.Thằng Nhi Y đá cái lưỡi bị cắt đến cho ông ta, ý nói có cần giữ làm kỷ niệm không. Ung Bô đau khổ nhìn cái lưỡi của mình, khẽ lắc đầu.Thằng Nhi Y vung tay, cái lưỡi bay đi. Đám người đứng xem ồ lên sợ hãi. Một con chó vàng chạy nhanh đến đớp cái lưỡi trên không trung. Nhưng không như cắn một miếng thịt, con chó kêu lên như bị trúng đạn rồi ngã vật ra đất. Đừng nói gì người khác, Ung Bô cũng ngơ ngác nhìn con chó bị cái lưỡi làm bị thương, kêu oăng oẳng. Ông ta sờ miệng mình, sờ thấy máu, chỉ trừ cái cơ thể của ông ta bị bạo lực làm tổn thương, còn nữa không chứng minh được gì. Con chó nhả cái lưỡi ra, cúp đuôi chạy thẳng. Mọi người cũng tránh xa khỏi cái lưỡi. Người truyền giáo không còn chịu nổi, đầu gục xuống.
Cuộc hành hình kết thúc.
Mọi người giải tán ra về, về nơi họ trú ngụ.