“Gượm đã, cô bé, ngoài vitamin ra thì hai viên màu đỏ này là gì vậy?”
Tôi biết hắn ta, một thằng Cấp tính lớn, bẳn tính, đã kịp bị coi là kẻ hay nổi loạn.
“Thuốc đấy, ông Taber ạ, uống đi, chỉ có lợi cho ông thôi. Uống đi, nào.”
“Không, tôi đang hỏi đây là thuốc gì. Khỉ gió, tự tôi cũng thấy, đây là thuốc…”
“Uống đi ông Taber, vì tôi vậy, được không?” Cô ả liếc sang mụ Y tá Trưởng, để xem màn ve vãn nho nhỏ này được chấp nhận hay không, rồi quay lại. Taber vẫn không chịu uống thứ thuốc mà hắn không biết, cho dù là vì cô ả.
“Cô bé à, tôi không thích cãi cọ nhưng cũng không ưa nuốt những của giời ơi vào ruột. Biết đâu đây là thứ thuốc ma quái sẽ làm cho tôi không còn là tôi nữa?”
“Đừng ầm ĩ, ông Taber.”
“Ầm ĩ? Tôi chỉ muốn biết, vì lòng kính Chúa…”
Nhưng mụ Y tá Trưởng đã lặng lẽ đi tới, bàn tay gọng kìm khóa chặt cánh tay hắn, khiến hắn không cựa quậy được đôi vai. “Thôi được, cô Flinn, nếu ông Taber quyết định xử sự như một đứa trẻ thì tại sao ta không đối xử với ông ta như một đứa trẻ. Chúng ta đã cố ân cần và dịu dàng. Nhưng đó không phải là phương pháp ông ta muốn. Thù địch và thù địch. Đấy, ông ta đã trả lơn chúng ta vậy đấy. Ông đi đi, ông Taber, nếu ông không muốn uống thuốc theo kiểu này.”
“Tôi chỉ muốn biết, vì lòng…”
“Ông đi đi.”
Mụ buông tay. Hắn gầm gừ cất bước. Chỉ vì viên thuốc, cả buổi sáng hắn sẽ phải rửa chuồng xí. Có lần tôi giả bộ uống nhưng lại ngậm viên thuốc vào dưới lưỡi rồi nhổ ra nghiền vỡ trong gian đựng giẻ rách. Trước khi viên thuốc kịp tan thành bụi trắng, tôi nhận thấy đó là một mạch điện nhỏ xíu, đủ cả dây dẫn, bóng bán dẫn, đi-ốt… giống hệt thứ linh kiện dùng trong Quân đoàn Radar mà tôi đã được làm quen. Loại mạch điện này khi tiếp xúc với không khí liền phân rã…
Tám giờ hai mươi, bài và bộ xếp hình được mang đến…
Tám giờ hai nhăm, một đứa Cấp tính buột miệng đã có lần nhìn trộm bà chị tắm; ba đứa ngồi cạnh chân đá vào nhau vì cùng bật dậy ghi điều vừa nghe thấy vào sổ trực…
Tám giờ ba mươi, một đội kỹ thuật viên lao vùn vụt vào phòng, miệng nồng nặc hơi rượu; kỹ thuật việc luôn phải lao hoặc đi nhanh nếu không muốn bị ngã sấp mặt bởi vì thân người họ luôn đổ về đằng trước. Họ luôn đổ thân về đằng trước và luôn bốc mùi như dụng cụ đồ nghề được tiệt trùng bằng rượu. Họ đóng cửa phòng thí nghiệm lại, còn tôi xích lại gần hơn và vừa quét dọn vừa đoán chừng giọng nói họ trong tiếng xoèn xoẹt của thép cọ vào đá mài.
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
“Vừa bảnh mắt đã sửa với chữa khỉ gì thế này?”
“Lắp thêm một cầu chì chống tọc mạch dưới da cho một gã nhiễu sự. Việc gấp, bà ấy bảo vậy, tao còn không rõ còn linh kiện dự trữ không?”
“Cứ gọi IBM người ta sẽ gửi cấp tốc tới, tao kiểm tra kho cái đã.”
“Ê hê, nhớ cầm theo chai cuốc lủi mày! Tao mà còn chưa thêm rượu thì đến một cái điện trở đơn giản tao cũng không thay đổi. Nhưng, khỉ gió, còn thú hơn làm ở gara.”
Chúng nói nhanh, chí chóe như trên phim hoạt hình. Tôi vội cầm giẻ lau né ra để không bị bắt gặp là đang nghe trộm.
Hai gã hộ lý cao lớn tóm được Taber trong chuồng xí, lôi vào gian đựng mềm. Chúng đá một cú rõ mạnh vào ống quyển hắn. Hắn hết cựa quậy, chỉ la như bị chọc tiết. Tôi kinh ngạc thấy trong tay chúng hắn yếu ớt đến mức nào, như quấn chặt trong đai thùng sắt.
Ném sấp hắn xuống đệm, một đứa ngồi lên đầu, một đứa xé quần hắn ra tới khi cái mông hồng lộ ra giữa hình chữ nhật xanh lè như xà lách. Taber chửi bới ầm ĩ, nhưng tiếng hắn bị tắc nghẹn trong tấm nệm. Đứa ngồi trên đầu dỗ dành hắn: “Ồ, thế đấy, ông Taber ơi, thế đấy…” Ngoài hành lang, mụ Y tá Trưởng xăm xăm bước đến, vừa đi vừa nhúng chiếc kim tiêm dài vadơlin, đóng cửa lại, tôi không nhìn thấy họ trong thoáng chốc, rồi lập tức bước ra, lau cái kim lên mẩu quần rách của Taber. Lọ vadơlin đã bỏ lại trong phòng. Lúc cánh cửa chưa kịp đóng tôi nhìn thấy đứa ngồi trên đầu Taber dùng giấy Kleenex chấm chấm lên hắn. Chúng ở trong đó khá lâu; cuối cùng cửa mở, Taber trần như nhộng, quấn trong một tấm tã ướt được đưa vào phòng thí nghiệm phía đối diện…
Chín giờ, các bác sĩ nội trú trẻ, người nào cũng đeo găng tay da, năm mươi phút đồng hồ hỏi xem tụi Cấp tính đã làm gì khi còn bé. Mụ Y tá Trưởng khó chịu ra mặt với vẻ tinh tươm bảnh tỏn của tụi này. Năm mươi phút tụi nhóc con ở đây là năm mươi phút dây chuyền của mụ chạy khật khừ, còn mụ hầm hầm và ghi nhớ cần kiểm tra tiền sử vi phạm luật giao thông của chúng…
Chín giờ năm mươi, các bác sĩ trẻ đi khỏi, cả hệ thống tiếp tục vận hành trơn tru. Mụ Y tá Trưởng lại chui vào phòng kính nhìn ra, trước mặt là khung cảnh dễ chịu như cũ: các con bệnh hoạt động bài bản, trật tự như cuốn hoạt hình chọc cười.
Taber được lôi ra từ phòng thí nghiệm trên một chiếc giường di động.
“Đã phải tiêm một phát nữa bởi hắn tỉnh giấc trong khi chọc tủy sống,” một kỹ thuật viên nói với mụ. “Hay là ta đưa luôn hắn sang Nhà số một, cho giật bằng LSĐ để tiết kiệm thuốc ngủ?”
“Một đề xuất tuyệt diệu. Có lẽ chúng ta sẽ làm cả việc kiểm tra lại đầu, chụp điện não đồ, biết đâu chả khám phá ra bằng chứng cần phải xử lý não.”
Và các kỹ thuật viên lao vùn vụt đi, đẩy chiếc giường trước mặt, như những nhân vật hoạt hình – hoặc như con rối, những con rối máy trong các vở Punch và Judy, mua vui cho người xem bằng cách để Punch bị Xa tăng dập nhừ tử hoặc bị nuốt chửng vào bụng một con cá sấu tươi cười…
Mười giờ, người ta mang thư từ đến. Một vài lá đã bị bóc ra….
Mười giờ ba mươi, gã Quan hệ Công chúng dẫn một toán chị em đến, vỗ bàn tay mũm mĩm vào cửa phòng chung. “Chào các anh em; ồ bĩu môi gì… các chị em nhìn xem, ở đây thật sáng sủa và sạch sẽ. Xin giới thiệu đây là cô Ratched. Tôi dẫn các chị em tới đây chỉ vì là phân khoa của cô ấy. Quả là một người mẹ hiền, chị em ạ, không phải về tuổi tác, nhưng…”
Cổ áo của gã chật đến mức làm cho khuôn mặt căng lên khi cười, và quanh năm gã cười, chẳng hiểu vì lý do gì, cười như thể muốn kìm lại mà không kìm nổi. Mặt gã bơm căng, đỏ lừ, tròn xoe hệt một quả bóng bay được vẽ thêm mắt, mũi. Mặt gã nhẵn nhụi không râu, đầu lơ thơ vài sợi tóc, chả mất công đếm cũng biết là bao nhiêu; hình như gã từng dán chúng lên đầu, nhưng những sợi tóc không dính lại mà cứ rơi dần, sợi vào tay áo, sợi xuống cổ, sợi chui vào túi. Có lẽ vì vậy mà gã phải thắt cổ áo thật chặt, để chúng khỏi rơi vào đó.
Cũng có thể vì vậy mà cổ gã lúc nào cũng nhột, làm gã phải cười suốt.
Gã sắm vai hướng dẫn viên trong các tua du lịch đó – đám phụ nữ nghiêm túc trong bộ đồng phục gật đầu, còn gã thì cho thấy họ vào thời gian gần đây mọi thứ đã hoàn thiện như thế nào. Gã giới thiệu ti vi, ghế bành bằng da, vòi nước uống hợp vệ sinh, rồi tất cả vào phòng kính uống cà phê. Có lúc gã đứng một mình, cứ đứng đó giữa phòng và vỗ đôi bàn tay ( nghe cũng biết là chúng nhớp nháp) tới khi sau vài nhát vỗ chúng dính vào nhau, rồi thu chúng về dưới cằm như người đứng khấn và cứ thế quay tròn. Đứng giữa phòng, gã quay, mắt điên dại nhìn vào tivi, nhìn lên tranh treo tường, nhìn ra vòi nước. Và cười như điên.
Chưa bao giờ gã nói với chúng tôi cái gì đã khiến gã cười dữ vậy, còn tôi thì chẳng thấy gì đáng cười, có chăng, việc gã cứ như một thứ đồ chơi bằng cao su, đến nặng, xô đổ một cái là gã bật trở lại và quay tít là khôi hài hơn cả. Gã không bao giờ nhìn tận mặt mọi người…
Mười giờ bốn mươi, mười giờ bốn lăm, mười giờ năm mươi – các con bệnh lũ lượt ra ra vào vào khi đến hẹn ở LLT, LNN hoặc LVL, hoặc trong những phòng kỳ quái mỗi bức tường được xây theo một kiểu, sàn nhà lồi lõm. Tiếng gầm rú của máy móc xung quanh đã đạt tới mức cố định.
Tôi nhớ có một nhà máy sợi cũng đã gầm rú như vậy khi đội bóng tới đấu với trường học ởCalifo ia. Ngày ấy, sau một mùa bóng mỹ mãn, các cổ động viên của thành phố khoái tụi tôi tới mức quyên tiền cho cả đội đáp máy bay đến Califo ia đấu với một trường học quán quân ở địa phương. Thường thường sau khi xuống sân bay, chúng tôi được dẫn đi tham quan thành phố, thăm các nhà máy sữa, xí nghiệp kẹo hay một trang trại trồng củ cải. Huấn luyện viên thích chứng minh rằng thể thao nâng cao học vấn của con người, rằng các chuyến đi mở rộng tầm nhìn, tăng thêm hiểu biết. ĐếnCalifo ialần này, chúng tôi vào một nhà máy sợi. Tụi bạn lơ láo nhìn quanh một tí rồi chuồn lẹ lên ô tô, lật va li ra chơi bài, còn tôi ở lại đứng vao một góc để không quấy rầy những phụ nữ da đen đang chạy tới chạy lui giữa các cỗ máy. Nhà máy là tiếng rú, tiếng va đập, tiếng quát tháo của máy móc và con người, là sự chuyển động của đám công nhân vội vã đều đặn như những con thoi như muốn ru ngủ đầu óc tôi. Vì thế mà tôi ở lại, và cũng vì nó gợi cho tôi hình ảnh những người đàn ông cuối cùng của bộ lạc bị bắt lên đập nước làm việc với máy nghiền đá. Công việc căng thẳng và đơn điệu, những khuôn mặt đã dại đi vì tần số lặp đi lặp lại… Tôi muốn ra cùng đội bóng nhưng không thể.
Hôm đó là một sáng đầu đông nên tôi vẫn mặc áo khoác họ tặng cho đội sau khi giành chức vô địch – áo màu đỏ-xanh với tay áo bằng da, sau lưng thêu một biểu tượng hình quả bóng – biểu tượng của người chiến thắng. Nhiều cô gái da đen cứ nhìn vào chiếc áo đó. Tôi ngượng ngập cởi ra nhưng vẫn không tránh được cái nhìn của họ. Hồi đó tôi còn to hơn bây giờ rất nhiều.
Nhìn trái nhìn phải không có thợ cả đứng cạnh, một cô bỏ máy đi lại chỗ tôi. Cô hỏi liệu chiều nay chúng tôi có đấu với đội bóng của trường địa phương không và nói rằng anh cô chơi ở vị trí trung vệ trong đội đó. Chúng tôi nói chuyện về bóng bầu dục, về chuyện này, chuyện nọ và tôi nhìn gương mặt cô gái thấp thoáng như nấp trong sương mù. Không, đó chỉ là do bụi bông bay tả tơi trong không khí.
Tôi nói với cô về bụi bông, về khuôn mặt mờ ảo của cô như khuất sau màn sương sớm trong những cuộc đi săn vịt khi sương chưa tan hết. Cô ngước mắt nhìn tôi và cười khẽ vào lòng bàn tay, rồi hỏi:”Nói đi, anh cần có em sau hào nấp vịt vào một buổi đi săn để làm gì?” Tôi bảo sẽ cho cô trông thấy súng của tôi, thế là cả đám con gái trong xưởng đều giơ tay bụm miệng và cười. Cả tôi cũng cười nho nhỏ, rất hài lòng thấy mình nhanh trí. Đang tán gẫu và đùa cợt như vậy, bỗng cô chộp lấy hai tay tôi kéo lại. Gương mặt cô gần quá, rõ quá, tôi thấy cô đang rất sợ hãi.
“Ừ,” cô thì thầm, “anh mang em đi nhé, anh chàng lớn xác. Đi khỏi nhà máy, đi khỏi thành phố, đi khỏi cuộc sống này. Sau hào nấp vịt hay đến đâu cũng được. Một nơi nào khác, nghe anh!”
Gương mặt đen xinh đẹp của cô sáng lên. Tôi chết lặng, chẳng biết nói sao. Chúng tôi đứng sát bên nhau mấy giây, chợt tiếng còi ca vang lên, và có gì đó bắt đầu tách cô ra khỏi tôi. Một sợi dây vô hình dính vào chiếc váy đỏ sặc sỡ đã kéo cô trở lại. Những ngón tay cô dùng dằng trong bàn tay tôi, và khi buông ra, khuôn mặt mềm mại lại nhòa đi như sô cô la chảy, bập bềnh trong bụi. Cô cất tiếng cười và xoay một vòng khiến chiếc váy bay tung để lộ đôi chân vàng. Cô nháy mắt đùa với tôi và chạy trở lại chiếc máy vừa nhả ra dải sợi chảy dài xuống sàn nhà; cô nhặt lấy nó và chạy thoăn thoắt giữa những chiếc máy để bỏ vào thùng rác, rồi đi khuất sau góc phòng.
Những cọc sợi quay tít, các con thoi thấp thoáng, các cuộn sợi giăng mắc đầy không trung, những bức tường trắng và những cỗ máy xám, các cô gái da đen mặc váy sặc sỡ thoắt ẩn, thoắt hiện, cả nhà máy nối với nhau trong những dải sợi trắng bay tung – tất cả găm vào đầu tôi và chốc chốc lại hiện về bởi chuyện gì đó xảy ra trong bệnh viện.
Phải. Tôi biết điều này. Phân khoa chúng tôi đâu khác gì một nhà máy cho Liên hợp. Tại đây người ta sửa lại những khuyết tật đã mắc phải ở gia đình, ở nhà thờ hay trường học. Xã hội sẽ đón nhận những thành phẩm được sửa chữa lại không kém gì lúc mới, nếu không nói là tốt hơn, và mỗi lần như thế trái tim mụ Y tá Trưởng đập rộn ràng: những gì lúc vào xưởng méo mó dị hình thì lúc xuất xưởng sẽ tròn trịa, hoàn chỉnh; một sự thần kỳ, là niềm tự hào của cả tổ hợp. Hãy nhìn xem! Hắn ta đang lướt trên mặt đất với nụ cười đã được gắn vào môi và nhẹ nhàng bước vào cuộc sống ấm cúng của một khu phố để ngày ngày đào rãnh đặt đường ống thoát nước của thành phố. Hắn ta lấy làm hạnh phúc vì điều đó. Hắn đã được đưa vào kỷ cương…
“Ôi chưa bao giờ tôi thấy một người thay đổi nhanh như ông Maxwell Taber sau khi xuất viện; mặc dầu trên khóe mắt còn quầng thâm, và sụt cân một chút, nhưng các ngài biết không, đó đã là một con người khác. Trời, thế mới là nền khoa học hiện đại của Mỹ quốc chứ…”
Và ánh sáng từ cửa sổ nhà hắn ở tầng trệt hắt ra đến quá nửa đêm bởi các Phần tử tác động chậm mà đám kỹ thuật viên lắp đặt đã làm cho các ngón tay hắn trở nên khéo léo; và hắn cúi xuống những cơ thể đã bị gây mê của vợ, hai đứa con gái lên bốn và lên sáu của hắn, và ông láng giềng vẫn hay chơi ky với hắn vào các ngày thứ Hai, hắn sẽ đưa họ vào kỷ cương như người ta đã làm việc đó với hắn. Nguyên tắc domino được áp dụng như vậy.
Sau mấy năm, khi đã hết thời hạn sử dụng được chỉ định trước, hắn gục xuống vì lao lực, thành phố thương khóc hắn và báo đăng ảnh hắn đang giúp tụi Hướng đạo sinh trong dịp tảo mộ hồi năm ngoái, còn bà vợ nhận được một bức thư của hiệu trưởng nhà trường nói rằng ông Maxwell Wilson Taber xứng đáng là một tấm gương cho thế hệ trẻ của cộng đồng chúng ta.
Thậm chí hai nhân viên sở an táng, vốn bòn rút từng xu, cũng phải chuyển lòng: “Không, mày nghĩ mà xem, dẫu sao Maxwell Tiber cũng là một tay đáng kính. Hãy xức dầu xịn cho cái xác và không lấy tiền chênh lệch của vợ hắn. Tụi mình chịu khoản đó.”
Một kẻ Xuất viện thành công luôn khiến trái tim của mụ Y tá Trưởng đập rộn ràng, nó là minh chứng cho tài năng của mụ và của cả ngành. Một kẻ Xuất viện mang lại niềm vui cho tất cả.
Còn với kẻ mới Nhập thì khác. Thậm chí với đứa ôn hòa nhất cũng phải mất công mới gò nổi hắn vào nề nếp, ngoài ra, ai biết được khi nào định mệnh sẽ gửi đến cái gã không sợ ràng buộc đủ khả năng làm đảo lộn cuộc sống êm đềm ở đây, gây rối loạn tưng bừng đe dọa đến hoạt động của toàn tổ hợp. Mà tôi thì đã nói rằng hễ tổ hợp không hoạt động được trơn tru là mụ Y tá Trưởng sẽ nổi điên lên tức khắc.