Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 094

Bấm vào đây để nghe audio
Chương 094

HỒI 94

Gia Cát Lượng nhân tuyết phá quân Khương;

Tư Mã Ý nhanh tay bắt Mạnh Đạt.

Quách Hoài bàn với Tào Chân rằng:

– Người rợ Tây Khương, từ khi còn đức Thái Tổ, năm nào cũng nộp cống. Đến thời đức Văn Hoàn đế, cũng có ơn huệ với họ. Ta nay nên giữ vững nơi hiểm yếu, sai người đi tắt con đường nhỏ vào cầu cứu rợ Khương, hứa sẽ hòa thân với nhau; người rợ Khương, tất cất quân đánh chẹn mặt sau quân Thục. Ta sẽ kéo đại quân đánh giáp lại, như thế chắc được to.

Tào Chân nghe theo, lập tức sai người sớm tối mang thư cho rợ Khương.

Vua Tây Khương là Triệt Lý Cát, từ khi còn Tào Tháo, năm nào cũng vào cống; thủ hạ hắn có một quan văn, một quan võ. Văn là Nhã Đan thừa tướng, võ là Việt Cát nguyên soái. Bấy giờ, sứ Ngụy mang vàng ngọc và thư đến, trước hết vào ra mắt Nhã Đan thừa tướng, dâng đồ lễ vật, bày tỏ ý đến cầu cứu. Nhã Đan dẫn vào ra mắt quốc vương, trình tờ thư. Triệt Lý Cát xem xong, cùng với chúng bàn bạc.

Nhã Đan nói:

– Nước ta vốn đi lại với nước Ngụy. Nay Tào đô đốc cầu cứu và muốn hòa thân, ta nên nghe mới phải.

Triệt Lý Cát theo lời ấy, lập tức sai Nhã Đan và Việt Cát nguyên soái khởi mười lăm vạn quân Khương. Quân ấy toàn giỏi nghề cung nỏ, gươm giáo, ném chùy tật lê. Lại có xe bịt sắt để vận tải đồ lương thực khí giới, hoặc dùng lạc đà, lừa ngựa kéo xe, gọi là quân thiết xa.

Hai người từ tạ quốc vương, đến thẳng cửa Tây Bình. Tướng giữ ải là Hàn Trinh vội vàng sai người đem thư báo với Khổng Minh.

Khổng Minh hỏi các tướng rằng:

– Có ai dám ra cự nhau với quân Khương không?

Quan Hưng, Trương Bào xin đi.

Khổng Minh nói:

Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com

– Các ngươi muốn đi cũng được, nhưng chưa hiểu rõ đường đất, vậy để cho Mã Đại cùng đi.

Bèn gọi Mã Đại bảo rằng:

– Người ở xứ này đã lâu, quen biết tính nết người Khương nên đi làm hướng đạo.

Liền khởi năm vạn tinh binh, sai ba người cùng đi.

Bọn Hưng, Bào đi được vài ngày, gặp quân Khương vừa đến. Quan Hưng dẫn hơn trăm kị lên núi đứng xem, thấy quân Khương kéo xe sắt, đi đến đâu lập trại đến đấy. Trên xe dàn bày đồ binh khí tựa như thành trì. Hưng ngắm nghía hồi lâu, nghĩ mãi không có mẹo gì phá được, bèn về trại bàn nhau với Trương Bào, Mã Đại.

Đại nói:

– Để đến ngày mai liệu xem trận thế ra sao, rồi sẽ thương nghị.

Hôm sau, quân Thục chia làm ba đường, Quan Hưng ở giữa, tả có Trương Bào, hữu có Mã Đại cùng tiến. Bên trận Khương, Việt Cát nguyên soái, tay cầm chùy sắt, lưng đeo cung tên, thúc ngựa xông ra. Quan Hưng vẫy ba mặt quân xông vào; bỗng thấy quân Khương chia dàn ra hai bên, rồi các xe sắt ở giữa kéo ra ầm ầm, tựa hồ nước chảy. Cung nỏ bắn tràn cả sang. Quân Thục địch không nổi, tan chạy mất cả. Hai cánh quân của Mã Đại, Trương Bào lui trước. Còn cánh quân của Quan Hưng bị quân Khương vây bọc vào góc tây bắc, Hưng xông xông xáo xáo không sao ra thoát. Xe sắt dần dần siết chặt lại, quân sĩ không nhìn nhận được nhau. Quan Hưng chạy lẻn vào trong hang núi, bấy giờ đã về chiều, bỗng đâu thấy một đám cờ thâm, kéo đến như ong, rồi một viên Khương tướng tay cầm chùy sắt, gọi to lên rằng:

– Tiểu tướng đừng chạy nữa, ta là Việt Cát nguyên soái đây!

Quan Hưng hết sức ra roi, không ngờ gặp khe nước chắn ngang, phải quay ngựa lại đánh nhau. Nhưng Quan Hưng trong bụng vốn đã sợ, địch không nổi được Việt Cát, lại phải rút chạy. Việt Cát đuổi sấn đến nơi, quẳng chùy sắt ném theo, Hưng lánh mình tránh khỏi, chùy tin ngay vào khuỷu chân ngựa. Ngựa bị đau ngã gục xuống khe. Quan Hưng cũng sa xuống nước. Bỗng lại nghe huỵch một tiếng rất to ở phía sau lưng, té ra Việt Cát cả người lẫn ngựa tự dưng cũng ngã lăn xuống khe. Hưng ở dưới nước, vùng đứng dậy được, thấy ở trên bờ có một viên đại tướng, đang đuổi đánh quân Khương. Hưng cầm đao chực nhảy lại chém Việt Cát, Cát nhảy xuống nước chạy thoát được.

Quan Hưng bắt được ngựa của Việt Cát, dắt lên bờ, sửa lại yên cương tử tế, cắp đao lên ngựa. Lại thấy viên tướng kia vẫn còn đuổi đánh quân Khương, Hưng nghĩ thầm người này đã có bụng cứu ta thế này, ta nên đến ra mắt. Bèn tế ngựa lại xem ai, chỉ thấy trong đám vân vụ, thấp thoáng có một đại tướng mặt đỏ mày tầm, bào xanh, giáp vàng, cầm đao thanh long, cưỡi ngựa xích thố, tay vuốt bộ râu dài, rõ ràng là Quan Công. Quan Hưng giật mình. Bỗng thấy Quan Công trỏ tay ra mé đông bảo rằng:

– Con ta nên chạy mau ra đường này, ta trông nom cho về đến tận trại!

Nói đoạn biến mất. Quan Hưng lật đật chạy về mặt đông nam. Đến nửa đêm, bỗng gặp một toán quân mã, té ra là Trương Bào.

Bào hỏi rằng:

– Anh có gặp bác hai đó không?

Hưng nói:

– Sao chú lại biết?

Bào nói:

– Ta bị quân thiết xa đuổi kíp lắm, bỗng thấy bá phụ ở trên trời sa xuống, quân Khương khiếp sợ tan chạy. Bá phụ trỏ bảo ta rằng: “Mày đi ra con đường này, đến cứu con ta.” Vì thế, tôi mới dẫn quân đến đây tìm anh.

Quan Hưng cũng thuật chuyện mình cho Trương Bào nghe. Hai người cùng lấy làm kì dị, dần dần về đến trại. Mã Đại ra tiếp vào, nói:

– Quân Khương này không có kế gì phá được, để ta giữ trại ở đây, còn hai người về bẩm với thừa tướng dùng mẹo mà đánh mới xong.

Hưng, Bào nghe lời, đi luôn đêm về ra mắt Khổng Minh, thuật lại công việc. Khổng Minh liền sai Triệu Vân, Ngụy Diên mỗi người dẫn một toán quân mai phục đâu đấy, rồi điểm ba vạn quân, và đem Khương Duy, Trương Dực, Quan Hưng, Trương Bào đến cả trại Mã Đại, nghỉ ngơi một hôm. Hôm sau, Khổng Minh trèo lên gò cao đứng xem, thấy xe sắt của quân rợ nối liền với nhau không dứt, người ngựa tung hoành, qua lại rong ruổi Khổng Minh ngắm nghía một hồi rồi nói rằng:

– Quân này có khó gì mà chẳng phá được?

Liền gọi Mã Đại, Trương Dực đến dặn dò mẹo mực cho đi. Rồi gọi Khương Duy bảo rằng:

– Bá Ước có biết kế phá quân này không?

Duy thưa rằng:

– Người rợ chỉ cậy có sức khỏe, biết đâu được mẹo hay này!

Khổng Minh cười, nói:

– Ngươi thực là biết bụng ta! Nay mây đỏ ngất trời gió bắc nổi to, sắp có mưa tuyết, chính là lúc mẹo ta dùng được.

Bèn sai Quan Hưng, Trương Bào dẫn quân đi mai phục sẵn; sai Khương lĩnh quân ra đánh, hễ gặp quân thiết xa đến thì rút lui. Cửa trại cắm tinh kì không, còn quân mã đâu đấy phục sẵn cả.

Bấy giờ đang tháng chạp, quả nhiên trời mưa tuyết to, Khương Duy dẫn quân ra, gặp Việt Cát kéo quân thiết xa đến đánh. Khương Duy liền rút về. Quân Khương đuổi theo đến trước cửa trại. Khương Duy chạy ra phía sau. Quân Khương đến thẳng ngoài trại ngó xem; thấy trong trại có tiếng gảy đàn, mà bốn mặt thì chỉ có tinh kì cắm suông, liền kíp báo về với Việt Cát. Việt Cát nghi hoặc chưa giám tiến vội. Nhã Đan thừa tướng nói:

– Đó là quỷ kế của Gia Cát Lượng, làm nghi binh ra đó thôi, nên đánh ngay đi.

Việt Cát dẫn quân thẳng trước trại, thấy Khổng Minh ôm đàn lên xe dẫn vài tên kị chạy ra mé sau trại. Quân Khương xông bừa vào, rồi đuổi dấn mãi đến một cửa núi, chỉ thấy một chiếc xe nhỏ của Khổng Minh thấp thoáng chạy vào trong rừng.

Nhã Đan bảo với Việt Cát rằng:

– Bộ quân thế kia, dẫu có mai phục cũng không sợ.

Bèn dẫn cả cánh đại quân đuổi theo. Lại trông thấy Khương Duy đang chạy ở trên mặt đất đầy tuyết. Việt Cát nổi giận, thúc quân đuổi dấn vào. Quãng đường ấy bị mưa tuyết phủ kín, trên mặt đất có vẻ phẳng phiu. Khi đang đuổi theo, có tin báo mé sau núi quân Thục kéo ra. Nhã Đan không coi ra mùi gì, cứ việc thúc quân thiết xa đuổi tràn. Bỗng đâu ầm một tiếng, tựa như trời long đất lở, quân Khương lăn cả xuống hang. Xe chạy đang mạnh, không tài nào hãm kịp, xô luôn cả xuống hố, quân sĩ chết hại rất nhiều. Quân mé sau vội vàng rút về, thì Quan Hưng, Trương Bào ở hai bên đã ập tới, cung nỏ bắn ra như mưa. Khương Duy, Trương Dực, Mã Đại cũng chia quân làm ba mặt đánh ập lại.

Quân thiết xa rối rít. Việt Cát trốn vào hang núi, vừa gặp Quan Hưng. Hai người giao phong. Quan Hưng quát to một tiếng, chém chết Việt Cát. Nhã Đan cũng bị Mã Đại bắt sống, quân Khương tán loạn chạy trốn.

Khổng Minh về trại, lên trướng ngồi thảnh thơi. Mã Đại giải Nhã Đan vào nộp. Khổng Minh quát võ sĩ sai cởi trói, cho uống rượu áp kinh, rồi lấy lời ngọt ngào dỗ dành và bảo rằng:

– Chủ ta là Đại Hán hoàng đế, sai ta ra đây đánh giặc, nước ngươi cớ sao lại giúp kẻ phản nghịch? Nay ta tha cho về, bảo với chủ ngươi rằng: Nước ta cùng với nước ngươi là chỗ láng giềng với nhau, còn kết hiếu về lâu về dài, chớ có nghe lời phản tặc mà giúp kẻ khác.

Nói đoạn, bao nhiêu đồ xe ngựa, khí giới, bắt được của quân Khương, lại đem trao trả hết cho Nhã Đan, rồi cho về nước. Nhã Đan cảm ân đức ấy vô ngần, lạy tạ ra về.

Khổng Minh dẹp xong quân Khương, lại dẫn ba quân trở ra trại Kỳ Sơn, sai Quan Hưng, Trương Bào mang quân đi trước, một mặt sai người dâng biểu báo tin thắng trận.

Nói về Tào Chân, luôn mấy hôm mong ngóng tin tức rợ Khương. Sực có quân canh đường lại báo rằng quân Thục nhổ trại, thu xếp lên đường cả rồi.

Quách Hoài mừng lắm, nói:

– Đây hẳn là nhân có quân Khương quấy nhiễu, cho nên quân Thục mới rút quân về.

Lập tức chia quân làm hai mặt đuổi theo. Quân Thục xô nhau chạy. Tiên phong Tào Tuấân đang đuổi, bỗng trống đánh vang trời, Ngụy Diên kéo quân phục đổ ra, gọi to lên rằng:

– Tướng giặc chớ đuổi theo nữa!

Tào Tuấn giật mình, giao ngựa đánh mới ba hiệp, bị Ngụy Diên chém một nhát đao lăn quay xuống ngựa. Phó tiên phong Chu Tán, đang đuổi, gặp Triệu Vân, cũng bị Vân đâm chết. Tào Chân, Quách Hoài nghe tin hai tiên phong cùng bị tử trận cả rồi, muốn thu quân về, bỗng lại thấy mé sau tiếng hò reo ầm ĩ, chiêng trống om sòm, té ra Quan Hưng, Trương Bào chia quân làm hai mặt kéo đến. Hai tướng vây bọc lấy Tào Chân, Quách Hoài đánh một trận cực rát. Tào, Quách hai người dẫn bại quân chạy thoát. Quân Thục được to, thừa thế đuổi mãi đến sông Vị, cướp được trại Ngụy:

Tào Chân tổn mất hai tướng tiên phong, thương cảm không biết ngần nào, phải dâng biểu về triều đình, xin quân cứu viện.

Ngụy chủ Tào Tuấn xem biểu cả kinh, vội hỏi quần thần xem có kế gì dẹp được giặc không. Hoa Hâm tâu rằng:

– Bệ hạ nên ngự giá thân chinh, hội cả chư hầu lại, thì ai nấy mới chịu ra sức, mới có thể phá được giặc. Nếu không, Trường An lỡ xảy ra điều gì thì Quan Trung cũng nguy mất.

Thái phó Chung Do tâu rằng:

– Phép làm tướng, có khôn ngoan hơn người thì mới chế nổi người. Tôn Tử đã nói: “Biết người biết mình, đánh đâu được đấy.” Tôi thiết nghĩ Tào Chân tuy lâm trận đã nhiều, nhưng không phải địch thủ của Gia Cát Lượng. Tôi xin đem cả nhà tôi để bầu cử một người có thể phá được quân Thục, chưa biết ý bệ hạ có ưng không?

Tuấn nói:

– Người là đại lão nguyên thần nhà nước, thấy có hiền sĩ nào có tài đuổi được quân Thục, hãy mau mau triệu lại để cùng trẫm chia lo chứ!

Chung Do tâu rằng:

– Trước kia Gia Cát Lượng muốn cất quân xâm phạm nước ta, nhưng sợ có người ấy, nên phao tin đồn nhảm để bệ hạ sinh nghi, mà bỏ người ấy đi, nên hắn mới dám tung hoành vào nước ta như thế. Nay nếu bệ hạ lại dùng người ấy, thì Gia Cát Lượng tự nhiên phải rút.

Tuấn hỏi ai, Do tâu rằng:

– Quan phiêu kị đại tướng quân Tư Mã Ý.

Tuấn than rằng:

– Việc ấy trẫm đã hối, nay Trọng Đạt ở đâu?

Do tâu:

– Gần đây, nghe Trọng Đạt ngồi nhàn ở Uyển Thành.

Tuấn lập tức giáng chiếu, sai sứ cầm cờ tiết ra Uyển Thành, Phục lại quan chức cho Tư Mã Ý, lại gia thêm làm bình tây đô đốc, sai khởi hết quân mã các đạo ở Nam Dương kéo về Trường An.

Lại nói Khổng Minh từ khi ra quân đến giờ, thắng trận liên tiếp trong lòng khoan khoái. Đang ở trong trại Kỳ Sơn, bàn mưu với các tướng, chợt có quan trấ thủ cung Vĩnh An là Lý Nghiêm sai con là Lý Phong lại ra mắt, Khổng Minh nghi là Đông Ngô đến xâm phạm gì chăng, đã hơi sợ, cho đòi vào trướng hỏi chuyện. Phong thưa rằng.

– Tôi lại báo tin mừng đây thôi.

Khổng Minh nói:

– Có việc gì mà mừng?

Phong thưa:

– Xưa kia Mạnh Đạt hàng Ngụy, là vì bất đắc dĩ. Khi ấy Tào Phi yêu tài Mạnh Đạt, thưởng cho ngựa quý và vàng bạc, châu báu, lại cho cùng ngồi kiệu ra vào, phong làm xạ kị thường thị, lĩnh chức thái thú ở Tân Thành, trấn thủ các miền Thượng Dung, Kim Thành, giao cho trách nhiệm mặt đông nam. Đến khi Tào Phi chết, Tào Tuấn lên ngôi, trong triều lắm người ghen ghét Mạnh Đạt. Đạt trong dạ áy náy không yên, thường nói với các tướng rằng: “Ta vốn là tướng Thục, vì bức bách mà phải đến đây.” Nhiều khi sai người tâm phúc cầm thư lại ra mắt cha tôi, nhờ bẩm giúp với thừa tướng. Trước khi Tào Phi sai năm đạo quân vào Xuyên, Đạt đã có ý hàng rồi. Nay ở Tân Thành, biết tin thừa tướng đánh Ngụy, hắn muốn khởi quân ba xứ Kim Thành, Tân Thành, Thượng Dung, đến tắt lấy Lạc Dương, mà thừa tướng thì lấy Trường An, như thế hai kinh định được cả. Nay tôi xin dẫn người nhà và thư của Mạnh Đạt mấy lần đưa cho cha tôi, để thừa tướng xem.

Khổng Minh mừng lắm, hậu thưởng cho Lý Phong. Sực lại có mật thám về báo rằng: Ngụy chủ Tào Tuấn một mặt xa giá ra Trường An, một mặt phục chức cho Tư Mã Ý, sai làm binh tây đô đốc, khởi quân bản xứ đến hội ở Trường An.

Khổng Minh nghe báo giật mình.

Mã Tốc hỏi rằng:

– Tào Tuấn có làm trò gì được? Nếu hắn ra Trường An, ta đến đó mà bắt lấy, sao thừa tướng lại thất kinh làm vậy?

Khổng Minh nói:

– Ta có lo gì Tào Tuấn đâu, chỉ lo về một mình Tư Mã Ý đấy. Nay Mạnh Đạt muốn làm việc lớn, nếu gặp phải Tư Mã Ý, tất bị Ý bắt được. Mạnh Đạt mà chết, Trung Nguyên cũng khó lòng đồ xong!

Mã Tốc nói:

– Có phải thế, thừa tướng viết thư dặn Mạnh Đạt đề phòng trước đi.

Khổng Minh nghe theo, cho người nhà Mạnh Đạt trở về gấp báo tin đó.

Mạnh Đạt ở Tân Thành, mong mỏi tin tức. Một hôm người tâm phúc cầm thư của Khổng Minh về trình. Mạnh Đạt mở ra xem, trong thư nói:

“Vừa rồi, tiếp được thư ông, biết rõ lòng ông trung nghĩa, không quên chủ cũ, tôi lấy làm mừng rỡ lắm. Nếu bằng nên được việc to, thì ông sẽ là bậc công thần trung hưng thứ nhất triều nhà Hán. Nhưng phải cẩn thận lắm mới được, chớ nên coi thường mà ủy thác cho người. Tôi nghe Tào Tuấn phục chức Tư Mã Ý, sai khởi quân Uyển, Lạc. Nếu Ý biết ông khởi sự, tất đến đánh ông trước. Ông nên hết sức giữ gìn, chớ coi làm thường.”

Mạnh Đạt xem xong cười, rằng:

– Người ta nói Khổng Minh cả nghĩ, cứ xem việc này thì đủ biết.

Bèn viết một bức phục thư, lại sai người tâm phúc đem đến trình Khổng Minh. Khổng Minh mở ra xem. Thư rằng:

“Đội ơn ngài dạy bảo, đâu dám trễ nải. Nhưng thiết nghĩ việc Tư Mã Ý không cần phải lo. Tại sao vậy? Bởi vì Uyển Thành cách Lạc Thành ngót tám trăm dặm, đến Tân Thành thì cách xa một nghìn hai trăm dặm, nếu Tư Mã Ý biết được Đạt cử sự, tất còn phải dâng biểu về Tào Tuấn, nguyên đi lại cũng mất một tháng trời mới xong. Như thế thành trì của Đạt đã bền, quân tướng lại ở cả nơi hiểm địa rồi, cho dù Tư Mã Ý có lại, Đạt há sợ gì? Xin thừa tướng khoan tâm, chờ nghe tin mừng.”

Khổng Minh xem xong, quẳng thư xuống đất than rằng:

– Mạnh Đạt tất chết về tay Tư Mã Ý mất!

Mã Tốc hỏi cớ làm sao, Khổng Minh nói:

– Đánh chỗ không phòng bị, ra lúc bất tình cờ, đợi gì đi lại trong một tháng? Tào Tuấn đã phó thác cho Tư Mã Ý gặp giặc thì đánh, không cần phải đợi tâu trên. Nếu hắn biết Mạnh Đạt làm phản, thì chỉ trong mười ngày là hắn đến nơi, Mạnh Đạt trở tay làm sao cho kịp nữa?

Chúng ai cũng phục Khổng Minh.

Khổng Minh lại dặn người ấy về nói với Mạnh Đạt rằng nếu chưa khởi sự, thì chớ có để cho người cùng làm việc với mình được biết. Nếu họ biết, việc tất lộ mất.

Người ấy lạy từ trở về Tân Thành.

Nói về Tư Mã Ý, từ khi phải triệt về, ngồi nhàn ở Uyển Thành. Nghe tin quân Ngụy thua luôn với Thục, ngẩng mặt lên trời thở dài. Con cả là Tư Mã Sư, tự là Tử Nguyên, con thứ là Tư Mã Chiêu, tự là Tử Thượng, hai người vốn có chí to, mà cùng thông hiểu binh thư cả. Khi ấy đứng hầu cạnh Tư Mã Ý, thấy cha thở dài, mới hỏi rằng:

– Thưa cha, có gì mà cha thở dài làm vậy?

Ý nói:

– Chúng con biết đâu được việc lớn mà hỏi?

Sư nói:

– Phụ thân có lẽ buồn về việc Ngụy vương không dùng chăng?

Tư Mã Chiêu cười, nói:

– Nay mai thế nào tất cũng phải mời đến phụ thân ra.

Chiêu vừa nói dứt lời, thì thấy sứ giả cầm cờ tiết đến triệu. Tư Mã Ý nghe xong tờ chiếu, liền cho dẫn hết các đạo quân mã Uyển Thành. Trong khi ấy, chợt lại có người nhà quan thái thú Kim Thành là Thân Nghi đến báo có việc cơ mật. Người ấy thuật hết đầu đuôi việc Mạnh Đạt muốn làm phản, và có người tâm phúc của Đạt là Lý Phụ, cháu ngoại Đặng Hiền, xin đến thú tội trước.

Tư Mã Ý nghe xong, giơ tay lên trán, mừng nói:

– Đó là hồng phúc của chúa thượng to tầy trời! Gia Cát Lượng đóng quân ở Kỳ Sơn, đánh được quân ta, ai nấy mất vía cả. Thiên tử bất đắc dĩ phải ra Trường An. Nếu không dùng ta sớm, mà để cho Mạnh Đạt nổi lên nữa, thì hai kinh này tan mất cả. Thằng giặc này tất thông mưu với Gia Cát Lượng ta phải trừ trước đi. Gia Cát Lượng tất nhiên ngã lòng mà rút quân về.

Tư Mã Sư nói:

– Phụ thân nên kíp tả biểu tâu với thiên tử đi.

Ý nói:

– Nếu đợi thánh chỉ, đi lại một tháng, thì lỡ mất việc.

Lập tức truyền lệnh quân mã lên đường, phải đi thật gấp, đáng hai ngày chỉ đi một ngày đến nơi, nếu ai chậm thì chém. Một mặt sai tham quan quân Lương Kỳ mang hịch đi luôn đến Tân Thành, sai Mạnh Đạt phải dự bị sẵn để đi đánh giặc, khiến cho hắn khỏi nghi.

Lương Kỳ đi trước, Tư Mã Ý cất quân theo sau. Đi được hai hôm, bỗng gặp Từ Hoảng dẫn một toán quân ngang qua dưới núi. Hoảng xuống ngựa ra mắt Tư Mã Ý và hỏi rằng:

– Đô đốc đi có việc gì vậy?

Ý nói:

– Mạnh Đạt làm phản, ta cầm quân ra bắt đây!

Từ Hoảng xin làm tiên phong. Ý mừng lắm, cho Từ Hoảng đi trước. Ý đi trung quân, hai con áp hậu. Đi được hai hôm nữa, bắt được người tâm phúc của Mạnh Đạt. Ý sai khám, thấy tờ thư trả lời của Khổng Minh. Ý bảo rằng:

– Ta không giết mày đâu, chuyện đầu đuôi thế nào, mày phải nói cho ta nghe.

Người ấy mới đem việc Khổng Minh, Mạnh Đạt thư đi thư lại thế nào, nói hết một lượt cho Ý nghe. Ý mở thư ra xem, giật mình nói:

– Người giỏi trong đời, kiến thức giống nhau thực! Việc cơ mật của ta, Gia Cát Lượng đã biết rồi. May mà thiên tử to hồng phúc, bắt được tin này, thì Mạnh Đạt không làm trò gì được nữa!

Liền giục giã quân sĩ bất kì đêm ngày, kéo đi cho mau.

Nói về Mạnh Đạt ở Tân Thành, hẹn với thái thú Kim Thành là Thân Nghi, và thái thú Thượng Dung là Thân Đam, khắc kì khởi sự.

Đam, Nghi hai người giả đò nghe theo, ngày nào cũng thao luyện quân mã, nhưng kì thực chỉ đợi quân Ngụy đến thì làm nội ứng và nói dối Mạnh Đạt rằng những đồ lương thảo khí giới chưa đủ, không dám hẹn ngày trước được. Đạt tưởng là thật. Chợt tin báo quan tham quân Lương Kỳ đến. Đạt ra đón vào thành. Kỳ truyền lệnh của Tư Mã Ý rằng:

– Nay Tư Mã đô đốc phụng mệnh thiên tử, cất quân các đạo để đánh Thục. Thái thú nên tập hợp quân mã bản bộ, đợi khi có việc sai khiến đến.

Đạt hỏi rằng:

– Đô đốc bao giờ lên đường?

Kỳ nói:

– Bây giờ ước chừng cũng đã đi khỏi Uyển Thành kéo ra Trường An rồi.

Đạt mừng thầm nói:

– Việc lớn của ta chắc xong!

Bèn mở tiệc thết đãi Lương Kỳ, rồi đưa ra ngoài thành nghỉ ngơi. Lại sai người báo với Thân Nghi, Thân Đạm ngày mai thì cử sự, kéo cờ hiệu Đại Hán, phát quân mã các đường đến tắt lấy Lạc Dương.

Chợt có tin báo ở ngoài thành bụi bay mù trời, không biết quân mã ở đâu kéo đến.

Mạnh Đạt lên thành đứng trông, thấy một đội quân ruổi đến, trên cờ hiệu đề mấy chữ: “Hữu tướng quân Từ Hoảng”. Đạt giật mình, vội sai cất cầu. Từ Hoảng cưỡi ngựa đến thẳng cạnh hào, gọi to lên rằng:

– Phản tặc Mạnh Đạt, mau mau chịu hàng ngay đi!

Đạt nổi giận, giương cung bắn ra một phát, tin ngay vào giữa trán Từ Hoảng. Các tướng Ngụy chạy ra cứu, trên thành bắn tên xuống tíu tít, quân Ngụy mới chịu lui.

Mạnh Đạt toan mở cửa thành ra đuổi theo, thì đã thấy bốn mật cờ bay phấp phới, quân Tư Mã Ý rầm rộ đến nơi rồi.

Đạt ngẩng mặt lên trời, than rằng:

– Khổng Minh nói quả nhiên không sai!

Mới sai đóng cửa thành cho chặt để giữ.

Từ Hoảng bị Mạnh Đạt bắn tin, các tướng cứu về đến trại, rút mũi tên ra, tìm thầy thuốc chữa. Nhưng vết thương nặng quá, chiều hôm ấy chết ở trong quân, bấy giờ năm mươi chín tuổi. Tư Mã Ý sai đưa ma về táng ở Lạc Dương.

Hôm sau, Mạnh Đạt lên mặt thành đứng trông, thấy quân Ngụy đông như kiến cỏ, vây kín bốn mặt, Đạt ngồi đứng không yên, sợ hãi không biết nghĩ thế nào. Bỗng thấy hai đạo quân ở ngoài thành kéo đến, cờ hiệu đề rõ Thân Đam, Thân Nghi. Mạnh Đạt tưởng họ đến cứu mình, vội vàng dẫn quân mở tung cửa thành kéo ra.

Đam, Nghi quát lên rằng:

Phản tặc chớ chạy, mau mau chịu chết đi!

– Đạt thấy việc đã biến, quay ngựa trở vào. Bỗng trên thành tên bắn xuống loạn xạ. Lý Phụ, Đặng Hiền ở trên thành mắng rằng:

– Bọn ta đã dâng nộp thành trì rồi!

Đạt tháo đường chạy, bị Thân Đam đuổi theo, đâm cho một nhát giáo ngã xuống ngựa, Đam liền chặt lấy đầu, còn quân sĩ đều xin hàng hết.

Lý Phụ, Đặng Hiền mở cửa thành đón Tư Mã Ý vào. Yên dân đâu đấy, Ý cho người về tâu với Ngụy chủ. Tào Tuấn mừng lắm, sai đem đầu lâu Mạnh Đạt hiệu lệnh ở ngoài thành Lạc Dương, thăng chức cho Thâm Đam, Thân Nghi, phái đi theo Tư Mã Ý đánh dẹp, lại sai Lý Phụ, Đặng Hiền giữ Tân Thành, Thượng Dung.

Tư Mã Ý dẫn binh đến ngoài thành Trường An hạ trại, rồi vào ra mắt Ngụy chủ.

Tào Tuấn mừng, nói:

– Học thức của ngươi, giỏi hơn Tôn, Ngô khi xưa.

Bèn thưởng cho một đôi phủ việt vàng, cho từ sau gặp có việc cơ mật gì, bất tất phải tâu, cứ tùy tiện mà làm cho được việc. Và sai ra cửa ải phá quân Thục.

Ý tâu rằng:

– Tôi xin cử một đại tướng làm tiên phong.

Tuấn hỏi:

– Người nào?

Ý thưa:

– Hữu tướng quân Trương Cáp đương nổi được việc ấy.

Tuấn cười, nói:

– Trẫm vẫn muốn dùng hắn đã lâu.

Bèn sai tướng Cáp làm tiền bộ tiên phong.

Tư Mã Ý cất quân rời khỏi Tường An, đến chống quân Thục.

Ấy là:

Đã có mưa thần dùng mẹo mực

Lại thêm mãnh tướng giúp oai phong.

Chưa biết được thua thế nào, xem hồi sau sẽ biết.

Mẹo: Bạn có thể sử dụng trái, phải, A và D bàn phím để duyệt giữa các chương.
Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!
Hãy ủng hộ TruyenHayHo bằng cách đánh giá truyện và chia sẻ link nhé!