Nếu nói tháng Sáu là tiết hoa nở thì tháng Bảy là tháng chia ly. Trong bầu không khí nóng bức, ẩm ướt, người ta bùi ngùi lưu luyến nhưng vẫn không tránh được cảnh chia ly. Vường trường tháng Bảy đầy nước mắt. Tôi đứng cạnh cửa sổ nhìn lớp sinh viên tốt nghiệp, đầy hành lý đi ra. Mỗi khi thấy họ quay đầu nhìn lại trường lần cuối, lòng tôi lại nhói đau, đó cũng là hình ảnh của mình năm sau.
Trong thời gian này, học sinh khoá dưới thường thích đi mua lại sách của các sinh viên vừa tốt nghiệp – lúc mua mấy chục đồng, bây giờ hễ có tiền là bán, thậm chí chỉ mấy hào. Chạy nhất là máy tính. Họ đã dùng nó để chơi game mấy năm trời, bây giờ đem bán đổ bán tháo.
Trong khóm hoa, sân vận động, phòng học, chỗ nào cũng đầy các đôi tình nhân. Tốt nghiệp rồi, những đôi yêu nhau, hoặc là sẽ có một sự bắt đầu mới, hoặc là mỗi người mỗi ngả. Vậy là họ tranh thủ tận hưởng tình yêu trong những ngày cuối cùng còn ở trường. Nhắc lại lần nắm tay đầu tiên, nụ hôn đầu tiên, nói lời yêu đầu tiên, lần suy nghĩ về tương lai đầu tiên, lần viết nhật ký đầu tiên ghi lại nỗi nhớ đầu đời… “ngày…tháng…trời mưa…nhớ…”.
Bây giờ là tháng Bảy, bằng giờ này sang năm tôi sẽ tốt nghiệp. Tôi nghĩ lúc ra trường, hành trang của mình còn những gì? Có lẽ chỉ mấy cuốn sách!
Tạng Đao, “sư phụ” của Hà Tặc cũng tốt nghiệp năm nay. Hôm qua họ tụ tập ăn uống.
Vị sư phụ này là người Trùng Khánh, có tài chơi dao; hai người quen nhau khi Hà Tặc mới học năm thứ nhất. Hồi đó Hà Tặc cùng mấy đứa bạn đánh nhau với học sinh trường khác, có một người gầy thấp, tướng mạo xấu xí, tay cầm dao nhảy vào đâm đối phương lia lịa, nhưng chỉ toàn đâm vào mông, chỗ nhiều thịt không gây thương tích nặng, chảy ít máu, đủ dọa đối phương nhưng rất chuẩn, không chệch nhát nào, kiểu cầm dao vô cùng điệu đà. Đấy là gã trai có biệt danh rất kêu “Tạng Đao”. Từ đó Hà Tặc tâm phục khẩu phục anh chàng thấp hơn mình nửa cái đầu, nhất nhất gọi sư phụ, sư phụ một cách cung kính.
Hôm qua lúc ăn, không ai nhắc tới hai chữ chia tay, mọi người ăn uống vui vẻ như thường. Ngấm rượu, sư phụ của Hà Tặc thể hiện tài dùng dao, càng khiến mọi người hứng khởi, tán dương ầm ãi. Khi tiệc tan còn đem dao nghe đồn của người Tạng gắn bó gần bảy năm tặng cho đồ đệ Hà Tặc.
Hà Tặc bật khóc, mím môi nhận quà, nước mắt như mưa. Tôi không khóc nhưng lòng buồn rười rượi.
Gục đầu lên bệ cửa sổ, tôi thấy lòng ngao ngán. Đột nhiên thấy nhớ Hồ Khả da diết.
Đi đến dưới phòng Hồ Khả, nhìn thấy một đôi đang ôm nhau khóc – nghe rõ tiếng của cô gái, thê thảm, văng vẳng lan xa – càng buồn tê tái.
Gọi Hồ Khả, chúng tôi đi đến sân vận động ngồi, nhìn đám học sinh khoá dưới chơi bóng. Đối với tôi, chỉ có sinh viên tốt nghiệp là người lớn, còn lại đều là trẻ con.
Tôi đã học năm thứ ba.
Tôi sắp có tháng Bảy chia ly.
Hồ Khả rất sôi nổi. Nàng hớn hở kể cho tôi nghe chuyện các bạn cùng phòng buôn điện thoại thế nào; khi thấy tôi không hào hứng, nàng ngạc nhiên hỏi: “Rốt cuộc có chuyện gì, sao anh buồn thế?”.
Tôi biết nếu kể với nàng nỗi buồn của mình, nhất định nàng sẽ giễu tôi đa sầu đa cảm; Hà Tặc và A Thụ luôn giễu tôi như vậy. Hơn nữa nàng đã nói với tôi từ lâu, nàng mong tốt nghiệp sơm, có việc làm, tự kiếm tiền, làm việc mình thích. Nhưng tôi vẫn không kìm chế được, liền nói với nàng: “Giờ này sang năm đến lượt anh tốt nghiệp, đâu đâu cũng thấy âm hưởng chia ly, anh không thích”. Thật bất ngờ, Hồ Khả không nói gì, chỉ cười, kéo tay tôi nắm trong bàn tay mềm mại của mình đặt lên khuôn mặt có làn da mát dịu của nàng: “Lúc đó đã có em bên cạnh”. Nàng thì thầm.
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
Chúng tôi cứ ngồi thế xem “bọn trẻ” chơi trên sân bóng, bỗng nhận thấy thì ra tôi vẫn có một người con gái ở bên mình.
Trên sân có một cặp trai gái. Họ cũng yên lặng ngồi bên nhau không nói. Tôi lén quan sát Hồ Khả, dưới ánh nắng chiều, khuôn mặt đẹp của nàng toả ra vầng hào quang màu vàng óng ả. Nàng lười biếng dựa vào tôi. Tôi nghĩ có lẽ chính là tình yêu!
Trong những lúc buồn luôn có người bên cạnh, dù chỉ im lặng vẫn có tác dụng an ủi rất lớn. Tôi xúc động nói: “Hồ Khả, cảm ơn em!”.
Hồ Khả mắng tôi ngốc.
Ngày 20 tháng Bảy mẹ về quê. Mẹ yêu cầu ba anh em chúng tôi cùng về, tôi nghĩ phải ở lại Trùng Khánh tìm việc làm kiếm chút tiền nên không về, hai đứa em gái đương nhiên không chịu.
Lẽ nào ngay đến con mèo Sbin cũng cảm nhận được không khí chia ly của tháng Bảy? Nó gục vào bệ cửa sổ kêu thảm thiết, tiếng kêu nghe xé lòng. Khi không thấy ai ở trong đó, nó lại ra ngoài cửa kêu, lúc đó tôi đến bên, nó quay mặt lại, vẫn kêu không ngớt. Tôi vuốt ve nó, nó dịu đầu vào tôi, liếm liếm tay tôi, kêu: “meo…meo…”.
Tôi nâng mặt nó lên, nghĩ thầm: Sbin, lẽ nào mày cũng hiểu tháng Bảy là tháng chia ly? Bất giác thấy buồn cười về sự đa cảm rất đàn bà của mình, muốn cười nhưng không cười được.
Bây giờ mẹ đang nấu cho chúng tôi bữa sáng cuối cùng. An An cũng đã chịu yên, ngồi trên đi văng nhắn tin cho bạn trai. Mai Mai vẫn ngồi vẽ tranh ngoài ban công. Tôi ở trong phòng nghe mẹ dặn dò, “Tết nhất định phải về nhà ăn bữa cơm đoàn tụ, ăn bánh chẻo và canh đoàn viên”. Tôi nói: “Con biết rồi”, nhìn lịch trên tường, hôm nay là ngày 20.
Sáng 20 tháng Bảy, Trùng Khánh mưa nhỏ. Không khí trong lành, phảng phất mùi chia ly. Lúc ăn sáng, mẹ bảo: “Mẹ mới đến đây hai tháng, đã là hội viên hội mạt chược rồi”. Mọi người gượng cười. Sau đó, mẹ lại nhắc chuyện muốn chúng tôi cùng về quê. “Dương Dương, cùng về với mẹ, ba anh em chúng mày không biết chăm sóc nhau, ở ngoài làm sao được như ở nhà”.
Trước khi nghe mẹ nói tôi đã quyết định không về. Tôi đã định dứt khoát từ chối: “Con không về!” nhưng lúc này, trước ánh mắt mẹ, tôi không thể mở miệng. Đôi mắt mẹ suốt một đời sáng là thế, vậy mà khi bước vào tuổi già cũng bắt đầu mờ đục. Mẹ già rồi, mẹ chỉ thích con cái quây quần, mẹ sợ cô đơn. Bố quanh năm uống ruợu không biết đến việc gia đình. Tôi mường tượng ở nhà có một phụ nữ cô đơn đang chờ đợi đoạn cuối cuộc đời mình.
Tôi liếc nhìn An An, con bé rất láu cá, gặp tình huống thế này, nó thường cúi đầu, không thể hiện thái độ. Tôi lại cầu cứu Mai Mai, đôi mắt điềm tĩnh của nó nhìn tôi, nét mặt bình thản. Tôi hiểu,chỉ cần được theo tôi, đi đâu nó cũng đi, Mai Mai từ nhỏ đã rất quấn tôi. Có nghĩa là, bây giờ quyền quyết định thuộc về tôi. Tôi nghĩ, đàn ông phải xa nhà, bôn tẩu lạp nghiệp, không nên chỉ quẩn quanh ở quê. Vậy là giả bộ bình tĩnh vừa gắp rau, vừa như buột miệng nói: “Vẫn ở lại Trùng Khánh thôi, đã quyết định như vậy rồi mà”.
Mẹ không tiện nói lại, mọi người lặng lẽ ăn. Tôi thậm chí không dám nhìn mẹ, cảm thấy mình như kẻ trộm lấy đi đứa con trai duy nhất của mẹ.
Khi tiễn mẹ, An An nhất định không đi, con bé cứ một mực nói có việc, rồi chuồn mất. Mẹ, tôi và Mai Mai ra bến xe. Trên đường đi, mẹ lại bắt đầu dặn dò trời nóng phải uống nước lạnh, trời lạnh phải uống nước nóng, cứ như tôi là đứa trẻ lên ba.
Tôi nói: “Con biết tự chăm sóc, con không còn là trẻ con nữa”.
“Với mẹ, các con mãi mãi là trẻ con”. Mẹ nói, mắt sáng lên. Mắt Mai Mai bắt đầu đỏ, nó ngoan ngoãn đứng cạnh tôi, yên lặng nhìn mẹ.
“Mai Mai cũng thế, phải nghe lời anh, phải chịu khó ăn. Con gầy quá!”. Mẹ lại chuyển chủ đề sang cô con gái.
Mai Mai mím môi gật đầu, cố không cho nước mắt trào ra.
Sau đó mẹ lại dặn dò hai anh em: “Các con là anh là chị phải chăm sóc An A, nhất là Mai Mai, con là chị, phải thường xuyên chơi với em”. Mai Mai không phản ứng, chỉ đăm đăm nhìn mẹ. Tôi nghe rõ tiếng mẹ thở dài.
Đến bến xe, mua vé xong, vẫn còn một giờ nữa xe mới chạy. Chúng tôi ra ghế ngồi đợi, em gái ngồi bên trái, mẹ ngồi bên phải tôi. Tôi là chỗ dựa cho hai người phụ nữ này. Tôi thấy mình phải là một người đàn ông thực thụ nên lúc chia tay, tôi quyết không khóc, mặc dù sống mũi cay xè.
Một người gánh hàng rong đi qua, mẹ gọi lại hỏi:
“Đào bán thế nào?”
“Ba đồng một cân, ngọt lịm”
“Sao đắt thế? Hai đồng rưỡi được không?”
“Hai đồng rưỡi mà mua được đào ngọt ư? Giá ấy chỉ mua được đào chua thôi!”
Sau đó hai người nói đi nói lại. mẹ chỉ trả hai đồng rưỡi, người bán nhất định đòi ba đồng.
Tôi bảo: “Ba đồng thì ba đồng, để con trả tiền”.
Mẹ lườm tôi, tôi chẳng dám nói, tiếp tục nghe mẹ cò kè vì mấy hào bạc; tôi cảm thấy mất mặt bèn đứng xa một chút. Mẹ ngồi trước gánh hàng bắt đầu chọn những quả to ngon nhất. Nhìn mẹ ngồi xổm trước gánh hàng, tôi dường như nhìn thấy những năm cuối đời cô đơn của bà.
Sau khi mẹ chọn xong, tôi định trả tiền nhưng mẹ không chịu, bảo tôi cứ giữ tiền mà tiêu. Tôi bỗng nhận ra tôi là đứa con bất hiếu nhất, tôi có thể bỏ ra 300 đồng mua sợi dây chuyền tặng bạn gái, có thể thuê khách sạn 160 đồng một đêm, còn mẹ, vì 5 hào bạc mà nói khô cổ bỏng họng, cuối cùng tươi cười phấn khởi chỉ vì người ta bớt cho hai hào.
Mua xong đào, mẹ ấn cả túi vào tay tôi. Tôi ngạc nhiên tưởng mẹ mua mang về quê làm quà, bèn nói: “Mẹ mang lên xe mà ăn, nếu muốn ăn con sẽ tự mua”.
Nhưng mẹ không chịu, mẹ bảo: “Đào này khác, đào này là của mẹ mua”.
Tôi cười không biết làm thế nào.
Trước khi lên xe mẹ còn hỏi tôi: “Hay là con về quê đi, mẹ sẽ mua thêm về, nhà cũng chẳng còn ai”.
Lúc ấy không thể chịu đựng hơn được nữa, tôi quay mặt đi. Tôi biết, nếu nhìn mẹ, có thể tôi sẽ lên xe theo mẹ về quê.
Mẹ thấy tôi không nói, đành lên xe.
Tôi và Mai Mai nhìn theo chiếc xe khuất dần, vẫn thấy chỗ cửa sổ nơi mẹ ngồi một hình bóng đen thẫm, thấp thoáng bàn tay vẫy.
Quay người lại, thành phố vẫn náo nhiệt với nhịp sống quen thuộc của nó.
Tôi thấy Mai Mai lén lau nước mắt.
Mưa đã tạnh, tôi đưa em gái về nhà. Vừa mở cửa bước vào phòng, trong đầu đã hiện lên hình ảnh một người đàn bà luống tuổi ngồi trước cửa, mắt hướng về xa xăm. Nơi đó có những người con