Thang Do và Thang Thực sau khi lấy những quyển thi của mình về đang ngồi buồn bã thì một người nhà từ phủ Trấn Viễn ở Quí Châu đến đưa cho họ một phong thư. Họ mở ra và cùng đọc:
” Bọn Miêu càng ngày càng thêm hung dữ. Sau khi treo bảng rồi bất kỳ đỗ hay hỏng, các con phải về ngay trấn thự của ta…”
Thang Do nói với em:
– Phụ thân muốn ta về nha môn. Chúng ta hãy về Nghi Trưng, thu xếp đồ đạc rồi sẽ đi.
Họ bảo Vưu Râu thuê một chiếc thuyền và trả tiền thuê phòng. Sau đó hai người lên kiệu, bảo đầy tớ mang hành lý đi ra cửa Thủy Tây lên thuyền. Cát Lai Quan nghe nói họ đi, bèn mang theo hai con vịt muối và trà đến thuyền để tiễn.
Thang Do lại dúi ngầm cho y một gói bốn lạng bạc. Sau đó Cát lai Quan ra về. Đêm ấy, thuyền nhổ sào và sáng hôm sau đến Nghi Trưng. Hai người lên bờ về nhà. Họ vừa rửa mặt xong và ngồi uống trà thì người giữ cổng vào báo:
– Có ông Lục đến.
Lão Lục vào, có một người lạ đi theo. Lão Lục nói:
– Tôi nghe tin cụ nhà đem quân đi đánh giặc dẹp quân Miêu. Quân Miêu bị đánh tan. Sang năm, triều đình nhất định mở khoa thi và cả hai ông nhất định đỗ. Cụ nhà ta sẽ được phong hầu. Cái gì chứ chức tập ấm nhất phẩm thì hai ông không cần và sẽ thưởng cho tôi chức ấy. Bây giờ tôi sẽ đem mũ sa ra khoe với cô Tế và cô ta sẽ càng kính phục tôi thêm.
Thang Do nói:
– Anh Lục! Anh muốn có một cái mũ sa để cho cô Tế sợ không? Nếu vậy tôi sẽ cho Vương Nghĩa An một cái.
Thang Thực nói:
– Các anh cứ lo chuyện mà thôi. Còn anh này thì ở đâu đến?
Người kia cúi đầu chào, lấy ra một bức thư. Lão Lục nói:
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
– Anh này tên là Tang Kỳ, người huyện Thiên Trường. Thơ này là của ông Đỗ Thiếu Khanh. Ông Đỗ nói Tang Kỳ là một con người có thể tin cậy được nên cho anh ta đến đây để hai công tử sai vặt.
Thang Thực mở phong thư và cùng anh xem. Lá thư bắt đầu hỏi thăm sức khoẻ rồi đến: “Tang Kỳ đã làm việc ở Quí Châu và thông thạo đường núi ở đấy, có thể dùng hắn để tiện sai khiến”. Thang Do xem xong nói với Thang Thực:
– Đã lâu chúng ta không gặp anh Đỗ. Nếu anh đã tiến cử người này thì ta giữ lại mà sai vặt.
Tang Kỳ chịu cúi đầu lạy tạ và lui ra.
Người giữ cửa lại vào:
– Ông Vương Hán Sách đến, đang đợi ở ngoài nhà sảnh. Thang Do nói với Thang Thực:
– Em ra ngoài xem ông ta muốn gì, còn anh và anh Lục đi ăn cơm.
Thang Thực ra tiếp khách, trong khi đó Thang Do bảo dọn cơm và cùng ngồi ăn với Lão Lục. Hai người đang ngồi ăn thì Thang Thực vào nói đã tiễn khách đi rồi. Thang Do hỏi:
– Ông ta nói gì thế?
– Ông ta nói ông chủ của ông ta là Vạn Tuyết Trai có hai thuyền muối hai ngày nữa sẽ đi. Ông ta mong rằng khi đi đường chúng ta để ý đến thuyền muối giúp ông ta.
Thang Thực ngồi xuống ăn. Ăn xong, Lão Lục nói:
– Tôi phải đi đây. Ngày mai tôi sẽ lại tiễn hai ông. Ông hai có rảnh đến thăm cô Tế một chút. Tôi sẽ bảo cô ta đợi ông.
Thang Thực nói:
– Anh Lục! Anh thực là cái con ma đòi nợ không bằng. Anh muốn giết người ta à? Bây giờ còn thì giờ đâu mà thăm cái của nợ ấy nữa!
Lão Lục cười, đi ra. Hôm sau, hai người thuê một chiếc thuyền lớn, Vưu Râu, Tang Kỳ mang hành lý xuống thuyền. Cờ biển cắm ở đầu thuyền rất oai nghiêm. Lão Lục đến bến Hoàng Nê nói dăm ba câu rồi từ biệt gọi một chiếc thuyền nhỏ để về nhà.
Người ta đốt pháo khi chiếc thuyền bắt đầu đi ngược dòng. Lúc sắp đến Đại cô đường thì gặp gió to. Thang Thực ra lệnh gọi mọi người lại buộc thuyền. Trên sông Dương Tử sóng bạc cuồn cuộn trắng xóa như tuyết. Hai chiếc thuyền muối bị gió đánh giạt vào bờ ở đấy có hai trăm chiếc thuyền con từ trong lạch chèo ra có chừng hai trăm người mặt mày hung ác, cùng reo lên:
– Thuyền muối đã giạt vào bờ rồi! Chúng ta mau ra khiêng đi thôi!
Chúng liền chèo thuyền con, nhảy lên hai thuyền lớn, và nhanh như chớp, cướp hết bao này đến bao khác, mang tất cả muối lên những chiếc thuyền nhỏ. Khi hai trăm chiếc thuyền kia đã đầy muối rồi, mỗi người vớ một cái chèo, chèo như bay, phút chốc đều chèo vào trong lạch chạy biến mất, không để lại một dấu vết gì!
Người lái thuyền và người coi muối nhìn nhau ngơ ngác, bó tay không biết làm thế nào. Nhìn xa, thấy cái thuyền bên cạnh mang cờ hiệu “Quí Châu tổng trấn đô đốc phủ” họ nhớ ra đó là thuyền của anh em họ Thang. Họ liền đến quỳ, kêu van thảm thiết:
– Chúng con là những người trong hai chiếc thuyền muối của ông Vạn vừa bị cướp giữa ban ngày! Các vị cũng thấy rõ ràng. Xin các vị nghĩ cách gì cứu chúng con với!
Hai người nói:
– Chúng tôi tuy là người cùng huyện với ông chủ các anh, nhưng việc mất cướp là do quan sở tại xét. Các anh phải đến nha môn mà trình với quan địa phương.
Những người kia đành phải nghe theo. Họ viết đơn và đưa đến huyện Bành Trạch. Quan huyện nhận lá đơn xong, liền ra công đường gọi người lái thuyền, người coi muối và những người chèo thuyền đến.
– Tại sao thuyền muối của các anh lại không nhổ neo mà đi. Tại sao các anh lại dừng thuyền ở huyện ta? Nói cho ta biết tên những kẻ ăn cướp! Các anh có biết chúng không?
Người lái nói:
– Thuyền chúng con bị gió đánh tạt vào bờ. Ở đấy có một cái lạch. Trong lạch có hai trăm chiếc thuyền con với hàng trăm bọn côn đồ xông ra cướp hết cả muối của chúng con để ở trên thuyền.
Quan huyện nghe vậy nổi nóng:
– Huyện ta là một huyện pháp lệnh nghiêm minh, dân cư vô sự, làm gì có những việc ấy! Rõ ràng là chúng mày đã thông đồng với anh coi muối bán hết cả muối để lấy tiền đi chơi gái và đánh bạc. Sau khi ăn cắp và bán hết cả ở dọc đường, chúng mày bày ra cái trò này để hòng thoát thân chứ gì! Nay đã đến huyện ta, có thế nào thì phải nói thực.
Và không cần hỏi han gì, y ném một nắm roi xuống. Bọn lính như lang như sói nhảy vào đè người lái xuống đánh hai mươi roi cho đến khi bật máu tươi. Rồi tri huyện lại chỉ vào người coi muối:
– Mày cũng là tay can dự vào vụ này! Có nói thực ra không?
Nói xong lại túm lấy bó roi ném ra.
Tên coi muối này vốn là người lớn lên trong cảnh ăn chơi. Gần đây hắn mọc mấy sợi râu nên chủ mới sai hắn đi theo thuyền muối lần đầu. Da thịt vốn non nớt, bị roi vọt thì chịu sao nổi. Cho nên thấy thế, hắn sợ đái ra quần, tri huyện bảo hắn nói gì thì hắn nói thế, không dám cãi lại một câu. Hắn lạy như tế sao và xin tha tính mạng! Sau đó tri huyện mắng bọn thủy thủ một trận nên thân dọa bắt giam tất cả đến ngày mai sẽ đem ra xử 1. Mất hồn, mất vía, tên coi muối cho một người chạy về nói với Thang Do ở ngoài thuyền và nhờ giúp. Thang Do sai Tang Kỳ mang thiếp của mình đến quan huyện. Tang Kỳ nói:
– Người nhà Vạn thật không cẩn thận gì hết! Nhưng số muối mất đi thì cũng không nhiều. Nay ngài đã phạt người lái để sau này hắn cẩn thận hơn. Vậy xin ngài rộng lượng mà khoan thứ cho họ.
Quan huyện bảo Tang Kỳ mang thiếp về nói với hai công tử rằng quan huyện gửi lời thăm, và xin theo đúng lời dặn.
– Đáng lý phải giải chúng mày đến huyện Giang Đô để bồi thường. Nhưng nay ta tha cho vì lần này là lần đầu!
Sau đó, cho tất cả mọi người ra.
Tên coi muối dẫn người lái đến thuyền Thang Do để vái chào và cảm tạ. Rồi mọi người in lặng trở về thuyền.
Hôm sau gió lặng, thuyền lại giương buồm ra đi. Sau khi đứng ở nhiều nơi, hai người lên bộ và đi đến phủ Trấn Viễn. Họ sai Vưu Râu chạy đi trước để báo tin họ đã về và cùng đến nha môn.
Hôm ấy Thang tống trấn đang tiếp khách. Người khách là tri phủ Trấn Viễn tên là Lôi Ký tự là Khanh Tích, tiến sĩ xuất thân, năm nay ngoài sáu mươi. Ông là khoa mục lâu năm, quê ở huyện Đại Hưng, do bộ bổ ra đây và sau năm sáu năm làm việc, ông rất thuộc tình hình người Miêu ở đây. Sau khi cùng ăn cơm uống trà với quan tổng trấn ở nhà khách phía tây, hai người bắt đầu nói chuyện về dân Miêu. Tri phủ nói:
– Có hai thứ Miêu, bọn Miêu lành là bọn Miêu dữ. Bọn Miêu lành thì rất tuân theo pháp luật không bao giờ làm điều gì bậy bạ. Trái lại bọn Miêu dữ thì luôn luôn nổi dạy. Bọn Miêu ở Thiên Thạch Nhai và Kim Cẩu Động thì lại tệ nhất! Hôm trước đây, quan địa phương là Điền Đức có bẩm: “Tú tài Phùng Quân Thụy bị bọn Miêu ở Kim Cẩu Động cầm đầu là Biệt Trang Yến bắt đi, Biệt Trang Yến không chịu trả, bắt phải có số tiền chuộc là năm trăm lạng”. Theo ý cụ thì việc này nên làm như thế nào? Phùng Quân Thụy là một người tú tài của ta, cái đó quan hệ đến danh dự của triều đình. Tên Biệt Trang Yến sao lại dám bắt cóc để đòi tiền chuộc? Như thế thật là không coi phép nước ra cái gì nữa! Cách duy nhất bây giờ là kéo quân vào động quét sạch bọn Miêu nghịch tặc kia bắt Phùng Quân Thụy về giao cho quan địa phương để xét xem thủ pham là ai mà trị tội. Ngoài ra không còn cách gì khác.
Lôi tri phủ nói:
– Ý định của cụ rất phải. Nhưng nay vì việc của một người mà ta huy động binh mã, tôi sợ không nên. Theo ý tôi chi bằng đưa Điền Đức đến động gặp tù trưởng Miêu, bảo nó trả Phùng Quân Thụy lại. Như thế công việc có thể xong.
– Ông nói thế là sai rồi! Bây giờ nếu cho ông Điền đến động lại bị bọn Miêu bắt cóc đi và đòi chuộc một ngàn lạng, rồi đến ông thân hành đến thuyết phục, nó lại bắt ông và đòi chuộc một vạn lạng … như thế thì làm thế nào? Vả chăng, mỗi năm triều đình tốn hàng triệu bạc lương, tiền nuôi lính tráng để làm gì? Nếu cứ sợ huy động binh mã thì đừng nuôi những người ăn không còn hơn.
Lôi tri phủ không biết nói sao, đành nói: – Thế cũng được! Tôi sẽ viết một công văn trình rõ việc này để quan trên phê như thế nào! Chúng ta sẽ tuân theo lệnh mà thi hành.
Sau đó Lôi tri phủ cám ơn và về nhà môn. Ở viên môn súng nổ và cửa đóng lại. Thang tổng trấn sau khi tiễn khách ra, trở vào phòng. Hai con ra chào và hỏi thăm sức khoẻ. Tang Kỳ cũng cúi đầu chào. Thang tổng trấn hỏi qua về việc nhà mấy câu, mọi người đi ngủ.
Vài ngày sau, có lệnh quan tổng đốc đưa xuống: “Giao cho quan tổng trấn lĩnh binh mã của mình đi dẹp bọn Miêu phản nghịch để nêu phép tắc và kỷ luật. Mệnh lệnh này phải thi hành ngay!”.
Thang tổng trấn nhận được công văn lập tức sai gọi người thư biện của phòng binh ở phủ đến và cho y vào thư phòng rồi khóa lại. Thư biện hoảng sợ không hiểu tại sao. Đến gần nửa đêm, tổng trấn mới đến thư phòng và ra lệnh cho bọn tôi tớ đều phải rút lui hết. Y đưa ra năm mươi lạng bạc đặt ngay ở trên bàn và nói:
– Nhờ ông cầm lấy cho! Tôi mời ông đến đây là chỉ có việc này thôi: Tôi muốn mua của ông một chữ.
Thư biện run cầm cập:
– Xin cụ nói cho con biết cái gì; nếu con có thể làm được thì xin làm. Nhưng dù chết con cũng không dám nhận một cái gì của cụ thưởng.
– Đừng nói thế! Ta không làm việc gì liên lụy đến anh đâu! Ngày mai có lệnh cấp trên cho ta đem quân đi. Khi nào lệnh này đến phủ, anh chỉ việc thay cái chữ “đem binh mã của mình” bằng “đem nhiều binh mã”. Đây là tiền thưởng công cho anh. Tôi không đòi hỏi gì nữa.
Thư biện vâng dạ, lấy số tiền và được thả về.
Mấy hôm sau, tri phủ đưa lệnh xuất quân đến giục Thang tổng trấn, trong lệnh có câu “đem nhiều binh mã” Thang lấy ba “dinh” và hai “hiệp” 2 do mình điều khiển.
Quân sĩ đều chuẩn bị lương thực sẵn sàng.
Đêm giao thừa, tham tướng và thủ bị ở hai hiệp Thanh Giang và Đống Nhân bẩm:
– Binh pháp tránh dùng binh ngày hối. 3
– Không can gì! Dùng binh kỳ diệu là tuỳ theo người! Hôm nay bọn Miêu đang ăn tết, ta có thể nhân lúc chúng sơ hở mà đánh.
Tổng trấn ra lệnh cho tham tướng Thanh Giang dẫn quân của mình từ Tiêu Thạch Nhai đến Cổ Lâu Pha để cắt đứt đường rút lui của địch. Lại sai thủ bị Đông Nhân dẫn quân của mình đi từ núi Thạch Bình thẳng đến gò Cửa Khúc để đánh vào phía trước. Còn mình dẫn trung quân đến Dã Dương. Điều động xem, bắt đầu tiến quân. Thang nói:
– Sào huyệt của bọn Miêu phản nghịch ở đầm Dã Dương. Nếu chúng ta theo đường cái mà đánh vào thì chúng sẽ đựa vào chỗ hiểm, cứ ung dung đợi chúng ta đến để đánh và do đó khó lòng đánh thắng được.
Thang tổng trấn hỏi Tang Kỳ:
– Ngươi có biết đường nhỏ nào đi xuyên về phía sau không?
– Tôi biết. Nếu đi từ sườn núi Hương Lô vượt núi đến khe Thiết Khê đi quặt ra phía sau thì có thể bớt được mười tám dặm. Nhưng suối ấy lạnh lắm, nay đã đóng băng rồi và đi cũng khó.
Thang tổng trấn nói:
– Không ngại.
Bèn ra lệnh cho đội kỵ binh mang giày da sơn dầu và đội bộ binh mang giày trèo núi. Rồi tất cả trung quân đi theo con đường đã định.
Bấy giờ, tù trưởng Miêu đang tụ tập đông đủ đàn ông đàn bà ở trong động để ăn mừng năm mới, uống rượu và chơi nhạc, Phùng Quân Thụy vốn là một thằng lưu manh, đã lấy con gái của tù trưởng Miêu, đang ngồi với bố vợ nhìn những người đàn bà Miêu mặc áo xanh, áo đỏ đánh trống và thanh la, múa hát theo điệu Miêu. Đột nhiên người lính canh chạy vào!
– Nguy rồi! Hoàng đế đã sai binh mã đến đây tiêu diệt chúng ta! Họ đã đến gò Cửu Khúc rồi!
Tù trưởng hồn vía bay lên mây, vội vàng ra lệnh cho hai trăm người mang giáo ra đối địch. Một tên lính canh khác lại chạy vào báo:
– Rất nhiều binh mã đã đến sườn Cô Lâu! Nhiều vô kể! Tù trưởng và Phùng Quân Thụy đang hoảng hốt không biết tính sao thì nghe tiếng súng nổ, đằng sau núi, đuốc sáng rực trời và tiếng hò hét “giết! giết!” vang trời, rồi quân lính từ trên cao ào ào đổ xuống như mưa. Tù trưởng dẫn quân ra liều mạng giáp chiến. Nhưng địch làm sao nổi quân lính của Thang, tay cầm giáo, kích quét sạch đến đầm Dã Dương. Binh lính Miêu chết và bị thương quá nửa. Tù trưởng và Phùng Quân Thụy tìm một con đường nhỏ chạy đến một động Miêu khác.
Tiền quân của thủ bị Đồng Nhân và hậu quân của tham tướng Thanh Giang đều gặp nhau ở đầm Dã Dương. Họ lùng tất cả các sào huyệt, giết tất cả những người Miêu sống sót, bắt gái Miêu thổi cơm hầu hạ trong doanh trại. Thanh tổng trấn ra lệnh cho ba quân đóng ở đầm Dã Dương. sau đó, tham tướng và thủ bị đến trướng để chúc mừng thắng trận. Thang nói:
– Hai tướng quân không nên coi thường. Mặc dầu bọn Miêu bại trận, nhưng chúng đã chạy đến động khác rồi. Chắc chắn chúng đã xin quân cứu viện và tối nay sẽ đánh vào dinh trại chúng ta. Chúng ta phải phòng bị mới được.
Và hỏi Tang Kỳ: – Động gần đây nhất là động gì?
– Có động Thụ Nhãn cách đây không đầy ba mươi dặm.
Thang tổng trấn nói:
– Ta đã có cách!
Và quay lại nói với tham tướng và thủ bị:
– Hai vị tướng quân! Hãy đem binh mã của mình mai phục ở cầu Thạch Trụ vì chắc chắn bọn Miêu sẽ đi theo đường ấy. Đợi đến khi chúng rút lui và nghe tiếng súng hãy ra lệnh cho tất cả nhảy xổ ra quét sạch chúng.
Hai người vâng lệnh ra đi. Sau đó, Thang tổng trấn sai chọn những người đàn bà Miêu hát hay nhất, bảo họ chải tóc, mặc quần áo thêu rồi hát và múa ở trong trướng trung quân, trong khi tất cả lính, ngựa và tướng sĩ ẩn sâu vào trong núi. Quả nhiên, canh năm đêm ấy, tù trưởng Miêu dẫn binh lính từ động Thụ Nhãn mang dao, giáo, im lặng sang qua cầu Thạch Trụ. Chúng thấy đèn lồng và đèn sáp sáng trưng trong trướng trung quân ở đầm Dã Dương, lại nghe tiếng hát và tiếng nhạc. Chúng vừa xông vào vừa reo hò. Nhưng chúng lầm! Trong trướng ngoài mấy mươi người đàn bà Miêu thì không còn ai nữa. Biết là bị mắc mưu, chúng lao ra ngoài. Bấy giờ binh mã mai phục sẵn ở trong núi nhất tề xông ra, tiếng hò reo vang tận trời xanh. Tù trưởng Miêu liều mạng dẫn quân xông ra phía cầu Thạch Trụ. Vừa lúc ấy, súng nổ vang và quân mai phục dưới cầu nhảy lên, vây lấy quân Miêu. Cũng may, quân Miêu da chân rất dày, không sợ núi đá cũng như gai nhọn. Cho nên nhanh như những con khỉ hay những con thỏ, chúng trèo lên núi trốn thoát.
Tổng trấn đại thắng. Sau khi điểm lại người ngựa ba “dinh” hai “hiệp” thì thấy tổn thất rất ít. Họ đắc thắng trở về, đến phủ Trấn Viễn, ở đấy Lôi tri phủ ra gặp và chúc mừng.
Sau đó tri phủ hỏi về tù trưởng Miêu là Biệt Trang Yến và Phùng Quân Thụy. Thang nói:
– Chúng ta đã đánh thắng mấy trận, chúng chạy bán sống bán chết. Tôi cho rằng chúng chết rấp ở ngòi rãnh nào rồi!
Lôi nói:
– Đành rằng thế! Nhưng các quan trên hỏi việc ấy thì khó mà trả lời ngay. Nói như thế có vẻ qua loa quá!
Thang không biết trả lời sao. Y trở về nha môn, hai con chào đón và hỏi thăm sức khoẻ. Nhưng vì việc trên, y cứ áy náy không yên, đêm đó không sao ngủ được. Sáng sau, y gửi một báo cáo tỉ mỉ về việc xuất binh và thắng trận. Lời phê của tổng đốc cũng y như lời nói của Lôi tri phủ. Tổng đốc chỉ hỏi về hai người tội phạm chính là Biệt Trang Yến và Phùng Quân Thụy:
“Phải bắt được chúng ngay và gửi về nha môn, sau đó mới tâu lên trên được”.
Thang hoảng sợ không biết tính sao. Bấy giờ Tang Kỳ đang đứng bên cạnh quỳ xuống mà bẩm:
– Con biết tất cả mọi con đường ở trong động Miêu. Để con đi tìm xem Biệt Trang Yến ở đâu, rồi cụ hãy nghĩ cách bắt hắn.
Thang tổng trấn mừng quá, cho Tang Kỳ năm mươi lạng bạc bảo y đi điều tra cho cẩn thận.
Tám chín ngày sau, Tang Kỳ trở lại nói:
– Con đã đi thẳng đến động Thụ Nhãn. Con biết tin vì Biệt Trang Yến mượn binh đánh cướp dinh bị thua nên tù trưởng Miêu ở đấy bực bội với hắn bây giờ hắn lại chạy sang động Bạch Trùng và nghe tin rằng Phùng Quân Thụy cũng ở đấy. Tất cả chỉ có độ trên mười người trong gia đình thôi, không còn một tên lính và một con ngựa nào nữa! Con cũng nghe nói đến cái kế chúng định bày ra ngày mười tám tháng giêng là ngày thần Thiết Khê xuất hiện, khắp thành ai nấy đều đóng cửa ngồi ở trong nhà. Hôm ấy chúng định ăn mặc giả làm ma và vào nha môn ngài để trả thù. Mong ngài nghĩ cách đề phòng.
Thang tổng trấn nói:
– Được rồi!
Bèn thưởng dê và rượu cho Tang Kỳ và bảo y đi nghỉ.
Theo phong tục nhân dân địa phương phủ Trấn Viễn thì ngày mười tám tháng giêng là ngày Thần Long cho em gái đi lấy chồng. Vì cô em xấu xí lắm, nên cô ta không muốn cho ai nhìn mình. Thần Long sai một đoàn binh đi hộ vệ. Nhà nào cũng phải đóng cửa và không ai được ra ngoài nhìn. Nếu ra ngoài, cô ta mà biết thì sẽ làm mưa to gió lớn nước dâng cao ba thước và nhiều người chết. Đó là tục lệ lâu đời ở đấy.
Hôm mười bảy. Thang tổng trấn gọi binh lính tuỳ tùng đến bảo:
– Đây có ai biết Phùng Quân Thụy không?
Trong đó có một người cao lớn ra quỳ xuống bẩm:
– Con biết!
– Tốt lắm!
Thang bảo y mặc một bộ áo trắng đội một cái mũ đen bằng giấy thật cao, lấy phấn bôi mặt cho đúng như câu chuyện tả con quỷ ở đấy. Lại bảo bọn đầy tớ giả làm lũ đầu trâu mặt ngựa Diêm Vương, quỷ dạ xoa, những quái vật rất hung ác. Thang nói với người cao lớn:
– Thấy Phùng Quân Thụy thì ngươi phải túm cho được hắn rồi ta sẽ trọng thưởng.
Khi tất cả đã sẵn sàng, tổng trấn ra lệnh cho người giữ cửa Bắc mở cửa thành trước khi trời sáng.
Biệt Trang Yến và Phùng Quân Thụy trá hình là người nhà quê đi xem hội, mang theo trong người một con dao nhọn, đang giữa nửa đêm lẻn đến cửa Bắc. Thấy cửa thành mở, chúng lẻn đến trường chuồng ngựa của Thang tổng trấn, mười người tay cầm vũ khí trèo tường nhảy vào sân. Ánh trăng lờ mờ chiếu sáng cái sân rộng. Chúng đang ngơ ngác không biết đi đường nào, thì bỗng thấy một con quái vật nằm nấp ở bên tường, tay cầm cái thang la, đánh hai hồi lanh lảnh. Tường lung lay như bị đổ, rồi hàng chục ngọn đuốc chiếu sáng và hàng chục con quỷ nhảy ra tay cầm giáo, câu liêm.
Biệt Trang Yến và Phùng Quân Thụy hoảng sợ quá chân như bị chôn xuống đất, thần Thiết Khê bước ra, lấy câu liêm móc lấy Phùng và reo lên:
– Tao đã bắt được thằng Phùng Quân Thụy rồi!
Mọi người xông vào, cả bọn Miêu mười mấy người đều bị bắt. Không đứa nào chạy thoát. Chúng bị đưa vào giam nhà thứ hai cho tổng trấn điểm số và hôm sau dẫn cả bọn đến nha môn tri phủ. Lôi tri phủ mừng rỡ thấy tên đầu sỏ và Phùng Quân Thụy đều bị bắt. Sau khi đọc mệnh lệnh nhà vua. Lôi tri phủ đem chém và bêu đầu Biệt Trang Yến và Phùng Quân Thụy để răn dân chúng. Những người Miêu khác cũng bị giết. Sau đó y tâu về kinh. Dụ ở kinh ra trả lời:
“Để trừng trị bọn Miêu ở động Kim Cẩu, Thang Tấn đã khinh suất tiến vào sâu, làm hao tổn tiền và lương. Nay giáng ba cấp và điều đi nơi khác để răn những kẻ khác tham công Khâm thử”.
Thang tổng trấn nhận được bản sao thở dài. Sau đó có công văn ở bộ đến và viên quan mới đến thay. Sau khi bàn giao ấn tín xong. Thang bàn với hai con cùng thu xếp hành lý về nhà.
Chỉ nhân phen này khiến cho:
Tướng quân đi mất, cây cao xơ xác luống bùi ngùi;
Danh sĩ ngồi bàn, mồ mả tiên nhân lo cất đặt.
Muốn biết việc sau thế nào, hãy xem hồi sau phân giải.
——————————–
1Lối xử kiện của quan huyện thực là kỳ quặc. Có quan huyện như thế không trách gì có nhiều gặc cướp. 2Một dinh cơ năm trăm người, một hiệp có ba nghìn người. 3Ngày ba mươi.