Bờ Vai Nghiêng Nắng

Chương 8

Bấm vào đây để nghe audio
Chương 8

Mưa bão kéo dài hai hôm liền. Nước sông dâng lên ngập hết tất cả các con đường trong tỉnh lỵ. Bây giờ tôi biết là trận lụt bắt đầu vì những cơn mưa lớn và gió to. Buổi sáng sớm không nghe tiếng còi xe lửa hú, tiếng máy nổ dập dình và ngọn đèn pha sáng hoắc bao quát một vùng sương mù đọng trên cây lá tự nhiên tôi nghe nao nao buồn. Tôi nằm yên lắng nghe mưa gió ngoài trời, cái rét căm căm ngấm sâu vào da thịt. Các con đường bắt đầu ngập từ chiều tối qua, lúc xe phóng thanh của Ty thông tin tỉnh chạy khắp nơi loan báo trận lụt đang về trong tỉnh lỵ, và yêu cầu mọi người đề phòng lụt. Đường phố từ tối đã thưa người đi, vắng xe cộ, hàng quán đóng cửa. Tôi không biết tôi đang làm gì, cảm tưởng như những ngày mưa gió nước dâng lên có thể kéo dài đến một thế kỷ. Trong khi dì Hạnh bảo đây là trận lụt thường lệ mỗi năm và mưa lũ nếu có, năm đó có mưa to gió lớn vào đúng dịp nước dưới sông dâng cao. Trận lụt không kéo dài quá ba ngày, mưa tạnh nước sông bắt đầu rút, tỉnh lỵ sẽ trở lại sinh hoạt bình thường. Tôi thấy ba ngày không gặp Thục cũng là ba thế kỷ dài. Hai hôm rồi tôi đi ra, đi vào nhìn nước trắng xóa các con đường. Dì Hạnh cẩn thận mang các đồ đạc thức ăn lên để trên những chỗ cao khi nước bắt đầu ngập vào đến nhà. Hôm nay, dì dọn hẳn lên trên lầu. Tôi và dì ngủ chung một phòng. Tôi nhường giường tôi cho dì, xách tấm nệm của dì nằm dưới đất.

Tôi nghe dì hỏi:

– Đông thức rồi hả?

– Thức.

Tôi thấy dì Hạnh ngôi bó gối trên giường. Chiếc áo choàng hoa trắng rộng thùng thình làm dì giống con mèo đang trùm chăn. Dì co ro trong hơi lạnh.

– Thấy nước đã rút bớt chưa Đông?

– Mưa còn dai dẳng thế kia sức mấy mà nước rút được.

– Chắc cũng phải hết một hôm nữa.

– Một thế kỷ dài.

Dì cười khúc khích:

– Mưa bão làm ngăn cách hả, buồn không?

– Tôi ngồi bật dậy. Căn phòng còn mù trong bóng tối mấy ngày qua điện cúp, nhà cũng hết đèn cầy nên chúng tôi sống trong bóng tối. Một thùng quẹt của tôi đã hết không còn que diêm nào. Sáng nay tôi thèm điếu thuốc, một hơi khói, nhưng đào đâu ra que diêm bật lửa bây giờ. Tôi kêu:

– Chết rồi, hết diêm làm sao hôm nay đi nhúm lửa?

– Chút qua nhà bên cạnh xin.

Tôi nổi sùng:

Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com

– Cái thằng bé con ấy hả? Nó ăn cắp ở đâu được chiếc xuồng nhỏ bơi tung tăng ra vẻ khoái chí lắm. Sao dì không nhờ nó chở ra chợ luôn.

– Nó đề nghị chở dì đi chợ hôm trước cơ, dì chưa đồng ý.

– Đồng ý gấp đi chứ. Được ra phố bằng xuồng, có người chèo, dung dăng dung dẻ, khoái chết được.

– Đông có vẻ không ưa người ta.

– Thằng đó công tử sữa, bạn Đông không đứa nào ưa.

– Nó tốt với dì lắm.

Tôi muốn nói nó “mê” dì nên nó mới tốt, nhưng tôi thấy kỳ quá. Thằng bé con ấy mà trò trống gì khiến tôi phải bận tâm. Tôi cười:

– Hôm nay cũng hết thức ăn.

– Đông đi chợ một bữa nhé.

– Trời đất.

– Con trai đi chợ thiếu gì, nhất là trong trường hợp này. Con gái không biết lội, lỡ rơi tõm xuống nước thì sao?

– Nước đâu có cao khỏi đầu mà dì lo.

– Nhưng rớt xuống dưới cũng đủ chết vì sợ lạnh rồi. Dì sợ nhất là nước, nhìn nước chảy dưới chân cầu dì cũng đủ thấy chóng mặt muốn té nhào xuống.

– Đông bơi ra chợ hả? – Tôi hỏi.

Dì Hạnh cười:

– Sẽ mượn thằng bé bên nhà cho Đông chiếc xuồng. Đông có quyền tới thăm “nàng”. Nhưng nhớ đi chợ mua thức ăn, đèn cầy, diêm quẹt. Tối nay phải có đèn, dì sợ ma gần chết. May mà có Đông ngủ chung phòng, nếu không, chắc dì đứt tim từ mấy hôm nay rồi.

Tôi không còn lý do gì để khỏi đi chợ nữa. Tôi nhớ Thục quá rồi. Đường chỉ đi được bằng xuồng thôi, mấy ngày qua tôi mong mượn được chiếc xuồng để tới thăm Thục, nhưng không biết mượn ở đâu. Bây giờ dì Hạnh đề nghị như vậy tôi mừng như mở cờ trong bụng. Nhưng tôi cũng làm bộ nói:

– Đi chợ, trời ơi. Đông biết mua cái gì bây giờ.

– Dì biên cho miếng giấy, mua y theo đó là có thể dùng tới mấy hôm. May bà giúp việc chưa lên kịp, bà lên chắc bà ớn cảnh nước chảy tràn vào nhà như một con sông như thế này.

Dì Hạnh tụt xuống giường chạy ra ngoài bao lơn hứng nước mưa rửa mặt. Dì kêu:

– Đông ơi Đông.

Tôi chạy ra. Dì Hạnh nói:

– Đông xuống nhà lấy cho dì cái bàn chải với ống kem. Hôm qua dì bỏ quên trong phòng tắm.

– Trời ơi bây giờ lội nước xuống nhà, rồi lên thay đồ khô, rét lắm, dì xài bàn chải và kem của Đông đi.

Tôi lấy kem và bàn chải đánh răng của tôi đưa dì. Những giọt nước mưa bị gió cuốn hắt vào mặt tôi lạnh buốt. Dì Hạnh nhoài người ra bao lơn đánh răng, những giọt nước mưa bắn tới tấp vào mặt dì, những giọt nước như những giọt sương. Phía dưới đường nước tràn ngập, khu vườn chìm sâu dưới đáy nước, chỉ còn những cây cao lú ngọn qua một khoảng không gian, những đám lá tiêu điều trông thật tội nghiệp. Mưa giăng mù ngoài trời, gió ào ạt trên những đỉnh cây. Hàng nhạc ngựa rung chuyển mạnh nhưng không có tiếng hát. Tôi thấy những chiếc xuồng bơi xuôi ngược từ đằng xa, những người mặt áo đi mưa đội nón lá trùm kín như những chiếc bóng đuổi chim trên ruộng lúc vào mùa gặt.

Thằng bé bên cạnh nhà như thường lệ, hễ thấy dì Hạnh thức dậy ra đứng ngoài bao lơn là nó chèo xuồng tới. Tôi nghĩ chắc nó đứng rình đâu đó, và chờ đợi một cách tận tâm. Dì Hạnh ngó tôi cười. Tôi nói:

– Bạn thân của dì tới, đúng hẹn ghê.

Dì Hạnh cự:

– Ai là bạn thân với nó, Đông nói ẩu không.

– Chứ ít khi thấy dì nói chuyện với ai ngoài thằng công tử sữa đó. Hôm nay “chàng” diện ác.

Thằng bé mặc áo len cổ cao, khoác ngoài cái áo mưa đắt tiền, đầu đội nón rộng vành. Nó cặp xuồng vào cười duyên với dì Hạnh:

– Mới thức hả?

Dì Hạnh còn ngậm một ngụm nước trong miệng, dì ư ư rồi gật đầu. Nó hớn hở hỏi:

– Ăn sáng chưa?

Tôi nói:

– Nhà hết thức ăn từ hôm qua, chưa đi mua được.

Nó hỏi tôi:

– Bạn đói không?

– Chưa.

Phải ăn chứ, nước còn dâng cao nữa chưa chắc ngày mai đã rút đâu.

Nó nói chuyện nhát gừng với tôi. Tôi cũng nói chuyện nhát gừng với nó. Tự nhiên tôi ghét thằng này kinh khủng, có lẽ tại cái bề ngoài hào nhoáng của nó. Con trai mà lúc nào cũng diện như con gái. Nó mê dì Hạnh như điếu đổ rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Nó chờ cho dì Hạnh súc miệng đánh răng xong, cười rất tươi hỏi:

– Có bánh mì với trứng chiên, Hạnh ăn không?

Dì Hạnh ngó tôi. Tôi nói khẽ với dì:

– Bắt nó cho năm ổ bánh mì, một chục cái trứng. Ở nhà có chuối già mang tới một nải. Hỏi xin nó mấy cái hộp quẹt luôn.

– Chi vậy?

– Đông hút thuốc.

Dì Hạnh quay lại đáp lời thằng bé:

– Ăn chứ.

– Chờ một chút nhé, tớ về nhà lấy mang qua ngay.

Dì Hạnh dặn theo thằng bé đúng những lời tôi nói với dì. Thằng bé có vẻ sung sướng khi được dì Hạnh nói chuyện nhiều với nó. Quả nhiên một lúc nó mang qua hai ổ bánh mì lớn, một đĩa trứng chiên, nửa chai xì dầu và nửa nải chuối già to tướng. Nó cười bảo:

– Còn bao nhiêu đó ăn đỡ. Ngày mai sẽ có nhiều hơn.

Tôi nhắc dì Hạnh:

– Dì hỏi mượn nó chiếc xuồng đi.

Dì Hạnh kiếm chuyện hỏi thăm thằng bé một lúc rồi hỏi mượn nó chiếc xuồng. Nó ngạc nhiên.

– Hạnh đi xuồng được hả?

– Không, Đông đi.

– Hạnh cần gì tôi chở đi cho.

– Đông phải ra phố có việc, với lại ra chợ để mua thức ăn. Nhà hết thức ăn rồi.

Tôi gãi đúng chỗ ngứa của nó:

– Bạn lên đây chơi, tôi mượn đi một lát rồi về trả.

– Biết chèo không?

Nó vênh mặt hỏi tôi.

– Yên chí, tôi từng biểu diễn cho xuồng lật ngửa giữa sông rồi xốc nước chạy lại như thường.

– Ngay bây giờ hả?

– Ngay bây giờ.

Nó quăng dây cột xuồng rồi đu theo nhánh cây để lên lầu. Tôi và dì Hạnh ăn bánh mì với trứng. Tôi còn bỏ thêm mấy trái chuối trong túi áo mưa. Dì Hạnh biên cho tôi những thứ cần mua trong một mảnh giấỵ Dì dặn:

– Đông thấy cần gì nữa có thể mua thêm.

– Bao nhiêu đây cũng ứ hơi rồi.

– Nhớ mua đèn cầy và hộp quẹt nhé. Quên thì ngủ thầm tối nữa, và nhịn đói một ngày. Cho dì gởi lời thăm nhỏ Thục, bảo rằng dì nhớ Thục quá.

Tôi chào thằng bé, bảo nó ở chơi chờ tôi về đừng ngại gì cả. Tôi biết nó chẳng mong tôi về sớm đâu và bao giờ trả xuồng cho nó cũng được, càng lâu càng tốt. Tôi nheo mắt cười với dì Hạnh rồi tuột xuống theo nhánh cây thằng bé đu lên. Tôi mở dây cột, cầm mái dầm và chèo xuồng ra đường.

Trên con đường thường ngày xe cộ đi lại bây giờ đầy những chiếc xuồng xuôi ngược. Mọi người đều đứng trên lầu nhìn xuống đường, nhà nào không có lầu thì di chuyển theo mức nước một bộ ván cao nhất trong nhà cũng là chỗ trú ẩn của một gia đình. Họ ở đó như ở giữa một hòn đảo. Ăn uống nấu nướng trên đó, tiếp xúc đi lại bằng xuồng, chờ cho mực nước rút và mưa gió tạnh. Tôi tới thẳng nhà Thục. Nàng ngồi bó gối trên bộ ván cao nhìn ra mưa. Tôi đến làm Thục ứa nước mắt. Tôi cột xuồng vào chân bộ ván hỏi Thục:

– Nhà đi đâu hết vậy Thục?

– Đi qua sông thăm bà nội rồi.

– Sao ngồi buồn quá vậy?

– Sợ.

– Sợ gì? Có gì mà Thục phải sợ.

– Bao giờ nước rút Đông nhỉ?

– Chừng vài hôm nữa.

– Sao lâu vậy? – Thục hỏi với vẻ lo lắng.

Tôi nhìn ra mưa, chép miệng:

– Mưa gió coi bộ không vơi được. Nước càng ngày càng dâng cao chứ chả chịu rút xuống một tí nào.

Thục mặc áo len, nhưng hai ống quần ướt sũng nước, đầu không chải, tóc tai rũ rượi che cả khuôn mặt buồn. Xung quanh Thục là nồi niêu soong chảo, quần áo mùng mền, túm trong những bọc vải to tướng. Thục nói như khóc:

– Tự nhiên mưa lớn, rồi nước dâng tràn vào nhà. Mấy hôm ngồi mãi trên bộ ván này không đi đâu được.

– Nhớ Thục kinh khủng, bữa nay mới mượn được chiếc xuồng của thằng bé si tình nhà bên cạnh nên tới thăm Thục.

Tôi thấy trên cái lò than có một nồi cơm, khói lên nghi ngút. Tô hỏi Thục:

– Làm gì vậy?

– Nấu cơm.

– Sớm vậy, Thục đi chợ chưa?

– Má đi chợ từ sáng rồi cùng với ba và Hiền sang thăm bà nội, giao nhà cho Thục giữ.

– Thục muốn đi chơi không?

Thục chớp nhanh mắt nhìn ra ngoài trời. Trong một thoáng, gương mặt Thục sáng lên rồi Thục nói, hết sức buồn:

– Thục phải coi nhà, nấu cơm. Trưa Thục mới rảnh được.

– Bỏ nhà một lát không được sao?

– Ba về thấy bỏ nhà đi ông la chết.

– Tôi ngồi cầm mái chèo quậy nước. Thục chống cằm nhìn mưa, hai giọt lệ còn đọng quanh khoé mắt. Tôi biết là Thục xúc động lắm khi thấy tôi tới, cũng như tôi mừng rỡ khi thấy Thục ngồi trên bộ ván nhìn mưa. Tôi chỉ sợ Thục phải dọn nhà đi đâu, hay qua bên kia sông ở nhờ nhà bà nội tôi sẽ không làm sao tìm ra Thục được. Bây giờ Thục ngồi đây trên bộ ván cao lè tè ngang với mực nước. Thục ngồi đó, tóc tai rũ rượi, gương mặt bơ phờ canh chừng nồi cơm đang sôi. Tôi bảo Thục:

– Ngồi đây một lát nhé. Đông sẽ trở lại. Tôi chèo xuồng đi tìm mua cho Thục mấy ổ bánh mì, một hộp cá, một hộp bánh Tây, với chuối. Tôi mang về cho Thục. Trong lúc Thục ngạc nhiên thì tôi khui hộp cá mòi bắt Thục ăn với bánh mì. Tôi cũng ăn với Thục, hai đứa vừa ăn vừa nói chuyện.

– Hạnh làm sao hả Đông? – Thục hỏi.

– Đang ở nhà nói chuyện với thằng bé si tình.

– Ai thế?

– Thằng bé con, công tử sữa bên cạnh nhà, có cây chùm ruột sai trái. Thục biết nó mà.

Thục nheo mắt:

– Hùng phải không?

– Gọi nó là thằng bé nên quên mất tên của nó rồi. Hình như Hùng hay “Hiếc” gì đó. – Tôi cười.

– Đông có vẻ không ưa người ta.

– Ưa mỗi một chuyện, mượn được chiếc xuồng tới thăm Thục.

– Mấy hôm Đông làm gì?

– Đi tới đi lui như người sống trên hoang đảo. Nhớ Thục muốn chết. Nếu không có chiếc xuồng, chắc thế nào Đông cũng bơi tới đây.

Thục cười khúc khích. Tôi nhìn mấy cái vỏ chuối trôi lờ đờ dưới nước rồi chìm mất. Giòng nước ngầu đuc. Từ đây nhìn ra thấy trắng xóa một vùng. Mưa giăng mù, gió thổi lạnh buốt.

Thục ăn nhỏ nhẹ như con mèo nhỏ. Thục ngượng trước mặt tôi. Ăn xong Thục đi tìm cái lược gỡ tóc. Nồi cơm cũng đã chín trên lò than. Tôi bảo Thục:

– Nhà như thế này còn coi làm gì. Bỏ không cũng chả ai vào. Thục đi một vòng, vui lắm những con đường tràn ngập ghe xuồng xuôi ngược như lễ hội trên sông vậy.

Thục có vẻ xiêu lòng. Tôi nói tiếp:

– Chả có ai ngó ngàng gì đâu, Đông phải đi chợ Mua thức ăn, chả biết mua và trả giá cao. Thục phải mua giùm thôi.

– Lỡ gặp người quen thì sao?

– Ai để ý làm gì, gặp người quen cũng chả sao. Thục có thể nói đi nhờ xuồng ra chợ. Thiếu gì cách nói.

Thục cười:

– Chắc Đông nói dối tài lắm.

– Mấy người yêu nhau nói dối tài nhất thế giới.

Thục đỏ mặt quay đi tìm gì trong đống đồ cao như một quả núi. Một lúc Thục moi ra cái áo mưa khoác vào người, đầu đội nón lá, và không quên cầm theo cuốn sách. Lúc Thục bước qua xuồng. Thục đưa cuốn sách cho tôi và nói:

– Cuốn sách của Đông, Kim nhờ trả đấỵ

Tôi lật cuốn sách được vài trang rất vô tình và thấy một bì thư kẹp vào gáy sách. Tôi ngạc nhiên:

– Có một bức thư?

Thục bối rối:

– Sáng hôm qua ở nhà một mình biên thư cho Đông đó, định không gửi, nhưng bất ngờ Đông tới.

– Đọc ngay bây giờ nhé?

– Thôi, về nhà hẵng đọc.

Tôi sung sướng nhét cuốn sách vào trong túi áo mưa. Thục ngồi trước mũi xuồng, tôi mở dây cột, chống xuồng ra ngoài. Thục có vẻ thích thú khi được đi ra ngoài. Nàng ngồi ngước mắt nhìn khắp nơi. Mưa rớt trên chiếc nón lá của Thục lộp bộp. Thục mỉm cười hỏi:

– Đông có lạnh không?

Tôi lắc đầu, cho xuồng đi lướt lên các ngọn cây khiến Thục hốt hoảng:

– Coi chừng, ở đây có mấy cây cao lắm, vướng xuồng à.

– Ăn nhằm gì, Đông chèo xuồng từ năm còn học tiểu học ở trường làng.

– Đông giỏi ghê nhỉ.

– Thục cứ ngồi yên, đừng sợ chi cả.

– Lỡ xuồng chìm thì sao?

– Chìm sao được mà chìm.

– Đông biết lội không?

– Lội từ đây ra chợ trong nháy mắt.

Thục thích thú cười. Tôi nhìn nụ cười của Thục như tan trong mưa. Chiếc xuồng lướt trên mặt nước, thành phố bây giờ như một con sông lớn. Nước muôn trùng, chỉ Có những ngọn cây và nhà cửa thì vươn cao trên mặt nước còn công viên đường phố, những nơi chốn quen thuộc hàng ngày đều chìm sâu dưới đáy nước. Những tấm bảng chỉ tên đường buồn bã mắc trên trụ điện ở mỗi ngã tư cũng lem ố nước mưa. Tôi nhắm hướng chợ chèo xuồng về phía đó trong khi tất cả mọi người xê dịch qua lại, dong xuồng như những con thoi.

– Đông nhớ chợ ở đâu không?

– Nhớ chứ.

– Coi chừng đi lạc, nước mênh mông, Thục chả nhận ra chợ ở hướng nào.

– Đi lạc lại còn vui hơn nữa lo gì.

– Phải về nhà, không sẽ bị ăn đòn. Ông già giận dám trói gô lại ném xuống sông lắm à.

Tôi bật cười sau câu nói của Thục. Nước mưa ràn rụa quanh mặt, nhưng tôi không cảm thấy lạnh. Thục nghịch nước bằng cách thòng hai chân xuống quậy cho mặt nước nổi sóng. Hai chân Thục trắng hồng giữa đám lục bình xanh trôi lơ ngơ với đủ đồ vật vô chủ. Thục quay lại cười:

– Có khi nào nước cuốn mình trôi luôn ra biển không Đông?

– Có chứ, nếu mình muốn.

– Trôi ra biển rồi về được không?

– Về làm gì, tìm một hòn đảo nào đó sống tới già. – Tôi cười.

– Ghê quá, Thục không dám đâu.

– Bây giờ mình chèo ra biển nhé.

Thục tưởng thật, hốt hoảng – Đông đừng có đùa, nó trôi thật thì chết luôn.

– Thục không dám trốn à?

– Làm gì mà phải trốn?

– Thương nhau cha mẹ không gả thì đi trốn chứ còn sao nữa.

Thục tạt nước về phía tôi, ngượng ngùng nói:

– Đông không nói bậy thì sống không được sao?

– Không, nhưng đó đâu phải nói bậy.

– Còn gì nữa mà không bậy.

Tôi dùng mái chèo búng nước lên cao như một cây pháo bông vừa nổ tung ra giữa trời cho Thục lác mắt chơi. Và tôi buông ra một câu triết lý:

– Tình yêu bao giờ cũng đúng.

– Nhưng ai yêu ai.

– Thục ngó xuống dòng nước sẽ thấy ai yêu ai.

Thục giả vờ cúi xuống nhìn dòng nước rồi cúi gầm mặt luôn không ngước lên vì Thục ngượng khi phải nhìn tôi. Mưa bão không lớn, nhưng cứ ray rắt suống này này qua ngày khác. Chợ họp dưới mưa gió và trong một bầu trời rét căm căm. Những chiếc xuồng lớn nhỏ neo lại, đậu kề sát nhau. Người mua cũng như người bán đều đi xuồng, tiếng nói tiếng cười, tiếng cãi vã nhau trong trường hợp đặc biệt này lại là điều thích thú. Tôi cho xuồng vào đám đông, móc túi lấy mảnh giấy dì Hạnh biên đưa cho Thục. Tôi và Thục lựa thức ăn, trả giá. Tôi cười nói nhỏ bên tai Thục:

– Mong cho nước ngập mãi như thế này để mỗi ngày tới kêu Thục đi chợ.

Thục ứ ứ trong miệng. Mặt tôi bị vướng bởi những cọng tóc của Thục. Tóc Thục vẫn thơm, càng ướt càng có mùi hương đặc biệt. Tôi nói để trêu Thục:

– Tóc Thục thơm quá, chắc trong mưa có nước hoa.

Thục nguýt tôi nói:

– Đông đừng có đùa giữa chợ làm người ta trông thấy đấy.

Thục ngượng ngùng mua nhanh một món đồ rồi kêu tôi chèo xuồng sang chỗ khác. Quanh quẩn một lúc Thục cũng mua xong những thứ dì Hạnh dặn. Tôi đưa Thục về ngang qua công viên. Cây đa già đã trốc gốc chìm mất trong nước. Công viên chỉ còn thấy được cái cổng cao. Mấy cây dương liễu cũng không còn. Thục kêu lên mấy tiếng ngạc nhiên rồi nhìn quanh với đôi mắt u buồn khuất dưới chiếc nón lá. Tôi không muốn thấy Thục buồn chút nào. Tôi mong được chèo xuồng đưa Thục đi mãi như thế này, dưới trời mưa.

– Tại sao cây đa già và mấy cây dương liễu biến mất trong công viên hả Đông?

– Chúng bị nước cuốn, gió đưa làm cho trốc gốc.

– Rồi công viên đâu còn gì nữa.

– Còn những cái ghế đá, chỗ ngồi cũ của mình. Những thứ ấy thì không trôi đâu được.

Thục bỗng cười hỏi:

– Đông nhớ ông xích lô không. Bữa trời mưa lần đầu tiên Đông rượt theo xe của ổng đó!

– Nhớ chứ, ông ấy già rồi mà khoẻ ghê, Đông đạp muốn đứt hơi mới theo kịp ổng.

– Bữa đó chắc ông xích lô cho là hai đứa điên nặng. Nghĩ lại buồn cười ghê.

Tới nhà Thục, ba má Thục vẫn chưa về. Tôi và Thục ngồi nói chuyện trên bộ ván. Thục kêu lạnh khi bỏ áo mưa ra. Thục đốt than trong lò để trước mặt, hơ tay áp vào má xua cái lạnh. Tôi ngồi nhìn Thục, nhìn những sợi tóc mai ướt nước của Thục mà cảm thấy một niềm thương yêu tràn ngập dâng lên. Tôi nói:

– Dì Hạnh bảo nếu trường hợp nước mưa chưa rút trong ngày mai, Thục hãy tới đằng ấy ở.

– Bỏ ba má với nhỏ Hiền ở đây à?

– Nói như vậy là nói chung đấỵ Thục có thể đi với cả gia đình Thục.

– Đồ đạc mang đi làm sao được.

– Đông mượn xuồng thằng bé chở trong một buổi sáng là xong ngay.

Thục ngồi cười. Hai má Thục dần dần ửng hồng lên vì hơi nóng từ lò than bốc ra.

– Sao mà ngồi cười hoài vậy? – Tôi hỏi.

– Để Thục về hỏi ý kiến ba má Thục xem sao.

– Sáng mai Đông tới nữa nghe.

Thục nhìn tôi chớp mắt chứ không nói. Tôi nhảy xuống xuồng. Trước khi ra về tôi nói với Thục:

– Đưa tay cho nắm một chút.

Thục tròn mắt:

– Chi vậy?

– Xem coi ấm chưa.

– Đông kỳ quá hà.

Thục giấu hai bàn tay về phía sau, cười:

– Ấm rồi, khỏi phải xem nữa.

– Nhưng Đông muốn nắm hai bàn tay chứ không tin.

– Tin đi. Thật mà.

– Không nắm tay, Đông sẽ không bao giờ tin.

Thục ngượng ngùng đưa hai bàn tay ra phía trước mặt, rụt rè nói:

– Đông nắm một tí nhé.

– Ừ.

Nhưng khi nắm được bàn tay của Thục xong, Đông lại hỏi:

– Nắm lâu không được à?

– Đã bảo một tí thôi, nắm lâu làm gì?

Tuy nhiên Thục vẫn để yên hai bàn tay cho tôi nắm. Mặt Thục đỏ như gấc chín, đồng thời hai mắt Thục nhắm lại. Tôi cầm hai tay Thục, hai bàn tay mềm mại và ấm áp vô cùng. Tôi nhìn rõ gương mặt Thục trước mặt tôi, bờ môi đỏ ướt, hai mắt nhắm dưới hai viền mi dài, đen láy, mũi Thục thở nhẹ, cánh mũi phập phồng. Bỗng Thục mở bừng mắt ra, rụt hai bàn tay về:

– Đông nắm lâu quá.

Tôi lúng túng cười:

– Thục mở mắt sớm quá.

– Chứ nhắm hoài để Đông nắm hoài sao. Khôn hả?

– Thôi về.

– Coi chừng lạc đường đấỵ

Thục ngồi trên bộ ván ngó theo tôi. Mưa tới tấp bắn tung vào mặt tôi lạnh buốt. Bây giờ ra khỏi nhà Thục, rời hai bàn tay ấm áp của Thục tôi mới thấy lạnh. Cái lạnh như từ đâu kéo ập tới, lướt trên da thịt. Tôi phải chèo thật mạnh cho xuồng đi nhanh. Gió vật những ngọn cây ngả nghiêng, tôi quay lại nhìn thấy ngồi nhà Thục nằm trên mặt nước bao la muôn trùng.

Về nhà tôi ngạc nhiên vì thấy Khôi đang đứng nói chuyện với dì Hạnh trước bao lơn. Thằng bé Hùng mặt mũi buồn xo đi qua đi lại có vẻ nôn nóng. Tôi cười đưa tay vẫy Khôi rồi gọi thằng bé trả xuồng. Tôi nói cám ơn nhưng Hùng chả buồn đáp lại. Nó chỉ khẽ liếc dì Hạnh rồi bực tức nhảy xuống xuồng chèo về nhà. Tôi cười lớn. Chiếc xuồng của Khôi buộc dây tròng trành trên mặt nước và những giọt mưa lạnh buốt. Tôi mang thức ăn lên cho dì Hạnh và hỏi không:

– Tới bao giờ đấy bạn?

– Mới tới được một lúc.

– Có gì lạ không?

– Nước và nước bao la trong tỉnh lỵ, thế thôi. À, tao không thấy thằng Ẩn đâu cà.

– Sợ nó về nhà nó trên vườn. Lụt như thế này chắc vườn trái cây của nó tiêu tan.

– Mình hết đi ăn trái cây nữa được rồi. Hôm qua tao gặp Kim, Uyển, chả hiểu hai bà mượn đâu được chiếc xuồng chèo cà khêu trước nhà tao, chút xíu nữa là trôi luôn ra sông.

– Mày có ghé cà phê Thủy không?

– Đóng cửa cả ngày, mày ở nhà Thục về hả?

– Tao đi chợ.

– Đừng giấu bạn. Hạnh nói cho tao nghe rồi.

Tôi đưa mắt cho dì Hạnh, dì tỉnh bơ cười tôi nói:

– Tại Đông mượn xuồng người ta đi lâu, chứ còn tại sao nữa.

– Đó là một cái cớ nhỏ. Nó thấy dì đứng nói chuyện với Khôi, phen này nó ức bể bụng mất.

– Thằng bé nào Đông? – Khôi cười hỏi.

Tôi đáp:

– Thằng bé vừa về đó, nó mê dì Hạnh như điếu đổ. Bạn không tế nhị chút nào, nó đón đường bạn cho ăn dao đấy, coi chừng.

Khôi cười trách dì Hạnh:

– Ai kêu Hạnh không nói trước.

– Ăn nhằm gì, Đông phịa chuyện, đã chắc gì đúng như thế mà Khôi tin. – Phịa sao mà phịa. Nó tức dì thật mà. Nó hầm hầm bỏ về dì không thấy sao?

– Nó tức Đông thì có.

– Nó hận dì. Anh chàng về nhà ca một ngàn lần bản “Hận tình đen bạc”. Dì bên này thủ sẵn mấy viên thuốc cảm kẻo nhảy mũi cả ngày.

– Đông phịa chuyện quá trời. Nó còn bé mà biết gì. Nó rất tốt bụng, thế thôi.

– Nó mê dì, không đúng Đông sẽ đi bằng đầu.

Tôi và Khôi ngó nhau cười làm dì Hạnh ngượng. Dì bê thức ăn đi chỗ khác. Bảo tôi mang cho dì con dao. Dì lui cui làm thức ăn để sửa soạn bữa cơm.

Tôi liếc nhìn đồng hồ, thấy đã hơn mười giờ. Thời gian đi nhanh ghê. Tôi và Khôi đứng nói chuyện nhìn ra mưa. Khôi chép miệng:

– Chả biết bao giờ nước rút.

– Hình như càng ngày nước càng dâng cao thêm. Nhà mày ra sao?

– Di chuyển sang ở nhờ nhà bên cạnh.

– Có chật chội lắm không?

– Vừa.

– Mày sang ở đây với tao.

– Không được, đi thì phải đi cả, tao bỏ đi nếu có chuyện gì bất ngờ thì sao?

– Đi cả nhà cũng được. Ở đây còn phòng trống mày thấy không. Tao và dì Hạnh mấy hôm ngủ chung phòng, dì Hạnh sợ ma không dám ngủ riêng.

– Nếu được ở đây chắc nhỏ Xuyên thích lắm. Nó ở đằng đó tội ghê. Con trai như mình ở đâu chả được.

– Mày đưa cả nhà sang đây đi. Mấy hôm định ghé mày mà không biết làm sao đi được. Chả lẽ lấy chiếc xe đạp ra làm xuồng bơi.

Khôi cười. Tôi nói:

– Thục cũng cực lắm. Sáng nay tao mới đưa nàng ra chợ, đi lòng vòng mua thức ăn. Mấy hôm Thục bảo không hề ra khỏi bộ ván. Trông Thục như con mèo ướt.

– Sao không bảo Thục tới ở với Hạnh?

– Thục chưa có quyết định, còn phải xin ông già.

Khôi đưa tôi điếu thuốc. Hai đứa mồi lửa, rít khói. Tôi thèm một ly cà phê sữa nóng vô cùng. Tôi vào phòng mình mang cây đàn ra. Khôi đàn hay hơn tôi nhiều. Tôi giao đàn cho Khôi rồi bảo dì Hạnh:

– Dì muốn nghe bản nào Khôi hát cho nghe.

– Cành hoa trắng.

– Dì chỉ có bản ruột là “Cành hoa trắng”. Khôi hát đi – Tôi bảo Khôi.

Khôi ghếch chân vào lan can. Tay búng mấy sợi dây đàn, hát. Giọng Khôi trầm ấm, tan vào trong tiếng mưa rơi nghe thật buồn. Khôi hát liên tiếp mấy bài mà không biết chán. Dì Hạnh khen Khôi hát hay và hứa nếu Khôi ở lại ăn cơm sẽ được thưởng một chầu cà phê. Tôi nói:

– Ở lại chứ sợ gì, Khôi!

– Thì ở lại.

Tôi bảo dì Hạnh:

– Nhưng dì phải nấu cơm nhanh lên chứ, đói bụng đến nơi rồi.

– Đông phải phụ một tay mới nhanh được. À, sao không bảo Thục tới chơi?

– Thục phải coi nhà.

– Sợ cái nhà trôi đi mất hay sao?

– Thục sợ bị ba la. Nhỏ ấy cái gì cũng sợ.

Tôi nhảy tới phụ với dì Hạnh lặt rau. Khôi vẫn ôm đàn đứng hát. Dì Hạnh thoăn thoắt trong công việc, còn tôi vụng về bên những cọng rau không biết ngắt đoạn nào. Dì Hạnh chê tôi:

– Đông dở quá, ngắt lấy những lá gần ngọn thôi. Những lá dưới gốc bỏ đi. Đúng là con trai, chả biết gì hết.

Tôi cười:

– Không biết khỏi phải lo. Công việc này của con gái mà.

– Lo lần, nữa về phụ với vợ chứ.

– Con trai chỉ biết làm kiếm tiền mang về cho vợ thôi. Về nhà phải có cơm ăn, không thì chết.

– Chà nói nghe ghê, nhưng ngó Đông thấy phát ra tướng… sợ vợ rồi.

Tôi và Khôi bật cười. Dì Hạnh thấy tôi làm chả nên việc gì bèn đuổi tôi đi chỗ khác. Tôi rủ Khôi vào phòng. Hai đứa ngồi hút thuốc tán gẫu chờ dì Hạnh sửa soạn bữa cơm. Tôi bỗng nhớ tới Ẩn:

– Tại sao Ẩn lại đi mất nhỉ?

– Tao cũng đang ngạc nhiên về chuyện này.

– Có thể nó về nhà nó thật.

– Hình như nó đang buồn.

Tôi cười:

– Nó mà biết buồn, họa chăng trời sập đến nơi. À, mấy hôm trời mưa bão, nước ngập lụt, chắc tại nó.

Khôi không cười được. Nó thở ra một ngụm khói:

– Không khéo, nó hiểu lầm tao.

– Chuyện gì?

– Chuyện của Phiến. Tao vừa gặp Thủy, nó bảo có gặp Ẩn trước hôm mưa bão ở quán cà phê. Ẩn than buồn và định đi xa rất lầu.

– Nó bỏ thi à?

– Có thể lắm.

– Không thi thì nó làm cái gì?

– Đối với một kẻ chán đời, có nhiều chuyện để làm lắm. Hoặc sẽ không làm gì cả.

– Ẩn nó không tệ đến hiểu lầm bạn bè đâu.

– Tình cảm là một điều không thể đoán trước được.

– Nhưng Ẩn nó không đến nỗi tệ là hiểu lầm mày. Chuyện chỉ do Phiến gây ra mà thôi.

– Tao nghĩ là không do ai cả.

– Phải tìm cho ra Ẩn, khuyên nó đừng bỏ thi.

– Nó đi Sài Gòn thì biết đâu mà tìm?

Tôi cảm thấy có một cái gì đang tan vỡ giữa Khôi và Ẩn thật. Ẩn yêu Phiến ngấm ngầm, trong khi Phiến chỉ xem Ẩn như một người bạn trai, học cùng lớp. Từ lúc Nhàn bỏ đi lấy chồng giữa năm đệ nhị, Khôi như một người mất hồn, nó cúp cua liên miên, tưởng đâu nó phải ra khỏi trường, may Khôi học khá trong lớp nên được một vài giáo sư đề nghị giữ lại. Và Khôi sau những ngày lang thang chán nản đã trở lại trường sửa soạn cho kỳ thi. Phiến yêu Khôi qua mối tình khói sương tan vỡ đó. Khôi không biết, hoàn toàn không biết cho đến khi nhận được bức thư đột ngột của Phiến. Bức thư không có gì quan trọng, nhưng từ đó Khôi hiểu Phiến đã yêu mình. Khôi còn đang phân vân không biết phải đôi xử ra sao thì có lẽ Ẩn biết chuyện. Tôi chơi thân với Khôi hơn Ẩn, nhưng trước một sự rạn nứt giữa tình bạn như thế quả là điều đáng buồn. Tôi muốn gặp Ẩn, ngày thi đã gần kề. Chúng tôi có mấy đứa chơi với nhau. Năm nay tôi không muốn có một đứa nào bỏ thi vì chuyện tình cảm của một thời mới lớn.

– Mày tính sao, Đông?

– Cũng chỉ còn một cách là gặp Ẩn giải thích cho nó biết thôi.

– Rồi đối phó với Phiến ra sao?

– Bình thường.

– Ừ, có lẽ mọi chuyện đều phải bình thường mới sống được. Nhưng ta buồn quá. Thi xong chưa chắc đã học nổi nữa.

Tôi đùa:

– Cưới vợ chăng?

– Không bao giờ. Nhưng buồn quá sẽ đi lang thang.

Tôi không nói gì, trong lớp những đứa cùng tuổi với tôi và Khôi đều thốt ra một câu tương tự như thế khi chán nản, hay khi bị phạt. Tôi không nghĩ đó là một cách giải quyết đời sống. Con trai có nhiều chuyện để làm. Và mỗi đứa có thể nhìn xuống cuộc đời bằng mọi cách. Tôi không có ý định như Khôi. Tôi chỉ mong, nếu không tiếp tục học nữa thì xin vào tập sự trong một tòa soạn báọ Tôi không nghĩ mình sẽ thành một nhà văn, nhà thơ, nhưng được cầm viết sẽ sung sướng hơn khi được diễn tả một cách thành thật những điều mình nghĩ.

– Rồi không biết bọn mình sẽ ra sao?

– Lớn lên một chút, thấy đời sống buồn như một câu thơ.

Tôi ngó Khôi:

– Đời sống ôi buồn như cỏ khô chăng?

– Như thế đấỵ

Tôi nhìn ra ngoài mưa. Mấy ngày liền mưa cứ ào ạt một lúc rồi vơi dần, chỉ còn những hạt nước nhỏ kéo dài xuống lất phất trong một khoảng không gian mù đục. Gió lạnh buốt thổi lồng lộng trên các hàng cây, nước không thấy rút xuống trên những con đường mênh mông trắng xóa. Tỉnh lỵ chỉ vui mắt khi có những phiên chợ họp bằng xuồng với đám người áo tơi nón lá, những cảnh xuồng xuôi ngược thay cho xe cộ ngày xưa. Còn thì buồn rũ rượi như cây lá nghiêng đổ, nhà cửa xiêu vẹo, nước ngập trước mắt người, cuốn súc vật trôi lên đênh. Tôi không biết Thục đang làm gì. Tôi hình dung ra khuôn mặt u sầu của Thục, dáng ngồi bó gối nhìn ra ngoài trời trên bộ ván ngấp nghé nước đục ngầu. Tôi nhớ Thục quá. Nhớ như chưa bao giờ được nhớ thương như vậy.

– Chuyện mày và Thục như thế nào rồi?

– Vui lắm.

– Vui tới bao giờ?

– Vui mãi, sáng hôm nay tao đưa nàng đi vòng quanh tỉnh lỵ. Bây giờ thì Thục chắc đang ngồi bó gối nhìn mưa.

Tôi cười, ném mẩu thuốc tàn qua cửa sổ. Đốm sáng lướt vào trong những giọt mưa giăng đầy rồi mất hút. Tôi thấy những đỉnh cây ào ào trút lá xuống, gió đưa lá bay tan nát khắp một khoảng không. Hơi lạnh như rúc vào cổ áo. Tôi rùng mình:

– Thèm ngồi quán quá Khôi à.

– Chiều nay tìm một quán nào còn mở cửa mà tới.

– Quán nào?

– Chắc có chứ, uống cà phê trong hoàn cảnh này mới thú.

– Sáng mai hy vọng nước sẽ rút bớt.

– Mày sẽ thấy vẻ mặt của tỉnh lỵ tiêu điều như một thành phố chết.

Tôi im lặng với nụ cười của mình. Mưa bỗng tạt vào cửa sổ, những giọt nước bắn vào mặt tôi lạnh buốt.

Tôi bảo Khôi đóng cửa sổ lại, bật đèn trong phòng lên. Nhưng tôi bỗng nhớ ra là mấy ngày nay tôi và dì Hạnh sống trong bóng tối. Điện đã cúp, tôi bật cười nói với Khôi:

– Tao học bài không vô vì trí nhớ quá tồi.

– Mày chỉ nhớ một thứ, một cái tên là Thục. Thục đầy cả trong tâm trí mày rồi còn nhớ gì được nữa.

Tôi cười lớn, bật diêm châm vào cây đèn cầy gắn trên bàn. Những cuốn sách bập bùng dưới ánh nến tù mù chao ngã. Tôi thấy ớn đến tận cổ những môn học. Rồi vài hôm nữa tôi đi thi. Thấy mơ hồ nhiều biến đổi như sáng ra nhìn mực nước dâng cao trên những con đường. Khôi lại ôm lấy cây đàn. Bây giờ giọng Khôi nghe như nó sắp khóc. Tôi nằm lăn xuống giường im lặng nghe Khôi hát. Ngọn nến bập bùng soi bóng Khôi ngã dài trên bức tường, gương mặt Khôi hồng lên, mái tóc rũ xuống. Tôi nghĩ con trai lớn lên đứa nào cũng có một nỗi khổ riêng. Ở tôi và Khôi, nỗi khổ có lẽ gần gũi nhau nhất.

Mưa rơi từ nghìn xưa. Mưa rơi về nẻo mờ

Mưa đem sầu thiên thu đến cho ta.

Mưa đi từ tuổi thơ. Mưa theo cuộc tình tơ.

Mưa rơi bạc đầu ai mong nhớ mưa…

Dì Hạnh bỗng đứng trước cửa phòng gọi lớn:

– Cơm xong rồi, mời hai nhà nghệ sĩ.

Tôi nhìn Khôi, nó buông đàn ngưng vội tiếng hát chạy ra. Dì Hạnh trải chiếu dưới gạch dọn cơm thật ngon mắt với những thứ rau tôi lặt lúc nãy. Ba người ngồi vào cùng ăn với nhau. Dì Hạnh từ trong bếp ra nên gương mặt ửng đỏ vì lữa. Tôi nói:

– Chiều nay dì đi uống cà phê không?

– Trời mưa bão ngập lụt thế này quán nào mở cửa.

– Khôi bảo có.

Khôi nói:

– Thế nào cũng có, phía bên cầu. Nước bên đó dâng ít hơn, có một vài nhà không bị ngập.

– Đi bằng gì?

– Xuồng của Khôi.

Dì Hạnh thích thú nói:

– Tới rủ Thục đi với.

Khôi ngó tôi cười:

– Hạnh khỏi phải dặn Đông, bổn phận của “chàng” mà.

Chúng tôi ăn cơm trong tiếng mưa rả rích. Gió vi vút ngoài hàng cây. Gió đầy hơi nước và buồn như những ngày mùa đông thật sự. Thằng bé có lẽ hết giận dì Hạnh nên chèo xuồng qua đứng dưới lan can gọi ơi ới. Dì Hạnh nhổm dậy, hỏi vọng xuống:

– Gì thế?

– Hạnh ăn chùm ruột không?

– Ăn.

– Tôi ném lên nhé.

– Ừ, ném đi.

Thằng bé ném một túi chùm ruột và muối ớt lên. Tôi ngó Khôi nheo mắt cười. Dì Hạnh hỏi:

– Sao cho nhiều thế, bộ đốn nguyên cây hả?

– Cây chùm ruột bị gió làm gãy ngang rồi. Bây giờ chìm trong nước mất tiêu, nhưng tôi hái được nhiều trái lắm.

– Thôi bao nhiêu đây đủ rồi.

– Hạnh rảnh không?

– Đang ăn cơm.

– Ăn xong tôi đưa ra phố chơi nhé.

Dì Hạnh cười:

– Trời mưa bão mà đi chơi làm gì, lạnh cóng tay chân hết.

– Không ăn nhằm gì đâu, đi dưới mưa vui lắm.

– Không đi được đâu.

Thằng bé có vẻ buồn, nó im lặng không nói gì nữa. Dì Hạnh cũng ngồi xuống tiếp tục bữa cơm. Tôi đoán thằng bé đã chán nản bỏ về.

Tôi trêu dì Hạnh:

– Người bạn láng giềng của dì Hạnh tốt bụng quá.

– Người ta cho ăn mà còn trêu.

– Cây chùm ruột gãy chắc nó buồn lắm.

Bữa cơm xong, dì Hạnh rửa chén. Dì vấn tóc lên cao bằng một mảnh vải lụa màu tím. Dì tươi mát trong những giọt mưa đùa bên ngoài cái bao lơn rộng. Tôi và Khôi ngồi hút thuốc. Dì Hạnh rửa chén xong pha cà phê. Ba người ngồi xung quanh cái bàn nhỏ trước cửa phòng. Dì Hạnh lại bắt Khôi hát. Khôi nhăn mặt cười:

– Vừa cho ăn no lại bị đày.

– Khôi hát hay quá, khối cô mê đấy. Hôm nào Hạnh giới thiệu cho. Khôi cười cười. Dì Hạnh bảo:

– Hát bài “Thuyền viễn xứ” Khôi nhé. Bài này Hạnh nghe Khôi hát từ kỳ hè năm ngoáị

– Hạnh nhớ dai ghê.

– Nhớ chứ, người nào nhớ dai chắc khổ lắm phải không?

Tôi cười:

– Nhớ dai là biểu lộ sự chung tình. Con gái cần phải nhớ dai.

– Còn con trai thì cần phải mau quên hả?

Tôi tránh cái nhìn của dì Hạnh. Khôi dạo đàn và hát bản mà dì Hạnh thích:

Chiều nay sương khói lên khơi

Thùy dương rủ bóng tơi bời

Làn mây hồng pha dáng trời

Sóng Đà Giang thuyền qua xứ người

Thuyền ơi viễn xứ xa xưa

Một lần qua dạt bến lau thưa

Hò ơi giọng hát thiên thu

Suối nguồn xa vắng chiều mưa ngàn về…

Giọng hát của Khôi như hòa lẫn vào trong tiếng mưa. Buổi chiều buồn quá, không ai thấy được nắng trong một bầu trời đầy mưa bão thế này. Và một ngày nữa sắp sửa chấm dứt. Tôi mong nhìn thấy mực nước rút dần xuống và thèm nghe lại tiếng reo của hàng nhạc ngựa trong những buổi trưa lồng lộng gió mùa hè. Những con đường thênh thang trong tỉnh lỵ này, những con đường của học trò đó, sau cơn bão dữ, phượng có còn tươi trên cành hay rụng rơi tan nát trên xác nắng. Khôi hát buồn quá Khôi ạ, tôi muốn quay đi để đừng nghe tiếng hát, để đừng nhớ Thục. Nhưng tôi biết rõ hơn bao giờ, tôi đang nhớ Thục đến lịm người.

Mẹo: Bạn có thể sử dụng trái, phải, A và D bàn phím để duyệt giữa các chương.
Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!
Hãy ủng hộ TruyenHayHo bằng cách đánh giá truyện và chia sẻ link nhé!