Hai Ông Chồng Cũ Một Vở Diễn

Chương 21: Mẫu đơn tím? Son môi đỏ?

Bấm vào đây để nghe audio
Chương 21: Mẫu đơn tím? Son môi đỏ?

Chuyển ngữ: Tiểu Dạ a.k.a Mốc

 

Hôm nay ngày mồng sáu, sắc trời tươi đẹp, mặt trời vui mừng hớn hở treo mình giữa trời xanh, tựa như một quả trứng vịt tươi vừa mới đập vỏ, lòng đỏ lòng trắng trứng rõ rõ ràng ràng, đợi đến lúc hoàng hôn quả trứng này bị quấy đều, ta đưa con trai mình đi tham dự hôn lễ của chồng cũ.

Lục Oanh mở tủ ra, chọn một bộ áo mỏng váy sa màu đỏ tía để ta thay, ta ngắm mình trong gương một lúc lâu, vẫn cảm thấy hình như có chỗ nào đó không ổn, quay đầu lại, trông thấy mẫu đơn dưới cửa sổ đã nở rộ, vết thương nơi cổ họng lại nhói đau.

Ta ngẩn người nhớ lại năm ấy, cũng vào dịp mẫu đơn đang khai hoa, có người cầm tay ta cùng ngắm hoa, cuối cùng dẫn ta đi sâu vào vườn mẫu đơn, nằm dưới những khóm hoa, vành tai mái tóc chạm nhau, không lâu sau, tóc tai quần áo hỗn loạn, cành hoa như chực gãy, hương mẫu đơn đầu cành rung rung tỏa hương, cánh hoa rơi lả tả mà nào có tri kỷ cùng say sưa… Dư vị còn chưa tan hết, hơi thở phập phồng của người nọ quẩn quanh bên má ta, nói những lời hoa mỹ bóng bẩy: “Mẫu đơn có ba nét đẹp, một đẹp ung dung, hai đẹp hương thơm, ba đẹp màu sắc khinh thường chúng hoa. Tuy nhiên, hôm nay ta mới biết, nhành mẫu đơn rơi rụng, những cánh hoa rắc trên tấm thân bạch ngọc của nương tử mới là đẹp nhất.” Còn nói: “Muôn sắc màu mọi mùi hương, cũng không sánh bằng lụa tím thấm hương đẹp vô ngần, càng tôn lên đôi mắt phượng long lanh quyến rũ của nương tử.”

Sang ngày hôm sau, chỉ trong một đêm tủ quần áo của ta như có phép thần thông, quần áo màu tím không biết từ đâu bỗng chốc ùn ùn kéo tới choáng ngợp mắt ta, nào đỏ tía, nào tím khói,… Tất cả đều có mẫu đơn tím, mặc dù ta không quá để ý xem quần áo mình có những gì hay bắt bẻ rằng nên mặc cái gì, nhưng vừa thấy tủ quần áo đầy một màu tím như vậy cũng không khỏi chấn động, quay đầu chưa kịp mở miệng hỏi, đã thấy Lục Oanh che miệng, giọng đầy ý cười: “Cô gia nói, thích ngắm tiểu thư vận đồ tím, bèn lệnh cho các tú nương cắt may suốt đêm may một tủ quần áo toàn màu tím, còn bảo nô tỳ sau này chỉ hầu hạ tiểu thư mặc đồ màu tím thôi.”

Lúc ấy ta cảm thấy mặt mình nóng bừng như thiêu như đốt, mặc dù trước kia không quá thích màu sắc diễm lệ phô trương, nhưng cũng không muốn lãng phí thành quả của những tú nương tài hoa thức trắng đêm gấp rút hoàn thành, bèn yên lặng mặc nó. Từ đó bỗng hình thành thói quen, không hề mặc một sắc màu nào khác. Có điều mỗi lần Bùi Diễn Trinh nhìn thấy ta vận đồ tím, đều mỉm cười dịu dàng như làn gió mát, thế cũng chẳng sao, đôi khi còn cố tình ghé sát vào tai ta khẽ hỏi: “Nương tử, khi nào lại cùng ta ước hẹn dưới hoa?” Câu nói đầy ẩn ý thế này, cho dù ta có ung dung điềm tĩnh cỡ nào, cũng hận không thể lấy cái khiên sắt che kín mặt mình lại, càng hận không thể cầm lấy cây kéo lập tức tàn nhẫn ngắt hoa toàn bộ khu hậu viên hương thơm mãn đình, đến khi cắt sạch nhổ trụi mới an lòng.

Nào ngờ, mới được hai năm, những áo quần màu tím đó cũng theo một tờ thánh chỉ vàng chói lưu lại Bùi gia. Ta cũng quay về với xiêm y nhạt màu, trong tủ cũng chẳng có chút sắc tím nào. Nếu hôm nay Lục Oanh không chọn ra bộ áo váy này, ta đã quên mất bản thân mình từng mặc những màu sắc diễm lệ phô trương như vậy…

Nghĩ đến đây, ta chau mày, cúi đầu nhìn Lục Oanh đang khom người, vẫn điềm nhiên như không chỉnh lại vạt áo, nói với cô bé: “Bộ váy áo này không được lắm, hay là đổi bộ khác đi.”

Lục Oanh không ngẩng đầu lên nói: “Không được chỗ nào? Tiểu thư chê chất vải không tốt? Thợ may không khéo? Hay kiểu dánh không đẹp?” Chỉ mỗi màu sắc là không nhắc tới.

Thấy cô bé như vậy, ta cũng không nói thêm gì được nữa, đành cầm cổ tay áo giơ ra trước mặt nó, cố bới lông tìm vết: “Ngươi xem, chất vải này hơi sần sùi.”

Lục Oanh trợn mắt liếc qua: “Lục Oanh vụng về, không nhìn thấy.”

Ta lại chìa tay áo ra chỗ sáng, nói với cô bé: “Ngươi đứng dậy soi kỹ dưới ánh sáng xem nào, chỗ này không phải đã sủi lông rồi sao?…”

Còn chưa nói hết, đã bị Lục Oanh ngắt lời, nha đầu này vươn tay ra thô lỗ giật cổ tay áo ta thả xuống: “Tiểu thư, người thật sự không biết hay giả vờ không biết?”

Bạn đang đọc truyện full miễn phí tại Truyện Hay Ho chấm Com

Ta ngẩn ra, nghe nó lắc đầu ca thán, rồi đổi sang giọng đầy căm phận: “Hôm nay trong tủ chỉ có bộ này thôi, tiểu thư nhất định phải mặc nó, không muốn mặc cũng phải mặc!” Không biết nó kiếm đâu ra khí thế ngang ngược dữ tợn đó, có phần hơi giống mấy tên thổ phỉ cướp đoạt dân nữ, ta hơi chững lại, cho rằng mấy lời này với câu “Hôm nay ngươi phải thuận theo ta, không thuận theo cũng phải theo!” thực sự có vài phần hiệu quả giống nhau đến kì diệu, bỗng cảm thấy dở khóc dở cười, bèn không tranh cãi với cô bé nữa, cứ mặc nó muốn làm gì thì làm.

“Diệu Diệu Diệu Diệu nàng đẹp nhất, dáng vẻ xinh xắn tính tình tốt đẹp, còn có đôi mắt phượng câu hồn đoạt phách!”

Lại nữa… Ta vỗ vỗ trán, chỉ cảm thấy nhức đầu không thôi. Nhưng con vẹt kia cứ nhảy tới nhảy lui trên giá treo, vui mừng thích thú rung đùi đắc ý: “Tăng kinh diệu diệu nan vi thủy, trừ khước diệu diệu bất thị vân! Diệu trụ dương châu đầu ngã trụ dương châu vĩ, nhật nhật tư diệu bất kiến diệu, cộng dưỡng nhất chích điểu! Vi diệu tiêu đắc nhân tiều tụy, y đái tiệm khoan chung bất hối! Y đái tiệm khoan chung bất hối! Y đái tiệm khoan chung bất hối!” [1]

“Mau, cho nó chút thức ăn chặn miệng lại.” Ta vội vàng phất tay, bảo Lục Oanh cho chim ăn. Con vẹt này không biết được cao nhân tái ngoại nào huấn luyện, mà mỗi lần đói bụng liền bắt đầu đọc xiên đọc xẹo mấy câu thơ có đầu mà không có đuôi, cuối cùng còn luôn lặp đi lặp lại câu “y đái tiệm khoan chung bất hối” khiến người ta choáng đầu hoa mắt, chỉ đến khi ăn thức ăn tươi ngon nó mới tạm thời yên tĩnh trong chốc lát. Hôm nay có lẽ người trong nhà vội vội vàng vàng chuẩn bị tham dự hôn lễ Bùi đại nhân đã quên cho nó ăn, làm cho vị đại gia này “tiêu đắc nhân tiều tụy”, được cho ăn rồi mà vẫn còn lải nhải đi lải nhải lại mấy lời u oán “y đái tiệm khoan chung bất hối”. Cho tới khi lòng ta nảy sinh tội nghiệt, muốn nướng nó lên cho bánh trôi bồi bổ thân thể.

Lục Oanh vừa cho nó uống nước vừa nói: “Tiểu thư, mấy năm nay Lục Oanh nhìn tận mắt nhớ trong tim, có quá phận nói những lời không nên nói… Tam công tử thực sự rất tốt.”

Ta hơi chững lại, không nhìn nó, quay người bước sang sương phòng bên cạnh xem bà vú chuẩn bị cho bánh trôi đến đâu rồi.

Vừa đẩy cửa bước vào, ta thấy bánh trôi trắng trẻo mịn màng như cục bột trong bộ quần áo đỏ tươi ngồi dựa vào mép giường, chỉ thiếu ôm trong lòng đuôi là cá chép, là có thể lên tranh tết rồi. Ta không kìm được mà thầm khen ngợi con mắt bà vú. Bánh trôi ngẩng đầu lên thấy ta lập tức toét miệng cười, từ trên mép giường trượt xuống: “Mẫu thân.”

Ta ngồi xổm xuống xoa đầu nó, vừa kéo vạt áo nó, vừa kiểm tra từng cái cúc áo, chần chờ hồi lâu, mới hỏi nó: “Tiêu Nhi có đau bụng không?”

Bánh trôi chớp chớp mắt, nói bi bô: “Không đau.”

“Răng có đau không?” Ta lại sờ lên khuôn mặt bụ bẫm đáng yêu.

“Không đau.” Bánh trôi lắc lắc đầu.

“Còn ngón tay thì sao? Ngón tay có đau không?” Ta vẫn kiên trì hỏi.

“Không đau.” Bánh trôi mở to đôi mắt đen lay láy nhìn ta chăm chăm, ta thở dài thất vọng, đành phải cầm lấy bàn tay bé xinh dắt nó đi ra ngoài. Ai ngờ vừa đi chưa được năm bước, bánh trôi bỗng dừng lại, túm lấy vạt áo ta, ra hiệu cho ta dừng lại, ta cúi người, nghe thấy bánh trôi nói nhỏ với giọng hơi giận dỗi: “Mẫu thân, Tiêu Nhi đau chân.”

Tảng đá đè nặng lòng ta rơi uỵch xuống, cúi người ôm bánh trôi, rồi dặn dò người hầu: “Tôn thiếu gia đau chân, mau đưa thiếu gia về phòng nghỉ ngơi, bảo bà vú chăm sóc cẩn thận.” Người hầu nhận lệnh ôm bánh trôi trở về phòng. Ta sửa sang lại vạt áo rồi cùng người nhà ngồi kiệu đi thẳng đến Bùi gia dự tiệc.

Được thái hậu tứ hôn đương nhiên phải xa hoa phô trương rồi. Màu đỏ chói lọi trải dài mười dặm trên phố đến cửa Bùi phủ, khánh khứa đầy nhà, kẻ hầu người hạ ra ra vào vào, bận tối mắt tối mũi, song thân Bùi gia tự mình đứng ngoài cửa lớn đón khách, nét mặt tươi vui hớn hở, khi vừa thấy người nhà Thẩm gia chúng ta tới, nét mặt bỗng có chút xấu hổ, không biết nên nói thế nào, ngược lại cha ta rất tự nhiên thoái mải chúc mừng bọn họ. Cha mẹ Bùi Diễn Trinh cầm lấy tay ta hồi lâu, cuối cùng than nhẹ một tiếng, hỏi: “Sao không thấy Tiêu Nhi?”

“Tiêu Nhi bị đau chân, con sợ là nó bị sái chân, nên bảo nó ở nhà nghỉ ngơi rồi.” Ta khép mi cụp mắt đáp lời.

Lão nhân gia bỗng nôn nóng: “Có nghiêm trọng không? Trong nhà có sẵn bài thuốc giảm đau, lát nữa ta bảo người bốc thuốc đưa sang.”

“Không nghiêm trọng, có lẽ nghỉ ngơi một đêm, ngày mai sẽ không còn gì đáng ngại.” Ta trấn an bà.

Lúc này nét mặt lão nhân gia mới tươi tỉnh, thấy cha ta và di nương bảo ta mau qua chỗ họ mới buông tay ta ra, ta xoay người, nghe thấy bà thở dài sau lưng ta: “Diệu Nhi, con đừng oán Diễn Trinh, nó có bất đắc dĩ của nó…”

Ta khẽ trả lời “Không oán.” chân liên tục bước vào trong nhà. Dọc đường đi, mẫu đơn mãn đình vẫn hương xưa, gạt mây khoác tuyết chấm tử sa[2], khiến ta dừng chân ngắm nhìn, cố tìm xem những đóa hoa này có khác gì so với năm năm trước, ánh vào mắt vẫn là cảnh xuân tươi sáng đọng lại trên những cánh hoa năm này qua tháng nọ, ứng với câu “Năm qua năm lại hoa vẫn thế”, nghĩ tới đây, ta không kìm được cười khẽ.

Sao ta lại không hiểu chứ? Ai cũng có bất đắc dĩ của riêng họ, chỉ mình ta không có bất đắc dĩ mà thôi.

Bên trong sảnh đường, sắc đỏ chói lọi đâm vào mắt, quả thật là một đêm dài chưa tàn, ánh sáng đình liệu[3], nàng Khương duyên dáng, tiếng chuông sang sảng. Ta đi tìm cha, kiếm một góc khuất yên tĩnh phía sau ông ngồi xuống, lắng nghe mọi người chung quanh bất kể quen thân đều tiếp chuyện với phụ thân ta, nhưng không nhắc tới chuyện đã qua, chỉ coi cha ta cũng như một khán giả. Cha ta cũng vui vẻ đáp lại.

Ta ngẩng đầu nhìn chữ “Hỉ” đỏ thẫm dán đầu sảnh, lại cúi đầu nhìn tấm thảm đỏ thắm trải dài trên đất, nghe những tiếng chiêng tiếng trống ầm ĩ vọng vào từ ngoài cửa, nghĩ tới son môi đỏ thắm của tiểu cữu mẫu ngày mai, cổ họng lại trào dâng cảm giác đau đớn nghèn nghẹn. Ta thầm than thở, đại phu thời nay càng ngày càng vô dụng, đã uống không biết bao nhiêu thuốc, mà vẫn không thấy chút chuyển biến nào cả, bã thuốc còn lại sau khi sắc đổ đi từng sọt từng sọt, người không biết còn cho rẳng Thẩm gia chúng ta có người bệnh đến giai đoạn cuối, nếu mà biết được nguyên nhân chỉ do cái xương cá trích kẹt trong họng cả tháng, chẳng phải sẽ thành trò cười cho cả thiên hạ hay sao.

Không biết lúc này bánh trôi ở nhà thế nào rồi, nghĩ như vậy ta bỗng hoảng hốt, trong lòng thấp thỏm không yên bèn đứng dậy. Sau đó có những ai tới, nói những câu gì, ta đều không rõ không hay.

Mãi cho tới khi nghe thấy một giọng nói lanh lảnh kéo dài lặp đi lặp lại mấy lần “Tân nhân nhất bái thiên địa…!” mới kéo thần trí ta quay về.

Vừa ngẩng đầu, lập tức nhìn thấy song thân Bùi gia sắc mặt trắng bệch, vị công công chủ trì nghi thức vẻ mặt nôn nóng, tân nương tử trùm khăn đỏ khom người bái thiên địa đã đứng dậy, tân lang cầm một đầu tấm lụa đỏ vẫn thẳng người như cũ, không có nửa dấu hiệu cho thấy sẽ chuẩn bị khom lưng.

Ta ngẩn ngơ nhìn cổ tay trắng mịn của tân lang nâng lên, tấm lụa đỏ trong tay chầm chậm rơi xuống đất, còn y ôm quyền khom người trước tân nương, nói sang sảng: “Tần tiểu thư, Bùi mỗ hôm nay e là có lỗi với tiểu thư. Đám cưới này, bất luận thế nào cũng không thành mà cũng không thể thành!”

Có một người đứng ở đầu kia sảnh đường cách xa tấm thảm đỏ bỗng đứng phắt dậy, trong mắt ngập tràn kinh ngạc. Chính là Tống Tịch Viễn chẳng biết đã bước vào từ lúc nào.

Trong phút chốc, cả sảnh đường đều tĩnh lặng.

Bên dưới tấm khăn đó truyền ra hai chữ: “Vì sao?” Nghe không ra nét bi thương, dường như còn ẩn chứa mấy phần vui mừng khó hiểu.

Bùi Diễn Trinh thẳng người, đôi mắt trong veo như giọt sương sớm mai nhìn thẳng vào ta, lòng ta khẽ nảy lên, nghe thấy y nói chầm chậm: “Trong thành Dương Châu, từ ông lão bà lão già cả, cho tới thanh niên búi tóc thiếu nữ cập kê, đều biết trong lòng Bùi Diễn Trinh chỉ có một người. Tuy lễ pháp không dung thứ, cũng không thể cưỡng cầu, nhưng những điều ta cầu không nhiều lắm, chỉ cần có thể ngắm nàng từ xa, thi thoảng nghe nàng nói chuyện, cuộc đời này đã đủ yên lòng rồi. Nếu đám cưới hôm nay mà thành, e là ngay cả một phần si niệm ngắm bóng trăng tròn qua mặt nước cũng không thể giữ được…”

Vị chủ hôn đến từ hoàng cung vẫn không chút biểu cảm nào, cất cao giọng the thé hỏi: “Bùi đại nhân, kháng chỉ là tội chém đầu, ngài biết chứ?”

Bùi Diễn Trinh bật cười, giữa tầng tầng lớp lớp đỏ tươi, nói từng chữ từng chữ: “Tâm niệm nếu như đã đứt, biết lấy gì để sống đây?’

Sống mũi ta cay cay, xương cá mắc kẹt nơi cổ họng không cần lấy ra đã tự tiêu biến, có một giọt nước mát lạnh lướt dọc trên mặt ta, rơi xuống thảm đỏ, biến mất không thấy đâu….

~~~~~o0o~~~~~

Chú thích

[1] Tăng kinh diệu diệu nan vi thủy, trừ khước diệu diệu bất thị vân! => Nhái từ câu: Tằng kinh thương hải nan vi thủy, trừ khước Vu Sơn bất thị vân (Nghĩa là: Ai từng ngắm biển xanh, khó còn gì đáng gọi là nước. Trừ phi đã đến Vu Sơn rồi, nếu không coi như chưa nhìn thấy mây) Ý là gặp Diệu Diệu rồi thì không thấy ai sánh bằng nàng, chỉ thấy nàng đẹp nhất.

Diệu trụ dương châu đầu ngã trụ dương châu vĩ, nhật nhật tư diệu bất kiến diệu, cộng dưỡng nhất chích điểu! => Nàng ở đầu Dương Châu ta ở cuối Dương Châu (kiểu anh ở đầu sông em cuối sông :))), ngày ngày nhung nhớ mà không được gặp, cùng nhau nuôi một con chim.

Vi diệu tiêu đắc nhân tiều tụy, y đái tiệm khoan chung bất hối!=> Vì nàng mà tiều tụy, hao gầy cũng không hối hận (y đái tiệm khoan chung bất hối nghĩa là đai áo rộng thùng thình cũng không hối hận).

[2] Tử sa: Một loại đất sét, có nhiều ở Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô. Đất rất mịn, hàm lượng sắt cao, sau khi nung có màu nâu đỏ, tím đen. Chủ yếu dùng làm đồ trà.

[3] Đình liệu: Thời xưa có việc quan trọng thì đêm đốt củi để soi sáng gọi là đình liệu.

 

——oOo——

 

 

Mẹo: Bạn có thể sử dụng trái, phải, A và D bàn phím để duyệt giữa các chương.
Chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!
Hãy ủng hộ TruyenHayHo bằng cách đánh giá truyện và chia sẻ link nhé!