– Ba ơi! Cứ để con đi rồi khi trở về thế nào ba cũng có được vài ý niệm về vùng khảo cổ Can Pác có phải hơn không hả ba?
Vừa dứt lời, Việt Kim đã chạy ngang chạy dọc từ đầu tới cuối phòng, lượm chổ này cái quần, chổ kia cái khăn mặt đầu giường một cái áo rồi liệng dồn tất cả vào một cái túi lớn, miệng mở rộng để trên giường. Cái túi đặc biệt của người dân Du-Ráp, rất to. Tống thêm vào đó một chiếc áo len dài tay xong, hai tay đút túi quần “cao bồi”, em đưa tia mắt quét một vòng quanh phòng xem còn quên gì không?
Ký giả Hải Âu ngồi trên ghế dựa gần đó, hai khủy tay chống lên đùi, hai bàn tay nâng cằm nét mặt lo lắng:
– Thì ba vẫn cho phép con đi đấy chứ, Việt Kim! Có điều ba nhận thấy là việc đó không cần thiết, vậy thôi! Thế nào rồi kỹ sư Hoàng cũng được tin ngay đó mà. Cần gì con phải đi kia chứ! Công việc ở Ba-ga-ra còn bao nhiêu đây này.
Việt Kim nheo mắt nhìn cha ranh mãnh:
– Ba giận con rồi đấy hả ba! Con cứ nghe tiếng ba nói lớn “Việt Kim” là con biết hà!
– Không, giận gì đâu! Ba chỉ muốn rằng khi nào đi thăm Can Pác thì cha con mình sẽ cùng đi. Như vậy ba sẽ có dịp quan sát thái độ của con, lớp người thuộc kỷ nguyên nguyên tử, mà con là đại diện, khi đứng trước một nền văn minh của thiết khí thời đại coi ra sao. À còn chuyện bà Phan Hoàng Mỹ nữa. Con thấy bà ấy thế nào?
– Bà Phan Hoàng Mỹ? À vâng! Mới đầu thì con cũng tưởng bà ấy là một người rất vô tư, hồn nhiên vui vẻ, trẻ trung lắm. Nhưng về sau con mới biết là bà ấy cũng bị gần như là kinh hãi quá đó ba!
Ký giả Hải Âu cười nụ:
– Con cũng giàu óc tưởng tượng quá hả Việt Kim! Cái gì mà đến nỗi phải kinh hãi. Thì dĩ nhiên nhà giam không thể nào “vui” như phòng trà được. Có vậy thôi à!
Việt Kim trầm ngâm:
– Thực ra thì…, – ký ức em hình dung lại những biến cố vừa xẩy ra và em tự hỏi: “Có nên nói cho ba biết cái bóng người bí mật xuất hiện nơi cửa sổ phòng giam bà Hoàng Mỹ không? Và việc em bị theo dõi hôm đi chơi chợ?” – Nhưng, rất nhanh, Việt Kim quyết định: “Im lặng”. Nếu không, ông Hải Âu sẽ không để cho em đi Can Pác nữa!
– Con đã nói chuyện gì về vấn đề khảo cổ tại Can Pác với bà Phan Hoàng Mỹ chưa?
– Chưa, ba! À, mà bà ấy cho con biết có một nhà quan sát ngoại quốc hiện cũng có mặt tại đó nữa ba à! Tên nhân vật này là Un-sa-Cơ. Nghe tên lạ quá, không phải là tên Việt Nam hả ba?
Ký giả Hải Âu không trả lời vào câu con hỏi. Ông chỉ lẩm bẩm:
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
– Un-sa-Cơ! Sa Cơ! Hừ! Tên nghe lạ quá!
Rồi đột nhiên ông đứng phắt dậy, lồng lộn như con gấu bị nhốt chuồng: “Hừ, một quan sát viên ngoại quốc tại Can Pác!” – Đoạn ông cất to tiếng:
– Mấy giờ Hà Khâm và Á Minh tới đón con?… Ừ, thôi được, ba đứa cứ đi, rồi cố gắng về cho sớm, nghe con!
Mấy phút sau, ký giả Hải Âu đã âu yếm vuốt tóc con gái rồi quay ra.
Việt Kim đứng lại một mình trong phòng. Em trầm tư suy nghĩ:
– Hừ! Ba vẫn không chịu nói cho mình biết nội dung cái thư nhận được lúc ở phi trường Óoc-Ly. Rồi bữa nay thái độ và cử chỉ của ba lại rất kỳ quái. Chẳng hiểu tại sao đây chứ!
Chìm đắm trong sự suy tưởng miên man, đứng ngây như tượng gỗ giữa căn phòng, hai tay thọc túi quần. Lẫn vào mấy đồng bạc cắc tròn leng keng trong túi, mấy ngón tay Việt Kim đụng nhằm một hình thù hơi lạ. À, chiếc khuy bắt được bữa nọ. Đầu óc trống trơn, em lôi cái đó ra ngắm nghía mãi đoạn bước vào phòng tắm lấy thêm ít đồ vặt bỏ vào chiếc sắc lớn. Trong đầu em sôi lên rất nhiều câu hỏi.
Tấm gương lớn phản chiếu khuôn mặt xinh đẹp của Việt Kim. Nơi gò má, một vết nám nằm kế bên nốt ruồi “ăn tham”. Cái mũi xinh xinh lại nheo nheo làm mặt xấu:
– Trời ơi! Anh Di mà thấy vết nám kỷ niệm của nắng gió Du-Ráp này thì anh lại chê mình lắm đây.
Đặt chiếc khuy lên mặt miếng kính trên lavabo Việt Kim mở nắp lọ kem quệt một chút bôi lên chổ vết nám. Em chợt nhớ lại tia nhìn kỳ lạ của gã đàn ông ngoài chợ. Hai mắt em bất giác trợn tròn, bàn tay đang thoa kem cũng ngưng lại, miệng bật thốt lên khe khẽ:
– Chết! Có lẽ y đi tìm chiếc khuy lạ đó!
Chộp chiếc khuy mạ vàng cầm trong tay, Việt Kim có cảm tưởng cái vật nhỏ bé xinh xinh đó như chứa đựng một cái gì bí mật có vẻ rất nguy hiểm. Đồng thời em tin chắc rằng gã đàn ông kỳ dị kia đã đích mắt ngó thấy em cúi lượm cái khuy nơi bậc thềm xi măng tại cửa chợ. Và vì thế hắn mới theo hút em để rình mò. Cơn sợ hãi ghê gớm lại từ đâu lấn áp tới, nhưng Việt Kim cố nén bằng một câu nói rất cứng: Hừ! Mình lượm được chứ chẳng phải lấy trộm của ai! Sợ quái gì! Bây giờ nó là của mình, mình có quyền cất giữ! Xem “hắn” dám giở trò gì nào…!
Cất giữ? Nhưng cất giữ ở đâu cho yên trí đây? Em đã tự nhủ “hay là đưa cho ba giữ cho”, nhưng lại chợt nghĩ không muốn để ba phải bận tâm thêm nữa. Mặt gương soi phản chiếu quanh cảnh ngoài phố. Một chiếc xe Jeep đậu sịch ngay trước cửa khách sạn. Hà Khâm cầm lái và Á Minh bé xinh xinh ngồi bên cạnh. Việt Kim buột miệng:
– Trời ơi! Họ đã đến rồi kìa mà mình chưa xong gì cả!
Xoa vội một lượt phấn hồng lên da mặt vốn đã trắng sẵn, Việt Kim đưa tay cầm nắp hộp kem để đậy lại. Ngón tay vô tình đụng vào cái khuy trước khi rờ tới nắp hộp. Tiện tay, Việt Kim bỏ tọt luôn cái khuy vào hộp kem đoạn đậy nắp lại. Rồi trong lúc vội vàng hối hả như thế, vô tình em cũng vẫn nở được một nụ cười thú vị cho cái việc cất khuy một cách lạ lùng vừa rồi. Quàng túi lên vai, quay ra đóng cửa, chạy xuống cầu thang nhẩy từng hai bực một, nhanh như một con sóc nhỏ.
Việt Kim liệng túi lên ghế sau xe Jeep rồi trèo lên. Em cười vui bảo Á Minh:
– Á Minh, em cho chị mượn cái sắc tiện quá, đựng được rất nhiều đồ, mà “sắc” đẹp ghê à!
– Cũng nhờ Hà Khâm đó chị Kim! Chính Hà Khâm đã bảo em lấy cái sắc ấy cho chị dùng đấy. Tiện hơn vali nhiều, nhất là chúng ta phải ngồi xe jeep từ đây cho tới tận Mã Sâm lận. Mã Sâm là một ốc đảo (khu vực có nước, cây cối trong vùng sa mạc) gần Can Pác nhất đó chị. Rồi sau đó, chúng ta phải đi ngựa. Đem vali không được đâu.
Việt Kim quay nhìn Hà Khâm:
– Cám ơn Hà Khâm lắm! Cái “sắc” đẹp lạ lùng!
Hà Khâm chăm chú ngó mặt đường, giọng nói tự nhiên dễ dàng:
– Làm bằng da dê, một loại da quý nhất tại Du-Ráp đấy. Các bà thuộc bộ lạc của cha tôi tự tay đan lấy. Tôi rất sung sướng và kiêu hãnh được đem nó tặng cho chị Việt Kim. Vậy chị giữ lấy để dùng.
Việt Kim cuống quít:
– Trời ơi! Vậy thì… vậy thì… tôi.. quý quá!
Mặt em bất giác đỏ bừng. Không ngờ một cái túi đẹp, quý giá vậy mà về tay em một cách quá sức dễ dàng như thế. Việt Kim đã quên rằng người Du-Ráp có một tập quán rất tốt là: biếu tặng ngay cho người ngoại quốc đồ vật, đẹp tốt đến đâu mặc dầu, khi người du khách này vô tình khen cái đồ vật ấy đẹp.
Mãi sau em mới thốt được:
– Cám ơn Á Minh! Cám ơn Hà Khâm nhiều lắm!
Lại tiếng Á Minh láu táu:
– Chị Kim có thể xách đi dạo phố được đó. Chị bạn người Việt Nam của em ngày trước ở Thụy Sĩ cũng rất thích đem theo nó mỗi khi đi dạo mát phố phường. Cái sắc của chị ấy còn lớn hơn cái của chị bây giờ đó.
Việt Kim cười khanh khách:
– Á Minh nói đúng! Về nước chị Kim xách đi dạo đường Lê Lợi thì… ôi chao! Các cô ở Saigon phải biết là thèm.
Xe Jeep lăn bánh êm êm qua các con đường lát đá chật hẹp. Hà Khâm lái xe rất thạo, trong khi Việt Kim vừa ngắm cảnh hai bên đường đẹp như vẽ vừa vui vẻ trò chuyện với Á Minh.
Xe chạy đến quãng cây cối đã bắt đầu thưa thớt, để rồi không còn gì là màu xanh dịu mắt nữa. Cát, chỉ còn toàn là cát trắng xóa, kêu xào xạo dưới bánh xe và bay vung tàn tán về phía sau.
Trên đỉnh một ngọn đồi cát, Việt Kim chợt thấy một đoàn lữ hành dắt lạc đà đang di chuyển. Xa hơn nữa, về phía chân trời có tới hàng mấy chục ngàn những cái giá hình tam giác màu đen thẫm: toàn giếng dầu hỏa.
Đến một khúc quanh, phong cảnh đột nhiên thay đổi khác hẳn. Từng quãng, từng quãng, nhiều ghềnh đá đột ngột nhô ra cao vút, dựng đứng trơ trọi trong không gian mênh mông trống trải. Thỉnh thoảng lại gặp những lùm cây thấp sỏi dài và, đó đây, những cây chà là, cây “móc” nghiêng ngả thân mình mỗi khi thoáng đến một hơi gió nóng bỏng tạt vào đám lá chơi vơi mọc xoè tít trên đỉnh ngọn. Rồi những cây thuộc loại “dừa” đó đông dần, tiếp đến là những căn nhà quét vôi trắng báo cho ba người bạn đồng hành biết là họ đã tới vùng ngoại ô của ốc đảo Mã Sâm.
So với Ba-ga-ra, Mã Sâm lại còn có vẻ náo nhiệt hơn. Về phương diện địa lý, coi bộ nhỏ hơn Ba-ga-ra, chỉ bằng một cái quận, như quận Thủ Đức chẳng hạn, nhưng vì lý do nó là địa điểm nơi chia đôi biên giới: văn minh tiến bộ một bên và quá khứ cổ xưa man dại hờ hững một bên. Do đó nhận xét của ký giả Hải Âu đã đúng: Du-Ráp là phần đất có nhiều mâu thuẫn nhất trên mặt địa cầu, nếp sống cổ xưa man dã đối lập với lối sống văn minh hiện tại. Cũng như các trự dắt lạc đà áo quần lụng thụng khăn quấn cổ truyền nhơm nhếch phong trần, trái ngược hẳn với các thanh niên Du-Ráp tân tiến ăn bận những bộ âu phục gọn ghẽ sang trọng, đầu đội mũ “tây” bằng nhựa màu trắng lôm lốp.
Ba người bạn vào trong một tiệm cà phê ở ngay trong chợ dùng cơm trưa. Việt Kim vừa ăn vừa lắng nghe thổ dân nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ địa phương lao xao, xào xạc như một nhạc khúc thật dị kỳ. Đột nhiên:
– Thưa ông! Ngựa đã sẵn sàng!
Hà Khâm đứng lên:
– Thôi chúng ta khởi hành! Mặt trời đã bắt đầu xế. Lên đường bây giờ mới mát mẻ dễ chịu!
Á Minh:
– Mặc “chador” vào đi chị Kim! Làm như em đã dạy chị cách mặc đó. Cần nhất là che mặt cho khỏi gió và cát.
Rồi ngồi vững trên yên ngựa, họ nối đuôi nhau lên đường dưới bầu trời đầy sao, xanh trong như màu nước biển.
Được hai tiếng đồng hồ, Hà Khâm đề nghị:
– Chúng ta nghỉ tìm chổ ngủ đi!
Việt Kim bắt chước hai bạn, tháo tấm mền dạ từ lưng ngựa, trải xuống mặt cát êm, nửa nằm nửa đắp. Thu gọn chiếc “chador” xuống làm gối đầu, Việt Kim sau mấy cái cựa mình, đã ở trong một vị trí nằm rất thoải mái. Đi đường mệt nhọc, vừa đặt mình nằm êm, đôi mí mắt em đã díp lại. Trước khi chìm sâu vào giấc ngủ, bên tai em bỗng lại nghe văng vẳng câu nói của Mạnh Di: “Dè dặt đề phòng đó, nghe Việt Kim!”
Sáng hôm sau, mọi người thức giấc thật sớm, lên đường để có thể tới nơi trước khi trời nắng lớn. Ngựa băm nước kiệu một lúc khá lâu, bên tai đã nghe văng vẳng tiếng ồn ào hoạt động của trại Can Pác. Một khoảng thời gian gần một khắc đồng hồ sau Việt Kim đã nhanh nhẹn nhẩy xuống ngựa liệng giây cương cho một người đàn ông Du-Ráp ra đón.
Phía xa một chút, trước căn lều màu xanh lá cây, một người đàn ông trung niên người Việt đang rửa mặt trong một cái chậu bằng vải tuồn cứng. Việt Kim tiến đến gần:
– Thưa, xin lỗi ông, ông là kỹ sư Ngô Văn Hoàng? – Vừa nói em vừa kéo mảnh áo chador để lộ ra khuôn mặt tươi tắn.
Việt Kim đoán đúng. Người đàn ông trung niên đúng là kỹ sư Hoàng. Vóc người ông cao dong dỏng, tóc đen nhánh bồng bềnh, nước da xạm nắng coi rất hiên ngang, nổi bật hẳn giữa đám người Du-Ráp nhỏ con, đen đủi, các công nhân làm việc trong trại.
Vừa lau mặt và cổ, kỹ sư Hoàng vừa đưa mắt nhìn Việt Kim chăm chú:
– Đúng! Tôi là Hoàng đây! Mà cô bé là ai? Ở đâu mà tới đây vậy?
– Cháu là Việt Kim, con gái của ký giả Hải Âu. Cháu từ Ba-ga-ra tới. Cùng đi với cháu có cả Á Minh con gái của Thủ tướng Lư Hà Sa và vị hôn phu của cô ta nữa.
Lưng bàn tay của kỹ sư Hoàng cọ đi cọ lại nơi dưới cằm. Đôi mắt ông ta đăm chiêu. Một lúc sau, đột nhiên:
– À, tôi nhớ ra rồi! Đúng rồi! Phải, phải! Tôi đã nhiều lần viết thư liên lạc với ông Hải Âu, ba cô, về vấn đề phóng sự khảo cổ ở đây! Thế ông nhà đâu, cô em?
– Dạ, thưa ông, ba cháu còn ở lại Ba-ga-ra. Hôm nay cháu tới đây để báo tin cho ông biết về bà nhà.
– Á! Tin của nhà tôi! Ủa! Tin của Hoàng Mỹ. Vậy ra nhà tôi không cùng về với các cô sao? Nhà tôi hẹn bữa nay về mà? Hay là lại xẩy ra sự gì rồi?
Em cố gắng nở một nụ cười trấn an kỹ sư Hoàng:
– Thưa ông, sự gì ghê gớm thì không phải. Có điều… có điều bà nhà đã bị bắt giam.
– Bắt giam? Nhà tôi đã bị bắt giam?
Cơn phẫn nộ khiến mặt ông kỹ sư Hoàng đổi sắc làn da đã rám nắng, giờ đây xạm hẳn lại. Ông vung tay liệng cái khăn ra xa, mặc cho nó muốn rớt vào đâu thì rớt.
– Dạ xin ông cứ bình tâm. Có lẽ chỉ là một sự hiểu lầm. Sớm muộn rồi bà cũng được trả tự do. Thủ tướng Lư Hà Sa cho biết là thế nào cảnh sát cũng phải thả bà ra, một khi làm xong các thủ tục kiểm soát an ninh đó ông.
Bỗng, một giọng nói ồm ồm vang lên:
– Kính chào! Có cái gì vậy các “Ngài”?
Việt Kim quay đầu lại. Một người đàn ông lùn thấp, tướng ngũ đoản, lưng to như cánh phản, bắp thịt ngực và đôi tay như muốn làm nứt căng cái áo sơ mi trắng. Ông ta lừ lừ tiến đến. Quần kiểu cưỡi ngựa, chân sỏ giày ống, tóc đen nhánh hớt kiểu bàn chải. Hai tay chống nạnh ông ta đứng ngay người hàm hất cao như có ý chờ câu trả lời.
Kỹ sư Hoàng nói như hét:
– Ê, Un-sa-Cơ! Thế là nghĩa lý gì, hả? Phan Hoàng Mỹ, vợ tôi bị cảnh sát bắt giữ! Tại sao vậy? Mà vì lẽ gì anh lại không cho tôi hay?
Ông lùn ngũ đoản buông sõng:
– Hay gì?
Vừa hỏi lại, ông ta vừa ném về phía Việt Kim một tia mắt sắc lạnh như lưỡi dao cạo.
Em thản nhiên, không đếm xỉa gì đến nét mặt và cử chỉ đầy vẻ ngổ ngáo của cái ông ngũ đoản này hết:
– Là bà kỹ sư Hoàng bị cảnh sát bắt giữ chứ còn gì nữa ạ!
Kỹ sư Hoàng chưa hết bực bội:
– Ừ, đúng đó! Cô nhỏ Việt Kim vừa cho tôi biết là vợ tôi hiện bị nhà chức trách Ba-ga-ra bắt giữ. Anh giữ máy truyền tin luôn bắt những luồng sóng ngắn, ngay cả hôm qua tôi cũng nghe thấy anh bắt được, mà sự việc giật gân như vậy tất nhiên đã khiến cả thành phố xôn xao lên chứ. Sao anh lại không được tin gì cả. Thế Na-Dép có cho biết thế nào không?
Việt Kim giật nẩy người. Vậy ra viên bí thư Na-Dép, râu vểnh sừng trâu, cũng có liên hệ với phái đoàn khảo cổ này? Em im lặng lắng tai nghe xem Un-sa-Cơ trả lời kỹ sư Hoàng ra sao.
Tiếng người ngũ đoản:
– Bắt được tin quái gì đâu! Vật liệu trang bị thiếu lung tung hết. Những luồng sóng ngắn chạy cứ loạn lên. Tôi chỉ nghe loáng thoáng mấy mẩu tin tức nói về tiền nong viện trợ cho phái đoàn, thế là… tịt. Ký sinh âm nhiều quá, rồi là máy câm luôn.
Kỹ sư Hoàng có vẻ tán đồng lời giải thích của ông lùn mập lắm, nhất là lại thêm ánh mắt nhìn như xoáy ốc của ông ta:
– À, thảo nào mà nhà tôi lại phải nhờ đến cô Việt Kim đây về báo tin.
Un-sa-Cơ nhìn em:
– Thế bà Hoàng Mỹ bây giờ ở đâu?
– Nhà chức trách tạm giữ để hỏi cung gì đó, tôi cũng chẳng biết. Nghe chừng thì hình như chỉ là một sự hiểu lầm sao đó và Thủ tướng Lư Hà Sa hiện đang cố làm sáng tỏa vấn đề cho Tòa Đại Sứ Việt Nam rõ đấy.
Ông ngũ đoản quay đi, dáng điệu thản nhiên, đặt bước tiến lại gần một đám công nhân đang lúi húi dọn đồ ăn sáng:
– Vậy thì có gì mà phải lo cuống lên kia chứ!
Việt Kim hỏi nhanh kỹ sư Hoàng:
– Thưa ông, bà nhà có thường ra Ba-ga-ra không?
– Thường chứ! Nhà tôi tuần nào cũng đi ra đó để xả hơi đôi chút và mua sắm những đồ lặt vặt nhật dụng mà. Cứ thứ Ba đi, thứ Tư lại quay về. Ở đây ai cần mua cái gì cứ việc gửi nhà tôi ra Ba-ga-ra mua rồi đem về cho, tiện lắm.
– À, vậy ra tuần nào bà cũng đi Ba-ga-ra hết, và cứ đi đúng vào ngày đó! Thưa ông, thế bà có thường gặp để tiếp xúc với ai ở ngoài đó không?
– Không! Chẳng tiếp xúc với ai cả… trừ Na-Dép!
Tai nghe ông Hoàng trả lời, mắt Việt Kim vẫn liếc nhìn tay ngũ đoản Un-sa-Cơ. Ông mập lùn này, một tay bưng ly cà phê, một tay kẹp điếu xì gà dài ngoẵng đi đi lại lại trước cửa căn lều, đôi chân cứ men dần tới chỗ em nhưng vẻ mặt lại vờ thản nhiên ngó đi đâu. Cái đầu “bàn chải” thỉnh thoảng lại ghé hẳn về phía Việt Kim và kỹ sư Hoàng. Ý chừng ông ta muốn nghe lọt cuộc đối thoại cùa hai người, không để sót một chi tiết.
Việt Kim hạ thấp giọng hỏi nhanh:
– Bà nhà tuần nào cũng gặp để tiếp xúc với Na-Dép! Để chi vậy, thưa ông?
Kỹ sư Hoàng ngập ngừng:
– À… để…
Đột nhiên có tiếng “oé” thật to từ một chiếc máy thâu thanh nào đó. Âm thanh lớn lắm nghe vang âm khắp khu trại. Việt Kim tia nhìn ngạc nhiên, xoay mặt về nơi phát ra tiếng “oé”. Đôi mắt sắc bén của em bắt gặp ngay lão Un Sa Cơ lật đật liệng bỏ ly cà phê, tung chân chạy về một căn lều vải ở xa đó một chút. Cô tiểu ký giả thầm nghĩ: “A, thế mà lão Un bảo với kỹ sư Hoàng là máy hư đó…!” Tiếng “oé” vừa rồi cho biết rõ rằng lão… nói láo.
Kỹ sư Hoàng chưa kịp trả lời câu hỏi của Việt Kim. Viền môi ông điểm một nụ cười vui mừng:
– Khá lắm! Già Un đã sửa được máy rồi! Tay này số dách thật! Khéo tay và giỏi quá xá! Cô em thấy không? Nhất đấy! Nội đây chỉ có Un Sa Cơ là nhất đấy!
Việt Kim bất giác rủa thầm:
– Hừ! Ông Hoàng coi bộ vô tư hồn nhiên và dễ tin người quá! Riêng mình thấy tên ngũ đoản này có cái vẻ gì lén lút ám muội quá trời.
Em khẽ lắc đầu chán nản nhưng vẫn ráng mỉm cười tươi tắn xin phép cáo từ kỹ sư Hoàng. Và quay đi ra tới chỗ Hà Khâm, Á Minh đang ngồi xếp bằng tròn trên một cái bàn thấp, sửa soạn ăn cơm.