Khi bà cụ biết tất cả những đồ đạc này đều là của mình, thì vui mừng quá, đờm lên chẹn tim, ngã lăn bất tỉnh. Người nhà, con dâu và đầy tớ gái, hoảng hốt gọi bà mau tỉnh lại. Phạm Tiến ba chân bốn cẳng chạy đến xem, gọi mãi không thưa. Phạm vực bà cụ lên giường, mời thầy lang đến. Thầy lang nói:
– Bệnh đã vào tạng phủ, không chữa được nữa!
Mời luôn mấy thầy lang cũng đều nói như vậy. Phạm Tiến lại càng bối rối. Vợ chồng khóc lóc, một mặt lo việc chôn cất. Đợi đến chiều tối, bà cụ mới dần dần tắt thở, quy tiên.
Hôm sau, Phạm Tiến mời thầy bói đến thì thầy bói nói bà cụ chết vào ngày mồng bảy là ngày xấu, phạm vào tam thất (ba lần bảy là hai mươi mốt), như vậy đến ngày hai mươi mốt, phải mời thầy đến để lễ. Hôm ấy trước cửa nhà Phạm Tiến treo một quả cầu bằng vải trắng. Những câu đối mới dán đều dùng giấy trắng. Các chức sắc thân hào đều đến viếng.
Phạm Tiến mời Nguỵ Hiếu Cổ là bạn đồng khoa mặc áo mũ tiếp khách ở nhà ngoài. Lão hàng thịt không được lên nhà trên chỉ ở dưới bếp, hay ở trong phòng con gái, lo việc đo vải trắng, cân thịt, nấu ăn.
Đến ngày thứ mười bốn, Phạm Tiến nhớ đến việc cũ, lấy ra mấy lạng bạc giao cho lão hàng thịt đến chùa trong làng mời hòa thượng ngày thường quen biết đến làm lễ, mời các vị tăng khác đến đọc kinh xám hối để đưa bà cụ lên giời.
Lão hàng thịt cầm bạc đến ngôi chùa trong làng mời Đằng hòa thượng. Vừa gặp lúc thầy tăng Tuệ Mẫn cũng ở đấy. Ông này vì có ruộng ở gần đấy nên cũng thường đến chùa. Đằng hòa thượng mời lão hàng thịt ngồi, nói:
– Hôm trước ông tân khoa họ Phạm mắc bệnh ở trước chùa tôi. Hôm ấy tôi không ở nhà, nên không được hầu. May có ông Trần bán thuốc ở đấy có nấu một ít trà thay tôi tiếp ngài.
– Phải đấy! Tôi cũng nhờ cao của ông ta. Hôm nay ông ta có ở đây không?
– Hôm nay ông ta không đến. Ông Phạm đã khỏi bệnh, không ngờ bà cụ lại có việc không may như thế. Mấy lâu nay ông bận gì thế? Tại sao không ra chợ buôn bán gì cả?
– Ồ! Từ khi bà cụ không may mất đi, thân hào trong hạt ai lại không đến thăm? Hai ông chủ tôi là ông Trương, ông Chu lo việc tiếp khách. Họ ở đấy, suốt ngày buồn chỉ nói chuyện với tôi. Cùng ăn cùng uống rượu. Thấy có khách đến lại phải đón chào, mệt chết người đi được! Tôi vốn là anh lười nhác quen thân, không làm được cái việc phiền phức ấy! Tôi muốn tránh phắt đi, nhưng sợ ông rể trách. Khách khứa đến thăm họ sẽ nói: thân thích làm việc gì mà ở đâu cả?
Nói xong lại giở đến chuyện mời các thầy tăng làm chay. Hòa thượng nghe vậy, vội vàng đi pha trà, làm mì. Trước mặt lão hàng thịt, y bảo các thầy tăng lo chuẩn bị hương, sáp, ngựa giấy, tất cả sẵn sàng. Lão hàng thịt ăn mì xong ra đi.
Thầy Tăng được tiền định lên thị trấn. Nhưng mới đi độ một dặm thì thấy người cày thuê của mình là Hà Mỹ Chi. Hà Mỹ Chi nói:
– Thầy Tuệ! Làm sao mà mấy lâu nay không thấy thầy đến làng chơi?
Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com
Hòa thượng ngoái cổ lại, Hà Mỹ Chi nói:
– Dạo này thầy bận lắm thì phải? Tại sao không đến chơi?
Thầy Tăng nói:
– Không phải! Tôi cũng muốn lại, chỉ tại ông Trương ở thị trấn muốn lấy miếng ruộng sau nhà tôi mà không muốn đưa tiền. Tôi đã phải từ chối mấy lần. Tôi mà đến nhà anh thì bọn tôi tớ ông ta nói ra nói vào không sao chịu được. Tôi ở chùa, ông ta sai người đến tìm, tôi đã phải nhờ người bảo là đi vắng.
Hà Mỹ Chi nói:
– Can gì! Muốn hay không là ở ông ta, còn chịu hay không là ở thầy chứ! Hôm nay rảnh, về làng chơi một chút đi!. Nửa chân giò thui hôm trước, vẫn ở bếp, đã chảy mỡ rồi đấy. Rượu đã nấu rồi, phải uống đi thôi. Thầy cứ đến nghỉ ở làng tôi hôm nay! Ai làm gì thầy đâu mà sợ!
Thầy Tăng nghe nói miệng chảy nước dãi, hai chân không đứng vững được nữa, bèn theo Hà Mỹ Chi về làng.
Hà Mỹ Chi bảo vợ làm thịt gà, thái giò thui hâm rượu. Thầy Tăng đi về bức, ngồi ở ngoài sân cởi xoày áo ra để phanh cả ngực cả rốn. Mồ hôi nhỏ giọt từ đầu đến má.
Lát sau, sửa soạn xong. Hà Mỹ Chi bưng mâm ra. Người vợ đặt rượu lên bàn. Hòa thượng ngồi trên, vợ Mỹ Chi ngồi dưới, Mỹ Chi ngồi bên cạnh tiếp, rót rượu. Thầy Tăng vừa ăn vừa nói:
– Độ dăm ba ngày nữa đến làm chay ở nhà ông cử Phạm.
Vợ Mỹ Chi nói:
– Tôi từ nhỏ đã thấy bà cụ Phạm rồi, bà ta là người hiền hậu dễ chịu. Còn cô con dâu của bà ta là con gái ông hàng thịt ở xóm nam thì mắt toét, đầu bù, tóc vàng hoe, trước kia ở đây, giày không có một đôi, mùa hạ cũng đi dép rơm. Thế mà nay lại mặc áo nhung, nghe nói làm bà lớn, ra vẻ lắm. Thật xem con người ta thay đổi đã lạ!
Đang lúc nói chuyện cao hứng thì bên ngoài có tiếng gõ cửa rất mạnh. Hà Mỹ Chi hỏi:
– Ai đấy?
Thầy Tăng nói: – Anh Mỹ Chi, anh hãy ra xem sao? Mỹ Chi mở cửa bước ra, thì bảy tám người xô vào. Thấy đàn bà và hòa thượng cùng ngồi một bàn, chúng nói ngay:
– Hay nhỉ! Hòa thượng, đàn bà giữa thanh thiên bạch nhật thế này mà ngồi với nhau tự tình. Sư mô thế này à! Biết pháp mà vẫn cứ phạm pháp!
Mỹ Chi vội ngăn: – Nói bậy nào! Đó là chủ ruộng tôi đấy! Mọi người hùa nhau mắng:
– Chủ ruộng à? Chủ cả vợ anh nữa à! Và không cho bàn cãi gì nữa, chúng lấy ngay dây thừng ra trói thầy tăng đang ở trần cùng với người đàn bà vào một, lấy đòn gánh sóc lên vai mang đi. Chúng cũng mang Hà Mỹ Chi theo luôn. Đến trước huyện Nam Hải, họ đặt hai người ở một cái sân trước miếu Quan Đế. Thầy Tăng và người đàn bà bị trói gò vào nhau. Họ đợi tri huyện ra thì bẩm. Họ đuổi Mỹ Chi ra nhưng thầy tăng đã dặn Mỹ Chi báo với Phạm Tiến.
Phạm Tiến muốn làm chay cho mẹ mà hòa thượng thì lại bị trói, chờ không được, nên viết thiếp cho tri huyện. Tri huyện sai thầy tớ cởi trói để cho hòa thượng đi. Vợ Mỹ Chi thì giao cho chồng đem về. Còn bọn mang đến thì sáng sớm mai sẽ xét. Bọn chúng hoảng sợ, cầu Trương viết thiếp cho tri huyện. Quan huyện bằng lòng. Khi ra công đường thì quan huyện chỉ mắng một vài câu, nhổ một bãi nước bọt rồi đuổi ra. Hòa thượng và bọn kia đều trở lại nha môn biếu mấy mươi lạng bạc.
Hòa thượng đến nhà Phạm Tiến để cảm ơn. Ngày hôm sau đem bọn tăng lữ đến thiết đàn, treo tượng Phật, hai bên là thập điện Diêm Vương. Ăn xong mì, họ đánh não bạt inh ỏi, tụng hết một quyển kinh rồi ăn cơm chay sớm. Tám người thầy tu cùng với ông tiếp khách Ngụy Hiếu Cổ là chín người ngồi ở hai chiếu. Đang ăn, có thầy tớ vào báo: “Có khách đến”.
Nguỵ Hiếu Cổ bỏ chén chạy ra tiếp, thì ra hai vị Trương, Chu đến, đội mũ sa đen, đi giày đen đế trắng, mặc áo xám nhạt. Nguỵ chạy ra mời đến trước bàn thờ. Một hòa thượng nói với Tuệ Mẫn:
– Người mới vào đây là ông Trương Tĩnh Trai. Ruộng ông ta và ruộng ông gần nhau, ông nên ra chào hỏi ông ta một tiếng.
Tuệ Mẫn nói:
– Thôi đi! Lão Trương ấy ghê lắm! Hôm trước đây chẳng phải là ai, chính là tôi tớ ông ta đã bàn với nhau làm như ma như quỷ, chơi ta một vố. Chẳng qua là muốn làm cho ta tốn ít lạng bạc để ta phải bán ruộng cho ông ấy. Nhưng hại nhân thì nhân hại! Khi quan huyện muốn đánh bọn tôi tớ, thì cả bọn đều hoảng, hắn phải viết thiếp đến xin tha cho họ. Quan huyện ngài không bằng lòng.
Lại nói:
– Ông ta còn làm lắm việc vô lý! Như việc con gái lớn của ông Chu. Làm tri huyện ở Sào Huyên trước đây là cháu gọi ông ta bằng cậu đấy. Ông Chu nhờ tôi làm mối, tôi đã làm mối cho nhà họ Phong là một nhà giàu có. Nhưng ông Trương cản trở, bắt gả cho anh Nguỵ nghèo xác kia vì bảo là anh ta đã thi đỗ tú tài lại giỏi làm thi, làm từ. Thì hôm trước đây anh ta viết cái bài sớ cho bà cụ, tôi đem ra cho người ta xem. Người ta nói viết sai ba chữ. Như thế đấy! Cô hai cũng đến lúc gả chồng rồi đấy. Không biết như thế rồi gả cho anh nào?
Nói đến đó chợt nghe tiếng giày đi lại, tất cả đều im bặt không nói nữa.
Hai người quan khách đi ra chắp tay chào hòa thượng. Nguỵ Hiếu Cổ tiễn họ ra cửa. Bọn hòa thượng ăn chay xong rửa tay, thổi kèn, hành hương, thắp đèn, vãi gạo, vãi hoa suốt ba ngày liền mới thôi.
Thời gian thấm thoát, bốn mươi chín ngày đã qua, Phạm Tiến đi cảm ơn các vị đã dự tang lễ. Một hôm Trương Tĩnh Trai đến, Phạm Tiến mời vào ngồi trong một cái phòng sách nhỏ trước bàn thờ. Mình Phạm còn mặc áo tang ra cảm ơn Trương đã giúp đỡ mình trong công việc tang lễ.
Trương Tĩnh Trai nói:
– Việc của cụ nhà là việc đại sự, chúng tôi là con cháu thì cũng phải góp sức làm. Cụ nhà thọ như vậy mà quy tiên là việc đã đành. Nhưng sẽ làm chậm trễ việc thi hội của ông. Chắc ông đã định an táng rồi chứ? Có thể cho biết ngày nào không?
Phạm Tiến nói:
– Năm nay hướng mộ không lợi, đến mùa thu năm sau mới tốt. Nhưng các khoản chi phí về an táng, tôi chưa có đủ tiền!
Trương Tĩnh Trai tính đốt ngón tay nói:
– Minh tinh thì nhờ ông Chu học đài, mộ chí thì ông Nguỵ làm hộ, nhưng phải mượn tên ai chứ. Ngoài ra việc cất ma, bàn, chiếu, âm nhạc và tạp dụng, ăn uống, đào đất, tiễn thầy địa tất cả cần trên ba trăm lạng bạc.
Đang lúc bàn tính thì cơm mang ra. Trương lại nói:
– Làm lều ở bên mộ ba năm vốn là việc phải. Nhưng muốn lo việc an táng thì cũng không nên câu nệ quá mà ta phải lo tính cách vay tiền. Từ khi ông đỗ cao đến nay, chưa đến hầu quan. Huyện Cao Yếu đất tốt, may ra kiếm được ít tiền. Còn tôi, tôi cũng phải đi thăm chú tôi. Chúng ta sẽ rủ nhau cùng đi? Tiền xe, tiền đò thì tôi xin chịu, không dám để ông bận tâm.
Phạm Tiến nói:
– Ông nói vậy thật là quá thương, nhưng không biết làm như vậy có hợp lễ không?
Trương Tĩnh Trai nói:
– Lễ thì cũng có lúc kinh có lúc quyền, tôi thấy không có cái gì là không làm được cả.
Phạm Tiến cảm ơn.
Trương Tĩnh Trai định ngày, thuê ngựa mang tùy tòng đi về phía huyện Cao Yếu. Trên đường hai người bàn nhau:
– Lần này, thăm thầy, ta lại xin mượn quan hàm của thầy để viết vào mộ chí bà cụ cố nhà.
Vài hôm sau đến huyện Cao Yếu. Hôm đó tri huyện bận đi xuống làng khám xét, nên họ không vào nha môn được, hai người phải ngồi trong miếu Quan Đế. Miếu đang còn chữa. Ở đấy có người đốc công của huyện. Người đốc công nghe nói quan huyện có khách đến thăm, vội vàng chạy ra mời vào phòng khách, mang lên chín cái đĩa tráng miệng. Đốc công ngồi ở chiếu dưới rót trà.
Ăn được một lát, ở ngoài có người đi vào: mũ vuông, áo rộng, giầy đen đế trắng, mắt ốc nhồi, mũi cao, râu đầy cằm.
Y vào cửa thì bảo dọn đồ tráng miệng đi, rồi mới cùng hai người ngồi. Khi nói một người là Trương, một người là Phạm thì người kia cũng nói:
– Tôi họ Nghiêm, nhà ở gần đây. Năm ngoái, tôn sư chấm thi, tôi cũng may được đỗ, Thang phụ mẫu với tôi là chỗ rất thân. Hai vị chắc đều là chỗ quen biết cả chứ?
Hai người đều nói là học trò quan huyện. Nghiêm cống sinh hết sức tôn kính.
Người đốc công cáo lỗi đi ra.
Gia nhân nhà Nghiêm mang đến một quả đựng thức ăn và một bình rượu. Mở quả ra là chín đĩa ăn. Đều là gà, vịt, giò thui, cá muối… Nghiêm cống sinh mời hai người ngồi ghế trên, rót rượu mời và nói:
– Tôi muốn mời các vị về nhà, nhưng nhà cửa chật chội, không dám mời, sợ thất lễ. Vả lại các vị sắp vào nha môn, tôi ngại có gì cản trở nên có sai dọn bữa cơm nhạt, để có thể cùng nhau nói chuyện ở đây. Xin các vị bỏ quá cho.
Hai người đón lấy rượu nói:
– Chúng tôi chưa đến thăm ông, mà lại làm phiền thế này, thật không tiện.
Nghiêm cống sinh nói:
– Không dám! Không dám!
Nghiêm đứng đợi họ uống cạn chén rượu. Hai người sợ mặt đỏ không dám uống nhiều, chỉ uống nửa chén là đặt chén xuống.
Nghiêm cống sinh nói:
– Thang phụ mẫu là người thanh liêm, nhân từ, thật là phúc cho huyện này.
Trương Tĩnh Trai nói:
– Phải! Chắc là chú tôi làm được nhiều việc tốt ở đây.
Nghiêm cống sinh nói:
– Này tiên sinh! Trên đời vạn sự đều do số mệnh cả, muốn trái cũng không thể được. Hôm Thang phụ mẫu đến đây, các quan khách huyện tôi đều ra đón. Người ta dựng lên một cái nhà chào để tiếp ngài cách ngoài mười dặm. Tôi đứng ở cửa. Phút sau, thanh la, cờ, lọng, quạt, người thổi sáo, hết đoàn này đến đoàn khác. Kiệu sắp đến gần đã thấy quan phụ mẫu hai lông mày cao, cái mũi nở, mặt vuông, tai lớn. Tôi nghĩ bụng đích thực là một vị hiền nhân quân tử. Lạ hơn nữa: mấy mươi người ở đây tiếp ngài, nhưng lúc ngài ở trên kiệu thì hai con mắt ngài chỉ nhìn vào tôi. Lúc bấy giờ, có một người cũng đứng bên cạnh. Ông ta nhìn quan phụ mẫu rồi lại nhìn tôi và hỏi nhỏ: “Trước kia ông có biết quan phụ mẫu không? ” Tôi cứ nói thực: “Chưa biết bao giờ”. Bấy giờ ông ta dại dột, chắc rằng quan phụ mẫu nhìn ông ta, nên bước ra mấy bước, hi vọng ngài sẽ hỏi mình. Bất đồ quan phụ mẫu xuống kiệu, chào mọi người rồi nhìn về phía khác. Mới hay từ nãy đến giờ, quan không hề nhìn ông ta. Ông ta thẹn vô kể. Hôm sau, tôi vào nha môn yết kiến, thì ngài mới giảng học về, công việc còn bề bộn, nhưng ngài vội gọi tôi đến bảo pha trà, rồi nói chuyện như người quen biết nhau từ mấy mươi năm trước.
Trương nói:
– Ông là người có phẩm vọng cho nên chú tôi kính trọng. Gần đây chắc ngài thường hỏi ông?
– Gần đây tôi cũng ít lên. Nói thực, tôi vốn thực thà, ở đây chưa hề lấy của người ta một tơ hào nào. Các quan phụ mẫu đến đây đều có lòng thương. Thang phụ mẫu là người thích khách khứa, nhưng ngài đối với tôi có biệt nhãn. Tháng trước, ở huyện ngài lấy thằng con thứ hai của tôi đỗ thứ mười. Lại hỏi cặn kẽ xem nó học với ai, đã vợ con chưa. Thật là ngài quan tâm đến cháu.
Phạm Tiến nói:
– Thầy tôi là người sành văn chương. Đã chú ý đến lệnh lang như thế, thì thế nào lệnh lang cũng là tay anh tài.
– Không dám! Không dám!
Lại nói:
– Huyện Cao Yếu này là một huyện có tiếng ở Quảng Đông. Trong một năm thì tiền thuế gạo thóc, vải hoa, trâu, lừa, cá, ruộng, cũng đến vạn lạng.
Lại lấy tay vẽ lên bàn nói khẽ:
– Như Thang phụ mẫu làm thì chỉ có tám nghìn. Ngày trước Phạm phụ mẫu làm tri huyện, thực được đến vạn. Nó còn những cái lắt léo phải cần đến những người thành thạo như chúng tôi.
Y vừa nói vừa sợ có người nghe, nên quay đầu nhìn ra ngoài. Một người đầy tớ đi chân đất, đầu bù, chạy vào nói với y:
– Ông ơi! Người nhà mời ông về.
– Về làm cái gì?
– Người ta đến đòi con lợn ta nhốt buổi sáng. Họ đang kêu tru tréo lên ở nhà.
– Muốn có lợn thì đem tiền đến!
– Hắn nói là lợn của hắn.
– Biết rồi, mày đi trước, tao về sau.
Người đầy tớ không chịu đi. Trương, Phạm bèn nói:
– Nếu ở nhà ông có việc thì xin ông cứ về nhà.
– Hai vị chưa rõ. Con lợn chính là của tôi.
Nói đến đây thì nghe tiếng thanh la. Mọi người đứng dậy nói:
– Quan về rồi.
Hai người sửa lại áo mũ ngay ngắn, gọi quản gia đến đưa thiếp và xin lỗi đã làm phiền Nghiêm cống sinh. Sau đó đi thẳng đến cửa quan. Tri huyện Thang sau khi đọc thiếp thấy một cái đề “cháu ngài là Trương Sư Lục”, một cái đề “Học trò Phạm Tiến”, trong lòng suy nghĩ: “Trương đã mấy lần đến đây vòi tiền, thực là không chịu nổi. Nhưng nay hắn cùng đi với anh học trò của ta mới thi đỗ, thì không lẽ không tiếp hắn!” Bèn bảo mời ngay vào.
Hai người vào, Tĩnh Trai chào xong, Phạm Tiến vào làm lễ thầy trò. Tri huyện Thang hai ba lần đáp lễ rồi mời ngồi uống trà. Sau khi nói mấy lời với Tĩnh Trai, quan huyện khen văn Phạm Tiến và hỏi:
– Tại sao không đi thi hội?
– Bà cụ con mất, con phải chịu tang không thể đi thi.
Tri huyện Thang hoảng hốt, vội vàng bảo thay đổi áo, mời vào nhà sau. Rượu bưng lên. Bữa tiệc có yến sào, gà, vịt, ngoài ra có hai đĩa cá nấu theo lối Quảng Đông. Tri huyện mời ngồi, bát đũa đều là khảm bạc. Phạm Tiến lúng túng không cầm đũa bát. Tri huyện hỏi tại sao?
Tĩnh Trai cười đáp:
– Ông ta có tang nên không dùng bát đũa này.
Tri huyện vội vàng bảo thay, lấy bát sứ, đũa ngà lên. Phạm Tiến lại không ăn. Tĩnh Trai nói:
– Đũa này cũng không được.
Bèn sai đổi đũa tre trắng. Bấy giờ mới thôi. Tri huyện thấy y cư tang tận lễ như vậy sợ y không uống rượu, thì không biết dọn gì. May sao thấy y gắp một con tôm lớn ở trong bát yến sào và bỏ vào miệng. Bấy giờ quan huyện mới yên tâm.
Tri huyện nói: – Như thế này là không phải. Tôi theo Hồi giáo, những món ngon đều không được ăn, chỉ có ăn cơm xoàng thôi. Hồi giáo chỉ cho phép ăn thịt bò, thịt dê, nhưng sợ các ông ở đạo khác không dùng, cho nên không dám dọn. Hiện nay có chiếu chỉ bảo cấm giết bò cày, cấp trên lại ra lệnh cấm thật ngặt, trong nha môn này không ai được ăn.
Đèn sáp thắp lên, tri huyện đưa lệnh cấm kia ra để mọi người xem. Bỗng một người đầy tớ đến ghé tai nói nhỏ với tri huyện mấy câu. Tri huyện đứng dậy nói với hai người:
– Ở ngoài có việc, tôi ra một chút, rồi lại vào ngay. Tri huyện đi ra một lúc, chỉ nghe tiếng dặn:
– Để nó đấy!
Rồi lại trở vào bàn tiệc. Tri huyện xin lỗi đã vắng mặt và nói với Trương Tĩnh Trai:
– Ông Trương, ông đã làm quan, tôi muốn hỏi ông một việc này. Đó cũng là việc cấm thịt bò tôi vừa nói đấy. Vừa có mấy người Hồi giáo đem năm mươi cân thịt và cử một ông thầy già đến xin tôi. Nói rằng nếu tôi làm ráo riết thì họ hết kế sinh nhai. Họ xin tôi nới tay gọi là che mặt quan trên cho họ với. Họ đem đến đây năm mươi cân thịt để biếu tôi. Tôi có nên nhận hay không?
Trương Tĩnh Trai nói:
– Thưa chú, không được. Cháu và chú làm quan thì chỉ biết có hoàng thượng, không biết có người đồng đạo. Chú nhớ việc xảy ra khoảng năm Hồng Vũ, ông Lưu…
– Ông Lưu nào?
– Ông Lưu Cơ đỗ tiến sĩ thứ ba đời Hồng Vũ năm thứ năm.
Phạm Tiến nói xen vào:
– Thứ ba chứ?
– Thứ năm. Quyển thi của ông ta tôi đã đọc. Sau đó ông vào Hàn lâm. Vua Hồng Vũ trá hình đến nhà ông ta như là chuyện xưa “vua Tống đến nhà Triệu Phổ đêm tuyết rơi”. Nhưng đến nơi thì gặp Trương Vương ở Giang Nam đưa đến cho ông ta một cái bình trà. Mở ra trước mặt vua thì bình trà đầy vàng. Vua Hồng Vũ giận lắm và nói:
“Hắn cho rằng mọi việc thiên hạ đều nhờ bọn thư sinh cả phải!”
Ngay hôm sau Lưu bị bãi, giáng làm tri huyện Thanh Điền, sau vua lại bắt uống thuốc độc chết. Việc này làm như thế sao được!
Tri huyện thấy Trương nói như nước chảy, lại đưa chuyện cũ của bản triều ra nói rất tỉ mỉ, nên không thể không tin, bèn nói:
– Việc này thì xử trí thế nào?
Trương Tĩnh Trai nói:
– Theo ngu kiến của cháu, nếu chú muốn nổi tiếng trong việc này, thì hãy giữ người ấy lại. Sáng mai đưa việc ấy ra xử. Đưa ông già ra đánh vài mươi roi, rồi bỏ vào gông, chồng thịt lên gông, yết một tờ giấy bên cạnh để nói rõ việc làm táo bạo của ông ta. Quan trên biết việc ấy thấy chú tơ hào không lấy, thì việc thăng quan tiến chức chắc chắn đến nơi.
Tri huyện gật đầu:
– Có lý lắm.
Bữa tiệc tan. Tri huyện mời hai người nghỉ lại thư phòng.
Hôm sau, sáng sớm, tri huyện ra công đường. Người đưa ra trước tiên là một anh trộm gà. Tri huyện quát:
– Thằng kia, mày đã phạm tội ăn cắp nhiều lần, mà không thay đổi, đánh mấy cũng không nghe! Hôm nay phải làm gì mới được?
Bèn lấy bút chấm son viết lên má ba chữ “tên trộm gà”. Lấy một cái gông ra. Đem con gà y ăn cắp ra buộc trên đầu y, mỏ ra đằng sau, đuôi ra đằng trước, đóng gông đưa ra cửa huyện. Con gà ỉa cứt chảy từ đầu xuống trán, đến mũi, râu ria bết lại thành một cục, chảy xuống gông. Người xem hai bên cười rũ rượi.
Người thứ hai là ông già Hồi giáo. Tri huyện mắng đồ chó, to gan, sai đánh ba mươi gậy, lấy một cái gông lớn, đem năm mươi cân thịt chồng lên gông, buộc chặt vào má vào mặt, chỉ còn chừa hai con mắt để trước huyện cho mọi người xem.
Trời nóng. Đến ngày thứ hai thịt bò sinh dòi. Ngày thứ ba người kia chết.
Những người Hồi giáo không phục, họp nhau lại mấy trăm người, họ đánh thanh la bãi thị, kéo nhau đến huyện kêu:
– Dù chúng tôi không được phép đem thịt bò đến huyện, cũng không đến nỗi phải chịu tội chết. Cái này là do thằng Trương Sư Lục huyện Nam Hải bày ra. Chúng tôi đến huyện kéo nó ra đánh chết, bắt nó đền mạng!
Nhân ồn ào thế khiến cho:
Cống sinh gây chuyện, đến tỉnh thành để giấu tăm hơi,
hương thân kết thân chơi kinh quốc yết người quyền quý.
Muốn biết việc náo động thế nào hãy xem hồi sau phân giải.