Ông Matthew Cuthbert và cô ngựa hung nhẹ nhàng thả bước qua tám dặm đường đến Bright River. Đó là một con đường đẹp, chạy dọc những nông trại xinh xắn, thỉnh thoảng lại xuyên qua một khu rừng linh sam nhỏ hay một thung lũng đầy cây mận dại đang nở bung những cánh hoa mỏng tang. Không khí thấm đẫm mùi hương ngọt ngào tỏa ra từ những vườn táo và những cánh đồng cỏ nghiêng nghiêng trải dài đến tận đường chân trời lấp lánh ánh ngọc trai tim tím, trong khi đó
“Chim nhỏ cất tiếng dịu dàng
Như ngày hè độc nhất ươm vàng cả năm.”
Ông Matthew tận hưởng chuyến đi theo cách riêng, chỉ trừ những lúc ông gặp mấy phụ nữ và phải gật đầu chào họ – vì ở đảo Hoàng tử Edward bạn phải gật đầu chào bất cứ ai bạn gặp trên đường dù có quen biết hay không.
Ông rất sợ tất cả phụ nữ, trừ bà Marilla và bà Rachel; ông có một cảm giác rất khó chịu là các sinh vật khó hiểu đó đang cười thầm sau lưng mình. Có thể suy nghĩ của ông cũng đúng phần nào, vì ông có vẻ ngoài khá kỳ quặc, dáng lóng ngóng mái tóc xám xỉn dài chấm đôi vai gù, đệm thêm bộ râu quai nón dày, mềm mại ông nuôi từ hồi hai mươi mốt tuổi. Thật ra, lúc hai mươi trông ông cũng chẳng khác lúc sáu mươi là mấy, chỉ bớt ảm đạm hơn tí chút.
Khi ông tới Bright River, chẳng thấy bóng dáng chiếc tàu hỏa nào; ông nghĩ mình đến sớm quá nên buộc ngựa vào sân khách sạn nhỏ Bright River rồi bước tới nhà ga. Sân ga dài gần như trống huơ trống hoác, sinh vật duy nhất hiển hiện trong tầm mắt là một bé gái ngồi trên đống đá cuội ở tận cuối ga. Ông Matthew, biết chắc đó là một bé gái, đưa ánh mắt trượt qua nhanh hết mức chứ không mảy may liếc nhìn. Nếu nhìn thì hẳn ông đã khó lòng bỏ qua thái độ và biểu hiện vừa căng thẳng vừa hy vọng tột độ của con bé. Có vẻ con bé đang ngồi đợi điều gì hay ai đó, và vì ngồi và chờ đợi là những việc duy nhất có thể làm khi ấy nên con bé đã ngồi và chờ đợi với tất cả tâm tư tình cảm của mình.
Ông Matthew đến gặp viên trưởng ga, lúc này đang lúi húi khóa cửa phòng vé chuẩn bị về nhà ăn tối, để hỏi khi nào chuyến tàu năm giờ rưỡi sẽ tới.
“Chuyến tàu năm rưỡi đã đến và đi nửa tiếng trước rồi,” viên trưởng ga nhanh nhảu đáp. “Nhưng có một hành khách được gửi lại cho ông đấy – một bé gái. Nó ngồi ở đống đá cuội ngoài kia kìa. Tôi đã bảo con bé vào phòng chờ nữ, nhưng nó lại trang trọng đáp rằng thích ngồi ngoài kia hơn. ‘Ở đó trí tưởng tượng có thể bay xa hơn,’ nó bảo thế. Phải nói, con bé đặc biệt đấy.”
“Tôi không chờ một con bé,” ông Matthew ngây người nói. “Tôi đến để đón một bé trai mà. Thằng bé lẽ ra phải ở đây. Bà Alexander Spencer đem nó từ Nova Scotia về đây cho tôi.”
Ông trưởng ga huýt sáo.
“Chắc có lầm lẫn rồi,” ông bảo. “bà Spencer đã xuống tàu với bé gái đó và giao nó cho tôi. Bảo rằng ông và em gái nhận nuôi con bé từ trại mồ côi và ông sẽ đến đón nó ngay. Tôi chỉ biết thế thôi – tôi chẳng giấu đứa trẻ mồ côi nào quanh đây cả.”
“Tôi không hiểu,” ông Matthew kêu lên vô vọng, ước gì bà Marlla có ở đây để đối phó với tình hình.
“À, tốt hơn ông nên hỏi con bé,” trưởng ga lơ đễnh trả lời. “Tôi dám chắc nó sẽ giải thích được thôi – miệng lưỡi lanh lẹ lắm, chắc chắn đấy. Có thể họ hết con trai theo tiêu chuẩn ông muốn rồi.”
Ông nhanh nhảu bước đi vẻ đói bụng, bỏ lại ông già Matthew tội nghiệp với nhiệm vụ còn khó hơn vào hang vuốt râu hùm – bước đến chỗ con bé – một bé gái hoàn toàn xa lạ – một bé gái mồ côi – và hỏi nó tại sao nó không phải là con trai. Ông Matthew quay người mà trong lòng rên rỉ, lê chân xuống sân ga tiến về phía con bé.
Con bé đã dõi mắt theo ông từ lúc ông lướt qua và bây giờ vẫn đang dán mắt vào ông. Matthew lúc trước không nhìn con bé, mà nếu có nhìn ông cũng không nhận ra dáng vẻ thật sự của nó, nhưng một người quan sát bình thường có thể nhận thấy thế này: một đứa trẻ chừng mười tuổi, mặc một chiếc váy rất ngắn, rất chặt, rất xấu bằng vải pha len màu xám vàng. Con bé đội chiếc mũ thủy thủ nâu bạc màu, và bên dưới cái mũ là hai bím tóc đỏ rực rất dày buông dài sau lưng. Khuôn mặt nhỏ, trắng và gầy, lại còn nhiều tàn nhang; cái miệng rộng và đôi mắt cũng to không kém, nửa lấp lánh xanh lá, nửa xám đầy tâm trạng.
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
Với người quan sát thông thường thì như vậy, còn những người tinh hơn sẽ để ý thấy cái cằm nhọn và dứt khoát, đôi mắt to hoạt bát tràn đầy sức sống; cái miệng duyên dáng biểu cảm, trán rộng và cao; tóm lại, quan sát viên tinh tế sáng suốt của chúng ta có thể kết luận rằng một tâm hồn không tầm thường chút nào đang trú ẩn trong cơ thể con bé – phụ nữ lưu lạc vốn đang làm Matthew Cuthbert nhút nhát phải e sợ đến mức nực cười này.
Tuy nhiên, ông Matthew đã thoát khỏi thử thách phải lên tiếng trước, vì ngay khi kết luận rằng ông đến để đón mình, con bé đứng dậy, một bàn tay khẳng khiu ngăm ngăm nắm chặt chiếc túi hành lý lỗi thời cũ kỹ; tay còn lại chìa ra cho ông.
“Con đoán bác là bác Matthew Cuthbert của Chái Nhà Xanh?” con bé nói bằng giọng dễ thương và trong trẻo khác thường. “Con rất vui được gặp bác. Con đã bắt đầu lo là bác sẽ không đến đón và con đã tưởng tượng ra những chuyện khiến bác không đến. Con đã quyết định là nếu tối nay mà bác vẫn không đến thì con sẽ theo đường mòn xuống chỗ cây anh đào dại lớn ở khúc quanh rồi trèo lên đó ngủ qua đêm. Con sẽ không sợ, và thật tuyệt nếu có thể ngủ trên một cây anh đào dại nở bông trắng xóa dưới ánh trăng, bác nhỉ? Ta có thể không tưởng tượng mình đang ngủ trong một sảnh đá hoa cương, đúng không bác? Và con chắc chắn rằng nếu không phải tối nay thì sáng mai bác sẽ đến đón con thôi.”
Ông Matthew ngượng nghịu nắm bàn tay nhỏ bé lẻo khẻo trong tay mình, và chính giây phút đó ông đã quyết định phải làm gì. Ông không thể nói với đứa trẻ có đôi mắt lấp lánh này rằng đã có nhầm lẫn; ông sẽ chở con bé về nhà và để Marlla làm điều đó. Dù sao đi nữa cũng không thể để con bé lại Bright River, nhầm lẫn gì thì cũng mặc, mọi hỏi han giải thích đều có thể hoãn lại đến khi ông về Chái Nhà Xanh an toàn.
“Bác xin lỗi đã đến trễ,” ông rụt rè nói. “Tới đây nào. Ngựa ở bên kia sân. Đưa túi của con đây.”
“Ồ, con mang được mà,” đứa bé vui vẻ trả lời. “Không nặng đâu. Con đã bỏ tất cả những thứ đáng giá của mình vào đó, nhưng không nặng chút nào. Mà nếu xách không đúng cách, cái tay cầm sẽ bung ngay – nên tốt hơn là con nên tự xách vì con biết cách. Cái túi du lịch này cũ lắm rồi. Ồ, con rất vui vì bác đã tới, mặc dù ngủ trên cây anh đào dại cũng là một ý tưởng thật dễ thương. Chúng ta phải đi xe một đoạn khá xa, đúng không ạ? Bà Spencer nói rằng khoảng tám dặm. Con vui lắm, vì con thích đi xe. Ồ, thật tuyệt vời khi có thể sống với bác và thuộc về bác. Con chưa bao giờ thuộc về ai – không hẳn. Nhưng trại tế bần là tệ nhất. Con chỉ ở đó có bốn tháng, nhưng vậy cũng đã đủ lắm rồi. Con không nghĩ rằng bác từng là trẻ mồ côi trong trại tế bần, nên bác có lẽ không thể hiểu được nó thế nào đâu. Tệ hơn bất kỳ thứ gì bác có thể tưởng tượng ra. Bà Spencer bảo con nói thế là rất hư, nhưng con không định hư đâu. Thật dễ mà vô tình trở thành hư đốn, phải không bác? Họ rất tốt, bác biết đấy – những người trong trại ấy. Nhưng trong đó có quá ít thứ để thả cho trí tưởng tượng bay bổng – chỉ có thể tưởng tượng chuyện này chuyện kia về các bạn ấy – tưởng tượng rằng có lẽ cô bé ngồi kế bên mình nhật ra là con gái của một bá tước, từ khi còn ẵm ngửa đã bị một y tá ác độc đánh cắp khỏi tay cha mẹ và bà này lại chết trước khi có thể tự thú. Con thường thức đêm để tưởng tượng những thứ như thế, vì ban ngày con không có thời gian. Con đoán đó là lý do khiến con quá gầy – con ốm dễ sợ, phải không ạ? Con chẳng có da thịt gì cả. Con thích tưởng tượng mình dễ thương và mũm mĩm, có những chỗ lúm ở khuỷu tay.”
Đến đó, bạn đồng hành của ông Matthew chợt ngưng nói, phần vì con bé hết hơi, phần vì họ đã ra đến chỗ xe ngựa và xe xuôi xuống lớp đất mềm dẫn đến tận triền sông có hàng anh đào dại đang độ bung cánh và những cây phong lan trắng mảnh khảnh đung đưa cách đầu họ vài bộ.
Đứa trẻ vươn tay bẻ một nhánh mận dại quét ngang hông xe ngựa.
“Đẹp không bác? Cái cây vươn ra khỏi bờ sông, trông như ren trắng xóa làm bác nghĩ đến cái gì không?” con bé hỏi.
“À ừ, bác không biết,” ông Matthew đáp.
“Sao chứ, tất nhiên là một cô dâu rồi – một cô dâu mặc toàn màu trắng với tấm mạng che mặt bí ẩn đáng yêu. Con chưa từng nhìn thấy một cô dâu nào, nhưng con có thể hình dung ra cô ấy. Con chưa bao giờ hy vọng mình có thể làm cô dâu. Con xấu xí đến nỗi sẽ chẳng ai muốn lấy làm vợ – trừ phi đó là một nhà truyền giáo nước ngoài. Con nghĩ một nhà truyền giáo nước ngoài chắc cũng không đặc biệt lắm. Nhưng con hy vọng ngày nào đó có thể mặc đầm trắng. Đây là ý nghĩ hạnh phúc nhất mà con có thể tưởng tượng được. Con thích quần áo đẹp. Và cả đời con, con chưa bao giờ có được một cái váy đẹp nào – nhưng dĩ nhiên vẫn còn nhiều thứ để mong đợi, phải không ạ? Và con có thể tưởng tượng ra cảnh mình ăn mặc thật lộng lẫy. Sáng nay khi rời trại mồ côi, con thấy thật xấu hổ vì mình phải mặc cái váy bằng vải pha len cũ rích trông phát kinh lên được này. Tất cả trẻ mồ côi đều phải mặc thế, bác biết đó. Mùa đông vừa rồi, một lái buôn ở Hopetown đã hiến ba trăm thước vải pha len cho trại. Nhiều người nói tại ông ấy không bán chúng được, nhưng con lại tin rằng nó xuất phát từ trái tim nhân hậu của ông ấy, phải không bác? Khi lên tàu, con cứ có cảm giác như mọi người hẳn đang nhìn mình thương hại. Nhưng con tìm ngay ra cách và hình dung rằng mình đang mặc chiếc váy xanh lơ đẹp nhất – vì một khi đã tưởng tượng thì phải tưởng tượng sao cho đáng – cùng một chiếc mũ to đính đầy hoa và lông vũ lúc lắc, cả một chiếc đồng hồ vàng, thêm đôi găng tay và bốt trẻ em. Con thấy vui lên liền và tận hưởng chuyến đi tới Đảo với toàn bộ sức lực của mình. Con không hề say sóng khi đi thuyền. Bà Spencer cũng thế, mặc dù bà ấy có lần suýt say. Bà ấy nói là chẳng còn thời gian để say sóng, vì cứ phải mãi trông chừng sao cho con không bị rơi xuống nước. Nhưng nếu điều đó giúp bà ấy không bị say sóng thì thật là một phép màu con đã tạo ra đúng không ạ? Và con muốn thấy mọi thứ trên thuyền đó vì con không biết liệu mình còn có cơ hội nào khác không. Ồ, và còn rất nhiều cây anh đào nữa chứ, tất cả đều đang nở rộ! Đảo này là nơi nhiều hoa nở nhất. Con yêu nó mất rồi, và con mừng là mình sẽ sống ở đây. Con luôn nghe nói rằng đảo Hoàng tử Edward là nơi xinh đẹp nhất thế giới, và con từng tưởng tượng mình sống ở đây, nhưng con chưa bao giờ thật sự tin rằng mình có thể. Thật vui khi những tưởng tượng của mình có thể thành hiện thực, đúng không ạ? Nhưng những con đường đỏ ấy mới thú vị làm sao chứ. Khi bước lên tàu hỏa ở Charlottetown, những con đường màu đỏ bắt đầu lướt qua, con hỏi bà Spencer cái gì làm chúng đỏ thế, bà ấy bảo rằng không biết, lạy Chúa lòng lành đừng hỏi câu nào nữa. bà nói con hỏi có đến ngàn câu rồi. Con cũng nghĩ vậy, nhưng làm sao tìm hiểu mọi thứ mà không đặt câu hỏi chứ? Và cái gì làm những con đường có màu đỏ?”
“À ừ, bác chịu thôi,” ông Matthew đáp.
“À, đó là một trong những thứ sẽ có lúc phải tìm hiểu. Thật tuyệt vời khi nghĩ đến tất cả những thứ có đó cho ta tìm hiểu, đúng không ạ? Nó làm con cảm thấy vui sướng biết bao khi được sống – thế giới này mới thú vị làm sao. Nó sẽ giảm hẳn một nửa sự thú vị nếu chúng ta biết hết mọi thứ, đúng không ạ? Lúc đó sẽ không còn chỗ cho trí tưởng tượng, bác nhỉ? Nhưng có phải con nói nhiều quá không? Người ta lúc nào cũng nói con thế. Bác có thích con im lặng không? Nếu bác nói vậy thì con sẽ dừng. Con có thể dừng khi con quyết định như thế, mặc dù cũng khó khăn thật.”
Ông Matthew, trước sự ngạc nhiên của chính mình, tự bản thân cũng cảm thấy thích thú. Như tất cả những người dân quê trầm lặng, ông thích những người nói nhiều khi họ sẵn lòng độc thoại và không đòi hỏi ông phải đối đáp. Nhưng ông chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ được hưởng sự bặt thiệp này từ một bé gái. Phụ nữ xấu trên mọi phương diện, nhưng những đứa bé gái còn tệ hơn. Ông ghét cách chúng thẹn thùng lướt qua, quẳng vài tia liếc nhìn như thể hy vọng ông sẽ ngấu nghiến từng lời chúng sắp đánh bạo thốt ra. Đó là kiểu cách Avonlea của những cô gái có giáo dục. Nhưng cô phù thủy đầy tàn nhang này thì khác hẳn, và mặc dù trí óc chậm chạp của ông khó mà theo kịp diễn tiến tinh thần nhanh nhạy của con bé. Nên ông lại rụt rè nói như thường lệ:
“Ồ, con cứ nói tùy thích. Bác không để tâm đâu.”
“Ôi, con vui quá. Con biết con và bác sẽ hợp nhau mà. Thật nhẹ nhõm khi được nói chuyện theo ý thích, không bị bảo rằng trẻ con chỉ nên nghe chứ không nên nói. Con được dạy thế cả triệu lần rồi. Và mọi người cứ cười con vì dùng từ đao to búa lớn. Nhưng khi chúng ta có những ý tưởng lớn lao thì phải dùng những từ lớn lao để bày tỏ chứ, bác nhỉ? “
“Ừ, nghe cũng có lý đấy,” ông Matthew phụ họa.
“Bà Spencer nói lưỡi của con hẳn phải treo lơ lững. Nhưng không – nó dính chặt ở một đầu mà. Bà Spencer nói chỗ bác tên là Chái Nhà Xanh. Con đã hỏi bà tất tật mọi chuyện về nơi ấy. Và bà ấy nói xung quanh có cây. Con mừng lắm. Con vốn yêu cây cối mà. Quanh trại mồ côi không có cây gì cả, chỉ trừ một vài cái cây còi cọc ở trước cổng được sơn phết mấy vòng trắng cẩn thận. Chúng trông không khác gì những đứa trẻ mồ côi. Con thường muốn òa lên khóc mỗi khi nhìn chúng. Con hay bảo chúng, ‘Ôi, những gốc cây bé bỏng tội nghiệp! Nếu các em được sống trong những khu rừng rộng mênh mông cùng bè bạn xung quanh, với những đám rêu nhỏ và cây chuông-tháng-Sáu mọc trên rễ, một dòng suối nhỏ róc rách ngay cạnh cùng chim líu lo trên cành, các em sẽ vươn cao, đúng không nào? Nhưng các em đâu được ở đó. Chị hiểu rất rõ cảm nhận của em, cây nhỏ ạ.’ Con cảm thấy rất tiếc khi sáng nay phải bỏ chúng lại. Bác có gắn bó với những thứ như thế không, có không bác? Liệu gần Chái Nhà Xanh có dòng suối nào không? Con quên hỏi bà Spencer chuyện đó.”
“Ừ có, có một con suối ngay phía dưới căn nhà.”
“Tuyệt diệu! Một trong những giấc mơ của con là được sống cạnh suối. Dù vậy, con chưa bao giờ nghĩ mình có thể làm được. Mấy khi giấc mơ biến thành sự thật, phải không bác? Có phải nếu chúng thành hiện thực thì sẽ tuyệt lắm không? Nhưng hiện giờ con không thể cảm nhận đích xác được hạnh phúc tuyệt đối bởi vì – à, bác gọi đây là màu gì?”
Con bé kéo ngay một bên bím tóc dài mượt mà của mình qua đôi vai gầy và đưa lên trước mắt ông Matthew. Ông Matthew không quen với việc xác định màu sắc của những bím tóc phụ nữ, nhưng màu này thì chẳng còn nghi ngờ gì.
“Đỏ, đúng không?” ông hỏi.
Con bé thả bím tóc lại phía sau và gieo một tiếng thở dài như thoát ra từ tận đáy lòng, xả hết nỗi buồn khổ chất chứa qua bao năm tháng.
“Vâng, màu đỏ,” con bé nói với giọng cam chịu. “Bây giờ bác hiểu vì sao con không thể hạnh phúc tuyệt đối được rồi đó. Đã mang bộ tóc đỏ như thế này thì ai còn có thể chứ. Con không để tâm nhiều đến mấy thứ khác – tàn nhang, mắt xanh lá và cả cái vẻ gầy trơ xương của con nữa. Con có thể tưởng tượng chúng khác đi. Con có thể tưởng tượng mình có nước da trắng hồng đẹp đẽ và đôi mắt tím long lanh đáng yêu. Nhưng con không thể tưởng tượng gì khác cho mái tóc đỏ này. Con cố hết sức rồi. Con tự nhủ, ‘Giờ tóc mình có màu đen óng ả, đen nhánh như mun.’ Nhưng lúc nào con cũng biết rằng nó chỉ tuyền một màu đỏ, và điều đó làm tim con tan nát. Đây sẽ là nỗi đau khổ cả đời của con. Có lần con đọc trong tiểu thuyết thấy có một cô gái cũng có nỗi đau khổ cả đời nhưng không phải vì tóc đỏ. Tóc cô ấy óng vàng, bồng bềnh xõa ra phía sau từ vầng trán thạch cao tuyết hoa. Thế nào là vầng trán thạch cao tuyết hoa? Con chưa bao giờ hiểu được. Bác nói con nghe được không?”
“À ừ, bác e là bác không thể,” ông Matthew trả lời, tự nhiêu thấy hơi hoa mắt. Ông cảm giác mình như một lần nữa quay lại thời tuổi trẻ nông nỗi, khi bị một thằng bé khác dụ dỗ chơi trò ngựa gỗ trong cuộc thi picnic.
“Ồ, dù có là gì thì nó hẳn cũng phải tuyệt lắm vì cô ấy đẹp như tiên mà. Bác có bao giờ tưởng tượng xem nếu được đẹp như tiên thì mình sẽ có cảm giác gì không?”
“À ừ, không, chưa từng,” ông Matthew thành thật thú nhận.
“Con thì có rồi, thường xuyên là đằng khác. Nếu được chọn, bác thích cái nào hơn – đẹp như tiên hay thông minh sáng chói hay tốt bụng như thiên thần?”
“À ừ, bác… bác không chắc.”
“Con cũng vậy. Con chưa bao giờ quyết định được. Nhưng cũng chẳng có khác biệt gì lắm vì dường như con chẳng bao giờ rơi vào trường hợp nào. Rõ là con không thể tốt như thiên thần rồi. Bà Spencer nói… Ôi chao, bác Cuthbert! Ôi chao, bác Cuthbert!!!”
Không phải tại bà Spencer nói gì, cũng chẳng phải do con bé bị rơi ra khỏi xe ngựa hay ông Matthew đã làm gì gây sốc. Chẳng qua vì vòng qua cua hết đường và hiện giờ đang ở “Đại Lộ”.
“Đại Lộ”, như cách người Newbridge vẫn gọi, là một đoạn đường dài khoảng bốn năm trăm thước, hai bên rợp bóng những hàng táo trải dài, thân đồ sộ, do một nông dân lập dị trồng nhiều năm trước. Che phủ trên đầu là cả một vòm hoa trắng như tuyết, tỏa hương ngào ngạt. Dưới cành cây, không khí dày đặc ánh chạng vạng đỏ tía và bầu trời xa xa nhuộm màu hoàng hôn tỏa rạng như một cửa sổ hoa hồng lớn cuối thánh đường.
Vẻ đẹp đó dường như làm đứa trẻ sững sờ. Con bé ngồi tựa lưng vào xe, hai bàn tay gầy guộc đan chặt trước mặt say mê ngước lên chiêm ngưỡng sắc trắng huy hoàng trên đầu. Ngay cả khi họ đã ra khỏi con đường và đánh xe xuống triền dốc dài đến Newbridge, con bé cũng không nhúc nhích hay nói câu nào. Vẫn giữ vẻ mặt say mê đó, nó đăm đăm hướng về vầng mặt trời xa xa đang lặn xuống phía Tây, đôi mắt có thể nhìn thấy cả những ảo ảnh huy hoàng đang hàng hàng lớp lớp lướt qua cái nền lấp lánh ấy. Xuyên qua Newbridge, một ngôi nhà nhỏ rộn ràng huyên náo, nơi đàn chó sủa váng lên khi thấy họ còn mấy thằng bé trai hú huýt và những khuôn mặt tò mò lấp ló qua cửa số, họ đánh xe đi, vẫn chẳng nói chẳng rằng. Rõ ràng nó có thể giữ im lặng, cũng cương quyết như khi nó nói chuyện vậy.
“Bác chắc là cháu thấy mệt và đói lắm rồi,” cuối cùng ông Matthew đánh liều lên tiếng, quy chụp cho tình trang ngơ ngẩn kéo dài của con bé cho cái lý do duy nhất ông có thể nghĩ ra được. “Nhưng không còn xa đâu… khoảng một dặm nữa thôi.”
Con bé bừng tỉnh khỏi giấc mơ với một tiếng thở dài não nề quay nhìn ông bằng ánh mắt mơ màng của một tâm hồn vừa lang thang theo những vì sao đến nơi nào xa lắm.
“Ôi, bác Cuthbert,” con bé lẩm bẩm, “nơi chúng ta đã đi qua – nơi trắng xóa đó – là gì vậy ạ?”
“À, chắc hẳn con muốn nói đến Đại Lộ,” ông Matthew nói sau lúc lâu ngẫm nghĩ. “Nơi đó trông khá dễ thương.”
“Dễ thương? Ồ, dễ thương có vẻ không phải là từ đúng rồi. Đẹp cũng không phải. Những từ này không đủ để diễn tả. Ồ, nơi đó thật kỳ diệu, kỳ diệu. Lần đầu tiên con thấy một nơi mà trí tưởng tượng cũng không thể tô vẽ gì thêm. Con thật hài lòng vì được ở đây,” – con bé đặt một tay lên ngực – “Nó gây ra một cơn đau lạ lùng đến đến buồn cười, nhưng là một cơn đau dễ chịu. Bác có bao giờ cảm thấy đau như thế chưa, bác Cuthbert?”
“À ừ, bác không thể nhớ mình đã bao giờ thế chưa.”
“Con bị vậy nhiều lần lắm – bất cứ khi nào con thấy cái gì đó đẹp đến huy hoàng. Nhưng họ không nên gọi một nơi đáng yêu như vậy là Đại Lộ. Cái tên chả có nghĩa gì cả. Họ nên gọi là – để con nghĩ xem – Đường Trắng Hân Hoan. Có phải đó là một cái tên dễ thương gợi lên bao điều không? Khi không thích tên của nơi nào đó hay của người nào đó, bao giờ con cũng tưởng tượng ra cái tên mới và luôn luôn nghĩ về họ với cái tên đó. Có một bạn gái ở trại trẻ mồ côi tên là Hepzibah Jenkins, nhưng con luôn tưởng tượng bạn ấy tên là Rosalia De Vere. Người khác có thể gọi nơi đó là Đại Lộ, nhưng con sẽ luôn gọi nó là Đường Trắng Hân Hoan. Có thật là chỉ còn một dặm nữa là chúng ta sẽ tới nhà không ạ? Con vui lắm nhưng mà tiếc thật. Con thấy tiếc vì cuốc xe này dễ chịu quá, mà con thì lúc nào cũng thấy tiếc khi những điều dễ chịu qua đi. Có thể một điều dễ chịu hơn sẽ tới sau đó, nhưng chúng ta chẳng thể nào chắc chắn được. Và thường thì nó chẳng dễ chịu hơn. Dù sao đó cũng là kinh nghiệm của con. Nhưng con rất vui khi nghĩ đến chuyện sắp đến nhà rồi. Bác thấy đó, từ khi biết suy nghĩ cho đến giờ, con chưa bao giờ có một mái ấm đích thực. Chỉ cần nghĩ tới việc đang được đưa đến với một mái ấm đích thực là con lại cảm thấy một cơn đau dễ chịu nữa rồi. Ôi, chẳng phải tuyệt lắm sao!”
Họ đánh xe qua đỉnh đồi. Phía dưới là một cái hồ, trong chẳng khác nào con sông trải dài, uốn khúc. Một cây cầu bắc ngang hồ, và từ đây xuống đến phía bờ hồ thấp hơn, nơi vành đai đồi cát ngả màu hổ phách ngăn cách nó với vùng vịnh xanh thẫm bên ngoài, làn nước biến thành một vầng hào quang với vô vàn sắc màu không ngừng biến đổi – những màu thần thánh nhất như nghệ tây, hồng và xanh lá thanh tao, kết hợp những ánh màu li ti huyền ảo không tên. Phía bên kia cây cầu, hồ chạy vào đôi găng tay đính tua bằng những cây linh sam và phong, rồi lờ mờ ẩn mình trong những bóng cây dập dờn. Đây đó một cây mận dại ló ra khỏi bờ sông như một cô nàng trắng trẻo đang nhón chân soi bóng. Từ trong đầm lầy ở đầu hồ vang lên rõ ràng bài đồng ca ngọt đến nao lòng của những chú ếch. Một căn nhà nhỏ xam xám lấp ló trong vườn táo trắng xóa trên con dốc xa xa, và mặc dù trời chưa tối lắm, ánh đèn vẫn hắt ra từ một trong những khung cửa sổ.
“Đó là hồ Barry,” ông Matthew giới thiệu.
“Ôi, con cũng chẳng thích cái tên đó. Con sẽ gọi nó – để xem – Hồ Nước Lấp Lánh. Phải rồi, đó đúng là tên dành cho nó. Con biết vì đã rùng mình. Cứ khi nào tìm được một cái tên tuyệt đối phù hợp là con lại rùng mình. Có thứ gì làm cho bác rùng mình chưa?”
Ông Matthew trầm ngâm suy nghĩ.
“À ừ, có. Lần nào nhìn thấy lũ giòi trắng xấu xí ngoi đầu khỏi thảm dưa leo bác cũng đều rùng mình. Bác ghét nhìn chúng.”
“Ồ, con không nghĩ hai kiểu rùng mình đó giống hệt nhau. Bác nghĩ chúng có giống nhau không? Dường như chẳng có mấy liên hệ giữa giòi và Hồ Nước Lấp Lánh, đúng không ạ? Nhưng sao mọi người gọi nó là hồ Barry vậy?”
“Bác đoán là vì ông Barry sống ở căn nhà trên đó. Dốc Vườn Quả là tên chỗ ông ấy ở. Nếu đằng sau nó không có bụi cây lớn kia thì ắt con có thể nhìn thấy Chái Nhà Xanh từ đây rồi. Nhưng chúng ta sẽ phải qua cầu và vòng đường đó, nên còn hơn nửa dặm nữa.”
“Ông Bary có đứa con gái nhỏ nào không ạ? À, không nhỏ quá – cỡ con đó.”
“Ông ấy có một đứa khoảng mười một tuổi. Tên con bé là Diana.”
“Ôi chao!” cùng với một hơi hít sâu. “Cái tên đáng yêu quá!”
“À ừ, bác không biết. Cái tên đó có vẻ ngoại đạo một cách kỳ cục, bác thấy thế. Bác thích tên Jane, Mary hay đại loại mấy cái tên hợp lý kiểu thế hơn. Nhưng khi Diana chào đời, có một thầy giáo cũng có mặt ở đó, vậy là họ nhờ ông ấy đặt tên cho con bé và ông ấy bèn đặt là Diana.”
“Con ước gì cũng có một thầy giáo như thế ở bên cạnh lúc con ra đời. Ồ, chúng ta lên cầu rồi. Con phải nhắm mắt lại thôi. Con lúc nào cũng sợ qua cầu. Con không thể ngăn mình tưởng tượng rằng có lẽ, đúng lúc chúng ta đang ở giữa cầu, nó sẽ gấp lại như con dao bỏ túi và kẹp chúng ta luốn. Nên con nhắm mắt lại. Nhưng con luôn mở to mắt khi nghĩ mình đã đến gần giữa cầu rồi. Bởi vì, bác biết không, nếu cái cầu thật sự gấp lại thì con muốn được xem nó gấp. Nó sẽ gây ra một tiếng ầm ầm sôi động! Con luôn thích cái phần ầm ầm sôi động đó. Có tuyệt không khi có bao nhiêu thứ trên đời này để thích? Đây, chúng ta qua rồi. Giờ con sẽ quay nhìn lại. Ngủ ngon nhé, Hồ Nước Lấp Lánh thân mến. Con luôn chúc những thứ mình yêu thích ngủ ngon, như con thường làm với mọi người. Con nghĩ họ thích vậy. Nước cứ như đang cười với con.”
Khi họ đã đánh xe lên ngọn đồi xa hơn và chuẩn bị đến khúc rẽ, ông Matthew nói:
“Chúng ta gần đến nhà rồi. Chái Nhà Xanh ở quá…”
“Ô, đừng cho con biết,” con bé hổn hển ngắt lời, chụp lấy cánh tay đang giơ lên nửa chừng của ông và nhắm tịt mắt lại để không nhìn thấy hướng ông chỉ. “Để con đoán, con chắc chắn sẽ đoán đúng mà.”
Con bé mở mắt nhìn xung quanh. Họ đang ở trên đỉnh đồi. Mặt trời đã xuống núi được một lát nhưng phong cảnh vẫn rõ nét trong ánh hoàng hôn êm dịu. Phía Tây, một tháp chuông nhà thờ sẫm màu nhô lên nên trời vàng hoa cúc. Bên dưới là thung lũng nhỏ và xa xa, một con dốc hơi nhô lên, trải dài với những nông trại xinh xắn rải rác bên đường. Ánh mắt con bé lướt từ nơi này đến nơi khác đầy khao khát, háo hức và đăm chiêu. Cuối cùng họ rẽ vào một lối đi bên tay trái cách biệt hẳn con đường cái, lờ mờ màu trắng của đám cây cối đang nở hoa trong ánh chạng vạng của mấy vạt rừng xung quanh. Phía trên, giữa nền trời Tây Nam trong vắt, một ngôi sao lớn trắng màu pha lê nhấp nháy như ánh đèn dẫn đường đáng tin cậy.
“Nó đó, đúng không ạ?” con bé chỉ tay hỏi.
Ông Matthew vui vẻ ghìm cương trên lưng ngựa.
“À ừ, cháu đoán ra được rồi! Nhưng ta chắc là bà Spencer đã tả cho cháu nên cháu mới nói đúng được.”
“Không, bà ấy không miêu tả gì – thật sự là không. Bà ấy gần như chỉ nói những thứ chung chung ở nơi nào cũng thế. Con không hề có ý tưởng cụ thể nhà sẽ trông thế nào. Nhưng ngay khi con nhìn thấy con đã có cảm giác nó chính là nhà mình. Ôi, cứ như con đang mơ vậy. Bác biết không, tay con từ khuỷu trở lên hẳn thâm tím hết rồi, vì cả ngày nay con đã tự cấu véo mình không biết bao nhiêu lần. Cứ chốc chốc, cảm giác thất vọng khủng khiếp lại tràn tới và con lại sợ rằng tất cả chuyện này chỉ là một giấc mơ. Vậy là con bèn tự nhéo mình xem nó có thật hay không – cho đến khi con đột nhiên nhớ ra rằng cho dù chỉ là giấc mơ thì con cũng nên mơ tiếp đến khi nào còn có thể; nên con không tự nhéo mình nữa. Nhưng chuyện này là thật và chúng ta đã gần đến nhà rồi.”
Với một tiếng thở dài sung sướng, con bé lại chìm vào im lặng. Matthew bứt rứt đổi tư thế. Ông thấy mừng vì chính Marilla chứ không phải ông sẽ là người phải nói với đứa trẻ bơ vơ này rằng mái ấm mà nó hằng khao khát rốt cuộc lại không phải là của nó. Họ đánh xe qua thung lũng nhà Lynde, nơi đây màn đêm đã buông xuống nhưng trời chưa tối đến mức khiến bà Rachel không thể nhìn thấy họ từ khung cửa thuận tiện của mình, rồi cả hai lên đồi tiến vào con đường nhỏ tít tắp của Chái Nhà Xanh. Ngay khi họ đến chỗ ngôi nhà, ông Matthew bỗng rụt người lại khi một phát hiện ập đến với luồng năng lượng mà ông không tài nào hiểu được. Không phải vì Marilla hay vì bản thân mà ông phải suy nghĩ về rắc rối có thể đến do sai lầm này, mà vì sự thất vọng của đứa trẻ đó. Khi nghĩ tới ánh sáng vui sướng say mê vụt tắt trong mắt con bé, ông lại có cảm giác bứt rứt không yên là mình đang tiếp tay cho một vụ mưu sát – đúng cái cảm giác thường trào lên mỗi khi ông phải giết một con cừu, bê hay bất cứ sinh linh bé nhỏ vô tội nào.
Khi họ rẽ vào trong, sân đã tối và những lá bạch dương kêu xào xạc xung quanh.
“Lắng nghe cây nói chuyện trong giấc ngủ kìa,” con bé thầm thì trong lúc ông nhấc bổng nó đặt xuống đất. “Hẳn chúng đang có một giấc mơ êm đềm lắm!”
Rồi, tay nắm chặt túi xách, nơi cất giữ “toàn bộ tài sản đáng giá nhất của mình,” con bé bước theo ông vào nhà.