Sáng sớm, tôi dụi mắt khi thấy giường McMurphy bỏ trống, lần đầu tiên sau lão Jules Đu Tường có người dậy sớm hơn tôi. Jules là một lão già da đen tinh ranh, tóc bạc trắng, có lý thuyết là ban đêm tụi hộ lý da đen lật thế giới nghiêng sang một bên; vì thế ngày nào lão cũng cố dậy thật sớm lẻn ra ngoài để bắt quả tang. Còn tôi dậy sớm để xem chúng có đưa thêm máy móc gì mới vào phân khoa hay buồng cạo râu không, nên mười lăm phút đầu mỗi buổi sáng ngoài hành lang chỉ có tôi và mấy gã hộ lý. Vậy mà hôm nay, chưa tỉnh giấc tôi đã nghe thấy tiếng McMurphy trong phòng rửa mặt. Và hắn hát! Hát vô tư cứ như cả đời hắn chưa từng biết lo phiền. Giọng hắn khỏe và trong vỗ vào sắt thép và xi măng.
” Ngựa anh đói rồi, cô em nói thế…. “Hắn đang thích thú nghe tiếng hát đập lại khi va vào tường phòng vệ sinh:” Hãy ngồi lại đây, đem cỏ ngựa ăn… “Hắn lấy hơi, lên cao giọng và tăng âm lượng tới khi tất cả dây điện ngầm trong tường rung bần bật:” Ngựa anh không đói, cỏ em chẳng ngọtttttttttttt… “. Hắn giữ nguyên nốt đó rồi luyến láy đùa cợt hồi lâu, sau đó đổ xuống thấp và hát nốt câu cuối:” Vĩnh biệt em yêu, anh phải lên đường”.
Hắn hát! Tất cả sửng sốt. Bao năm nay có ai làm chuyện đó đâu! Hầu hết tụi Cấp tính chống tay ngồi dậy, hấp háy mắt lắng nghe. Chúng đưa mắt nhìn nhau nhướn cao mày. Sao mấy gã hộ lý lại không bịt miệng hắn nhỉ! Trước đây không đứa nào được phép làm ồn như vậy, phải không? Làm sao kẻ mới này lại được đối xử khác đi như thế? Hắn cũng bằng xương bằng thịt, cũng có thể kiệt sức trở lên xanh xao, rồi chết, giống như tất cả mọi người. Hắn cũng bị trói buộc bởi mớ đạo luật ấy, cũng phải va vấp với đúng những phiền toái ấy, chính vì thế cũng bất lực, vô phương chống đỡ trước Liên hợp, không phải sao?
Nhưng hắn đúng là không giống mọi người, và tụi Cấp tính hiểu điều đó, không giống bất kỳ ai từng ghé phân khoa trong mười năm gần đây, bất kỳ ai chúng từng gặp ở thế giới bên ngoài. Có thể hắn cũng bất lực như những đứa khác, nhưng Liên hợp chưa sờ được đến hắn.
” Toa xe chất đầy”,hắn hát,” roi ngựa trong tay…”
Làm thế nào hắn lại thoát cái ách chung? Có lẽ, giống như lão Pete, Liên hợp đã lỡ cơ hội chộp lấy hắn khi còn non nớt. Có lẽ hắn khi nhỏ vốn là một đứa bất trị, chu du khắp đất nước, bạ đâu sống đấy và không chịu dừng lại ở đâu quá vài tháng, nhà trường không dạy nổi hắn, rồi vào rừng làm công nhân khai thác gỗ, đánh bạc rồi sống lang thang cùng nhóm giải trí lưu động, chỉ có bốn ba và chuyển dịch, tới nỗi Liên hợp không có thời cơ lắp đặt thứ gì vào. Có thể là thế, hắn không cho Liên hợp thời cơ, cũng như sáng qua tụi hộ lý không sao đo được nhiệt độ cho hắn, một chiếc bia di động bao giờ cũng khó trúng đạn hơn.
Không chịu sự ràng buộc của mụ vợ kỳ kèo đòi lát lại sàn nhà, hay những người thân thích chĩa đôi mắt già nua ậng nước mà cầu khẩn. Chẳng phải quan tâm tới ai, hắn tự do đến mức trở thành một kẻ đại bợm. Và có lẽ tụi hộ lý cũng hiểu điều đó nên chẳng phí sức lao vào buồng vệ sinh để khóa mõm hắn lại, chúng biết hắn ngoài tầm kiểm soát, vả chăng cũng chưa thể quên được ông già Pete, chưa quên một thằng không ai kiểm soát có thể làm gì. Và chúng lại thấy cả McMurphy lớn hơn Pete nhiều, tóm hắn chỉ có cách là cả ba đứa cùng xông vào một lúc và mụ Y tá Trưởng đứng cạnh, cầm sẵn kim tiêm. Tụi Cấp tính gật đầu với nhau, hiểu rằng với chúng, bọn hộ lý có thể làm gì tùy ý, nhưng sẽ không dám đụng đến McMurphy.
Tôi từ phòng ngủ bước ra hành lang thì McMurphy cũng từ buồng vệ sinh xuất hiện, tay cầm bàn chải đánh răng. Trên mình hắn chẳng còn gì ngoài chiếc mũ cáu bẩn và chiếc khăn tắm quấn ngang hông. Hắn đứng ở hành lang, nhìn trước, ngó sau, kiểng chân, xuýt xoa vì sàn gạch quá lạnh. Nhìn thấy gã hộ lý nhỏ con, hắn tiến đến vỗ vai, thân mật như với đứa bạn chí thân từ hồi còn để chỏm:
“Ê người anh em, tao cần chút thuốc đánh cái bàn nghiến, lấy ở đâu?”
Gã lùn quay đầu thấy mũi mình dính ngay vào đốt ngón tay tổ chảng. Gã khịt mũi, nhăn mặt nhìn quanh tìm hai đứa kia và nói với McMurphy là tủ đựng thuốc đánh răng đến sáu giờ bốn lăm mới mở. “Quy định như vậy”, gã nói.
“Thế đấy. Ý tao là thuốc ở đằng kia hả? Trong tủ?”
“Ừ, trong tủ và đã khóa.”
Gã vờ tiếp tục lau bức tường để lỉnh khỏi McMurphy nhưng cánh tay to khỏe của McMurphy vẫn đè lên vai hắn.
“Mày bảo trong tủ và đã khóa hả? Nhưng khóa lại để làm gì, hử? Bộ đó là thuốc độc sao? Hay vì dùng tuýp thuốc có thể đập bể đầu một đứa nào đó? Vậy vì sao, mày nghĩ coi, người ta lại phải khóa nó lại như giấu một vật nguy hiểm?”
“Đó là quy chế của phân khoa, ngài McMurphy ạ, vì thế đấy.” Và thấy đó không phải là một lý do có sức thuyết phục, lại bị cánh tay nặng trịch của McMurphy đặt lên vai, hắn thêm. “Với lại, ngài nghĩ xem, cứ lúc nào phởn chí, tụi nó lại cầm bàn chải đánh răng thì sẽ ra sao?”
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
McMurphy bỏ tay ra khỏi vai hắn, xoa đám lông hung trên ngực và nghĩ ngợi. “À, à à. Tao hiểu. Tao hiểu mày muốn nói: quy chế trong khoa là bảo vệ những đứa không thể đánh răng sau mỗi bữa ăn?”
” Chời, chẳng lẽ điều đó khó hiểu lắm sao?”
“Tao hiểu rồi. Mày nói người ta sẽ đánh răng bất cứ lúc nào ý nghĩ đó chợt đến trong đầu?”
“Đúng vậy, vì thế nên…”
“Chúa ơi, cứ nghĩ xem, sẽ có đứa đánh răng lúc sáu rưỡi, đứa lúc sáu giờ hai mươi, có đứa lại thích vào lúc sáu giờ, biết đâu đấy? À ra là thế, tao hiểu hết rồi”.
Tôi đứng ép vào tường, McMurphy nháy mắt đùa với tôi qua vai gã hộ lý.
“McMurphy, tôi còn phải chùi nốt chân tường”.
“Ồ, tao đâu muốn phá công việc của mày.” McMurphy lùi ra nhưng gã hộ lý vừa cúi xuống thì hắn lại sán đến, cúi nhìn vào cái thùng bên cạnh gã. “Ê, nhìn đây, cái gì thế này?”
Gã hộ lý ngạc nhiên. “Nhìn đi đâu?”
“Nhìn vào đây, cậu bé. Bột gì trong thùng này?”
“Đây là bột xà phòng để rửa sàn nhà”.
“Thôi được, tao vẫn quen dùng thuốc đánh răng”. McMurphy nhũng chiếc bàn chải vào, ngoáy tít và rút ra, đập đập vào thành thùng, “nhưng thứ này cũng được. Cảm ơn. Còn chuyện quy chế của khoa ta bàn sau”.
Hắn lùi vào nhà vệ sinh và từ đó tiếng hát lại vang ra, nhưng vướng chiếc bàn chải đánh răng trong mồm nên đã trở lên méo mó.
Gã da đen đứng như phỗng nhìn theo, chiếc giẻ lau sàn nhà bất động trên tay. Lát sau, như sực tỉnh, hắn quay lại và thấy tôi nhìn liền sán tới tóm lấy thắt lưng mà kéo tôi đi dọc hành lang chỉ vào đúng chỗ mà mới chiều qua tôi vừa kỳ cọ.
“Đây! Ở đây! Đồ ma bắt! Chùi đi, đừng đứng giương mắt mà nhìn như con bò vô tích sự! Đây! Đây nữa!”
Tôi cúi xuống lau, quay lưng lại phía hắn để cười, bằng lòng vì McMurphy đã dắt mũi được hắn, một điều ít ai làm nổi. Ba cũng từng làm được; lần các quan chức chính phủ đến để mua chuộc ba ký một hiệp ước, ba ngồi khuỳnh chân, bình thản nhíu mắt nhìn lên trời và nói: “Những con ngỗng kènCanadađang bay.” Họ nhìn theo, bản hiệp ước sột soạt trong tay: “Ông nói sao?.. tháng Bảy hả? Làm gì có ngỗng bay mùa này? Ờ..ờ..không có đâu.”
Họ nói như người du lịch phương Đông từ đầu đến giờ, vì cho rằng với người da đỏ phải có cách nói đặc biệt họ mới hiểu. Ba làm ra vẻ không nhận ra phong cách nói chuyện của họ. Ba cứ nhìn trời: “Những con ngỗng đang bay, người da trắng ạ. Các ông cũng biết mà. Năm nay có ngỗng bay. Năm ngoái có ngỗng bay. Và năm kia, năm kìa…”
Họ nhìn nhau, một người họ lên nói: “Vâng, có thể là vậy. Thưa thủ lĩnh Bromden. Thế nhé. Ông đừng để ý đến ngỗng trời nữa. Hãy nghĩ về bản giao kèo này. Những gì chúng tôi đưa ra sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho ông… cho dân bộ lạc ông…làm thay đổi cuộc sống của người da đỏ.”
Ba vẫn nói: “..và năm trước nữa, trước nữa, trước nữa..”
Tới khi các quan chức chính phủ vỡ lẽ là mình đang bị lỡm, thì những người đứng đầu bộ lạc ngồi trước cửa lều nãy giờ hết nhét tẩu thuốc vào túi áo len sặc sỡ lại rút ra, nháy mắt cười với nhau và với ba, đã rộ lên như sấm. Chú Chó sói C&N bò lăn ra đất, ôm bụng cười ngặt nghẽo: “Các ông cũng biết mà người da trắng ạ.”
Chắc chắn họ đã nổi khùng: đám quan chức tái mặt, lẳng lặng đứng dậy đi ra đường lớn, còn chúng tôi cười theo. Đôi lúc tôi đã quên là tiếng cười có thể làm nên chuyện.
Mụ y tá lách chìa khóa vào ổ, vừa bước tới thì gã hộ lý đã xun xoe bên cạnh, đổi hết chân này đến chân kia như đứa trẻ xin chạy đi tè. Tôi đứng khá gần nên chỉ nghe thấy hắn nhắc đến tên McMurphy vài lần, và biết chắc hắn chỉ kể chuyện đánh răng của McMurphy mà quên bẵng mất cái chết của cụ già Thực vật đêm qua. Vung tay báo cáo rằng thằng gàn tóc đỏ từ sớm tinh mơ đã sinh sự, chẳng còn biết quy tắc, luật lệ là gì, mụ không thể làm được gì hay sao?
Mụ nhìn hắn bằng đôi mắt sắc lạnh cho đến lúc gã im bặt những tiếng líu ríu; rồi cặp mắt mụ hướng vào cửa buồng vệ sinh, giọng hát vang ra mỗi lúc một to:” Ba mẹ không ưa, họ nói anh nghè-è-è-èo, Cửa nhà em đóng, anh chẳng được vào.”
Mụ tỏ vẻ bối rối mất một lúc, cũng như chúng tôi, lâu rồi chưa được nghe ai hát nên mụ cũng không hiểu ngay được những âm thanh đó là gì.
“Tiền này anh kiếm, nhọc nhằn quản đâu-âu-âu, ai không biết quý, thì anh chẳng cầu.”
Đứng lặng một phút nghe ngóng để biết chắc tai không đánh lừa mụ, mụ bắt đầu phình lên. Hai cánh mũi phập phồng, thân thể lớn dần sau mỗi hơi thở; từ thời Taber tới giờ, chưa lúc nào mụ lớn và hùng hổ như thế vì một bệnh nhân. Tôi nghe rõ tiếng cọt kẹt của các khớp bản lề ở bả vai và các ngón tay khi cơ cấu đồ sộ đó cử động. Lúc đi ngang qua tôi đang dựa sát vào tường, mụ đã lớn bằng chiếc ô tô vận tải hạng nặng, chiếc giỏ liễu bị kéo theo trong đám khói mù mịt như cái rơ moóc sau đầu máy điện điêzen. Cặp môi nở ra tạo thành một nụ cười đưa ra phía trước, giống như tấm lưới che trước bộ tản nhiệt ở ô tô. Tôi ngửi thấy mùi dầu mỡ, mùi các tia lửa điện khét lẹt, và theo mỗi bước chân nặng nề mụ lớn dần lên, hất tung mọi thứ gặp trên đường. Thật khủng khiếp nghĩ đến điều gì sẽ xảy ra.
Đúng khi mụ đã đến lúc không thể lớn hơn và điên hơn được nữa, McMurphy từ buồng vệ sinh bước ra ngay trước mặt, tay giữ mông cho chiếc khăn khỏi tuột – mụ dừng phắt lại! Mụ xẹp đến mức đầu chỉ cao ngang tầm tấm khăn trên người McMurphy, còn hắn thì nhìn xuống và cười với mụ. Cặp môi mụ chùng hẳn lại, nụ cười đột ngột héo đi.
“Chào bà Ratched, bên ngoài ra sao?”
“Ông không thể cứ thế chạy quanh đây – mà lại quấn khăn!”
“Không được ư?” hắn nhìn xuống chiếc khăn ướt, dính bết vào người, đúng chỗ tầm mắt mụ. “Quấn khăn… cũng phạm quy? Vậy thì chắc là tôi đành phải…”
” Thôi!Tôi cấm ông. Đi vào buồng ngủ và mặc đồ ngay lập tức!”
Mụ quát lên như một cô giáo mắng đứa học trò nhỏ mất dạy, còn McMurphy thì cúi mặt xuống như đứa trẻ và trả lời bằng một giọng đầy nước mắt, “Tôi không thể, thưa bà. Ban đêm lúc tôi ngủ, có kẻ đã luộc hết đồ đạc. Tôi ngủ như chết trên chiếc đệm êm của bà.”
“Có kẻ đã luộc…?”
“Vâng, đã luộc. Đã thó. Đã khuân. Đã nẫng mất,” hắn sung sướng nói. “Bà biết mà, người ta vẫn nói có kẻ đã luộc hết xống áo của tôi.” Nói câu đó làm hắn khoái chí đến nhảy lên một vài trên đôi chân trần trước mặt mụ.
“Người ta ăn trộm quần áo của ông?”
“Có vẻ đó là toàn bộ sự việc.”
“Một bộ quần áo tù? Để làm gì?”
Hắn thôi nhảy múa và lại gục đầu xuống, mặt buồn rười rượi: “Tôi chẳng biết gì cả. Khi đi nằm bộ quần áo vẫn đấy, vậy mà khi tỉnh dậy thì không thấy nó đâu. Nhẵn nhụi như bị một con bò liếm mất. Thưa bà, tôi hiểu bộ quần áo tù đã bạc màu, thô kệch chẳng đáng giá là bao, đứa có ăn có mặc ắt nhổ toẹt vào của ấy. Nhưng với người ở truồng mà không có quần áo thì…’
“À”, mụ sực nhớ. “Người ta phải lấy bộ quần áo ấy đi. Sáng nay ông đã được phát một bộ quần áo bệnh viện màu xanh.”
Hắn lắc đầu, thở dài nhưng vẫn gục xuống như trước. “Không, người ta đâu có phát, một mảnh vụn tôi cũng không nhận được. Trên người tôi chỉ còn độc chiếc mũ và…”
“Williams!” mụ thét gọi đứa hộ lý đang đứng thập thò ở cửa ra vào như chực bỏ trốn. “Williams, mời cậu tới đây.”
Hắn trườn tới chỗ mụ, lấm lét như chó đánh cắp mẩu xương.
“Williams, tại sao bệnh nhân lại không được phát quần áo?”
Williams lấy lại bình tĩnh. Ưỡn thẳng lưng, cười, giơ cánh tay xám ngoét chỉ vào một đứa hộ lý cao lớn ở đằng kia hành lang. “Hôm nay người phụ trách quần áo và vải trải giường là ông Washington. Chứ không phải tôi. Không phải.”
” Ngài Washington!” Mụ triệu đứa cao lớn đang đứng lặng người với chiếc bàn chải chùi sàn chưa kịp nhúng vào xô. “Mời anh lại đây.” Chiếc bàn chải khẽ khàng trượt xuống, và hắn thận trọng gác cái cán vào tường. Hắn quay đầu lại nhìn McMurphy, nhìn đứa hộ lý bé nhỏ, nhìn mụ y tá. Rồi hắn nhìn sang trái, sang phải tựa như không hiểu người ta gọi ai.
“Lại đây!”
Đút tay vào túi, hắn lệt xệt đi đến. Thông thường hắn đi lại chậm chạp, còn lúc này tôi thấy nếu hắn không rảo chân lên thì mụ y tá có thể biến hắn thành một tảng băng rồi phá vụn chỉ bằng một cái nhìn; tất cả nỗi hận thù, giận dữ, thất vọng mà mụ tích lũy cho McMurphy giờ đây lao cả về hướng gã hộ lý da đen, bay loạn xạ trong hành lang, bắn vào người hắn như những hạt băng trong cơn lốc, khiến hắn bước càng chậm. Đi ngược chiều cơn bão, người hắn gập lại, hai tay ôm chặt lấy thân mình, tóc và lông mày phủ đầy sương giá. Hắn cong gập người lại, song chân bước càng chậm hơn, tưởng như không bao giờ hắn đi tới được đích.
Rồi McMurphy huýt sáo miệng bài “Georgia Brown thân yêu” và mụ y tá rời mắt khỏi đứa hộ lý vừa đúng lúc. Cơn giận của mụ đã lên đến đỉnh điểm, chưa bao giờ tôi trông thấy mụ phẫn nộ như vậy. Nụ cười búp bê biến mất, đôi môi như hai sợi dây thép được nung nóng đỏ. Nếu các con bệnh nhìn thấy cảnh này thì hẳn McMurphy đã thu được tiền thắng cuộc.
Mất hai giờ, cuối cùng gã hộ lý cũng tới nơi. Mụ y tá hít một hơi dài. “Washington, sao anh không phát quần áo cho bệnh nhân? Anh cũng thấy là trên người McMurphy chẳng có gì ngoài chiếc khăn?”
“Có chiếc mũ nữa.” hắn nhắc khẽ và đập ngón tay lên vành mũ.
“NgàiWashington!”
Gã hộ lý cao hơn giương mắt chằm chằm nhìn đứa nhỏ con khiến hắn đứng không yên. Gã nhìn một lúc lâu với đôi mắt như bóng bán dẫn trong đài ấy, hứa sẽ tính sổ sau này, sau đó gã quay nhìn McMurphy một lượt từ đầu đến chân, nhìn đôi vai săn chắc khỏe mạnh, nhìn cái miệng đang cười, cái sẹo trên mặt, cánh tay đang giữ chiếc khăn tắm rồi nhìn sang mụ y tá.
“Tôi cứ nghĩ…” hắn bắt đầu.
” Nghĩ! Chỉ nghĩ trên cương vị của anh thôi thì quá ít. Hoặc là anh mang ngay quần áo cho bệnh nhân, hoặc là anh sang làm bên khoa Lão hai tuần kế. Có chùi rửa bô nằm và nhà tắm một tháng anh mới hiểu cho rằng hộ lý ở đây ít việc hơn nơi khác. Nếu đây cũng như khoa khác ai sẽ là người phải lau nhà từ sáng đến tối? Ông Bromden chắc? Không. Tự anh hiểu lấy. Chúng tôi đã giải phóng cho các anh những việc lặt vặt để các anh có thời gian theo dõi bệnh nhân. Một trong những việc đó là không để cho họ đi lại trần truồng. Anh thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu một nữ y tá đến sớm và trông thấy một bệnh nhân không quần áo chạy dọc hành lang? Anh thử tưởng tượng xem!”
Không biết phải tưởng tượng cái gì, nhưng nội dung lời nói thì hắn hiểu, và biến vội vào phòng chứa quần áo và vải trải giường, lôi ra một bộ tôi đoán phải bé hơn mười cỡ so với thân thể của McMurphy rồi chui ra đưa, mặt hắn tối sầm lại với vẻ hận thì không giấu giếm chưa bao giờ tôi thấy. Còn McMurhy thì lúng túng như không biết làm cách nào cầm bộ quần áo – một tay hắn vướng cái bàn chải đánh răng, tay kia phải giữ cho chiếc khăn khỏi tuột. Cuối cùng hắn nháy mắt cho mụ y tá, nhún vai, tháo chiếc khăn và phủ lên vai mụ, cứ như mụ là cái mắc áo.
Dưới chiếc khăn là cái quần đùi.
Tôi nghĩ giá mà sau khi cởi chiếc khăn ra, McMurphy hoàn toàn trần truồng mụ đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Câm lặng vì căm uất mụ nhìn những con cá voi trăng đang tung tăng trên chiếc quần đó. Thế này mụ chịu hết nổi. Mất đến một phút im lặng, rồi mụ quay sang gã hộ lý tí hon, giọng run lên, chưa bao giờ mụ điên đến thế:
“Williams…hình như…sáng nay anh phải lau sạch cửa kính phòng trước lúc tôi đến?” Hắn bay vội như con bướm trắng đầu đen. “Còn anh,Washington, anh…”Washingtonchạy nhanh đến chỗ chiếc xô. Mụ lại nhìn quanh – chẳng còn ai để quát nữa. Mụ chợt phát hiện ra tôi, nhưng vài bệnh nhân đã ngủ dậy và đang nhìn ra dò hỏi. Nhắm mắt lại, mụ cố gắng tập trung. Không thể để cho bệnh nhân trông thấy bộ mặt trắng bệnh vì điên giận như vậy được. Mụ lấy hết sức bình sinh nén cơn giận để làm chủ mình. Hai bờ môi co dần lại dưới chiếc mũ trắng, chúng hòa vào nhau như sợi dây thép đỏ đã nung đến nóng chảy, ánh lên và đột nhiên đông cứng lại vào đúng khuôn, trở lên lạnh lẽo, xám xịt. Giữa hai bờ môi, cái lưỡi thò ra trông như một mẩu xỉ. Đôi mắt lại mở ra, cũng xám xịt, lạnh lẽo, không màu sắc như cặp môi, nhưng mụ đã kịp vồn vã chào hỏi tất cả như thể không có gì xảy ra, nghĩ là người ta vì đang ngái ngủ sẽ không nhận ra sự thay đổi trên khuôn mặt mụ.
“Chào ông Sefelt, răng ông đỡ chưa? Chào Fredrickson. Ông và ông Sefelt ngủ ngon chứ? Các ông nằm cạnh nhau đúng không? Tiện đây, tôi vừa được lưu ý hai ông đã thỏa thuận gì đó về thuốc men – ông cho Bruce thuốc của mình, đúng vậy chứ, ông Sefelt? Chúng ta sẽ thảo luận sau. Chào Billy. Trên đường đến đây tôi gặp mẹ anh. Bà yêu cầu tôi nhắn anh rằng bà luôn nghĩ tới anh và tin tưởng anh không làm bà buồn. Chào ông Harding…ồ sao đầu ngón tay đỏ bầm và xước hết thế kia? Chắc ông lại cắn móng tay hả?”
Các con bệnh chưa kịp trả lời – thực tế cũng chẳng có gì để đáp – thì mụ đã quay sang McMurphy, đến lúc này vẫn chỉ có độc chiếc quần đùi trên người. Harding nhìn thấy cái quần khẽ huýt sáo.
“Còn ông McMurphy,” mụ nói với nụ cười ngọt hơn đường. “Nếu ông thôi phô trương những bắp thịt rắn chắc rất đàn ông và chiếc quần xà lỏn sặc sỡ mà đi mặc quần áo vào thì hay quá.”
Hắn khẽ nhấc chiếc mũ đáp lễ mụ và chào các con bệnh lúc đó đang sung sướng ngắm những con cá voi trắng và đùa cợt với nhau, xong lẳng lặng đi vào buồng ngủ. Mụ quay người đi về phía đối diện, nụ cười đó đưa ra đằng trước, nhưng trước khi cửa phòng kính kịp đóng thì tiếng hát của gã đã cuộn lại từ phòng ngủ ra hành lang.
” Nàng dẫn ta vào phòng khách, và phe phẩy quạt cho ta… “– tôi nghe hắn vừa hát vừa vỗ bôm bốp vào bụng,” và thì thầm vào tai mẹ, chàng cờ bạc này con yêuuuuuuuuuuuu.”
Ngay sau khi phòng ngủ không còn ai tôi vào đó quét; cúi xuống gầm giường hắn tôi chợt nhận ra điều lạ trong phòng: từ khi tôi vào viện cái phòng ngủ đủ cho hơn bốn chục người lớn này đã luôn sực đủ thứ mùi, mùi thuốc khử trùng, mùi thuốc mỡ kẽm và cao bôi chân, mùi phân người già và mùi nước tiểu, mùi cháo nghiền và thuốc nhỏ mắt, mùi ẩm mốc của bít tất quần đùi, ẩm mốc dù mới vừa được giặt, mùi hồ bột cứng quèo, mùi tanh trong bốn mươi cái miệng buổi sáng, mùi dầu máy lợm như chuối, và nhiều khi cả mùi tóc cháy xém, nhưng chưa bao giờ, trước khi hắn xuất hiện, ở đây có mùi mồ hôi của một người đàn ông, mùi bụi bặm, rơm cỏ từ những cánh đồng bao la và công việc nặng nhọc.