Bạch Hổ Tinh Quân

Chương 2: Chân Nhân Hý Mộ Dung Phá Quan Náo Quần Hùng

Bấm vào đây để nghe audio
Chương 2: Chân Nhân Hý Mộ Dung Phá Quan Náo Quần Hùng

Cuối tháng 10 năm ấy, có một chàng đạo sĩ trẻ cưỡi ngựa chậm rãi đi vào thành Quan Hóa, cách ranh giới Bắc Hà và Hồ Nam vài dặm.

Chàng ta có nét mặt và ánh mắt trong sáng, ngây thơ tuổi đôi mươi. Trán cao, mũi thẳng. Mắt sáng miệng rộng và những nét mặt đẹp của nam nhân nhưng chưa đủ để tạo nên một Phan An hay Tống Ngọc vì kèm một vài khuyết điểm đầu của mũi dọc dừa ấy hơi nhọn, còn đôi môi của miệng rộng thì khá dầy.

Tóm lại vị đạo sĩ trẻ này có một dung nhan kha khá chứ không thể gọi là toàn mỹ nam tử. Tuy nhiên cổ nhân đã có câu: “Trai tài gái sắc”, nên giá trị của đàn ông chẳng phải ở bên ngoài như đám hồng nhan.

Bộ đạo bào xanh còn lấm bụi đường chứng tỏ cái kẻ muốn thành tiên kia vừa trải qua một cuộc hành trình thiên lý. Chàng đạo sĩ dừng cương trước Kiều Hương đại phạn điếm, cẩn thận đọc kỹ mảnh giấy lớn dán cạnh cửa quán rồi mới xuống ngựa. Trên giấy ấy ghi rằng:

“Bổn điếm có bán cả những món chay ngon nhất Hồ Bắc”

Té ra chàng đạo sĩ này ăn chay chứ không phải lén phá giới khi có dịp hạ sơn.

Gia tiểu nhị hớn hở chạy ra đỡ lấy dây cương và hớn hở nói:

– Đạo trưởng cứ yên tâm món chay của bổn quán lừng danh mấy chục năm, từng được thượng tổ của phái Võ Đương khen ngợi.

Chắc là gã ta không dám nói láo vì trong quán đang hiện diện khá đông những đạo sĩ của núi Võ Đương.

Rất dễ nhận ra đám đồ tử đồ tôn của Trương Tam Phong vì thời ấy họ mặc đạo bào trắng, vạt áo trước và lưng áo đều có thêu hình thái cực đồ bằng chỉ màu tím than.

Phái Hoa Sơn chọn áo xanh nhạt, hình thái cực màu đen. Phái Toàn Chân chọn đạo bào màu vàng đất. Còn Thiên Sư giáo thì chọn đạo bào đủ màu song thêu hình bát quái bằng chỉ đen.

Riêng chàng đạo sĩ mới xuất hiện thì chẳng rõ được chi phái nào, trong đạo giáo và đạo bào không một nét thêu thùa, đầu không mũ mạo. Nhưng kiểu áo và búi tóc thì đúng là kẻ thờ Tam Thanh.

Chàng ta chắc mới xuống núi lần đầu nên cử chỉ rụt rè, thận trọng, ánh mắt bỡ ngỡ và đầy vẻ háo hức, tò mò.

Đám đệ tử Võ Đương trong quán cũng hiếu kỳ, chăm chú nhìn kẻ mới đến vì phát hiện chàng kia không cùng môn phái. Họ thắc mắc và cố đoán xem đối phương xuất thân từ cửa nào.

Nhưng tất nhiên những thực khách quay lưng ra ngoài thì không thấy và không để ý Nền văn hóa hơn bốn ngàn năm chẳng hề giúp cho người Trung Hoa bỏ được cái tật khạc nhổ bừa bãi. Họ thản nhiên gieo cái thứ đờm dãi nhầy nhụa ấy chung quanh chỗ mình ngồi, nhất là trong quán.

Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com

Bởi thế cho nên sàn gạch của Kiều Hương đại phạn điếm có rất nhiều những vệt xanh vàng nhớp nhúa. Tệ hơn thế nữa, có kẻ còn quăng vỏ chuối xuống nền nhà, tất nhiên là gần với chỗ ngồi chứ không đến nỗi ra giữa đường đi.

Nhưng khổ thay vị đạo sĩ trẻ không môn không phái mới xuất hiện lại là người ưa sạch sẽ và có thói quen quan sát rất kỹ đoạn đường mà mình sẽ đặt chân. Chàng ta nhăn mặt ghê tởm và cố tránh những cục đờm vương vãi đầy mặt đất. Dáng đi ngập ngừng xiêu vẹo ấy khiến thực khách cười thầm.

Tiếc rằng lại có nhiều kẻ mới ra đời sinh nhầm phải ngôi sao xấu, vận mạng đen đủi thì dù có cẩn thận cách mấy cũng hoài công, khi chàng đạo sĩ trẻ tuổi bước xéo sang mé hữu để tránh vài bãi đờm thì tình cờ có một thực khách khoan khoái buông rơi cái vỏ chuối, đúng vào vị trí mà bàn chân phải của chàng đạo sĩ đặt xuống. Thế là nạn nhân trượt chân, ngã sấp mặt xuống nền gạch vừa dơ vừa cứng.

Giờ thì chúng ta đã biết kẻ xui tận mạng ấy là Quách Tử Khuê chứ chẳng còn ai vào đây nữa. May thay, hiện nay Tử Khuê đã có một bản lĩnh võ nghệ cao siêu, phản ứng cực kỳ nhanh nhẹn. Chàng lập tức vươn tay hữu, hai ngón trỏ và giữa điểm xuống mặt gạch đẩy ngược thân thể đứng lên song mảnh vỏ chuối vẫn còn dính ở đế giày phải nên chân phải chàng trượt về phía trước, khiến người suýt ngã ngửa. Tử Khuê loạng choạng một hồi mới vững tấc, mặt đỏ gay vì hổ thẹn và vì tiếng cười nắc nẻ của gần trăm thực khách.

Tử Khuê lúng ta lúng túng bước thêm ít bước đến ngồi ở một bàn trống.

Chàng gọi cơm chay vừa ăn vừa ngao ngán cho cái số mạng đen như mõm chó của mình. Song chàng nhớ lời dạy của ân sư và thôi không rầu rĩ nữa.

Vu Mộc chân nhân đã từng bảo rằng: “Trong phúc có họa nên người đắc phúc chớ vội mừng. Trong họa có phúc nên người xui xẻo chớ nên buồn. Do đó bậc Chân nhân sống bình dị mà đợi mệnh trời, xem sinh tử, họa phúc, được mất chỉ là một”.

Nghĩ đến đây chàng thanh niên nở một nụ cười rất tươi khiến vài vị đạo cô Võ Đương phải xao xuyến. Nãy giờ họ len lén liếc nhìn vị đạo hữu lạ mặt với ánh mắt ái mộ. Chàng ta có gương mặt rất dễ mến và một vẻ rụt rè, nhút nhát khiến các nàng nữ hiệp hào khí can văn sinh lòng thương xót, muốn ra tay chỉ dạy, bao bọc. Song họ chợt phát hiện ra rằng đối phương có nụ cười đầy nam tính và vô cùng quyến rũ.

Phái Võ Đương không cấm đệ tử kết hôn nên các nữ đạo cô đua nhau hạ sơn hành hiệp tìm cho mình một tấm chồng ưng ý. Bọn nam đạo sĩ cũng thế, khiến cho lượng hiệp khách xuất thân từ Võ Đương rất đông gây dựng thanh danh môn phái ngày càng hiển hách.

Tất nhiên là những người này xuất thân từ nhà giàu khá giả mới có tiền mua ngựa và lộ phí để tiêu xài trên đường phiêu bạt. Kẻ xuất gia chân chính thường nghèo rớt mồng tơi. Do đó, đại đa số hiệp sĩ Võ Đương dương danh chốn giang hồ đều là đệ tử tục gia.

Lúc còn học nghệ trên núi thì họ mặc đạo bào, ăn chay, tụng kinh song khi hạ sơn thì chẳng cần giữ giới. Họ mặc những bộ võ phục bằng gấm lụa thượng hạng nhưng vẫn chuộng màu trắng hoặc tuyệt bạch và vạt áo thêu một hình thái cực dồ tím nhỏ cỡ bàn tay. Được làm đệ tử phái Võ Đương là một vinh dự rất lớn.

Võ Đương ẩn mình trong địa phận Hồ Bắc nên các nhà quyền quý giàu có đều gởi con em đến học võ. Đây cũng là một kế sách lâu dài trong kinh doanh vì khi gặp nạn có thể cầu cứu phái Võ Đương hỗ trợ.

Điểm khá đặc biệt cần lưu ý là số nữ đệ tử tục gia của núi Võ Đương rất đông, hơn hẳn các phái trong thiên hạ. Điều này không khó hiểu vì nữ nhân chẳng thể múa côn, múa thương hay đánh đao được. Vũ khí thích hợp với họ chính là trường kiếm. Mà kiếm thuật của Trương Tam Phong thì đứng đầu võ lâm. Cho nên cả những người ở xa Hồ Bắc cũng lặn lội đến núi Võ Đương xin học nghệ.

Những kiến thức ấy Quách Tử Khuê được ân sư truyền thụ lại. Vu Mộc chân nhân đã đem kinh nghiệm giang hồ mấy chục năm dốc vào cái đầu non nớt của chàng.

Giờ đây, Tử Khuê thích thú quan sát những bậc anh hùng trẻ tuổi của phái Võ Đương một cách kín đáo, tế nhị, vì sợ họ nổi giận.

Chàng lắng nghe và biết họ đều từ phương xa, trở về để dự lễ thượng thọ bảy mươi mốt của Chưởng môn nhân vào ngày đầu tháng mười một, tức ngày mai.

Tử Khuê bất giác sinh lòng ngưỡng mộ những bậc hiệp sĩ trẻ tuổi ấy và ước ao được như họ. Chàng chỉ ái ngại rằng võ nghệ của mình còn kém cỏi, chẳng thể vẫy vùng ngang dọc như đám đệ tử Võ Đương kia, Tử Khuê không biết rằng bản lãnh của chàng hiện nay còn cao hơn vài cao thủ lão thành phái Võ Đương.

Vu Mộc chân nhân suốt đời khiêm tốn, luôn bịt mặt lúc so tài với các cao thủ trong thiên hạ, chủ yếu để nghiên cứu võ thuật, nên khi thấy đủ là nhận bại và rút lui. Do đó Chân nhân chẩng có tiếng tăm gì và rất ít người biết bản lãnh siêu quần bạt tụy của ông.

Tất nhiên, Chân nhân cũng không khoe với đồ đệ mình là Võ lâm Đệ nhất cao thủ, lại còn dặn dò Tử Khuê phải thận trọng, khiêm cung để toàn sinh.

Tử Khuê cũng không tránh khỏi rung động trước vài gương mặt xinh đẹp trong đám đạo cô phái Võ Đương. Chàng đang tuổi hoa niên, lòng dễ bị xao xuyến trước nhan sắc của nữ nhân.

Các nàng cũng phát hiện ánh mắt ái mộ của chàng nên cũng đã ban phát vài nụ cười khuyến khích khiến trái tim chàng trai khờ khạo đập liên hồi.

Tử Khuê đang ngây ngất hưởng thụ cảm giác ôn nhu ấy thì nghe cả quán kêu lên:

– Võ Đương Thần Kiếm!

Và gần trăm đệ tử Võ Đương cả nam lẫn nữ nhất loạt đứng lên, hoan hỉ gọi léo nhéo, chào đón vị khách mới đến. Kẻ thì sư huynh, người sư đệ… om sòm cả phạn điếm.

Cao giọng nhất vẫn là bọn đạo cô, ai cũng rống lên như sợ mất phần vậy. Tử Khuê bị bỏ rơi chìm vào cảm giác ê chề, hụt hẫng. Chàng ngán ngẩm dõi mắt quan sát người mới đến. Nhận ra Võ Đương Thần Kiếm là một nam nhân khả ái ngời ngời. Gã ta tuổi độ tam thập thân hình cao lớn tráng kiện và mặt mũi thì đẹp như tiên, phong thái của gã hiên ngang, oai vũ và không kém phần văn nhã. Loại nam nhân như Võ Đương Thần Kiếm có thể chinh phục bất cứ trái tim nữ nhân nào dù là tiết hạnh khả phong.

Tử Khuê nhờ sự giáo huấn của sư phụ mà rành rọt lai lịch hầu hết các cao thủ thành danh trong thiên hạ. Chàng hiểu Võ Đương Thần Kiếm tên gọi Mộ Duy Lộ, ba mươi hai tuổi, con nhà đại phú đất Nghi Xương. Mộ Duy Lộ mang vạn lượng vàng đến bái sư, nên được Chưởng môn phái Võ Đương là Văn Thiện Tử đặc cách nhận làm đệ tử tục gia. Theo quy củ của Võ Đương thì học trò Chưởng môn bắt buộc phải xuất gia, suốt đời chay tịnh.

Mộ Duy Lộ có căn cơ võ học rất tốt, lại siêng năng cần mẫn, nên bản lĩnh tăng tiến mau chóng vượt xa bạn đồng môn. Sau mười năm rèn luyện, võ công của gã chỉ thua Vân Thiên Tử và bốn vị sư thúc. Mộ Duy Lộ được xem là đóa kỳ hoa của phái Võ Đương, ai nấy đều yêu mến.

Gã hạ sơn năm hai mươi bốn tuổi, ngang dọc giang hồ trừ gian, diệt bạo, cứu khổ phò nguy, được đời ca tụng là Võ Đương Thần Kiếm.

Tóm lại, Mộ Duy Lộ là kẻ da bọc điều, có đủ những điều kiện tốt nhất, dung mạo, gia thế, võ công, thanh danh. Bởi vậy cho nên gã trở thành thần tượng của mấy trăm nữ đệ tử chưa chồng phái Võ Đương, cũng như rất nhiều khuê nữ khác ở đất Hồ Bắc.

Khổ thay, Mộ Duy Lộ lại kiêu ngạo phi thường chẳng chịu trao trái tim mình cho bóng hình nào cả. Gã luôn dịu dàng, hòa ái vá vui vẻ đón nhận nhũng hiến dâng mà không hề hứa hẹn hoặc vướng vào lưới nhện của ai. Mộ Duy Lộ đã lần lượi bỏ rơi vài tá nữ nhân song chẳng hề mang tiếng háo sắc hay bạc tình. Nạn nhân lặng lẽ chấp nhận thiệt thòi và còn xem đoạn ân tình ngắn ngủi kia là kỷ niệm khó phai. Nghĩa là Mộ Duy Lộ đã đạt đến trình dộ thượng thừa của nghệ thuật chinh phục đàn bà.

Tử Khuê cay đắng hiểu rằng mình hoàn toàn thua sút cái gã chết tiệt Mộ Duy Lộ kia. Song chàng chợt cau mày khi nhớ lại lời nhận xét của ân sư. Vu Mộc chân nhân đã nói thế này: “Bậc quân tử không lấy cái mình không đáng được nhận, Mộ Duy Lộ là kẻ bất nhân, bất nghĩa nên mới lường gạt đám thiếu nữ ngây thơ, khờ dại. Sau này thanh danh Võ Đương sẽ vì hắn mà tan nát”.

Tử Khuê thở dài tiếc cho một bậc tài mạo xuất chúng chỉ vì tâm bất chính mà sa vào ma đạo, trở thành tai họa của nhân quần xã hội. Và chàng cũng thầm cao hứng, tự nhủ rằng mình hơn được đối phương ở phần nhân phẩm. Đố kỵ và so sánh là cố tật của loài người, nhất là kẻ thanh xuân, những kẻ chưa hiểu rõ chính mình cũng như cuộc thế vô thường này.

Tử Khuê bình tâm quan sát cái cảnh Võ Đương Thần Kiếm tiếp xúc với đồng môn. Mộ Duy Lộ có giọng nói trầm ấm, ngọt như mía lùi, ngôn từ thì khôn khéo, dí dỏm, khiến người nghe phải ngất ngây. Còn ánh mắt gã nhìn các đạo cô thì chan chứa ân tình như gọi mời, như hò hẹn. Với phong thái ấy, gã chẳng cần phải tán tỉnh cũng có nhiều nàng xuân nữ hiểu lầm mà trao trọn trái tim non. Nhưng Mộ Duy Lộ rất khôn ngoan, luôn giữ phương châm: “làm đĩ chín phương, chừa một phương lấy chồng”, nghĩa là gã không bao giờ dây dưa đến đám nữ đồng môn.

Sắp đến giữa giờ Ngọ thì Kiều Hương đại phạn điếm có thêm vài chục thực khách, đa số là đại biểu của những phái, bang hội lớn như Thiếu Lâm, Hoa Sơn, Toàn Chân, Thiên Sư giáo, Võ Đương.

Quang Hóa là khu thị đô duy nhất nằm gần Võ Đương nên các khách khứa phải ghé đây ăn bữa trưa rồi lên núi. Nhưng cũng có những người ở lại đây đến sáng mai, sẽ chẳng dại gì đi sớm để phải nuốt những món chay nhạt nhẽo và giữ vẻ trang nghiêm trên thánh địa của đạo giáo.

Khách đến chúc thọ đều thuộc hạng trưởng bối nên đám đệ tử Võ Đương phải một phen khom lưng thí lễ. Qua những lời xưng hô, chào hỏi ấy, Tử Khuê biết được thân phận của các vị khách mới đến. Chàng phấn khởi trố mắt nhìn những bậc cao nhân với niềm tôn kính, định đứng lên thi lễ song họ lại chẳng màng đến nên thôi.

Phái Võ Đương đang thời kỳ hùng mạnh, cùng Thiếu Lâm tự nhận lời tôn xưng “Thái Sơn Bắc Đẩu”. Vân Thiên Tử còn là người đứng đầu Hội đồng Võ lâm nên năm vị Chưởng môn kia đều đích thân đến mừng thọ. Họ gồm có:

– Đại Giác thiền sư, Phương trượng của chùa Thiếu Lâm.

– Tùng Xuân Tử, Chưởng môn phái Toàn Chân.

– Trúc Lâm Tử, Chưởng môn phái Hoa Sơn.

– Huyền Thiên Chân Quân Tương Sách, tức Trương Thiên Sư của núi Long Hổ sơn.

– Thất Bổng Cái Thạch Kính Tường, Bang chủ Cái bang.

Năm người này là tôn sư các phái lớn nên đều có tùy tùng theo hộ vệ, hầu hạ, cho nên nhân số mới lên đến hơn hai chục người.

Kiều Hương đại phạn điếm tuy chỉ có một tầng song rất rộng rãi, bày đủ sáu chục bàn, chẳng sợ thiếu chỗ.

Võ Đương Thần Kiếm lập tức đến bàn của năm vị Chưởng môn để vấn an.

Tuy thuộc hàng hậu bối song gã được họ đối xử rất trọng hậu vì những khoản cúng đường rất lớn của Mộ Dung gia trang.

Bản thân kẻ tu hành thì không cần vàng bạc nhưng sự tồn tại của một môn phái lại đòi hỏi ngân sách dồi dào.

Mộ Duy Lộ đã thi hành chiến thuật “phóng tài hóa thu phục nhân tâm”.

Gã mua chuộc Hội đồng Võ lâm y như mua những nàng trinh nữ trong đời mình. Võ Đương Thần Kiếm không đồng hành với nữ nhân nào quá ba tháng.

Trong thời gian ấy gã cung phụng cho nữ nhân vàng bạc, châu báu, lụa là, gấm vóc, những món ăn sơn hào hải vị và những cuộc du ngoạn đắt tiền. Không một nữ nhân nào có thể từ chối những tặng vật hậu hĩnh ấy cả. Thích ăn ngon, mặc đẹp, đeo nữ trang chính là bản năng của đàn bà.

Nữ nhân say đắm Mộ Duy Lộ vì gã tài mạo song toàn và cũng vì cảm kích trước những ân sủng. Họ mê muội hiến dâng để rồi nuốt lệ chia tay. Họ cắn răng chấp nhận vì Mộ Duy Lộ tuyên bố trước rằng gã sẽ sống độc thân đến tuổi tứ tuần để hoàn thành lý tưởng là người hiệp nghĩa cứu khổ phò nguy, giáng ma vệ đạo.

Phải chăng chính những nữ nhân kia cũng có lỗi khi để những cám dỗ vật chất xa hoa và cái đẹp mã của kẻ bạc tình mê muội?

Tử Khuê đang miên man suy nghĩ như thế thì giật mình bởi tiếng ghế khua. Tất cả thực khách đã rời vị trí kẻ đứng người quỳ để đón tiếp ai đó. Chỉ có các trưởng lão Chưởng môn mới được phép đứng, kỳ dư đều phải dập đầu hành lễ.

Tử Khuê nhận ra nhân vật được tôn kính cực kỳ ấy là một lão đạo sĩ áo đen cao gầy, râu tóc hoa râm, tuổi độ thất tuần. Gương mặt xương xương của lão vô cùng lạnh lẽo, còn ánh mắt thì sang quắc không kém phần lãnh đạm.

Tử Khuê bối rồi nhưng vẫn đứng lên chắp một tay nghiêng mình thi lễ theo lối đạo gia. Chàng cho rằng đối phương nhỏ tuổi hơn sư phụ mình nên chưa xứng với đại lễ. Hơn nữa, song phương chẳng hề quen biết.

Phương trượng Thiếu Lâm tự đã lên tiếng:

– A Di Đà Phật. Bần tăng vui mừng vì được diện kiến Thánh Y. Không ngờ lão thí chủ lại hạ cố di giá đến chúc phúc cho Vân Thiên Tử đạo huynh.

Nghe xong Tử Khuê lập tức nhớ ra lai lịch của lão đạo sĩ áo đen. Ông ta chính là Cửu Hoa chân nhân Cổ Sĩ Hoành, tuổi độ bảy tư.

Đầu Hạ năm năm trước, tức năm Kỷ Dậu, nhân dịp khánh hạ tân đại hồng chung của Thiếu Lâm tự, Chưởng môn, long đầu các phái lớn trong võ lâm đã đến chúc mừng, đồng thời bàn bạc việc tổ chức Đại hội Võ Lâm sang năm.

Nào ngờ một ác ma bị truy tung nhiều năm, đột nhiên xuất hiện để báo thù. Độc Tu La Địch Thăng đã ném vào giữa khu hành lễ một quả “Vong Mệnh thần lôi” làm cho hơn trăm người thọ hại, trong đó hầu hết là những đại nhân vật câc phái, kể cả Hội đồng Võ lâm.

Độc Tu La bị những người ở vòng ngoài vây chặt uy hiếp sinh mạng của lão để đổi lấy thuốc giải. Nhưng Địch Thăng đã ngạo nghễ tuyên bố rằng chất độc kia trên thế gian không ai giải được, rồi lão tự sát.

Diệu Thủ Thần Cơ Tư Mã Uy được mời đến song cũng phải bó tay, và các nạn nhân chỉ còn cách nằm chờ chết. Họ không chết ngay mà ngắc ngoải hàng tháng trong cảm giác đau đớn vô biên.

May thay, Cửu Hoa chân nhân đã lên núi Tung Sơn, đối chứng lập phương, tìm ra giải dược cứu đủ một trăm sáu mươi bốn tinh hoa của võ lâm.

Cửu Hoa chân nhân không chịu nhận bất cứ sự đền ơn nào, chỉ lạnh lùng bảo rằng: “Bần đạo chỉ cần chư vị học lấy đức khiêm cung như thế là đã đủ”.

Kể từ lúc ấy, Cửu Hoa chân nhân được tôn xưng là Thánh Y và được hưởng sự tôn kính tuyệt đối của hội đồng Minh chủ. Nhưng ông ta ít khi xuống núi nên mọi người chẳng có nhiều dịp để tỏ ra khiêm tốn.

Nhắc lại sau khi nghe xong câu nói của Đại Giác thiền sư, Cửu Hoa Thánh Y phất tay áo nghiêm nghị trách:

– Đức khiêm cung hiện hữu ở trong tâm chứ không phải ở lễ nghi lạy lục.

Thi lễ mà không lòng kính thì cũng vô ích.

Rồi ông chỉ vào Tử Khuê mà nói tiếp:

– Tiểu tử kia không quỳ, nhưng lại là kẻ chí thành.

Lời chê trách của Chân nhân đã khiến các Chưởng môn và đệ tử của sáu phái bẽ bàng, bực bội nhìn cái kẻ đã được khen, khiến Tử Khuê ngượng ngùng đỏ mặt.

Thất Bổng Cái Thạch Kính Tường là bằng hữu thâm giao với Cửu Hoa chân nhân, dù nhỏ hơn gần chục tuổi. Chính vì thế mà đệ tử Cái bang mới biết Cổ Sĩ Hoàng tinh thông y học, đi mời đến chữa trị cho Bang chủ và những nạn nhân khác.

Thất Bổng Cái quá rõ tính nết quái dị của Cửu Hoa chân nhân, liền cười khanh khách bảo:

– Này Cổ chân nhân! Chẳng qua gã mũi trâu trẻ tuổi ấy không thuộc những phái đã chịu ơn ông nên chẳng thèm lạy lục đấy thôi.

Cửu Hoa Thánh Y lộ vẻ ngạc nhiên thất vọng:

– Thế mà ta nghĩ môn phái Võ Đương đã sản sinh được một nhân tài xuất chúng, trăm năm có một.

Câu này như gáo nước lạnh dội vào đầu bọn đệ tử Võ Đương đang hiện diện.

Mộ Duy Lộ là người kiêu ngạo, bước ra vòng tay nói:

– Nhân tài núi Võ Đương nhiều như lá mùa thu, ngay đệ tử đây tuy kém cỏi song cũng tự thấy mình chẳng thua sút vị đạo hữu kia ở điểm nào.

Đám nữ đệ tử Võ Đương phấn khởi cổ vũ cho thần tượng:

– Đúng vậy không thể thua được.

Cửu Hoa chân nhân ngắm nghía Mộ Duy Lộ một lúc rồi cười ruồi:

– Ngươi cũng là kẻ căn có thượng phẩm, nhân tài của võ lâm. Song ngươi vì quen thói tham hoa luyến sắc nên nhân phẩm và võ nghệ đều sa sút. Bần đạo e rằng ngươi không duy trì nổi ba khắc khi chạm trán với con cọp non kia.

Mộ Duy Lộ bị chê bai quá cỡ như vậy nên lửa giận bừng bừng, mặt đỏ gay, gã cười nhạt đáp:

– Nếu đệ tử không duy trì nổi ba khắc thì nguyện sẽ phế bỏ danh hiệu Võ Đương Thần Kiếm.

Cửu Hoa chân nhân lạnh lùng lắc đầu:

– Cái hư danh kia dẫu mất hay còn cũng không quan trọng. Bần đạo chỉ muốn ngươi bế quan vài năm, nên luyện thêm võ nghệ và tu dưỡng đạo đức, hầu sau này trở thành người hữu dụng. Tám năm qua ngươi đã tạo nên biết bao nhiêu nghiệp chướng, sắp đến lúc nhận lấy quả xấu.

Lời chính khí ấy khiến toàn trường chết lặng song không cảnh tỉnh nổi kẻ u mê. Mộ Duy Lộ nhếch mép cười ngạo nghễ:

– Cảm tạ bậc trưởng bối đã quan hoài. Song đệ tử tự xét mình vô tội chẳng có gì phải sợ hãi cả. Tuy nhiên đao kiếm vốn vô tình, nếu lần này lỡ tay đả thương hay sát hại vị đạo hữu kia thì xin Chân nhân lượng thứ cho.

Đôi mắt đẹp của gã lộ đấy sát khí khiến Tử Khuê sợ nhũn cả người.

Chàng vội lung túng thoái thác:

– Bẩm Cổ tiền bối. Đệ tử là Vu Diệp, tuổi mới hai mươi, học võ công chỉ vài năm chẳng thể nào địch lại một cao thủ lừng danh như Mộ Duy Lộ thí chủ đây. Đệ tử xin phép được cáo thoái.

Cửu Hoa chân nhân trừng mặt nạt:

– Khiêm tốn là điều tốt song không được nhút nhát. Bần đạo đã nhìn người là chẳng thể lầm được.

Tử Khuê rầu rĩ biện bạch:

– Tiền bối mới gặp đệ tử lần đầu, làm sao biết được bản lĩnh của kẻ hèn này cao thấp thế nào?

Tùng Xuân Tử Chưởng môn phái Toần Chân ngơ ngác hỏi chàng:

– Té ra ngươi và Cửu Hoa Thánh Y chẳng hề quen nhau sao? Thế mà nãy giờ bần đạo cứ ngỡ hai người cố tình bày trò giễu cợt Mộ Duy sư điệt.

Tử Khuê ấp úng đáp:

– Bẩm tiền bối. Đệ tử mới hạ sơn được nửa tháng, nào có quen biết ai.

Thất Bổng Cái phá lên cười sằng sặc, nói với Cửu Hoa chân nhân:

– Này Cổ đạo huynh. Xem ra cái phép xem tướng gà của ông đã hết thời rồi. Sao lại nhìn gà mái ra gà trống.

Toàn trường ồ lên cười khoái trá, mỉa mai Cổ Sĩ Hoàng. Nhưng Cổ chân nhân vẫn thản nhiên, dịu giọng hỏi Tử Khuê:

– Vu Diếp sư điệt phải chăng song thân ngươi vẫn còn.

Vu Diệp chính là đảo chuyển của Quách Tử Khuê, do chàng cầu khấn sư phụ ban cho. Tuy không xuất gia song Tử Khuê vẫn tự xem mình là một đệ tử Tam Thanh.

Tử Khuê nghe hỏi vậy bỡ ngỡ trả lời:

– Bẩm tiền bối. Quả đúng như thế.

Cổ chân nhân hài lòng, gật gù nói tiếp:

– Vậy thì ngươi hãy nhận lời giao đấu cùng gã Mộ Duy Lộ để thực hiện lòng hiếu thảo với song thân. Bất kể ngươi thắng hay bại, bần đạo cũng sẽ ban cho hai viên “Trường Thọ đan”, giúp lệnh huyện đường kháng kiện và sống thọ quá chin mươi.

Tử Khuê choáng váng trước đề nghị hấp dẫn kia, tim đập thình thịch, cứ phân vân chẳng biết phải làm sao. Chàng hiểu rằng hai viên linh đan nọ cực kỳ quý giá và rất cần cho cha mẹ mình. Vả lại, phụ thân chàng tuổi đã cao, thường xuyên bệnh hoạn, lòng hiếu thảo đã khiến Tử Khuê bớt sợ hãi rụt rè hỏi lại:

– Bẩm tiền bối. Có đúng là dẫu bại cũng được linh đan hay sao?

Cổ Sĩ Hoàng gật đầu, móc ra chiếc lọ ngọc bước đến trao cho chàng và bảo:

– Đây là hai viên “Trường Thọ đan” cuối cùng của bần đạo. Ngươi hãy giữ lấy trước để yên tâm tham chiến.

Tử Khuê ngập ngừng thò tay nhận lấy cẩn thận nhét vào dải thắt lưng quần. Bỗng chàng nghe bên tai có tiếng người thì thầm, nhỏ như tiếng muỗi vo ve:

– Vu Diệp sư điệt! Bần đạo chính là Kỳ Hoàng chân nhân, sư thúc của ngươi đây. Nay Mộ Duy Lộ đã sa vào tà đạo làm nội gián cho ác ma. Do đó, sư điệt phải vì võ lâm mà nỗ lực. Ngươi hãy dùng “Thao Quang thần thức”, âm thầm điểm vào bốn huyệt Trung Chu, Duy Đạo, Phúc Kết, Ngoại Lăng trên bụng của y. Sau đó, sư điệt bãi chiến và nhận bại.

Tử Khuê cố nén nỗi vui mừng bởi tìm được vị sư thúc hành tung kỳ bí, đúng như di ngôn của ân sư dặn dò. Đồng thời, chàng cũng thêm phần tự tin vào bản lãnh vì biết sư thúc chẳng bao giờ đưa mình vào chỗ chết. Nghĩa là ông biết chàng có thể thắng được Mộ Duy Lộ. Và nếu như làm được điều ấy thì quả là tuyệt diệu.

Tử Khuê nghe bầu nhiệt huyết sôi lên, khẽ gật đầu tỏ vẻ đã thông suốt.

Toàn bộ thực khách rời quán, kéo ra mảnh đất rộng phía sau. Nơi này trước đây có lẽ là vườn hoa song giờ đã thành chốn đậu xe và cột ngựa. Dọc theo hai bức tường Đông Tây là dãy chuồng ngựa san sát.

Năm nay tuyết rơi muộn song trời vẫn lạnh căm căm, cây cỏ tiêu điều xơ xác, ánh dương nhạt nhòa dù là đang giờ Ngọ.

Võ Đương Thần Kiếm cởi chiếc áo khinh cừu trắng muốt trao cho một đồng môn. Là đệ tử tục gia nên Mộ Duy Lộ không mặc đạo bào. Bộ võ phục màu nguyệt bạch, bằng gấm Hàng Châu thượng hạng, mép vạt thêu hoa văn chỉ tím ôm sát lấy thân hình cường tráng của gã và làm nổi bật lên những cơ bắp cuồn cuộn.

Tử Khuê không có áo cừu để cởi vì đã quen với cái lạnh thấu xương của vùng núi non Tứ Xuyên. Chàng đã nhường áo lông cừu của mình cho sư phụ.

Giờ đây, trong tấm đạo bào thùng thình bằng vải xấu, trông chàng chằng chút oai phong, kém xa đối thủ.

Đứng trước một cao thủ thành danh và cao lớn hơn mình, trong lòng Tử Khuê không khỏi có chút lo lắng, sợ hãi. Nhất là khi bọn đệ tử Võ Đương cứ ngoác miệng cổ vũ cho Mộ Duy Lộ. Nhưng bỗng Tử Khuê phát hiện trong hàng ngũ đối phương có một cặp mắt nhung huyền đang nhìn mình một vẻ khuyến khích, mong đợi.

Đấy là một đạo cô tuổi độ đôi tám, đôi chín, đầu mũ vải đen, chứng tỏ đã xuất gia chứ không phải tục gia đệ tử.

Nhan sắc của nàng ta không rực rỡ, sắc sảo song ngũ quan đoan chính, trán cao thanh thoát. Và ánh mắt này rất sinh động, tựa như biết cười, biểu lộ một tính cách tinh minh, thông tuệ.

Khi nhận ra Tử Khuê nhìn mình, vị tiểu đạo cô kia đã nở nụ cười ấm áp rồi nháy mắt vời chàng.

Tử Khuê ngây ngất và nghe dũng khí hừng hực lan tỏa khắp châu thân.

Chàng không thể để mất mặt với kẻ đã ngưỡng mộ mình.

Thực ra, Tử Khuê không phải kẻ hèn nhát. Chẳng qua suốt một thời thơ ấu, chàng luôn gặp tai họa và luôn được mẫu thân dặn dò cẩn trọng, nên đởm lược tiêu tan. Nay có người này đỡ tinh thần, Tử Khuê vượt qua được sự e dè thiếu tự tin, bình thản bước vào cuộc chiến.

Chàng rút kiếm ra, nghiêm trang dựng trước mặt. Chuôi kiếm bằng đồng đã lạnh tanh vì gió đông làm tê cả lớp da lòng bàn tay hữu. Nhưng chính hơi thép lạnh đã biến Tử Khuê thành một người khác.

Tổng cộng, chàng đã có mười hai năm khổ luyện kiếm thuật, nhờ ngộ tính cao mà đạt đến trình độ thượng thừa, tâm và kiếm hòa làm một. Giờ đây, lòng chàng phẳng lặng như gương, không chút bụi tạp niệm và tất nhiên chẳng còn cảm giác sợ hãi.

Hơn nữa, thanh trường kiếm này vốn là vũ khí tùy thân của mẫu thân chàng năm xưa. Trước khi rời bỏ kiếp giang hồ, Băng Tâm Ma Nữ Kỹ Thanh Lam đã đến Vũ Lương sơn thăm Vu Mộc chân nhân và gởi bảo kiếm.

Tử Khuê kính yêu từ mẫu nhất trên đời và hãnh diện về quá khứ oai hùng của bà như bất cứ đứa trẻ nào khác. Kỹ nương chỉ tiêu diệt kẻ ác và chưa hề giết lầm. Có điều là thủ đoạn của bà quá quyết liệt, không phù hợp với đức hiều sinh của trời đất.

Giờ đây, Tử Khuê không thể làm nhục lưỡi gươm hào hùng của mẫu thân. Có thể là do chưa hề gặp cường địch nên Băng Tâm Ma Nữ luôn chiến thắng. Tử Khuê là người học đạo tất biết về thịnh suy tiến thoái, không mong trở thành vô địch, song ít nhất là phải thấng ở trận đấu đầu đời.

Hữu xạ tự nhiên hương. Nhưng bản lãnh của người kiếm sĩ cũng tựa như hương thơm kín đáo của một loài hoa lạ, chỉ có những cái mũi tinh tế mới nhận ra được.

Năm vị Chưởng môn nhân ngạc nhiên trước khí thế bất phàm của chàng kiếm thủ trẻ măng, bèn quay lại nhìn Cửu Hoa Thánh Y với vẻ nghi ngờ.

Thất Bổng Cái vốn là người thẳng thắn, lên tiếng hỏi ngay:

– Này Cổ chân nhân! Gã tiểu tử Vu Diệp kia là học trò của bậc kỳ nhân nào mà lại có bản lĩnh kiếm thuật cao siêu như thế. Và phải chăng ông định mượn tay y để giết Mộ Duy Lộ?

Cửu Hoa chân nhân nghiêng người thì thầm vào tai người bạn vong niên, nghe xong, Thất Bổng Cái tái mặt than:

– Chẳng lẽ có việc ấy sao?

Và Bang chủ Cái bang vội đi rỉ tai bốn vị Chưởng môn còn lại, ai nấy đều phiền muộn lo lắng.

Lúc này, Tử Khuê đã xuất chiêu, theo lời mời ngạo nghễ của Võ Đương Thần Kiếm. Chàng nhỏ tuổi hơn nên có quyền ra tay trước.

Tử Khuê không biết mình đã được ân sư truyền cho mười tám năm tu vi, tổng cộng tròm trèm ba chục năm công lực, nên hơn hẳn đối phương. Bởi vậy, Tử Khuê sợ thua thiệt nên đã dồn hết sức vào chiêu “Thanh Long Lộng Nguyệt”.

Mộ Duy Lộ cũng là kiếm thủ tài ba nên lập tức đề cao cảnh giác khi thấy trường kiếm của đối phương hóa thành những chiếc mống bạc và phát ra những âm thanh vun vút, rợn người. Những hiện tượng ấy chứng tỏ Vu Diệp có công lực cực kỳ thâm hậu và đường gươm nhanh tựa sao sa. Chỉ có bậc kiếm sĩ thượng thừa mới tạo ra được màn kiếm ảnh, không còn thấy thân kiếm đâu nữa.

Mộ Duy Lộ càng bội phần khiếp đảm khi những chiếc mống màu bạc kia ập đến nhanh hơn gió. Nghĩa là khinh công của Vu Diệp cũng thuộc hang quán thế.

Mộ Duy Lộ nghiến răng xuất chiêu “Thanh Tùng Nghiêng Vũ”, công thủ vẹn toàn, một trong những chiêu lợi hại nhất của Võ Đương kiếm pháp. Bảo kiếm trên tay gã dệt nên một màn thép dày đặc và tua tủa những mũi thép nhọn hoắt, tựa như tàn lá thông sum suê, rậm rạp đang chào đón trận mưa xuân. Núi Võ Đương trồng rất nhiều cây tùng nên Trương chân nhân đã dùng tên của loài cây ấy đặt cho vài chiêu kiếm.

Song phương chạm mặt, tiếng thép ngân vang, lúc thanh tao, khi chát chúa, nối nhau không dứt. Khách quan chiến có thể thấy rõ là chín đạo kiếm quang như móng rồng của Vũ Diệp đã bao trùm lấy chiếc tán thép xanh biếc quanh người Mộ Duy Lộ.

Những chiếc mống bạc ấy đảo lộn trong không gian, liên tục vươn lên mục tiêu hoặc lượn lờ chẳng khác gì rồng thiêng giữa trăng.

Cảnh tượng này vô cùng ngoạn mục làm say đắm người xem, song Mộ Duy Lộ thì đang sợ đến toát mồ hôi hột. Chiếu móng rồng thứ chín luôn thập thò uy hiếp bảy đại huyệt trên ngực và bụng của gã, trong lúc tám đạo kiếm ảnh còn lại bao vây chặt chẽ, chẳng còn đường tránh né.

Nhưng may thay Mộ Duy Lộ chợt phát hiện đối phương có một sơ hở chết người, liền mau chóng thọc mũi kiếm vào đấy. Quả nhiên Vu Diệp phải thoái bộ, bỏ lỡ chiêu kiếm.

Mộ Duy Lộ phấn khởi xông lên, tấn công bằng chiêu “Thu Phong Xuy Lạp”, ảo diệu và mãnh liệt phi thường. Vu Diệp lập tức bị hạ phong, rơi vào thế thủ.

Bọn Võ Đương mừng rỡ, reo hò vang dội khi thấy gà nhà đang thắng thế.

Quả đúng như vậy, Mộ Duy Lộ đã hiển lộ thần oai, ra đòn như bão táp mưa sa khiến Vu Diệp chẳng thể phản kích được.

Nhưng hai khắc sau, dẫu xuất hạn dầm dề mà Võ Đương Thần Kiếm vẫn không sao đả thương được đối thủ. Gã nóng ruột tăng thêm công lực, cố kết liễu trận đánh.

Chỉ có năm vị Chưởng môn và Cửu Hoa Thánh Y là biết Vu Diệp đang nhường nhịn, cam tâm chịu thế hạ phong. Dẫu chàng có giả vờ lúng túng khi chiết chiêu thì cũng không qua được mắt họ. Tử Khuê vốn là một kịch sĩ hạng bét. Chàng quên rằng một kẻ kém tài chẳng thể duy trì hơn ba trăm chiêu mà không đổ mồ hôi.

Sau lần chạm chiêu đầu tiên Tử Khuê đã biết bản lãnh mình cao hơn Mộ Duy Lộ vài bậc, cả về công lực lẫn nghề đánh kiếm. Vì thế, chàng cố tình lộ sơ hở để đối phương phản kích. Sau đó Tử Khuê giảm bớt chân khí ở tay kiếm, thi triển yếu quyết kiên thủ nhi an, bình thản giải phá những chiêu công quyết liệt của kẻ địch.

Phòng thủ là sở trường số một của Vu Mộc chân nhân. Ông có thể cầm cự hàng ngàn chiêu để nghiên cứu sở học của đối phương. Rốt cuộc, kẻ ấy kiệt sức mà bỏ cuộc, chẳng thèm đánh nữa.

Chân nhân truyền thụ cái công phu nọ cho đồ đệ và Tử Khuê đã từng chịu đựng được những trận đánh dài hàng canh giờ. Do chàng không bị ràng buộc bởi lời thề giới sát nên trong lúc thử có thể phản công khi đối phương sơ hở.

“Thao Quang thần thức” là một môn võ công diệu kì, có riêng những chiêu thuộc về tay tả để sử dụng phối hợp với kiếm pháp.

Tuyệt học của Nga Mi đạo giáo thuở xưa vốn gồm có năm môn: nội công, kiếm thuật, quyền, chưởng, khinh công và y thuật. Lớp đệ tử cuối cùng chính là Vu Mộc chân nhân, Thạch Long chân nhân, Kỳ Hoàng chân nhân tức là Cửu Hoa Thánh Y. Mỗi người đã chọn sở trường cho mình chuyên luyện một hai môn.

Nhắc lại, trận đấu này đã giúp cho Tử Khuê đánh giá đúng bản lãnh vũ nghệ đích thực của mình. Đồng thời chàng cũng phát hiện ra việc đã hoàn thành lớp thứ bảy của “Thao Quang tâm pháp”. Khi vận vào bàn tay tả để điểm huyệt Mộ Duy Lộ, chàng bàng hoàng nhận ra hai tia chân khí mờ nhạt, dài độ hai gang.

Tử Khuê ngờ ngợ hiểu ra, lòng vô cùng đau đớn và tiếc thương sư phụ.

Chàng cố nén thương tâm, khéo léo điểm từng huyệt đạo trên bụng Mộ Duy Lộ rồi tìm cách bãi binh.

Trong giao đấu, kiếm kình cuồn cuộn uy hiếp da thịt nên Võ Đương Thần Kiếm không hề phát hiện cảm giác đau nhè nhẹ khi bị điểm huyệt. Rõ ràng là bàn tay của Vu Diệp chưa hề chạm đến người của gã.

Khi cây hương thời gian sắp cháy đến khắc thứ ba thì Cửu Hoa chân nhân lên tiếng nhắc nhở. Tử Khuê hiểu ý vừa giật lùi vừa nói:

– Tiểu đạo chỉ giỏi nghề thủ thân, có đánh tiếp cũng không đi đến đâu, mong thí chủ tha cho.

Ngoài kia, Cửu Hoa Thánh y cũng cao giọng:

– Thôi đủ rồi! Bần đạo công nhận Võ Đương Thần Kiếm đã thắng. Gã Vu Diệp này cứ như rùa rụt cổ, chẳng phản công được lấy một chiêu khiến người xem phải chán ngán.

Mộ Duy Lộ đang mệt muốn đứt hơi, mừng rỡ nhận lời ngay. Gã nhảy lùi lại tra gươm vào vỏ, ra vẻ kể cả mà khen ngợi Vu Diệp.

– Ngươi cũng là tay khá đấy. Hãy cố rèn luyện nữa nhé.

Chợt gã phát hiện giọng nói mình nặng nhọc, thiếu hơi và toàn thân bải hoải, nhớp nhúa mồ hôi, liền sượng sùng im bặt.

Tử Khuê hiểu thấu tim đen đối phương.

– Tiểu đạo luyện “Đồng Tử công”, không gần nữ sắc nên rất ít mồ hôi.

Mộ Duy Lộ tưởng thật, thầm nghĩ:

– Có lẽ ta phải sống điều độ lại mới được.

Nhưng hình bóng mỹ miều của Đông Nhạc Tiên Hồ hiện ra đầy cám dỗ, khiến gã hiểu rằng mình không thể giảm bớt thú phong lưu. Người đàn bà ấy là báu vật số một thế gian, mỵ lực mê hồn, chỉ nghĩ đến lòng đã nghe rạo rực.

Gã say đắm nàng ta đến mức sắn sàng bán cả hồn phách cho qủy dữ.

Vài ngày sau, Quách Tử Khuê sang đến địa phận Hà Nam, ghé vào huyện Trình ngủ một đêm. Huyện Trình nằm giữa đoạn đường từ Quang Hóa đi Nam Dương.

Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà tên của một dòng họ trở thành tên địa phương.

Số là thế này ngày trước, khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương tấn công thành Nam Dương thì gặp sự kháng cự quyết liệt của quân Mông Cổ.

Thành Nam Dương cực kỳ kiên cố và người Mông thì giỏi nghề cang tiễn. Do đó, Chu Nguyên Chương hao binh tổn tướng rất nhiều, vây hãm thành hàng tháng mà không sao phá được.

Lúc ấy, bỗng có một thế hào ở vùng ranh giới Hồ Bắc-Hà Nam mang gia đình đến hỗ trợ quân Minh. Người này họ Trình, chuyên nghề nuôi ong lấy mật.

Vùng đất từ phía Nam thành Nam Dương đến Quang Hóa nằm trong vùng lưu vực của hai con sông Bạch Hà và Doan Hà nên rất phì nhiêu. Ngày đó rừng ở huyện Trình còn rất nhiều, lại gồm toàn những cây có hoa, nên nghề nuôi ong vô cùng phát đạt và dòng họ Trình làm nghề này lâu đời nhất.

Tổ phụ họ Trình đã mang đến Nam Dương năm mươi đàn ong độc và điều khiển chúng dễ dàng như người ta dạy chó vậy. Mấy vạn con ong vàng đen vằn vện ấy đã vô hiệu hóa bọn cung thủ Mông Cổ trên mặt thành nên quân Minh ung dung cự mộc phá cửa mà vào.

Chu Nguyên Chương vui mừng vô hạn liền ban cho Trình Phú Thứ tước Hoàng Phong Hầu và đất đai. Sau này, khi thống nhất được giang sơn, phân chia địa giới hành chính, huyện Trình đã được thành lập, trực thuộc phủ Nam Dương, tỉnh Hà Nam.

Đấy là chuyện xa xưa, giờ đây người kế thừa của họ Trình là Nữ Hầu tước Trình Thiên Kim, tuổi độ hăm ba.

Trình tiểu thư vẫn tiếp tục nghề nuôi ong mât, song lại còn tổ chức ra một bang hội lấy tên là Hoàng Phong bang. Và đây là bang hội nhỏ duy nhất không thèm đóng góp cho ngân quỹ của Tồng đàn Võ lâm.

Âu Dương Mẫn vô cùng cay cú song phải lờ đi vì cái tước Hầu của Trình Thiên Kim, cũng như những đàn ong độc đáng sợ. Vị nữ Hầu tước ấy chẳng thể dùng độc mà ám toán như đã làm với vài người khác. Còn như vu oan giá họa thì cũng chẳng được vì quan lại địa phương đều là người họ Trình.

Sáng mùng sáu tháng mười một, Tử Khuê rời huyện Thành đi về hướng Nam Dương xế chiều hôm sau thì đến Bạch Ngưu trấn. Đây là nơi mà Hầu phủ và Tổng đàn Hoàng Phong bang tọa lạc. Quanh trấn toàn là rừng xanh và trảng cỏ đầy hoa, chốn kiếm ăn của hàng ngàn đàn ong mật. Mật đắt hơn gạo nên cư dân trong trấn chẳng thèm trồng lúa cứ việc bán mật mà mua ngũ cốc từ địa phương khác.

Tuyết bắt đầu rơi lất phất nên ai nấy đều co ro trong áo bông áo kép, đầu đội mũ lông hoặc nón rộng vành. Mặc nhiên là chẳng ai muốn ra đường trừ phi có việc cần.

Vậy mà cạnh chiếc cổng đá đồ sộ phía nam Bạch Ngưu trấn có mặt hơn tám người cứ đứng phơi mình, mắt hướng về phía hướng nam với vẻ đợi chờ, sốt ruột.

Họ gồm bốn nam, bốn nữ tay cầm cờ, lọng, chiêng, khánh, có lẽ đang chờ để tiếp đón một thượng khách nào đó. Thỉnh thoảng, gió bấc lại thổi tung lá đại kỳ nền vàng ủ rũ, ẩm ướt, để lộ ba chữ màu đen: “Hoàng Phong bang”. Y phục của tám người ấy cũng có màu vàng sậm, thắt lưng đen.

Trong đám người cao niên nhất là một lão nhân tuổi quá sáu mươi, râu ba chỏm điểm bạc. Ông nhăn mặt cằn nhằn:

– Lạ thực! Trương Thiên Sư đã hứa rằng sau ngày khánh thọ Văn Thiên Tử sẽ đích thân đi hoặc cử đệ tử giỏi nhất của mình đến đây, sao giờ vẫn chưa thấy nhỉ.

Bỗng đôi mắt diều hâu của lão sáng lên khi phát hiện bóng dáng một kỵ sĩ đang đi đến. Lão hồi hộp nói với bảy người kia:

– Có lẽ là khách đã đến, các ngươi mau chuẩn bị đi.

Kỵ sĩ áo xanh đang gột tuyết ấy đã đến nơi. Gã ta không mặc áo cừu nên ai cũng thấy rõ bộ đạo bào thùng thình thêu thùa hình Bát Quái.

Lão nhân râu ba chòm cau mày lẩm bẩm:

– Gã tiểu đạo sĩ này tuổi mới đôi mươi, chẳng lẽ lại là đệ tử có pháp thuật cao cường nhất của Trương Thiên Sư. Hay là tài không đợi tuổi? Vả lại, pháp thuật cao thấp là do đạo hạnh, hoặc công lao tu hành kiếp trước, chứ đâu phải võ thuật mà cần nhiều năm khổ luyện.

Lão tự an ủi mình như thế rồi bước ra chặn đầu ngựa của lữ khách, cung kính vòng tay thi lễ:

– Lão phu là Trình Kiếm Các, Phó bang chủ Hoàng Phong bang. Dám hỏi phải chăng đạo trưởng từ Võ Đương sơn đến?

Người bị hỏi chính là chàng trai xui xẻo Quách Tử Khuê của chúng ta. Tử Khuê ngỡ ngàng chắp một tay lên ngực, cúi đầu đáp lễ và đáp:

– Bẩm lão thí chủ!Tiểu đạo Vu Diệp đúng là từ nơi ấy đến.

Lòng chàng rất ngạc nhiên, chẳng hiểu vì sao đối phương lại biết việc ấy.

Trình Kiếm Các mừng rỡ hỏi thêm một cách xã giao:

– Chẳng hay ngọc thể lệnh Giáo chủ có an khang hay không?

Câu này cũng giống như cái cách mà người ta hỏi thăm sức khỏe phụ mẫu của nhau vậy.

Sau khi được Tử Khuê cho biết đương kim Minh chủ Âu Dương Mẫn là lão ác ma Huyết Mai hội chủ năm xưa. Hội đồng Võ lâm vô cùng lo lắng. Họ khẩn khoản mời Cửu Hoa Thánh Y đứng ra chủ trì đại cuộc, tìm cách tiêu diệt đại họa cho võ lâm. Cổ Sĩ Hoàng là người tài trí, đa mưu túc kế lại giỏi y thuật, quả xứng là lãnh tụ của phe Bạch đạo trong sự nghiệp giáng ma.

Cửu Hoa chân nhân đã nhận lời nên Tử Khuê cũng được xem trọng vì là sư điệt. Phần Trương Thiên Sư thì càng yêu mến Tử Khuê khi biết chàng là đệ tử duy nhất của Vu Mộc chân nhân. Trương Thiên Sư đặc biệt kính mến Chân nhân, xem ông là bậc Địa Tiên.

Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm hiện nay của Tử Khuê, Trương giáo chủ đã hăng hái giúp đỡ bằng cách ban cho chàng một tờ “Đạo điệp”. Từ nay Tử Khuê sẽ mang thân phận đệ tử Thiên Sư giáo, đánh lạc hướng kẻ thù.

Vì vậy, giờ đây chàng mặc áo đạo bào thiêu hình Bát Quái và phải ngượng ngùng đáp Trình Kiếm Các như sau:

– Đa tạ lão thí chủ. Gia sư vẫn bình an.

Cho rằng đã đón đúng người, Trình lão hân hoan ra hiệu cho thủ hạ. Thế là ban âm bốn nữ ấy vội khua chiêng gõ khánh ỏm tỏi và mang lọng đến che đầu cho khách.

Phần Trình phó bang chủ thì nắm lấy dây ràng mõm ngựa mà dắt vào trấn. Tử Khuê như người rơi từ cung trăng xuống. Chẳng biết phải phản ứng thế nào, đành bấm bụng để mặc bọn Hoàng Phong bang thực hiện nghi lễ đón khách.

Bách tính ở hai bên đường nghe tiếng chuông khánh vang rần, biết ngay rằng Hầu phủ đã mời được đại pháp sư đến. Họ ùa ra xem, đứng chật cả vệ đường kính cản vái dài, dù lòng thì tự hỏi liệu cái gã đạo sĩ mặt búng ra sữa kia có bỏ của chạy lấy người như những pháp sư khác hay không?

Bang chủ Hoàng Phong bang tức Nữ Hầu tước Trình Thiên Kim đã bị qủy ám ba tháng nay. Thầy thuốc lắc đầu, còn các hòa thượng, đạo sĩ quanh vùng thì tuyên bố bỏ nghề tróc quả.

Người trong Bạch Ngưu trấn vẫn lén gọi Trình Thiên Kim là Trình Giảo Kim. Chẳng phải vì nàng ta có râu hoặc sử dụng búa làm vũ khí, mà vì Nữ Hầu tước ấy tính nóng như lửa. Và khi nàng đã nổi nóng thì còn dữ dằn hơn cả Thiên Lôi, toàn trấn phải đóng chặt cửa nếu không muốn bị mang hoạ. Tuy nhiên, lúc bình thường, Thiên Kim lại cực kỳ nhân hậu, rộng rãi và dễ thương.

Do tính nết như thế nên đến tuổi hai mươi ba mà Trình tiểu thư vẫn chưa chồng. Khi nàng lâm bênh, bị nhốt chặt trong trang, dân trong trấn mới biết họ đều yêu mến nàng. Ngay cả những kẻ từng là nạn nhân cũng vậy. Thiên Kim luôn bồi thường cho khổ chủ với giá gấp ba. Bởi vậy, ai cũng mong cho nàng sớm lành bệnh.

Nhắc lại, Tử Khuê ngồi ngây người như tượng gỗ trên lưng ngựa, đỏ mặt, tía tai vì ánh mắt tò mò hoặc giễu cợi của dân chúng. Chàng tự nguyền rủa thầm cái số mạng đen đủi của mình và thở dài phó mặc.

Lát sau, đoàn người đã về đến phủ Hầu tước, ở giữa trấn cơ ngơi này rất rộng lớn, đầy nét cổ kính nhưng không điêu tàn vì được tôn tạo mỗi năm, dù đã hơn trăm tuổi.

Sân trước của Hầu phủ rộng thênh thang và sâu thăm thẳm, khiến khách phải mỏi chân mới vào đến tòa khách sảnh.

Hầu tước lão phu nhân, mẹ của Trình Thiên Kim ra tận cửa đại sảnh để đón khách. Ánh mắt bà cũng lộ vẻ thất vọng khi thấy vị pháp sư này còn quá trẻ.

Sauk hi chủ khách đã an tọa bên bàn bát tiên, lão thái lập tực trình bày việc ái nữ bị quỷ ám nên bà mới cho người mang thư và lễ vật đến Long Hổ sơn, nhờ Trương Thiên Sư giúp đỡ cứu con gái bà.

Nghe xong, Vu Diệp tá hỏa tam tinh, không ngờ lại rơi vào cảnh ngộ éo le này. Vu Mộc chân nhân sư phụ chàng không hề dạy học trò những phép yếm ma trừ qủy, hoặc nghi thức cúng bái nhưỡng tai, kỳ phúc. Lãnh vực này vốn là của Thiên Sư giáo.

Nay Tử Khuê đã nhận mình là đệ tử của Thiên Sư giáo thì chẳng thể bảo rằng không biết trấn yêu, hàng quỷ. Hơn nữa ánh mắt thiết tha cầu khẩn vì những giọt lệ trên gương mặt nhăn nheo của Trình lão thái đã khiến chàng không thể thoái than.

Tử Khuê ngồi chết lặng, miên man suy nghĩ cách giải quyết ổn thoả, thì một kỷ niệm xưa hiện về. Năm ấy chàng được mười lăm tuổi, Vu Mộc chân nhân nhận được thư của bằng hữu liền khăn gói đi thăm, dặn dò học trò ở nhà không được biếng nhác luyện võ. Chàng chẳng thể sang ngủ chung với tỳ nữ Tiểu Loan nên đành phải ở một mình trong đạo am. Chàng sợ ma và đã ngượng ngùng thú nhận với ân sư. Chân nhân phì cười và nghiêm nghị bảo:

“Ngươi vốn là Bạch Hổ Đế Quân giáng phàm, khi gặp yêu ma quỷ quái thì chỉ cần trợn mặt nạt lớn một tiếng là xong, sao lại phải sợ”. Nhờ câu nói ấy mà Tử Khuê không còn sợ ma nữa.

Giờ đậy, khi nhớ lại chuyện xưa, chàng bỗng muốn thử một phen, xem lời sư phụ có đúng hay không. Chàng sẽ tận lực và nếu có thất bại thì chủ nhà cũng chẳng thể trách được.

Nghĩ thế nên Tử Khuê bình tâm lại, nói với lão Hầu Tước phu nhân:

– Bần đạo mong thí chủ nói rõ bệnh tình của lệnh ái hiện nay.

Trình lão thái sùi sụt kể:

– Kim nhi hiện đang bị nhốt trong một tòa nhà lớn phía sau Hầu phủ. Ban ngày thì nó hiền lành, ngây dại, để yên cho bọn nữ tỳ chăm sóc. Nhưng cứ từ đầu canh hai trở đi thì Kim nhi phát cuồng, đánh đuổi mọi người ra khỏi nơi ấy và múa quyền cho đến lúc gà gáy sang, cứ như phải tử chiến với ai vậy? Khi lão thân mời pháp sư, hòa thượng đến lập đàn tróc yêu thì Kim nhi xông ra đánh cho họ bươu đầu sứt trán.

Tử Khuê cau mày bảo:

– Những hiện tượng ấy không chứng minh lệnh ái bị quỷ ám mà có thể là mắc một thứ tâm bệnh nào đấy.

Phó bang chủ Hoàng Phong bang, Trình Kiếm Các nhăn nhó đỡ lời chị dâu:

– Đạo trưởng không biết đấy thôi, Kim nhi chỉ giỏi đánh kiếm pháp, còn quyền thuật thì rất kém. Thế mà lúc nó nổi điên ngay lão phu cũng chẳng địch lại. Hơn nữa, Kim nhi lại nói bằng giọng nam nhân già nua, thường vỗ ngực tự xưng mình là Vô Địch Quyền Vương. Có lẽ oan hồn của lão chết toi ấy đã nhập vào con bé.

Tử Khuê đã phóng lao thì phải theo lao, chẳng thèm lo lắng nữa. Chàng nghe bụng sôi sùng sục liền ngượng ngùng nói:

– Mong chư vị cho bần đạo một bữa cơm chay. Tối nay bần đạo sẽ tiến hành ngay việc hàng yêu.

Trình lão thái vui vẻ đáp:

– Lão thân quả là vô ý. Sẽ cho người dọn cơm ngay để Chân nhân dùng.

Nhưng xin hỏi vật cúng tế gồm những gì để lão thân chuẩn bị.

Tử Khuê sượng sùng đáp:

– Bần đạo trị qủy bằng đạo hạnh chứ không bằng bùa chú, kinh kệ, xin lão thí chủ chớ bận tâm.

Phương pháp này khác xa những người đến trước khiến Hầu tước lão phu nhân bội phần tin tưởng hân hoan đưa bậc Chân nhân xuống phòng ăn.

Đầu canh hai đêm ấy, Tử Khuê và phe chủ nhà có mặt ở vườn hoa lớn, phía sau Hầu phủ. Cuối vườn hoa là một tòa nhà gạch, được vây quanh bởi bức tường thấp ngay ngực, biệt lập với chung quanh. Đây là nơi Trình Thiên Kim luyện võ và hội họp với những đầu lĩnh Hoàng Phong bang, có tên là Tụ Nghĩa sảnh.

Tổng đàn của bang hội nhỏ bé này nằm trên mảnh đất mé hữu Hầu phủ và thông với nhau ở phần đuôi.

Trước giờ bị đuổi ra, tỳ nữ Hầu phủ đã thắp sáng mười ngọn đèn tọa đăng để người ngoài có thể quan sát những diễn biến trong Tụ Nghĩa sảnh.

Suốt ba tháng nay, đêm nào bọn tỳ nữ cũng phải thay phiên, túc trực bên ngoài Tụ Nghĩa sảnh nhìn qua cửa chính và những ô cửa sổ, cánh lợp pha lê, để theo dõi động tĩnh của Trình Thiên Kim. Trình lão thái cũng thường xuyên chống gậy mà đến đây khóc lên trước cảnh ái nữ múa quyến như điên dại, y phục ướt đẫm mồ hôi, tóc tai rũ rượi.

Tối nay, bà hăng hái dẫn vị pháp sư trẻ tuổi tiến vào Tụ Nghĩa sảnh.

Cạnh bà là Trình Kiếm Các, em họ thúc bá của lão Hầu tước. Và theo sau bà là hai chục tỳ nữ cầm đuốc, cũng là đệ tử Hoàng Phong bang.

Nhưng khi đoàn người đi được nửa sân gạch, còn cách thềm hiên Tụ Nghĩa sảnh hai ba trượng thì từ trong cửa sảnh rộng mở kia có một luồng gió mạnh như bão tố thổi ra. Đạo cuồng phong này lạnh thấu xương, cuốn những bông tuyết đang rơi, thổi tắt hai chục cây đuốc trong tay bọn tỳ nữ và mạnh đến mức đẩy Trình lão thái ngã ngửa. Trình Kiếm Các kinh hãi đỡ chị dâu và quát mọi người lùi lại.

Nhưng gã đạo sĩ trẻ Vu Diệp chân nhân vẫn thản nhiên dấn bược, cứ như chẩng hề có luồng gió nào cả. Điều đáng ngạc nhiên là bộ đạo bào của Vu Diệp cũng không lay động nghĩa là ngọn quỷ phong kia không chạm được vào người chàng ta.

Trình lão vô cùng khâm phục, chỉ cho chị dâu xem và bảo:

– Đại tẩu có thấy không. Không ngờ Vu Diệp còn trẻ mà pháp lực đã cao siêu dường ấy. Hèn chi tuổi gã mới đôi mươi mà đã được phong làm “Chân nhân”. Xem ra Kim nhi có cơ may thoát nạn rồi.

Hầu tước phu nhân cũng khấp khởi mừng, song vẫn chưa hoàn hồn nên chỉ gật đầu.

Lúc này, Tử Khuê đã bước qua cửa sảnh. Chàng đang ngơ ngác nhìn quanh tòa nhà rộng rãi và trống trơn để tìm người bệnh thì nghe tiếng khan khan ngạo nghễ:

– Té ra ngươi là một gã nhãi ranh học đòi làm thầy pháp bắt ma. Nhưng lão phu đây lúc còn sống đã không sợ trời sợ đất, khi thành quỷ cũng cóc nể ai.

Nếu ngươi giỏi quyền thuật hơn thì Lỗ mỗ mới cúi đầu tuân phục.

Câu nói vừa dứt thì từ trên xà ngang Tụ Nghĩa sảnh có người nhảy xuống, đứng đối diện Tử Khuê, cách chừng hơn trượng. Đấy là một nữ lang võ phục xanh, tóc búi theo kiểu nam nhân, mặt trái xoan với ngũ quan thanh tú, da dẻ trắng xanh vì đã gần trăm ngày không ra khỏi cửa.

Ánh mắt này tỏ sáng rực rỡ uy nghiêm, hai chân đứng dang rộng như đàn ông chẳng kín đáo chút nào cả. Tức cười thay, nàng ta còn đưa tay vuốt râu cằm dù chẳng có cọng nào.

Nghe đối phương đòi tỷ quyền, Tử Khuê cũng vững bụng. Chàng phì cười chế giễu:

– Lão khoái vuốt râu sao không tìm kẻ già nua mà nhập vào, lại chọn chi một nữ nhân cằm trơn láng.

Trình Thiên Kim bực bội chửi đổng:

– Con bà nó. Lão phu đang yên phận làm Phán quan dưới Âm ty bỗng phát hiện tóc cứ rụng dần và da dẻ thì ngứa ngáy. Lão phu liền rời: “Quỷ môn quan”, thăm lại mộ phần thì mới biết con bé Trình Giảo Kim này xây buồng tắm gần đấy và xả nước đúng vào quan tài của lão phu. Cái thứ nước ô uế ấy thì người sống còn sợ chứ đừng nói người chết. Bởi vậy, lão phu mới cố tình đầy đọa ả cho bõ ghét.

Tử Khuê cố nén cười, tủm tỉm bảo:

– Lỗ phán quan hành hạ nàng ta ba tháng chắc cũng đã hết giận. Thí chủ cứ về lại Âm ty, để việc còn lại cho bần đạo lo liệu.

Vô Địch Thần quyền lắc đầu đắc ý đáp:

– Lão phu là người công bằng, sòng phẳng, ân oán phân minh. Ả phóng uế vào đầu lão phu một năm thì cũng phải chịu khổ ngần ấy thời gian. Nếu muốn lão phu tha ngay cho ả họ Trình thì ngươi phải thắng được Lỗ mỗ cái đã.

Lúc này bọn Trình lão thái cũng tỳ nữ vẫn còn đứng ngoài sàn gạch, không sao vượt qua được luồng quái phong mãnh liệt. Hơn nữa, trên dãy hành lang xung quanh Tụ Nghĩa sảnh có những bóng trắng lượn lờ khiến đám nữ nhân sợ đến nhũn cả người. Ngay một bậc cao thủ lão thành như Trình Kiếm Các rợn tóc gáy, chẳng dám tiến lên.

Ở vị trí ngoài ba trượng, họ không hề bị quái phong chạm đến và có thể nhìn nghe thấy những gì xảy ra trong sảnh. Do đó, họ đã hiểu ra được nguồn căn bệnh của Trình tiểu thư. Trình lão thái nghe hồn ma đòi đánh nhau với Vu Diệp chân nhân thì hoảng hốt thét lên:

– Mong đạo trưởng nhẹ tay, đừng gây thương tích cho Kim nhi.

Trình Kiếm Các cười khổ, bảo chị dâu:

– Đại tẩu đã lo lắng vô ích. Ngay tiểu đệ là kẻ mang danh Phá Sơn Quyền mà còn bị hồn ma lão họ Lỗ trong xác Kim nhi đánh cho liểng xiểng, thì gã đạo sĩ trẻ kia làm sao sống sót nổi. Không chừng gã bị trọng thương hay bỏ mạng, khiến chúng ta đắc tội với Thiên Sư giáo đấy.

Trình lão thái bối rối đáp:

– Tam đệ có lý. Nếu Vu Diệp chân nhân chết thì Trương Thiên Sư sẽ kiện cáo đến cùng. Lão ta được Thiên Tử tôn kính tất thừa sức ép tội Hầu phủ. Tam đệ mau gọi Vu Diệp chân nhân ra đi.

Trình Kiếm Các gật đầu, vận công quát lớn:

– Xin đạo trưởng hãy rút lui, quyền thuật của lão quỷ ấy rất lợi hại. Hơn nữa, đạo trưởng không được phép đả thương Kim nhi.

Tử Khuê nghe xong câu ấy liền bỏ ý định tỷ võ với Lỗ phán quan. Song trước khi rút lui, Tử Khuê cố gỡ gạc chút thể diện, đồng thời kiểm nghiệm xem mình có đúng là thần tiên giáng phàm hay chăng? Chàng trợn mắt chỉ vào Trình Thiên Kim mà nạt lớn:

– Lỗ phán quan. Nếu lão không mau trở về Âm phủ thì chớ trách bổn Tinh Quân độc ác.

Nào ngờ đối phương chẳng chút sợ hãi ôm bụng cười sặc sụa khiến Tử Khuê xấu hổ, ngượng đến chin cả người. Cười xong, ả giai nhân bị quỷ ám kia khạc xuống nền gạch một bãi đờm to tướng vô cùng gớm giếc, rội ngạo mạn nói:

– Bổn Phán Quan là chức sắc chốn Diêm cung chứ nào phải bọn qủy tép riu mà ngươi hòng dọa nạt. Tinh Quân cái khỉ mốc.

Tử Khuê không ngờ mình bị hố to, mới khai trương nghề thầy pháp mà đụng ngay phải quỷ dữ. Chàng nhủ thầm rằng mạng mình vẫn còn đen như lông chó mực, làm gì cũng chẳng thành.

Nhưng Tử Khuê chưa kịp hàt bài “tẩu mã” thì đối phương đã như cơn lốc ập đến tấn công. Trong lúc bất ngờ, Tử Khuê đã phản ứng bằng cách đảo bộ tránh né. Thế là Lỗ phán quan chiếm ngay vị trí cửa ra rồi từ đấy đánh ngược vào.

Tử Khuê lúng túng thi triển “Thao Quang thân pháp” mà tránh đòn. Lỗ phán quan đánh hụt tám chín chiêu giận giữ gầm vang như sấm và hăm dọa:

– Nếu ngươi cứ tiếp tục bỏ chạy thì lão phu sẽ móc mắt con tiện tỳ Trình Giảo Kim này ra đấy.

Lão oán ghét kẻ đã ngày ngày thải cái thứ nước đủ mùi vị và màu sắc của đàn bà vào hài cốt mình nên luôn gọi Nữ Hầu tước là Trình Giảo Kim, một lão ngốc thời Đường.

Tử Khuê nghe vậy nên không dám bỏ chạy nữa, đình bộ tiếp chiêu.

Chàng cũng đã nghĩ ra cách dung phép “Cương ty phất huyệt” để đối phó mà không mạo phạm đến thể xác Thiên Kim.

Lỗ phán quan cao hứng đem sở học lúc còn sống ra thi thố. Quyền pháp của lão cực kỳ ảo diệu, biến hóa khôn lường, đáng gọi là tuyệt học hãn thế.

Lão ngứa nghề đòi tỷ võ chứ chẳng phải là muốn giết người nên ra sức không nhiều. Sau vài chục chiêu, thấy đối phương chẳng hề nao núng, lão tăng dần lực đạo và xuất những chiêu ác liệt hơn, quyền phong xé gió vù vù, song quyền song cước nối nhau ra đòn liên miên bất tuyệt. Tiếng da thịt, xương cốt chạm nhau không vang rền hay chát chúa như sắt thép mà chỉ “lịch bịch, bì bạch” hòa với tiếng y phục phất gió phần phật, song cũng tạo cho người xem cảm giác hồi hộp và đầy kích thích.

Trình Kiếm Các, ở bên ngoài tròn mắt theo dõi cuộc đấu, người nhấp nha nhấp nhổm, tay chân ngọ nguậy liên tục, lão là tay quyền thủ lừng danh nên đủ bản lĩnh để thưởng thức hết những cái hay, cái lạ của cặp đấu sĩ kia.

Trình lão luôn miệng trầm trồ tán dương Vu Diệp chân nhân. Chàng đạo sĩ trẻ măng ấy đang thi triển một loại quyền pháp lạ mắt nhưng bội phần kỳ ảo, song thủ lúc xòe lúc cụp, lúc giương thành trảo, ung dung chống đỡ những đòn sấm sét, hiểm hóc của đối phương, lúc chàng ta phòng thủ thì vững như núi Thái, còn khi công dũng mãnh tựa thần long cho nên dần dần đã chiếm được thượng phong, đẩy kẻ địch lui dài.

Trình lão ngạc nhiên và khâm phục những Lỗ phán quan thì nổi giận.

Lão không thể chấp nhận việc mình kém tài một gã nhãi ranh tuổi mới đôi mươi. Chẳng những Vu Diệp giỏi quyền thuật mà công lực cũng thâm hậu hơn tuổi tác, và lại còn học được yếu quyết “Tụ khí thành ti”, điểm huyệt mà không cần chạm đến áo đối phương.

Lỗ phán quan ngao ngán nhận ra rằng Vu Diệp càng đánh càng hay, càng thâm nhập vào tinh tuý của pho quyền. Và lúc này chiêu thức của gã cuồn cuộn, mênh mang tựa nước bi*n đ*ng, ồ ạt dâng tràn, nhấn chìm mọi nỗ lực của lão.

Quả đúng như vậy. “Thao” có nghĩa là nước lớn mênh mông, cuồn cuộn, cho nên “Thao Quang thần thức” uyên ảo, bão táp phi thường, gồm thâu tinh tuý trăm nhà, là tâm huyết của một đơì Vu Mộc chân nhân.

Sau hơn bốn trăm chiêu, Lỗ phán quan thức ngộ rằng mình không thể nào hơn được đối phương và nắm chắc phần thất bại. Lão bất giác sinh lòng thán phục và yêu mến chàng trẻ tuổi kỳ tài. Nhưng vì tự ái của kẻ gìa nua, lão không cam tâm bỏ cuộc, tìm cách rút lui trong danh dự.

Bỗng trong đầu lão lóe lên một ý niệm ngộ nghĩnh, liền mỉn cười, nhảy lùi lại giơ tay xin đình chiến. Và lão thoăn thoắt cởi mau chiếc áo đẫm mồ hôi, miệng thì phân bua:

– Áo chật làm cản trở đường quyền, lão phu phải cởi áo mới thi thố được hết tài nghệ.

Có lẽ bọn tỳ nữ quên mặc yếm cho tiểu thư nên trong áo chẳng còn gì ngoài thịt da ngà ngọc.

Tử Khuê đỏ mật, líu lưỡi khi nhìn thấy làn da trắng mịn và đôi nhũ phong kiêu hãnh, mơn mởn tựa quả tuyết lê. Chàng kinh hãi lắp bắp:

– Lỗ thí chủ là chức sắc chốn Diêm đình, sao không giữ giới mà lại làm như thế.

Lỗ phán quan cười kiêu hãnh:

– Cơ thể nữ nhân đối với lão phu đâu có lạ, sáu chục năm nay ngày nào mà chả thấy. Thế ngươi tưởng các tội nhân dưới ngục A tỳ đều đầy đủ y phục thả vào vạc dầu hay sao?

Tử Khuê chưa kịp đối đáp thì đã bị đối phương tấn công quyết liệt. Vì bản năng sinh tồn buộc chàng phải chống đỡ những đòn hiểm độc ấy. Tất nhiên chàng chẳng thể nhắm mắt mà đánh nhau nên càng bối rối trước cặp ngọc phong mỹ miều, khêu gợi đang nhảy múa trước mặt. Họ Lỗ lại còn cố tình đưa ngực ra đón những đòn chân của chàng khiến Tử Khuê phải rút về ngay.

Tâm loạn thì chân khí không đủ, chiêu thức lệch lạc nên Tử Khuê thất thế, liên tiếp bị trúng đòn. Tuy không thọ thương, song chàng cũng nghe đau thấu trời.

Ngoài kia, Trình lão thái vò đầu bứt tóc kêu trời khi thấy ái nữ lõa thể mà đánh nhau với nam nhân. Trình Kiếm Các thì đã sớm bỏ chạy, không tiện ở lại.

Lễ giáo Trung Hoa rất nghiêm khắc, ngay cả cha ruột cũng không được phép nhìn thấy thân thể con gái mình.

Trình lão thái hậm hực chửi vang:

– Mả cha cái lão Phán Quan họ Lỗ. Lão làm thế thì con gái lão thân còn lấy ai được nữa? Chẳng thà lão giết quách Kim nhi đi cho xong.

Bên trong, Lỗ phán quan nghe vậy liền nạt lớn:

– Mụ mà còn thóa mạ lão phu thêm một câu thì lão phu cởi luôn quần ra đấy.

Trình lão thái sợ nhũn cả người, chẳng dám chửi thêm. Nhưng khi đứng nhìn Vu Diệp chân nhân vừa đánh vừa lùi, trúng đòn liên tục, bà bèn động lòng trắc ẩn và cũng sợ chàng chết thì nguy to. Vả lại nếu Vu Diệp thua thì Thiên nhi sẽ điên cuồng thêm chín tháng.

Bởi thế Trình lão thái nghĩ nhanh và cao giọng nói:

– Này Vu Diệp đạo trưởng. Xin ngài cứ thẳng tay đối phó, đừng kiêng kỵ nữa. Nếu ngài để thua thì lão thân sẽ bắt ngài phải lấy Kim nhi đấy.

Tử Khuê nghe xong vô cùng kinh hãi, vội trấn tĩnh lại và phản công.

Chàng dồn hết nội công vào những chiêu thần diệu nhất, song thủ hóa thành trăm ảnh chưởng chập chờn, chỉ kình vun vút. Chỉ sau ba chiêu, chàng đã quất một cước vào gò mông tròn trịa, nẩy nở của đối phương, khiến Lỗ phán quan la oai oái.

Giờ đây, người phải thoái hậu tránh né lại là họ Lỗ. Thêm vài chục chiêu nữa, Tủ Khuê chợt phát hiện cơ hội hạ thủ vì đối phương đã lộ sơ hở rất lớn bên sườn trái. Chàng liền ập vào xuất chiêu “Hoàng Thủy Thao Thao” (nước Hoàng Hà cuồn cuộn), khóa chặt đường quyền của đối phườn rồi vươn tay điểm vào huyệt Đại Bao bên trái.

Nào ngờ, đúng lúc ấy vị thần xui xẻo ra tay hành động. Mũi giầy phải của Tử Khuê đặt đúng vào bãi đờm nhơn nhớt mà Trình Thiêm Kim tức Lỗ phán quan đã khạc ra lúc trước. Tử Khuê trượt chân chới với, không những hụt mục tiêu mà còn bị đối phương điểm vào huyệt Bách Hội trên đầu.

Tử Khuê mê man, ngã sấp mặt xuống, may mà được Lỗ phán quan thò tay chụp búi tóc giữ lại. Lão ta khoái trá cười vang và đưa cánh tay còn lại khua một vòng. Trong sảnh bỗng nổi lên trận cuồng phong làm cho những ngọn đèn tắt lịm.

Trình lão thái và bọn tỳ nữ kinh hoàng thét lên song đành thúc thủ, vì những bóng ma ghê rợn vẫn còn lượn quanh dãy hành lang.

Phá Sơn Quyền Trình Kiếm Các nghe tiếng cười, tiếng thét, liền từ vườn hoa chạy vào. Thấy Tụ Nghĩa sảnh tối đen như mực, lão hiểu rằng Vu Diệp chân nhân đã thất bại. Lão thở dài, an ủi chị dâu:

– Đại tẩu có khóc cũng vô ích, xin hãy về phòng nghỉ ngơi, để tiểu đệ canh chừng nơi này. Sáng mai chúng ta sẽ biết rõ an nguy của Vu Diệp chân nhân.

Nhưng theo tiểu đệ suy đoán thì Lỗ phán quan sẽ không dám giết oan người vô tội.

Trình lão thái hơi yên tâm, thiểu não theo bọn tỳ nữ về hậu viện. Bà cũng chẳng còn sức để đứng đây chịu đựng thêm cái lạnh cắt da của đêm đông. Nãy giờ, du được trùm kín trong áo choàng lông thượng hạng, đầu che ô mà bà cũng hắt hơi hàng chục cái.

Phá Sơn Quyền ở lại, lủi thủi đi đến tòa tiểu đình cạnh cổng ngồi tránh tuyết. Lão khép chặt áo lông, miên man suy nghĩ tìm cách biện bạch với Thiên Sư giáo nếu chẳng may Vu Diệp chân nhân táng mạng.

Lão không biết rằng chàng đạo sĩ trẻ kia chẳng hề gặp nguy hiểm lại còn đang lạc bước vu sơn.

Tử Khuê nằm trên chiếc giường bát bửu trải nêm rất cao, đặt ở góc Tây Nam Tụ Nghĩa sảnh, cạnh chàng là Nữ Hầu tước Trình Thiên Kim.

Tử Khuê mơ thấy mình cưới vợ và tân nương lại chính là nữ Hầu tước họ Trình.

Chàng ngây ngất trước nhan sắc kiều diễm của Thiên Kim, nghe lòng yêu thương dào dạt, nàng cũng nhìn chàng bằng ánh mắt đắm say, tình tứ.

Sau vài cái hôn nồng thắm, họ bạo dạn vuốt ve nhau và rồi cởi từng mảnh xiêm y rơi xuống sàn nhà. Tử Khuê hôn hít mãi xác thân ngà ngọc của vợ yêu.

Tất cả những nét quyến rũ ấy đều lạ lùng với chàng, chỉ trừ đôi gò bồng đảo kia trông có vẻ quen quen.

Đôi mắt nhung huyền của Thiên Kim rực rỡ đam mê, mời gọi nàng run rẩy mơn trớn những bắp thịt rắn chắc trên người Tử Khuê với niềm háo hức ngút trời.

Cửa đào nguyên rộng mở rước khách phong lưu lạc bước. Ái ân là hành vi bản năng không cần phải học, hai kẻ thanh xuân dẫn nhau vào hoan lạc, mỗi bước thêm thành thục. Bước đầu hơi vội vã song những bước sau chậm rãi, ung dung.

Thiên Kim không hề gặp trở ngại trong việc cảm thụ khoái lạc. Sau ba tháng bị Lỗ phán quan mượn xác luyện võ, dẫu nàng có là trinh nữ thì chút tiết hạnh mỏng manh ấy cũng đã toang hoang.

Trong phép đánh trường quyền, chân của người võ sĩ vươn rất dài, khẩu độ giữa hai chân nhiều lúc gần như đường thẳng. Dĩ nhiên, về mặt lễ giáo thì tư thế ấy quả là lộ liễu lẳng lơ, nên nữ nhân không được phép học. Các phái thường dạy cho nữ đệ tử loại cước pháp kín đáo hơn, ra đòn ngắn và thấp chủ yếu tấn công hạ bàn đối phương.

Nay Lỗ phán quan chơi ác, sử dụng cơ thể Thiên Kim mà đánh những chiêu cước của nam nhân khiến nhụy hoa tơi tả.

Song nàng chẳng hề biết mà oán trách lão ta, cứ hân hoan cùng Tử Khuê rạo chung một giấc vu sơn. Nàng nhận được quá nhiều hạnh phúc nên tri ân và yêu thương mãnh liệt người chồng mới cưới. Thiên Kim chợt tiếc nuối rằng vì sao chẳng lấy chồng từ thuở tuổi mười lăm, để phải chịu cảnh phòng không chiếc bóng đến tận tuổi này.

Đêm đông dài dằng dặc, ngay lũ gà cũng ngủ vùi, chẳng thèm gáy sớm.

Cho nên đến gần giữa canh năm thì mới có một con lên tiếng.

Phá Sơn Quyền đang ngủ gật trên ghế đá trong tôn tiểu đình liền giật mình thức giấc. Lão dụi mắt ngồi dậy, bốc nắm tuyết trên thành lan can mà rửa mặt cho tỉnh táo rồi bước về phía Tụ Nghĩa sảnh.

Thấy đám hồn ma đã biến mất, lão định bước vào trong song lại nhớ đến cảnh thoát y đêm qua nên chẳng dám đành đứng ngoài hiên chờ đợi.

Lát sau, Trình lão thái được hai ả tỳ nữ hộ tống đến nơi. Bà vội vã hỏi:

– Tam đệ. Tình hình thế nào rồi?

Trình Kiếm Các cười khổ:

– Tiểu đệ chưa dám vào nên chưa rõ.

Trình lão thái hiểu ý gật đầu rồi cao giọng gọi:

– Kim nhi. Kim nhi. Con đã tỉnh giấc chưa?

Bà chỉ gọi theo bản năng chứ thường thì ban ngày Thiên Kim câm như hến, hết ngủ rồi lại ăn chứ không nói năng gì cả. Nào ngờ lần này lão thái được nghe lại giọng nói trong trẻo, thanh tao của ái nữ:

– Hài nhi đang rửa mặt. Mời mẫu thân nhập sảnh.

Cả nhà mừng rỡ tiến vào, nhìn thấy Thiên Kim từ phòng vệ sinh phía sau sảnh bước ra, sắc mặt nàng tươi tỉnh, ảnh mắt tinh anh và môi thì nở hoa.

Thiên Kim nghiêng mình chào Trình Kiếm Các rất lễ độ, rồi nắm tay mẹ và nũng nịu:

– Trời lạnh thấu xương thế này sao mẫu thân không chờ hài nhi lên vấn an, mà lại xuống đây làm gì?

Trình lão thái ngơ nhác nhìn ái nữ, chẳng hiểu đây có phải là con mình hay không? Trước đây, Thiên Kim có bao giờ ăn nói dịu dàng, mềm mỏng thế này đâu? Nàng ta đầy nam tính, nói năng ngắn gọn, dứt khoát, thiếu tình cảm.

Dường như Thiên Kim muốn bắt chước tác phong của nam nhân vậy.

Phá Sơn Quyền đang nẫu ruột vì việc khác nên chẳng thèm lưu tâm đến sự bình phục của cháu gái. Lão cau mày hỏi ngay:

– Này Kim nhi. Vu Diệp chân nhân đâu?

Thiên Kim ngơ ngẩn đáp:

– Bẩm biểu thúc. Ở đây chỉ có mình tiểu điệt làm gì còn ai khác?

Phá Sơn Quyền chợt điếng người, phất tay bảo một tỳ nữ.

– Tiểu Hồng ngươi quay ra đi tìm Tổng quản Hầu phủ, bảo lão huy động gia đinh lục soát khắp nơi, kiếm cho được Vu Diệp chân nhân.

Ả tỳ nữ nhận lệnh đi ngay. Và Trình Kiếm Các cũng rảo bước đến khi phía sau Tụ Nghĩa sảnh, lão tìm cả trong phòng tắm, nhà bếp, nhà xí, vườn hoa song chẳng thấy Vu Diệp đâu cả.

Ngoài này, Trình lão thái kể lại cho con gái nghe việc nàng bị quỷ ám ra sao và cuộc chiến của Vu Diệp chân nhân đêm qua. Bà sợ Thiên Kim hổ thẹn nên không nhắc đến việc nàng thoát y.

Phá Sơn Quyền lên đến thì câu chuyện cũng kể xong và ả tỳ nữ Tiểu Hồng cũng trở lại. Ả hớn hở báo cáo:

– Bẩm Phó bang chủ. Gã đạo sĩ ấy hiện ở trong căn phòng mà chúng ta đã dành cho. Gã đang sửa soạn hành lý để ra đi.

Trình Kiếm Các thờ phào nhẹ nhõm, nói với Trình lão thái:

– Đại tẩu. Tai họa đã qua. Chúng ta mau đến cảm tạ Vu Diệp chân nhân.

Hầu tước lão phu nhân vui vẻ tán thành bảo con gái:

– Kim nhi cũng phải đến đấy khấu đầu tạ ơn. Không có y thì ngươi phải khổ sở thêm chín tháng nữa.

Thiên Kim nhu thuận gật đầu, đi theo từ mẫu. Họ lên đến phòng dành cho khách thì Tử Khuê đã gói ghém xong hành trang.

Cửa phòng hơi hẹp nên Tử Khuê chỉ thấy hai người đứng trước là Trình lão thái và Phá Sơn Quyền. Chàng sượng sung nghiêng mình nói:

Bần đạo bất tài, không trị nổi con quỷ dữ kia, lòng vô cùng hổ thẹn. Bần đạo đã viết sẵn một bức thư kể rõ nội tình, lão thí chủ cho người mang đến Long Hổ sơn tất Giáo chủ bổn giáo sẽ đích thân đến đây. Giờ cho phép bần đạo xin xáo từ.

Trình lão thái ngạc nhiên hỏi lại:

– Chẳng lẽ đạo trưởng không biết rằng mình đã đánh đuổi được con qủy già họ Lỗ ấy sao? Hiện nay Kim nhi đã hoàn toàn tỉnh táo.

Và bà quay lại kéo tay ái nữ, bước vào trong phòng.

Thiên Kim thẹn thùng quỳ xuống thi lễ:

– Tiện nữ xin khấu đầu cảm tạ đại ân của Chân nhân.

Tử Khuê nhớ đến tấm than mỹ miều của nàng đêm qua mà đỏ mặt, ấp úng đáp:

– Xin nữ thí chủ chớ đa lễ khiến bần đạo thêm hổ thẹn. Chẳng qua Lỗ phán quan tự ý bỏ đi đấy thôi. Bần đạo bị lão đánh cho mê man, mang về bỏ trong phòng này, xem như đã thua cuộc.

Trình Thiên Kim đứng lên nhìn chàng với ánh mắt biế ơn và ngỏ lời an ủi:

– Tuy Chân nhân võ nghệ không bằng nhưng dũng khí và nhiệt huyết của người đã khiến con quỷ kia phải khâm phục, tha tội cho tiểu nữ. Do đó, chẳng thể gọi là thất bại được, ơn trọng này tiểu nữ xin ghi tâm, khắc cốt.

Trình lão thái hớn hở đỡ lời ái nữ:

– Lão thân xin dâng ngàn vàng để đạo trưởng làm lộ phí trở về núi.

Tử Khuê lung túng đáp:

– Lão thí chủ đã cúng dưỡng bổn phái rất hậu nên Giáo chủ đã lệnh cho bần đạo không được nhận thêm.

Sau một hồi bị níu kéo, Tử Khuê đành phải nhận trăm lượng vàng và bộ áo mũ lông thượng hạng rồi ra đi, lòng chàng rất thanh thản vì đã quên sạch giấc vu sơn đêm qua. Trình Thiên Kim cũng thế.

Nhưng trong mấy ngày sau đó, Thiên Kim phát hiện bọn nữ đệ tử Hoàng Phong bang thường nhìn minh bằng ánh mắt bí ẩn, pha chút giễu cợt. Nàng lien gọi ả tỳ nữ thân tín Tiểu Huệ đến gạn hỏi thì được nghe thêm việc mình cởi áo mà giao đấu với Vu Diệp chân nhân.

Nghe xong, nàng tái mặt vì hổ thẹn song không phát tác, đập phá lung tung như trước nữa. Nàng thay đổi nhiều đến mức khó ngờ.

Thiên Kìm ngồi thừ người suy nghĩ, lòng vô cùng hoang mang. Sau khi Vu Diệp chân nhân bị hồn ma Lỗ phán quan đánh ngã lúc gần cuối canh hai, việc gì đã xảy ra trong bóng tối? Và tại sao giờ đây hàng đêm nàng thao thức với niềm rạo rực của xác thân, mơ đến gương mặt dễ mến của chàng đạo sĩ trẻ kia. Song phương hội ngộ chưa đầy một khắc mà sao nàng cứ nhớ nhung da diết người ta như thế?

Tối mười hai, Thiên Kim lần đến khuê phòng của mẫu thân, ngượng ngùng thố lộ tâm sự, kể hết những cảm giác lạ lung mà mình đang có.

Hầu tước lão phu nhân rụng rời chân tay thảng thối nói:

– Thôi chết rồi. Hay là cái lão Lỗ phán quan chết tiệt kia đã trả thù bằng cách để cho Vu Diệp chiếm đoạt ngươi?Hèn chi gã cứ nằng nặc đòi đi ngay, chẳng dám lưu lại một khắc nào nữa, thật là một kẻ khốn nạn.

Thiên Kim vội đưa tay bịt miệng lão thái và diụ dàng phân giải:

– Theo thiển ý của hài nhi thì chàng ta cũng không biết việc gì đã xảy ra.

Chàng nhìn hài nhi bằng ánh mắt thẹn thùng song chẳng có chút áy náy tội lỗi.

Trình lão thái gật đầu công nhận ái nữ có lý và ngậm ngùi hỏi:

– Thế Kim nhi tính sao?

Thiên Kim đáp bằng giọng buồn bã song đầy kiên quyết:

– Hài nhi thức ngộ rằng mình đã yêu thương Vu Diệp tha thiết và chẳng hề hối tiếc việc thất thân. Và sang xuân hài nhi sẽ đi Hứa Xương tìm chàng. Có lẽ giờ đây Vu Diệp cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự hài nhi.

Té ra Trình Thiên Kim không ngốc như Trình Giảo Kim, đã nhận xét rất đúng đắn về Tử Khuê. Trên đường thiên lý, chàng đang khổ sở bởi sự trỗi dậy của dục tính và nỗi nhớ thuơng nữ Hầu tước họ Trình.

Tử Khuê cố đè nén bằng cách luyện công tọa thiền song không sao xóa mờ được hình bóng quyến rũ của hai quả tuyết lê mơn mởn. Chàng còn mơ hồ mường tượng rằng mình đã từng ôm ấp thân thể ngọc ngà của Thiên Kim.

Song khác với Thiên Kim, Tử Khuê sợ hãi điều ấy, cho rằng Lỗ phán quan đã ám quẻ mình. Chàng thường mơ đến một tình yêu thuần khiết, nhẽ nhàng, e ấp nên bị choáng ngợp bởi sự lộng lẫy nồng nàn của dục tình và vẻ đẹp xác thân.

Tử Khuê cảm thấy tội lỗi bèn hình dung đến gương mặt thánh thiện của người nữ đệ tử Võ Đương hôm trước. Lúc theo sư thúc lên núi, chàng có gặp nàng vài lần nữa nhưng không tiện hỏi han. Nàng ta cũng chỉ mỉm cười với chàng rồi quay bước.

Con tim Tử Khuê đã rộn rang xao xuyến biết bao bởi những rung động đầu đời ngây thơ ấy.

Mẹo: Bạn có thể sử dụng trái, phải, A và D bàn phím để duyệt giữa các chương.
Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!
Hãy ủng hộ TruyenHayHo bằng cách đánh giá truyện và chia sẻ link nhé!